Cuộc đời của “vua dầu mỏ” John D. Rockefeller, Sr. được ghi dấu đặc biệt bằng sự im lặng, bí ẩn và trốn tránh. Dù là chủ của một doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện lớn nhất trong thời đại của mình, ông vẫn là một nhân vật khó hiểu.
Là bậc thầy cải trang, ông đã dành cả đời để che đậy nhiều tính cách khác nhau dưới các lớp vỏ bí hiểm khó xác thực.
Chính vì vậy, bức chân dung về ông trong tổng hòa lịch sử nước Mỹ là một chuỗi hình ảnh rời rạc, từ nhà sáng lập tham lam của Standard Oil – đầy tài năng nhưng vô cảm, cho tới một cụ già héo hon phân phát những đồng 10 xu và những bài phát biểu thu sẵn trước máy quay phóng sự.
Thật khó để lắp những mảnh ghép rời rạc về nhân vật này thành một bức tranh trọn vẹn.
Điều này không phải do thiếu cố gắng. Từ đầu thế kỷ XX, Rockefeller là công dân Mỹ được đưa vào các áng văn xuôi nhiều nhất, với tỷ lệ gần như mỗi năm lại có một cuốn sách viết về ông ra đời. Là người nổi tiếng nhất nước Mỹ thời bấy giờ, những phát ngôn và hành động của ông được ghi chép và phân tích tỉ mỉ trên các mặt báo.
Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim – là tâm điểm của công chúng, ông vẫn là một ẩn số khiến người ta phát điên, bởi ông dành phần lớn cuộc đời ở đằng sau những bức tường trong điền trang và những tấm kính mờ bao quanh văn phòng.
Có vẻ như Rockefeller thường xuyên mất tích khỏi những trang tiểu sử về chính mình, chỉ lướt qua chúng như một nhân vật kỳ bí
Đối với các nhà báo điều tra như Henry Demarest Lloyd và Ida Tarbell, ông là bức phác họa phản ánh tờ-rớt* Standard Oil, qua đó tính cách của ông chìm ngập trong những âm mưu diễn ra trong đó.
Thậm chí, trong cuốn tiểu sử gồm hai tập của Allan Nevins, người đã cố gắng minh oan cho danh tiếng của Rockefeller, Rockefeller vẫn biến mất ở những trang sách tại thời điểm giữa vòng xoáy chỉ trích và buộc tội.
Sự chú ý dành cho những hành vi cướp bóc của Standard Oil có xu hướng làm lu mờ mọi thứ khác về cuộc đời của Rockefeller. H. G. Wells** đã lên tiếng bảo vệ cách tiếp cận tiểu sử này: “Cuộc đời của Rockefeller gắn liền với lịch sử của tờ-rớt; ông ấy đã tạo ra nó, và nó cũng làm nên con người ông ấy… vì vậy, ngoại trừ câu chuyện về nó, chúng ta gần như không cần đi sâu vào đời sống cá nhân của ông ấy theo thứ tự thời gian.”
Vì thế, chắc chắn rằng những người viết tiểu sử đã quá bám sát quan điểm lỗi thời đó đến nỗi chúng ta vẫn thiếu những ghi chép về nhà công nghiệp hàng đầu của thế kỷ XIX này để khám phá nội tâm chất chứa cũng như hành vi thể hiện ra bên ngoài của ông và dùng chúng làm tư liệu để vẽ nên bức chân dung hoàn chỉnh.
Rất nhiều cuốn tiểu sử lấy cảm hứng từ Rockefeller bị giảm giá trị vì sự lặp lại cứng nhắc. Nhìn chung, bất luận quan điểm chính trị của chúng là gì, chúng đã tuân theo niên đại giống nhau, bao quát những tranh cãi tương đồng về các phương pháp kinh doanh của ông, làm mới lại những giai thoại cũ giống nhau.
Độc giả có cảm giác như được xem một vở kịch nhiều lần, chỉ khác là ngồi ở các vị trí khác nhau trong nhà hát. Cảm giác ấy phần nào xuất phát từ quan niệm đang thay đổi về tiểu sử của chúng ta.
Ngoại trừ cuốn John D., một tập sách mỏng do David Freeman Hawke công bố vào năm 1980, các cuốn tiểu sử về Rockefeller đều được xuất bản vào nửa đầu thế kỷ XX và tiết lộ sự dè dặt thời Victoria* về những vấn đề cá nhân. Bất chấp khả năng khắc họa khía cạnh kinh doanh đầy ấn tượng, những tác phẩm này vẫn để lộ chút tò mò “hậu” Freud.
Ví dụ, chúng chỉ đề cập thoáng qua đến câu chuyện về cha của Rockefeller, một người đàn ông có hai vợ và bán dầu rắn, được cho là đã nhào nặn lên cuộc đời con trai mình. Ngay cả người có suy nghĩ thấu đáo như Nevins cũng ít quan tâm đến cuộc hôn nhân của Rockefeller và ba người con gái của ông.
Ngày nay, những mối quan tâm tới nữ quyền đã dẫn đến sự ra đời của hai cuốn sách – Abby Aldrich Rockefeller của Bernice Kert và The Rockefeller Women (tạm dịch: Những phụ nữ nhà Rockefeller) của Clarice Stasz – bắt đầu hé lộ nhiều chi tiết về gia đình kín đáo này.
Cuộc sống xã hội của Rockefeller bên ngoài văn phòng – bạn bè, sở thích, thể thao… – đã hoàn toàn bị xem nhẹ. Những vấn đề khác cần điều tra cặn kẽ bao gồm quan điểm chính trị và học thuyết về tờ-rớt của Rockefeller, thái độ của ông đối với quan hệ công chúng, cách ông quản lý các khoản đầu tư bên ngoài Standard Oil, tiền thừa kế cho con cái và những tham vọng thống trị, niềm đam mê bền bỉ với y học cũng như những dấu ấn mà ông để lại thông qua vô số tổ chức từ thiện do chính ông tài trợ.
Người ta cũng ít tò mò về quãng thời gian 40 năm nghỉ hưu của ông, và một số người viết tiểu sử cũng hoàn toàn bỏ qua bốn thập kỷ ấy. Tuy nhiên, trong gần nửa thế kỷ đó, John D. Rockefeller, Jr. đã bảo tồn và phát huy triệt để di sản của cha mình, một chủ đề trọng tâm trong tác phẩm của tôi.
Khi nhà xuất bản Random House đề nghị tôi viết cuốn tiểu sử đầy đủ đầu tiên về Rockefeller kể từ cuốn sách của Allan Nevins hồi thập niên 1950, tôi đã thực sự ngần ngại, với suy nghĩ rằng chủ đề này đã được khai thác bởi quá nhiều nhà văn háo hức lợi dụng danh tiếng của ông. Làm sao tôi có thể viết về một nhân vật luôn ẩn sau màn sương bí ẩn như thế?
Theo các tài liệu hiện có, con người ông phản ánh bức chân dung đối lập, là một người máy hoàn hảo không tì vết ở thái cực này, nhưng lại là lưỡi máy chém ở thái cực kia. Tôi không thể khẳng định chắc chắn ông là một kẻ giả dối, đội tiền bạc lên đầu, hay là một người sâu sắc với tài năng xuất chúng nhưng luôn điềm tĩnh đến lạ kỳ.
Nếu vế trước đúng, tôi sẽ khéo léo từ chối; nhưng trong trường hợp vế sau đúng, thì tôi sẽ thực sự bị hấp dẫn.
Để giải quyết vấn đề này, tôi đã dành một ngày ở Trung tâm Lưu trữ Rockefeller tại Sleepy Hollow (New York), nơi lưu giữ hàng triệu tài liệu về gia đình ông.
Khi tôi chia sẻ với những người quản lý ở đó về các mối nghi ngại của bản thân và giải thích rằng mình không thể viết về Rockefeller nếu không nghe được tiếng lòng của ông – “vũ điệu tâm trí”, như tôi đã nói – họ đã cho tôi xem bản ghi chép cuộc phỏng vấn riêng được tiến hành với Rockefeller trong giai đoạn 1917-1920.
Tác giả thực hiện là William O. Inglis, một nhà báo đến từ New York, người đã hỏi Rockefeller trong cuốn tiểu sử được ủy quyền chưa từng được công bố. Tôi đã vô cùng kinh ngạc khi mải mê nghiên cứu nguyên bản ghi chép dài 1.700 trang này: Rockefeller, vốn được khắc họa là một người kiệm lời và tẻ nhạt, hóa ra lại có óc phân tích, tư duy mạch lạc và tính tình sôi nổi; ông thậm chí còn có phần hóm hỉnh, đặc trưng của con người vùng Trung Tây.
Tôi chưa từng bắt gặp một người như vậy trong bất cứ cuốn tiểu sử nào. Khi trở về nhà, tôi nói với Ann Godoff, biên tập viên của tôi ở nhà xuất bản Random House, rằng giờ đây, tôi đang rất nóng lòng thực hiện cuốn sách.
Nghiền ngẫm những ghi chép đồ sộ về Rockefeller hệt như khai quật một lục địa đã biến mất. Tuy nhiên, dù được tiếp cận lượng tài liệu khổng lồ ấy, ngay từ khi bắt tay vào nghiên cứu, tôi đã cảm thấy có chút nản chí với ý nghĩ rằng giờ đây tôi sẽ phải đối diện với một người khó hiểu.
Rockefeller đã tự rèn thói quen biểu lộ càng ít càng tốt, ngay cả trong những bức thư riêng, ông cũng viết như thể một ngày nào đó, chúng có thể bị rơi vào tay của một công tố viên. Với bản năng kín kẽ, ông rất giỏi sử dụng những uyển ngữ lạ và những cụm từ tỉnh lược.
Vì lý do này, 20.000 trang thư mà Rockefeller nhận được từ các đối tác kinh doanh trực tính được coi là di sản của một giai đoạn lịch sử. Được viết vào đầu năm 1877, bảy năm sau khi Standard Oil được thành lập, chúng cung cấp bức chân dung sinh động về những giao dịch phức tạp của công ty này với các nhà sản xuất dầu, lọc dầu, vận chuyển, các nhà marketing, cũng như những người đứng đầu lĩnh vực đường sắt, giám đốc ngân hàng và các ông trùm chính trị.
Bức tranh toàn cảnh về sự tham lam và thủ đoạn này chắc chắn sẽ khiến những nhà nghiên cứu thành kiến nhất của Thời Đại Vàng phải giật mình. Tôi cũng may mắn được tiếp cận nguồn tài liệu nghiên cứu hoàn chỉnh của năm người đi trước đầy xuất chúng.
Tôi không ngừng tìm kiếm các bài viết của Ida Tarbell thuộc bảo tàng Drake Well ở Titusville (Pennsylvania), của Henry Demarest Lloyd thuộc Hội Sử học Tiểu bang Wisconsin và của Allan Nevins thuộc Đại học Columbia, bên cạnh những công trình của William O. Inglis và Raymond B. Fosdick – tác giả cuốn tiểu sử chính thức về John D. Rockefeller, Jr. tại Trung tâm Lưu trữ Rockefeller.
Những bộ sưu tập này bao gồm vô vàn các cuộc phỏng vấn thời bấy giờ và những nguồn tài liệu khác vốn chỉ được các tác giả sử dụng một phần.
Giống như nhiều ông trùm của Thời Đại Vàng, Rockefeller vừa được những người viết tiểu sử ủng hộ mình tôn vinh hết mực, vừa bị các nhà phê bình phỉ báng đầy cay độc vì chẳng thấy điểm đúng đắn nào ở ông. Sự phiến diện này đặc biệt có tác động tiêu cực trong trường hợp của Rockefeller, một con người mà thiên thần và ác quỷ tồn tại chung dưới một hình hài.
Tôi cũng cố gắng mày mò tìm hiểu trong khoảng không gian rộng lớn giữa những cuộc tranh luận và biện giải tôn giáo, được thúc đẩy bởi niềm tin rằng cuộc đời của Rockefeller cũng chỉ là một “mẩu thiên thạch” trong đó, và rằng một Rockefeller tôn thờ Kinh Thánh, với sự ngoan đạo không chỉ đơn giản là tấm áo “cà sa” khoác lên người một tên đạo chích. Khía cạnh tôn giáo và tham lam trong bản chất con người ông có liên quan mật thiết với nhau.
Vì lẽ đó, tôi từng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa Baptist Phúc Âm là chìa khóa quan trọng để mở ra nhiều bí ẩn trong cuộc đời ông. Những ai muốn thấy Rockefeller hóa quỷ hay hiển thánh trong những trang viết này sẽ phải thất vọng.
Đây có vẻ là thời điểm tốt để hồi sinh linh hồn của Rockefeller. Cùng sự sụp đổ của các rào cản thương mại và sự lên ngôi của nền kinh tế thị trường tự do, thế giới ngày nay được thống nhất bởi một thị trường toàn cầu có thể tiếp cận 5 tỷ người, với rất nhiều quốc gia mới nổi lên từ chủ nghĩa Marx hay hệ thống thuyết trọng thương và mang trong mình những âm hưởng đầu tiên của chủ nghĩa tư bản.
Câu chuyện về John D. Rockefeller sẽ đưa chúng ta trở về thời điểm khi chủ nghĩa tư bản công nghiệp vẫn còn nguyên sơ và mới lạ ở Mỹ, khi những quy tắc tham gia cuộc chơi vẫn “bất thành văn”.
Hơn bất cứ ai, Rockefeller là hiện thân của cuộc cách mạng tư bản sau Nội Chiến và từng làm biến đổi cuộc sống của người Mỹ. Ông là hình mẫu tiêu biểu của sự cần kiệm, tự lực, chăm chỉ và dấn thân không mệt mỏi.
Tuy nhiên, là người coi thường cả Chính phủ và chà đạp thô bạo những đối thủ cạnh tranh, ông cũng là hiện thân của vô vàn những việc xấu xa nhất. Vì lẽ đó, sự nghiệp của ông đã trở thành tâm điểm cho các cuộc tranh luận về vai trò xác đáng của Chính phủ trong nền kinh tế vẫn kéo dài cho đến ngày nay.
Tác giả Ron Chernow
Bài viết được trích lược từ cuốn sách Titan – Gia tộc Rockefeller do Alpha Books chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam
John D. Rockefeller (1839 – 1937) là một ông trùm kinh doanh và nhà từ thiện người Mỹ. Ông được nhiều người coi là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại, và người giàu nhất trong lịch sử hiện đại.
Với tư cách là người sáng lập Standard Oil, ông đã tạo ra khối tài sản ròng có trị giá tương đương 340 tỷ USD so với giá trị ngày nay. Nếu không vấp phải những sự ngăn cản từ các đạo luật chống độc quyền dầu mỏ, con số này thậm chí có thể còn tăng trưởng nhiều hơn nữa.
Rockefeller sinh ra trong một gia đình đông con ở ngoại ô New York, họ đã chuyển đi nhiều lần trước khi định cư ở Cleveland, Ohio. Ông trở thành trợ lý kế toán năm 16 tuổi và bắt đầu có nhiều quan hệ đối tác kinh doanh từ năm 20 tuổi, tập trung kinh doanh vào lĩnh vực lọc hóa dầu. Rockefeller thành lập Standard Oil vào năm 1870. Ông điều hành nó cho đến năm 1897, và vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty.
Sự giàu có của Rockefeller tăng vọt khi dầu hỏa và xăng dầu ngày càng trở nên quan trọng, từ đó ông trở thành người giàu nhất đất nước, kiểm soát 90% tổng lượng dầu ở Hoa Kỳ vào thời kỳ đỉnh cao.
Dầu mỏ đã được sử dụng trên khắp đất nước như một nguyên liệu thắp sáng cho đến khi có điện, và làm nhiên liệu sau khi phát minh ra ô tô.
Hơn nữa, Rockefeller đã có được ảnh hưởng to lớn đối với ngành đường sắt chuyên vận chuyển dầu của ông đi khắp đất nước. Standard Oil là sự tin tưởng kinh doanh lớn đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Rockefeller đã cách mạng hóa ngành dầu khí và thông qua các đổi mới công nghệ và công ty, công cụ giúp phổ biến rộng rãi và giảm đáng kể chi phí sản xuất dầu. Công ty và hoạt động kinh doanh của ông bị chỉ trích, đặc biệt là trong các bài viết của tác giả Ida Tarbell.
Xem thêm bài liên quan
- Ly kỳ cuộc đời “bí ẩn, lặng im và trốn tránh” của John D. Rockefeller – Nhà tài phiệt kiến tạo nên nước Mỹ
- Cuộc đời “bí ẩn, lặng im và trốn tránh” của John D. Rockefeller – Nhà tài phiệt kiến tạo nên nước Mỹ
- Cuộc đời “im lặng, bí ẩn và trốn tránh” của John D. Rockefeller – Nhà kiến tạo quốc gia của nước Mỹ