Tân chủ tịch Alibaba Joseph Tsai từng là cánh tay phải của tỷ phú Jack Ma nhờ vốn kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực luật, tài chính. Ông cũng được nhận xét khôn khéo hơn nhiều ông Ma.
Bloomberg đưa tin Alibaba Group Holding vừa công bố chủ tịch và giám đốc điều hành mới, thay thế ông Daniel Zhang. Theo đó, ông Joseph Tsai – người từng giữ vị trí Phó chủ tịch điều hành tập đoàn – sẽ trở thành Chủ tịch.
Ông Tsai là một trong những người cùng tỷ phú Jack Ma sáng lập Alibaba vào năm 1999.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc thay đổi đáng kể trong hơn 2 năm qua, sau khi tỷ phú Jack Ma – doanh nhân từng nổi tiếng nhất Trung Quốc – công khai chỉ trích hệ thống ngân hàng của nước này. Ông Ma giờ hiếm khi xuất hiện trước công chúng và đã dần từ bỏ quyền lực tại các đế chế kinh doanh của mình.
Trong khi đó, nói với New York Post, ông Peter Navarro – tác giả cuốn Death By China: Confronting the Dragon – từng khẳng định ông Tsai “rất khôn ngoan, thậm chí còn hơn của ông Ma”.
Ông cho rằng ông Tsai đã nhận ra nhiều điều mà ông Ma không thể.
Cánh tay phải của Jack Ma
Ông Tsai sinh ra ở Đài Loan, được học tập tại Mỹ, hiện đã lấy quốc tịch Hong Kong và Canada. Vào thời điểm chính quyền Bắc Kinh siết chặt gọng kìm với các công ty công nghệ Trung Quốc, ông tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng cách mua bất động sản ở nước ngoài.
Theo nguồn tin của New York Post, ông Tsai sống tại Hong Kong và thường xuyên đến thăm vợ và 3 con ở Mỹ. Ông gặp vợ, bà Clara vào năm 1993 khi còn đang làm việc tại công ty luật Sullivan & Cromwell.
Thời điểm đó, bà Clara giữ vị trí quản lý cấp cao kiêm phó chủ tịch tại American Express. “Công việc đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp trường luật là ở New York. Tôi cũng gặp vợ tôi tại đây. Nên với tôi, New York là quê hương thứ hai”, ông Tsai chia sẻ hồi năm 2019.
Đến năm 1999, cả hai chuyển đến Hong Kong. Tại đây, ông Tsai điều hành một công ty cổ phần tư nhân với mức lương 700.000 USD/năm.
Năm đó, một người bạn đã kết nối ông Tsai với ông Ma – một giáo viên về hưu đang ấp ủ ý tưởng đưa hàng trăm công ty Trung Quốc lên Internet, để họ có thể bán các sản phẩm ra thế giới.
Quá ấn tượng với tầm nhìn của ông Ma, ông Tsai nhanh chóng rời bỏ công việc đang làm. Ông thậm chí còn chấp nhận mức lương chỉ 50 USD/tháng từ ông Ma vào cuộc gặp đầu tiên của họ.
Nhưng dĩ nhiên, cả hai không thể nhanh chóng hòa hợp với nhau. Theo truyền thông, ông Tsai đã gặp ông Ma nhiều lần nhưng phải đến khi ông dẫn theo vợ mình, hai bên mới đạt được thỏa thuận.
Một số nguồn tin cho biết bà Clara được coi là “tài sản quý giá” của ông Tsai. Bà đã nhận bằng cử nhân chuyên ngành quan hệ quốc tế và bằng thạc sĩ về nghiên cứu chính sách quốc tế từ Stanford. Bà Clara còn có bằng MBA của Harvard.
“Ông Joe Tsai rất tài giỏi, nhưng vợ ông ấy luôn là người thông minh nhất trong một nhóm”, một người từng làm việc cùng cặp đôi tiết lộ.
Trong thời gian đồng hành cùng nhau, ông Tsai được coi là cánh tay phải của ông Ma. Ông chỉ đạo gần như mọi cuộc đàm phán huy động vốn thời kỳ đầu, và giữ vai trò quan trọng trong hàng chục thương vụ mua bán và sáp nhập của Alibaba, trong đó có thương vụ mua lại cổ phần của Alibaba từ Yahoo hồi năm 2012.
Theo Bloomberg, tỷ phú Jack Ma từng thừa nhận rằng ông chẳng biết gì về công nghệ hay các thương vụ, và gần như phải dựa hoàn toàn vào ông Tsai.
Ngay vào thời điểm sáng lập Alibaba, ông Tsai cũng là người duy nhất từng học tập tại phương Tây, hiểu về tài chính và luật pháp.
Theo dữ liệu của Forbes, ông Tsai đang nắm giữ khối tài sản trị giá 7,6 tỷ USD, giảm đáng kể từ mức 11,6 tỷ USD hồi năm 2021.
Diện mạo mới của Alibaba
Số phận của Alibaba đã thay đổi hoàn toàn kể từ cuối năm 2020. Tại hội nghị cấp cao tháng 10 năm đó, tỷ phú Jack Ma chỉ trích dữ dội hệ thống tài chính Trung Quốc và gọi các ngân hàng là “tiệm cầm đồ”, bởi nhà băng đòi tài sản thế chấp thay vì sử dụng dữ liệu và công cụ công nghệ cao để đánh giá rủi ro tín dụng.
“Sự đổi mới không sợ quy định, mà sợ quy định lỗi thời”, người đồng sáng lập Alibaba nhấn mạnh. Ông cho rằng Trung Quốc không nên “quản lý tương lai bằng phương pháp của ngày hôm qua”.
Theo sau đó là một loạt rắc rối. Tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group bị hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và bị buộc cải tổ. Alibaba chịu mức phạt kỷ lục, còn tỷ phú Ma gần như biến mất khỏi công chúng.
Mới đây, Alibaba đã công bố kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ công ty. Trọng tâm của quá trình tái cấu trúc này là chia tách đế chế trị giá 220 tỷ USD thành 6 công ty phụ trách các mảng kinh doanh riêng biệt, bao gồm thương mại điện tử, truyền thông và đám mây…
Trong đó, mỗi đơn vị sẽ lên kế hoạch huy động vốn hoặc IPO vào thời điểm thích hợp.
Trở lại với chủ tịch mới của Alibaba, một số chuyên gia chỉ ra ông Tsai luôn biết cách xuôi theo dòng nước.
“Thành thật mà nói, ông Tsai khôn ngoan hơn Jack Ma rất nhiều. Ông ủng hộ các chính sách của chính phủ Trung Quốc và hưởng lợi từ mối quan hệ thân thiết với chính phủ”, ông Craig Singleton, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ bảo vệ các nền dân chủ, bình luận.
“Ông ấy hiểu rõ tầm quan trọng của việc song hành cùng Bắc Kinh”, vị chuyên gia nói thêm.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Chuyện về người phụ nữ bị Jack Ma “lừa” suốt 14 năm để trở thành “nữ hoàng Logistic” và bài học đáng suy ngẫm: Đừng háo hức với những lợi ích nhanh chóng!
- Công thức thất bại để thành công của tỷ phú Jack Ma: 10 năm đi “sưu tầm thất bại” của người khác để học hỏi và tránh
- Hết thời tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, Jack Ma quay lại làm thầy giáo sau hơn 20 năm bỏ nghề