Sau nhiều thăng trầm tại Alibaba, Tỷ phú Jack Ma trở lại sự nghiệp làm thầy giáo tại Đại học Hong Kong sau hơn 20 năm bỏ nghề để khởi nghiệp và xây dựng Alibaba.
Đại học Hong Kong (HKU) cho biết Jack Ma được bổ nhiệm làm Giáo sư danh dự của Khoa Kinh doanh và Kinh tế vào ngày 1/4, với nhiệm kỳ ba năm, kết thúc vào tháng 3/2026.
SCMP dẫn nguồn tin thân cận cho biết nhà đồng sáng lập Alibaba sẽ tập trung vào việc tiến hành nghiên cứu về tài chính, nông nghiệp và đổi mới kinh doanh với các giảng viên của HKU.
“Chúng tôi vui mừng xác nhận ông Ma vinh dự nhận được lời mời từ HKU. Chúng tôi tin đây là cơ hội sử dụng hiệu quả kinh nghiệm và ý tưởng kinh doanh của ông ấy.
Sau một thời gian gián đoạn với ngành giáo dục, ông Ma mong muốn được trở lại cuộc sống sinh viên và cộng tác với các giảng viên, sinh viên HKU, đồng thời tập trung nghiên cứu về đổi mới giáo dục và kinh doanh”, Quỹ Jack Ma cho biết.
“Ông ấy từ lâu đã là người ủng hộ ngành giáo dục và luôn nhớ lại những năm tháng đẹp đẽ khi là một nhà giáo dục. Ông ấy hiện vẫn đam mê chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng kinh doanh với những người trẻ”, Quỹ Jack Ma cho biết thêm.
Người phát ngôn HKU cho biết Ma “là một doanh nhân thành đạt và có tầm nhìn xa trông rộng” và trường “bày tỏ lòng biết ơn với Ma vì đã nhận lời mời đảm nhận vị trí đặc biệt này của khoa”.
Trước khi sáng lập Tập đoàn Alibaba, Jack Ma dạy tiếng Anh tại Đại học Điện tử Hàng Châu. Việc Ma tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại HKU được kỳ vọng thổi làn gió mới cho ngành Kinh doanh của trường này.
HKU là ngôi trường chất lượng hàng đầu, được xếp hạng thứ 21 trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS năm 2023. Trong đó, Khoa Kinh doanh và Kinh tế của HKU xếp thứ 34 trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới của Times Higher Education.
Ma từng được HKU trao bằng Tiến sĩ danh dự về Khoa học xã hội năm 2018. “Khi bắt đầu kinh doanh, chúng tôi không có tiền, không có nguồn lực, không có gì cả. Điều duy nhất chúng tôi có là niềm tin vào tương lai và ước mơ. Chúng tôi đã phạm vô số sai lầm, nhưng đã làm đúng một điều là không bao giờ bỏ cuộc”, Ma nói khi được trao bằng tiến sĩ danh dự HKU, đồng thời cho biết thêm ông chưa bao giờ mơ ước lấy được bằng tiến sĩ.
Năm 2018, tỷ phú cũng được Đại học Tel Aviv của Israel bổ nhiệm làm Giáo sư danh dự về đổi mới và công nghệ. Theo một nguồn tin, gần đây Ma cũng được Đại học Tokyo phong tặng chức Giáo sư danh dự.
Ma tuyên bố rời vị trí Chủ tịch Alibaba và nghỉ hưu năm 2019. Từ đó, ông từ bỏ tất cả quyền lực tại Alibaba và giảm bớt quyền tại hãng công nghệ tài chính Ant Group. Ma – người có câu nói nổi tiếng rằng “thà chết trên bãi biển còn hơn ở bàn làm việc” – đã đi khắp thế giới năm qua để theo đuổi sở thích nông nghiệp xanh và sạch. Ông đã tới Châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Australia và Hong Kong trước khi trở lại Hàng Châu tháng trước.
Jack Ma là nhà từ thiện tích cực khi tài trợ cho các sáng kiến hỗ trợ cho giáo viên nông thôn tại Trung Quốc. Ma cũng nằm trong ban cố vấn của Trường Kinh tế và Quản lý của Đại học Thanh Hoa, vị trí ông đảm nhận từ năm 2013 cùng CEO Apple Tim Cook và nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ Jim Breyer.
Vừa về Trung Quốc, tỷ phú Jack Ma ngay lập tức chia tách đế chế 220 tỷ USD Alibaba thành 6 công ty nhỏ
Ngày 28/3, ngay sau khi chủ tịch Jack Ma trở về Trung Quốc, Tập đoàn Alibaba đã thông báo sẽ tự chia tách thành 6 đơn vị từ thương mại điện tử đến điện toán đám mây, trong đó, mỗi đơn vị sẽ có kế hoạch huy động vốn và IPO riêng.
Theo Bloomberg, Alibaba Group – gã khổng lồ công nghệ của tỷ phú Jack Ma – đang có kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ công ty. Trọng tâm của quá trình tái cấu trúc này là chia tách đế chế trị giá 220 tỷ USD thành 6 công ty phụ trách các mảng kinh doanh riêng biệt, bao gồm thương mại điện tử, truyền thông và đám mây…
Trong đó, mỗi đơn vị sẽ lên kế hoạch huy động vốn hoặc IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) vào thời điểm thích hợp.
Ông Daniel Zhang, Giám đốc điều hành của tập đoàn, chuyển sang phụ trách đơn vị trí tuệ nhân tạo trên điện toán đám mây. Điều này cho thấy trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của gã khổng lồ thương mại điện tử.
Trong khi đó, cựu Giám đốc bán lẻ quốc tế Jiang Fan sẽ dẫn dắt bộ phận kinh doanh kỹ thuật số, còn bà Trudy Dai – một giám đốc điều hành lâu năm – phụ trách đơn vị thương mại trực tuyến cốt lõi là Taobao Tmall.
Các đơn vị khác bao gồm giao đồ ăn, công ty hậu cần Cainiao, phương tiện kỹ thuật số và giải trí.
“Mỗi mảng kinh doanh và công ty có thể theo đuổi kế hoạch huy động vốn và IPO riêng khi sẵn sàng”, ông Zhang cho biết trong một tuyên bố.
Việc chia tách của Alibaba khác hoàn toàn so với cách làm từng được gã khổng lồ này ưa chuộng. Trước đây, tập đoàn thường gom mọi hoạt động kinh doanh về một chỗ, điều hành các hoạt động từ sàn thương mại tới trung tâm dữ liệu dưới danh nghĩa Alibaba.
Theo các nhà phân tích của Bloomberg, mô hình quản lý mới có thể là tín hiệu cho thấy đế chế trăm tỷ USD này đang muốn thu hút các nhà đầu tư và thị trường đại chúng, sau khi cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với lĩnh vực Internet đã thổi bay 500 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn.
“Ở tuổi 24, Alibaba đang chào đón một cơ hội phát triển mới. Thị trường sẽ là phép thử tốt nhất”, ông Zhang nhận định.
Thông tin về việc chia tách Alibaba được đưa ra trong bối cảnh Jack Ma – tỷ phú sáng lập tập đoàn – xuất hiện tại Trung Quốc sau hơn một năm ở nước ngoài. Giới quan sát nhận định đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã nới lỏng gọng kìm với lĩnh vực công nghệ của đất nước 1,4 tỷ dân.
Trước đó, ông Ma gần như biến mất khỏi công chúng trong vài năm qua. Với bài phát biểu tại hội nghị ở Thượng Hải hồi tháng 10/2020, tỷ phú Jack Ma – doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc thời điểm đó – gián tiếp đẩy thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của gã khổng lồ fintech Ant Group vào bế tắc.
Đến tháng 4/2021, Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc thông báo phạt Alibaba 18 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2,75 tỷ USD, vì vi phạm các quy định chống độc quyền. Theo Reuters, đây là mức phạt kỷ lục đối với một công ty Trung Quốc.
Ant Group hiện được cải tổ dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Trong khi đó, vị tỷ phú sáng lập Alibaba đang dần từ bỏ quyền kiểm soát gã khổng lồ fintech.
Giảng viên Xin Sun tại King’s College London cho rằng có lẽ đã có một vài thỏa thuận giữa ông Ma và Bắc Kinh để tỷ phú này xuất hiện trở lại.
Alibaba lãi ròng gần 7 tỷ USD trong quý cuối năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.
Việc chia tách diễn ra sau khi lợi nhuận của Alibaba vừa ghi nhận quý tăng trưởng đầu tiên kể từ năm 2020. Trong quý IV/2022, đế chế của tỷ phú Jack Ma lãi ròng 46,82 tỷ nhân dân tệ (6,8 tỷ USD), vượt xa ước tính 34,02 tỷ nhân dân tệ (4,94 tỷ USD) của Refinitiv và tăng 69% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tuy nhiên, một phần nguyên nhân giúp lợi nhuận của Alibaba tăng trưởng là việc cắt giảm chi phí. Tập đoàn từng chi tiêu mạnh tay để phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ trực tuyến và quốc tế của mình.
Công ty hiện tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận và không còn dồn lực cho cuộc chiến tranh giành thị phần với các đối thủ như JD.com và startup PDD Holdings.
Vẫn có một số dấu hiệu đáng ngại đối với đà tăng trưởng doanh thu của Alibaba. Doanh thu từ điện toán đám mây – vốn là một trong những mảng kinh doanh tăng trưởng nhanh nhất của tập đoàn – chỉ nhích 3%, lên 20,2 tỷ nhân dân tệ (2,94 tỷ USD). Còn hoạt động kinh doanh thương mại cốt lõi của Alibaba giảm 1% trong quý cuối năm ngoái.
Theo SMCP/Ngôi sao, Tổng hợp