Sau chuỗi tăng ấn tượng của cổ phiếu HPG, giá trị tài sản tính trên số cổ phần nắm giữ trực tiếp của chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã vượt qua khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tại Vingroup.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần này đã ghi nhận chuỗi hồi phục ấn tượng với chỉ số VN-Index tăng 14,16 điểm (1,3%) lên mốc 1.129,4 điểm, đánh dấu mốc cao nhất trong vòng 9 tháng đã qua.
Nhờ đà tăng ấn tượng này, khối tài sản của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán (tính trên lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp tại các doanh nghiệp) cũng gia tăng đáng kể.
Đáng chú ý, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận chuỗi tăng ấn tượng với 4 phiên tăng liên tiếp trong tuần. Theo đó, cổ phiếu này đã tăng 8,3% trong tuần gần nhất, đóng cửa ở 25.400 đồng/cổ phiếu. Đà tăng này cũng giúp HPG thiết lập đỉnh mới trong vòng 1 năm qua và đã tăng hơn gấp đôi so với đáy hồi tháng 11 năm ngoái.
Chuỗi thăng hoa của cổ phiếu HPG đã giúp tài sản của ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hòa Phát – tăng thêm 2.957 tỷ đồng trong tuần. Hiện ông Long sở hữu trực tiếp tới hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG. Tại giá đóng cửa cuối ngày 23/6, khối tài sản từ cổ phiếu của ông Long có giá trị trên 38.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, tuần này lại ghi nhận diễn biến kém tích cực của cổ phiếu VIC (Tập đoàn Vingroup) với xu hướng giảm gần 2,9%. Diễn biến này khiến giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm hơn 1.000 tỷ đồng, xuống mức 35.946 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính riêng giá trị tài sản căn cứ theo lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp tại các doanh nghiệp (không tính phần cổ phiếu nắm qua công ty liên quan và người thân), ông chủ Tập đoàn Hòa Phát đã vượt qua Chủ tịch Vingroup để trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu tính cả phần cổ phiếu các doanh nhân nắm giữ gián tiếp thông qua người thân và công ty liên quan, tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng vẫn đạt trên 108.000 tỷ đồng.

Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng thường xuyên giữ vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán với giá trị tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng nếu tính riêng lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ông Vượng đã phải sử dụng lượng lớn cổ phần để góp vốn thành lập công ty mới, do đó giá trị tài sản đã giảm đáng kể. Gần đây nhất, ông Vượng đã chuyển nhượng quyền sở hữu gần 50,8 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn vào CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM.


Sau khi chuyển đổi, lượng nắm giữ của ông Vượng giảm xuống còn hơn 690 triệu cổ phiếu VIC, chiếm 17,87% vốn Vingroup, đồng thời Công ty GSM sở hữu 1,31% vốn điều lệ Vingroup.
Cũng trong bảng xếp hạng người giàu sàn chứng khoán Việt, ông Đỗ Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Sunshine Homes, vẫn xếp vị trí thứ 3 dù 3/4 mã chứng khoán ông nắm giữ vừa trải qua tuần giao dịch đỏ lửa.
Cụ thể, duy nhất mã SCG (Tập đoàn Xây dựng SCG) tăng 2,19% trong tuần này, còn lại các mã KSF (KSF Group); KLB (Kienlongbank) và SSH (Sunshine Homes) đều lần lượt giảm 1,77%; 1,4% và 1,22%.
Trong khi đó, 7 vị trí còn lại thuộc về các doanh nhân nổi tiếng như Phó chủ tịch HĐQT HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo; bà Vũ Thị Hiền – vợ ông Trần Đình Long; bà Phạm Thu Hương, Phó chủ tịch Vingroup; Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cùng vợ là bà Hoàng Anh Minh và mẹ Vũ Thị Quyên; xếp thứ 10 là Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình.

Tỷ phú Trần Đình Long: Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua nhưng tốc độ phục hồi sẽ phụ thuộc nhiều vào cầu của thị trường.

Đây là chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra sáng 30/3.
Cụ thể, đánh giá về thị trường thép năm vừa qua, ông Long cho biết ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn, cũng là chu kỳ suy thoái chung của ngành thép.
“Tại đại hội năm ngoái tôi đã dự báo những khó khăn này rồi nhưng cũng không ngờ tình hình còn xấu hơn cả mình dự báo”, ông Long chia sẻ.
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, ông Long cho rằng cần nhìn nhận kết quả kinh doanh mà Hòa Phát đã đạt được là không tồi. Thậm chí, dưới một số góc độ thì kết quả kinh doanh của Hòa Phát được đánh giá tốt vì đã vững vàng vượt qua khó khăn và vẫn có lợi nhuận.
Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thép, cầu suy giảm khiến tồn kho tăng cao, Hòa Phát đã quyết định cắt giảm sản lượng, ngừng hoạt động 4/7 lò cao, gồm 2 lò cao ở Khu liên hợp Dung Quất và 2 lò cao ở Khu liên hợp Hải Dương.
Đến năm nay, khi thị trường có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Hòa Phát đã chạy lại 1 lò cao vào đầu tháng 1. Ông Long cho biết theo kế hoạch, đầu tháng 4, tập đoàn sẽ khởi chạy lại lò cao thứ 2 và 2 lò cao còn lại sẽ vận hành lại trong quý II. Ước tính, chi phí để vận hành lại 4 lò cao này cũng sẽ tiêu tốn của tập đoàn vài trăm tỷ đồng.

Liên quan kết quả kinh doanh quý I, Chủ tịch Hòa Phát cho biết hiện chưa có số liệu cụ thể về kết quả kinh doanh quý I. Trong tháng 1 và 2, Hòa Phát vẫn thua lỗ nhưng thấp hơn dự kiến, trong khi kết quả kinh doanh tháng 3 đã tích cực hơn.
Chủ tịch nhà sản xuất thép lớn nhất thị trường trong nước khẳng định giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua, triển vọng về dài hạn của ngành là tích cực. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục của ngành sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cầu thị trường. Hiện tại, cầu thị trường vẫn quá thấp, không chỉ ngành thép mà còn nhiều ngành khác.
Chiến lược với mảng bất động sản
Chia sẻ về hoạt động đầu tư bất động sản, tỷ phú Trần Đình Long cho biết Hòa Phát hiện đầu tư chính trong hai mảng là khu đô thị và khu công nghiệp, đây là hai mảng kinh doanh riêng biệt không liên quan đến nhau.
Tuy nhiên, quan điểm của ban lãnh đạo Hòa Phát vẫn là triển khai dự án chắc chắn, thông qua nghiên cứu, đề xuất dự án mới với các địa phương và hạn chế mở rộng quỹ đất thông qua mua bán, sáp nhập (M&A) thời điểm này.
Với bất động sản khu công nghiệp, Hòa Phát đã có 20 năm hoạt động và đang vận hành 4 khu công nghiệp. Ông Long cho biết tập đoàn đang đăng ký để đầu tư thêm 4-6 khu công nghiệp trong thời gian tới.
“Mảng kinh doanh này không mang lại quá nhiều lợi nhuận nhưng có tính ổn định, tỷ suất lợi nhuận cũng không quá cao nhưng không quá tồi, Hòa Phát lại có kinh nghiệm hơn 20 năm nên cứ thế mà chạy”, ông Long nói và cho biết kế hoạch đến năm 2030, Hòa Phát sẽ vận hành 10 khu công nghiệp.
Hòa Phát không đặt mục tiêu là phải có bao nhiêu ha quỹ đất, nên không nhất thiết phải bỏ tiền ra mua lại dự án bằng được
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát
Với bất động sản khu đô thị, Chủ tịch Hòa Phát cho biết tập đoàn cũng duy trì chiến lược nghiên cứu và đề xuất đầu tư ban đầu ở các địa phương và tự hoàn thiện thủ tục. Với phương án triển khai này, thời gian để hoàn thành thủ tục pháp lý tương đối lâu nhưng chắc chắn. Hiện Hòa Phát đang tập trung hoàn thiện pháp lý các dự án đã đề xuất và không bỏ nhiều tiền vào mua dự án mới.
“Tập đoàn không đặt mục tiêu là phải có bao nhiêu ha quỹ đất, không nhất thiết phải bỏ tiền ra mua lại dự án bằng được. Trước đây nhiều người nói Hòa Phát bảo thủ nhưng đến nay nhờ không chạy đua ở giai đoạn trước nên Hòa Phát mới có tiền để làm dự án Dung Quất 2”, ông Long nhấn mạnh.
Chia sẻ về mảng sản xuất container, ông Long cho biết nhà máy sản xuất container dự kiến đến hết tháng 4 sẽ hoàn thiện khâu cuối cùng. Và đến tháng 5-6, Hòa Phát sẽ hoàn thiện thủ tục lắp đặt, giấy chứng nhận và đi vào sản xuất thử.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận giá cước vận tải tàu biển đã quay về thời điểm trước dịch Covid-19 nên ngành sản xuất container dự báo gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, nhờ việc không đi vay để làm nhà máy này nên Hòa Phát cũng không gặp quá nhiều khó khăn.
Với việc dành toàn bộ nguồn lực cho dự án Dung Quất 2 trong thời gian tới, ông Long cho biết Hòa Phát sẽ tiếp tục duy trì các mảng kinh doanh khác nhưng chủ trương là không đầu tư mới.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Cơ cấu các cổ đông của VinFast khi IPO gồm những ai? Vingroup sở hữu sở hữu bao nhiêu cổ phần?
- Tập đoàn Hòa Phát soán ngôi Vingroup, trở thành “vua tiền mặt” sàn chứng khoán Việt Nam
- Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn giúp ích cho đời, Vua thép Hoà Phát nghĩ đơn giản là làm tốt việc của mình: Khi “tiền bạc không là hạnh phúc” và ý nghĩa sau sự miệt mài lao động của giới tinh hoa