Sau giao dịch sáp nhập với Black Spade Acquisition Co, hãng xe điện VinFast của Việt Nam có mức định giá hơn 23 tỷ USD, đứng thứ 3 các nhà chuyên sản xuất xe điện lớn nhất thế giới và tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
VinFast và Black Spade Acquisition Co (Black Spade) – một công ty niêm yết tại Mỹ – vừa công bố thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp. Công ty hợp nhất sẽ có giá trị khoảng 27 tỷ USD.
Giá trị vốn chủ sở hữu là 23 tỷ USD sau khi sáp nhập, chưa bao gồm số tiền sẽ quy đổi từ 169 triệu USD tiền mặt tín thác. Giao dịch dự kiến kết thúc trong năm 2023 sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và cổ đông, cũng như các điều kiện hoàn tất khác theo thông lệ.
Sau giao dịch, các cổ đông hiện hữu của VinFast sẽ sở hữu 99% trong công ty sau sáp nhập.
Bà Lê Thị Thu Thủy – Tổng giám đốc VinFast cho biết: “Việc hợp tác với Black Spade và đưa VinFast niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ sẽ là một cột mốc phát triển quan trọng đối với Vingroup, mở ra cơ hội huy động vốn lý tưởng cho quá trình phát triển toàn cầu hóa của chúng tôi”.
Ông Dennis Tam – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Black Spade khẳng định: “VinFast đã thể hiện năng lực triển khai và vận hành xuất sắc thông qua việc xây dựng một cơ sở sản xuất có công suất lên đến 300.000 xe điện mỗi năm và ra mắt dải xe điện chất lượng cao, thiết kế đẳng cấp chỉ trong 3 năm. Với sự hỗ trợ của Vingroup, VinFast có vị thế thuận lợi để nắm bắt xu hướng sống xanh cùng xe điện và chúng tôi đánh giá cao tiềm năng phát triển trong tương lai của VinFast tại Việt Nam và trên toàn cầu”.
Black Spade niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE, Mỹ. Công ty được thành lập bởi Black Spade Capital đang điều hành một danh mục đầu tư bao gồm nhiều khoản đầu tư xuyên biên giới.
Tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng mới đây đã ký thỏa thuận cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD cho Công ty CP VinFast. Đây được xem là nguồn lực quan trọng để hãng xe điện này tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trước khi thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.
Theo thỏa thuận trên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân. Bên cạnh đó, Vingroup sẽ tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD cho VinFast, đồng thời cho công ty sản xuất xe điện này vay 1 tỷ USD với thời hạn tối đa 5 năm.
Thực tế, kể từ khi được thành lập vào năm 2017, VinFast đã trở thành công ty con quan trọng trong chiến lược lấn sân sang mảng sản xuất và kinh doanh toàn cầu của Vingroup.
“IPO thành công là cơ hội để VinFast mở rộng quy mô trên thị trường quốc tế”
Ngày 7/12/2022, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO).
Số lượng cổ phần chào bán và khoảng giá dự kiến vẫn chưa được xác định. VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS.
Trước đây, trong bài phỏng vấn với báo The Leader, chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy đã có những chia sẻ về tham vọng IPO tại Mỹ của hãng xe Việt:
VinFast vừa có động thái khiến dư luận rất quan tâm khi công bố đã nộp hồ sơ đăng ký chính thức theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. Cụ thể VinFast đang đi tới bước nào trong quá trình IPO tại Mỹ?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Việc nộp hồ sơ đăng ký chính thức này là bước tiếp theo sau khi VF nộp dự thảo hồ sơ niêm yết sơ bộ theo mẫu F-1 lên SEC hồi tháng 4, theo quy trình chuẩn mực để thực hiện IPO tại Mỹ. VinFast dự định tiến hành IPO sau khi SEC tuyên bố đăng ký có hiệu lực, và điều kiện thị trường cho phép.
Cụ thể nếu được SEC tuyên bố đăng ký có hiệu lực, VinFast sẽ tiến hành các bước tiếp theo ra sao?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Các bước tiếp theo là chào bán và phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch cổ phiếu NASDAQ, khi điều kiện thị trường cho phép.
Nếu có 2 mục tiêu quan trọng nhất khi IPO là huy động được nguồn vốn lớn và được định giá cao, thì mục tiêu nào quan trọng hơn đối với VinFast, thưa bà?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Lần này VinFast nhắm tới mục tiêu là niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ. Chúng tôi hiểu rằng, định giá cũng như quy mô của đợt IPO này phụ thuộc vào các điều kiện thị trường.
Một khi VinFast đã thành công niêm yết, công ty có thể tiếp tục huy động vốn từ thị trường chứng khoán quốc tế trong tương lai, và việc niêm yết cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô của VinFast trên thị trường quốc tế.
Chúng tôi tin rằng việc đạt được các mục tiêu ngắn hạn này sẽ giúp chúng tôi tiếp tục các kế hoạch mở rộng toàn cầu và mang lại giá trị cho các bên liên quan trong dài hạn.
Ở thời điểm này, thị trường thế giới đang có xu hướng không thuận lợi. Vốn hoá của các hãng xe điện lớn như Tesla hay Rivian đều đã giảm tới hàng chục phần trăm trong năm qua. Như vậy, rất nhiều khả năng việc định giá VinFast qua đợt IPO này sẽ không đạt kỳ vọng như giới phân tích từng đưa ra trước đây. Bà nghĩ sao về việc này?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi hiểu rõ sự khó khăn thực tế hiện nay trên thị trường toàn cầu, nhưng mục tiêu về sự phát triển đột phá của VinFast là không thay đổi.
Khó khăn trên thế giới dự báo vẫn kéo dài trong khi những bước tiến của VinFast như mọi người thấy, đang rất đúng hướng.
VinFast đã bước ra thế giới, có mặt ở Bắc Mỹ, châu Âu và những chiếc ô tô điện đầu tiên sắp tới tay người dùng. Đây là thời điểm VinFast không chỉ cần huy động thêm nguồn vốn mà còn cần khẳng định niềm tin với người dùng thế giới.
Việc niêm yết sẽ giúp VinFast nâng cao vị thế, và giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin hơn về công ty, qua đó chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng thêm tính cạnh tranh cho các sản phẩm VinFast trên thị trường quốc tế.
Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch tiếp theo của VinFast nếu việc IPO thành công?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Như đã đề cập ở trên, việc IPO thành công sẽ đưa thương hiệu và tầm vóc VinFast lên một mốc mới trên thị trường quốc tế, và mang lại cho công ty thêm một kênh huy động vốn chủ sở hữu trong tương lai.
Qua đó, VinFast sẽ tiếp tục chọn thời điểm thuận lợi để huy động vốn chủ sở hữu, khi thị trường đã quen thuộc hơn với thương hiệu và câu chuyện của VinFast.
Một cách tổng thể, với đợt phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng này, khả năng thành công của VinFast ra sao, thưa bà?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Chúng tôi tự tin với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng của mình trong quá trình chuẩn bị cho IPO này.
Với những bước đi này, VinFast tiến được một bước nữa đến cột mốc lịch sử là được niêm yết trên sàn Nasdaq Global Select Market. Đó sẽ là một dấu mốc đáng nhớ tiếp theo của VinFast trên hành trình chinh phục thế giới.
Xin cảm ơn bà!
VinFast trở thành công ty chuyên sản xuất xe điện lớn thứ 3 thế giới nếu được định giá 23 tỷ USD
23 tỷ USD là một con số khổng lồ, đặc biệt đối với một “tân binh” như VinFast. Để dễ hình dung, trong suốt lịch sử phát triển 23 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam chưa từng có doanh nghiệp nào chạm đến mức vốn hóa trên, ngay cả tại thời kỳ bùng nổ nhất. Doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán đang là Vietcombank hiện có vốn hóa chưa đến 19 tỷ USD.
Mức định giá cao ngất ngưởng có thể đưa VinFast trở thành công ty lớn thứ 3 trong lĩnh vực sản xuất xe điện trên thế giới. Tính đến ngày 12/5, theo dữ liệu từ Companies Market Cap, thế giới chỉ có đúng 10 công ty sản xuất xe điện (chỉ tính các công ty chuyên sản xuất xe điện và xe sử dụng năng lượng mới) có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Top 10 công ty xe điện lớn nhất thế giới xét theo giá trị vốn hóa thị trường chủ yếu là những cái tên đến từ Mỹ và Trung Quốc chiếm đa số. Trong danh sách này, Mỹ có 4 đại diện là Tesla, Rivian, Lucid Motor, Fisker và Trung Quốc góp mặt 5 cái tên bao gồm Li Auto, Nio, Xpeng, Yadea Group, Leapmotor. Công ty xe điện duy nhất trong top 10 vốn hóa không phải của Mỹ hay Trung Quốc là Polestar đến từ Thuỵ Điển.
Đứng đầu danh sách vẫn là Tesla của tỷ phú Elon Musk với vốn hóa thị trường 545,4 tỷ USD, bỏ rất xa những cái tên phía sau. Con số này thậm chí còn gấp hơn 5 lần tổng giá trị của các công ty còn lại trong top 10. Tesla còn là công ty lớn thứ 9 thế giới, chỉ sau những “tên tuổi” như Apple, Microsoft, Saudi Aramco, Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon, Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett, NVIDIA và Meta Platforms (công ty mẹ Facebook).
Theo sau Tesla là 2 startup xe điện đầu tiên của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Li Auto hiện có vốn hóa thị trường 28,59 tỷ USD trong khi giá trị vốn hóa của Nio là 14,26 tỷ USD. Kế đến là Rivian của Mỹ – startup xe điện “đình đám” được Amazon của Jeff Bezos đầu tư. Những cái tên còn lại trong top 10 công ty xe điện lớn nhất thế giới lần lượt là Lucid Motor, Xpeng, Polestar, Yadea Group, Leapmotor, Fisker.
Thực tế, thị trường xe điện không chỉ đơn thuần là cuộc chơi của các startup mà còn có sự tham gia của những tên tuổi lâu đời trong ngành công nghiệp ô tô với tiềm lực tài chính khổng lồ. Toyota, Volkswagen, Ford, BMW, Huyndai, Honda, KIA… đều có tham vọng với lĩnh vực này dù mức độ “chịu chơi” có thể khác nhau.
Theo Zingnews, TheLeaderr, Nhịp sống thị trường