Ông Nguyễn Trọng Thìn – chủ Phở Thìn 13 Lò Đúc – cho biết nhiều cửa hàng được nhượng quyền bởi công ty do Đoàn Hải Trung làm chủ không được đào tạo về kỹ thuật nấu phở.
Mở đầu “bức tâm thư”, ông Thìn cho biết trong 44 năm làm nghề, chưa bao giờ ông mong Phở Thìn Lò Đúc được biết đến theo cái cách mà người ta đang nói những ngày này.
Cụ thể, từ năm 2019, ông Thìn cho biết có ủy quyền luật sư cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc (do chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam).
Trong thời gian này, bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, mẹ đẻ của Đoàn Hải Trung (vị CEO sinh năm 2001 được truyền thông giới thiệu thời gian gần đây), tìm đến xin nhượng quyền thương mại với lời hứa giải quyết những khó khăn về thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
Sau đó, phía bà Oanh thành lập Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội, người góp vốn là ông Thìn và Đoàn Hải Trung.
Theo ông Thìn, xuyên suốt thời gian vận hành công ty, Đoàn Hải Trung độc chiếm con dấu, không tổ chức họp hội đồng thành viên cũng như cung cấp tài liệu pháp lý của công ty dù được yêu cầu minh bạch.
Giai đoạn đầu, trong năm 2021, ông Thìn xác nhận ký hợp đồng nhượng quyền với danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng thành viên cho 3 cơ sở tại Vinhomes Ocean Park (Hà Nội), Hải Phòng và Trung Quốc. Tiền thu về nhập vào công ty làm phần vốn góp theo thỏa thuận miệng, không được ghi nhận bằng văn bản có tính pháp lý.

Đến kỳ công khai tài chính hết năm 2021, ông Thìn tố Đoàn Hải Trung không công khai tài chính.
“Từ giữa năm 2021 đến nay Đoàn Hải Trung liên tục bán nhượng quyền thương mại cho các đối tác mà không được sự đồng ý của tôi. Tất cả các cửa hàng này không được đào tạo về nấu phở theo đúng kỹ thuật, công thức của thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc. Tiền thu về Đoàn Hải Trung giữ riêng, không công khai, không bàn bạc gì với tôi”, nhà sáng lập cho biết.
Ông cũng cho biết sau khi chấm dứt quan hệ với Trung và nộp đơn khởi kiện ra tòa vào năm 2022, Trung tự thay đổi tên nhãn hiệu từ Phở Thìn 13 Lò Đúc thành Phở VieThin – nhãn hiệu Phở Thìn 1979 13 Lò Đúc.
“Thậm chí tới 6 ngày trước, tôi mới biết đến sự tồn tại của 2 công ty nằm trong hệ sinh thái Phở Thìn do Trung vẽ ra là Công ty Hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội và Công ty Cổ phần tập đoàn VieThin”, ông nói thêm hiện Trung không cung cấp cấp tài liệu pháp lý của công ty theo yêu cầu để phục vụ khởi kiện. Quá trình đã được ủy quyền cho luật sư tập hợp và lập vi bằng.
Trong nội dung đăng tải trên tài khoản cá nhân, ông Thìn cũng bác bỏ những thông tin về vấn đề sức khỏe và câu chuyện theo học nghề nấu phở và bưng bê từ năm 12 tuổi của Trung.
“Anh Trung còn trẻ, tại sao không mở riêng một thương hiệu phở mang tên Phở Trung rồi đưa ra thế giới đi, mà lại phải cất công ăn cắp thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc của một ông già 70 tuổi?”, ông phản biện.
Đến nay, đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc của ông Thìn vẫn chưa được giải quyết ở Việt Nam dù đã được chấp thuận tại Mỹ, Pháp, Indonesia và sắp tới là Nhật Bản, Saudi Arabia.
Trong khi đó, theo lời tự giới thiệu trên truyền thông, ông Đoàn Hải Trung – CEO Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội – sinh năm 2001 tại Nam Sách, Hải Dương. Dù không có quan hệ họ hàng với cha đẻ Phở Thìn Lò Đúc, ông Trung đã có cơ hội theo ông Thìn học cách nấu phở từ khi còn bé.
Tuy nhiên mới đây, ông Hải Trung nói rằng những thông tin biết nấu phở từ năm 12 tuổi là bịa đặt. Ông Trung cũng thừa nhận đang có mẫu thuẫn với ông Thìn về vấn đề nhãn hiệu và nhượng quyền nhưng không muốn ầm ĩ.

Ông chủ Phở Thìn 13 Lò Đúc nói về việc chưa thể sở hữu nhãn hiệu
Ông Nguyễn Trọng Thìn chưa được pháp luật bảo hộ nhãn hiệu “Phở Thìn” và không nhượng quyền kinh doanh thương hiệu này.
Gần đây, những câu chuyện xung quanh thương hiệu “Phở Thìn” nhận được nhiều sự quan tâm bởi các luồng thông tin trái chiều.
Tại buổi gặp gỡ với Zing ngày 24/2, ông Nguyễn Trọng Thìn – “cha đẻ” của Phở Thìn 13 Lò Đúc khẳng định mình không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào.
Ông cũng làm rõ mối quan hệ với ông Đoàn Hải Trung – người đã chia sẻ với báo chí rằng mình là “giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn”.
Nhập nhằng thương hiệu, nhãn hiệu
Quán Phở Thìn đầu tiên được ông Nguyễn Trọng Thìn mở vào năm 1979, tại số 13 Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và được nhiều người biết đến. Sau đó, nhiều chi nhánh Phở Thìn 13 Lò Đúc khác được mở tại Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM; thậm chí tại nước ngoài như Nhật Bản, Indonesia, Mỹ…
“Ở miền Bắc, tôi hỗ trợ kinh doanh, cho phép người khác kinh doanh theo thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc với khoảng 10 chi nhánh. Ở Nhật Bản 5 chi nhánh, ở Indonesia một chi nhánh, ở Melbourne (Australia) một chi nhánh và ở California (Mỹ) một chi nhánh” – ông Thìn nói với Zing.

Đến nay, thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc vẫn chưa triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh vì về mặt pháp lý, ông Nguyễn Trọng Thìn chưa được pháp luật bảo vệ nhãn hiệu “Phở Thìn”.
Vị này từng nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu “Phở Thìn” vào năm 2009 nhưng đã bị từ chối. Đến năm 2020, Phở Thìn 13 Lò Đúc tiếp tục nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với bộ nhận diện mới bao gồm chữ số, hình ảnh chân dung ông Thìn nhưng vẫn trong tình trạng “đang giải quyết”.
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu sau khi đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và có hiệu lực sẽ được pháp luật bảo hộ.
Trong khi đó, thương hiệu không được pháp luật bảo hộ, thường do doanh nghiệp tự xây dựng và phát triển, hình thành chủ yếu trong nhận thức của người tiêu dùng.
“Tôi không sở hữu nhãn hiệu nhưng thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc chỉ thuộc về tôi” – ông Thìn khẳng định.
Thực tế, nhãn hiệu “Phở Thìn” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận cấp văn bằng bảo hộ cho một quán phở trên phố Đinh Tiên Hoàng từ 2005, cấp lại năm 2017.
Địa chỉ này thường được thực khách biết tới tên Phở Thìn Bờ Hồ. Quán được mở từ khoảng năm 1954, do ông Bùi Chí Thìn (1928-2001) làm chủ. Hiện hàng phở này vẫn ở tại địa chỉ trên phố Đinh Tiên Hoàng, chỉ bán phở truyền thống và không nhượng quyền thương hiệu.

Không có “truyền nhân”
Với ông Đoàn Hải Trung, ông Thìn khẳng định người này không phải là “truyền nhân” hay “giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn”.
Theo ông Thìn, ông Đoàn Hải Trung từng được ông Thìn cho phép sử dụng thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc để kinh doanh chi nhánh tại Hải Dương. Những hình ảnh giữa 2 bên được chụp trong giai đoạn hợp tác này.
“Tôi khẳng định giữa tôi và Đoàn Hải Trung không có bất kỳ giấy tờ, hợp đồng nào. Tôi không bán thương hiệu, không ủy quyền quản lý cho người này. Việc Trung tiến hành thành lập công ty và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn không có sự đồng ý của tôi”.
Theo thông tin tại website của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông Đoàn Hải Trung cũng từng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn và Phở VieThin 13 Lò Đúc nhưng chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

Ông Thìn cũng khẳng định việc ông Trung nhượng quyền kinh doanh thương hiệu Phở Thìn ở Sydney (Australia) hay tại TP Thủ Đức đều không thông qua ông.
“Đoàn Hải Trung đang sử dụng thương hiệu, hình ảnh của tôi để lập công ty, nhượng quyền thương hiệu. Hành vi này vi phạm pháp luật và tôi đã ủy quyền cho luật sư tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khởi kiện” – Ông Thìn cho biết.
Theo ông Đỗ Duy Thanh – Giám đốc FnB Director, Horeca Business School – kinh doanh truyền thống thường tồn tại ở mô hình hộ kinh doanh, tập trung vào sản xuất chế biến để thu hút khách hàng thông qua chất lượng sản phẩm. Vì vậy, họ chưa quan tâm đến các yếu tố pháp lý trong kinh doanh, đặc biệt là sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, những nhập nhằng trong câu chuyện thương hiệu, nhãn hiệu khiến nhiều người người tiêu dùng và cả người muốn mua nhượng quyền kinh doanh thương hiệu gặp lúng túng không thể phân biệt thật, giả.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Ông chủ Nguyễn Trọng Thìn lên tiếng về “lùm xùm” quanh chuyện Phở Thìn 13 Lò Đúc nói về việc chưa thể sở hữu nhãn hiệu
- Drama Phở Thìn lại tiếp tục nóng: “Cha đẻ” Nguyễn Trọng Thìn biên tâm thư dài dằng dặc gửi giám đốc Trần Phương Nam
- Chủ nhãn hiệu Phở Thìn: “Nhà tôi là bán phở không bán thương hiệu, đánh bóng tên tuổi”