Activision Blizzard sở hữu nhiều trò chơi nổi tiếng thế giới như Call of Duty, World of Warcraft, Diablo hay Candy Crush. Thông qua thương vụ thâu tóm lịch sử này, Microsoft tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Meta trong cuộc đua “vũ trụ ảo” Metaverse.
Microsoft mới đây công bố sẽ mua lại “ông lớn” mảng video game Activision Blizzard trong thương vụ hoàn toàn bằng tiền mặt với giá trị lên tới 68,7 tỷ USD, theo CNBC.
Cổ phiếu Activision đã tăng 27% trong phiên giao dịch sáng thứ ba (18/1, giờ địa phương) sau khi thông tin này được phát đi, trong khi đó, giá cổ phiếu Microsoft giảm chưa đến 1%. Như vậy, đây sẽ là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử Microsoft nói riêng và ngành video game nói chung. Trước đó, vị trí này thuộc về thương vụ mua lại mạng xã hội LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD.
Activision, nhà phát hành nổi tiếng với những trò chơi như Call of Duty hay Diablo, đang vấp phải nhiều lùm xùm liên quan đến các báo cáo về tình trạng lạm dụng tình dục bên trong công ty trong vài tháng trở lại đây. Hồi đầu tuần này, Activision công bố sa thải nhiều nhân viên sau khi có kết quả điều tra.
Sau khi về tay Microsoft, ông Bobby Kotick, CEO Activision, sẽ tiếp tục nắm giữ chức vụ này trong thời gian chuyển đổi. Ông Bobby cũng đang phải hứng chịu nhiều tranh cãi liên quan đến văn hoá công ty. Microsoft nói rằng Activision sẽ báo cáo cho ông Phil Spencer, người đứng đầu mảng Xbox của Microsoft. Điều này có thể là một dấu hiệu cho thấy ông Bobby có thể sẽ rời đi sau khi việc thâu tóm hoàn tất, CNBC bình luận.
Microsoft đầu tư mạnh tay vào mảng game trong vài năm trở lại đây. Microsoft mua lại Mojang, nhà phát hành Minecraft, với giá 2,5 tỷ USD vào năm 2014. Và hồi năm ngoái, Microsoft hoàn thành thâu tóm nhà phát hành game Bethesda với giá 7,5 tỷ USD.
Toan tính của Microsoft khi mua lại ông lớn làng Game Activision Blizzard
Thương vụ thâu tóm Activision cũng có vai trò trong tầm nhìn dài hạn của Microsoft trong bối cảnh công ty đang cạnh tranh với Meta (công ty mẹ Facebook) trong cuộc đua phát triển metaverse (vũ trụ ảo).
Thực tế, ông Satya Nadella, CEO Microsoft, vẫn được xem là CEO “ông lớn” công nghệ đầu tiên nói về giá trị của metaverse, nhiều tháng trước khi Mark Zuckerberg nói về điều này.
Hiện tại, thế giới ảo vẫn phần lớn có ứng dụng cao ở mảng game. Trong tương lai, nhiều công ty kỳ vọng nó sẽ tiếp cận với số lượng người dùng lớn hơn và thay thế nhiều hoạt động trực tuyến truyền thống khác.
“Khi chúng tôi nghĩ về tầm nhìn của mình về metaverse, chúng tôi tin là sẽ không có một metaverse tập trung và duy nhất”, ông Nadella chia sẻ khi công bố mua lại Activision.
Dù vậy, Microsoft hiện vẫn chưa ra mắt được một thiết bị đeo thực tế ảo (VR) với giá đủ phải chăng để có thể tiếp cận được thị trường đại trà. Microsoft hiện có bán một thiết bị thực tế mô phỏng (AR) có tên HoloLens. Dù vậy, thiết bị này vẫn chưa mang đến trải nghiệm quá hoàn thiện và chủ yếu ứng dụng cho mục đích kinh doanh, theo CNBC.
Trong một bài phỏng vấn với CNBC, ông Kotick cho biết thương vụ Microsoft và Activision thành hình sau khi ông nhận ra Microsoft có khả năng để thúc đẩy Activision tiến lên trong bối cảnh cạnh tranh xây dựng metaverse giữa các “ông lớn” ngày càng khốc liệt. Trong khi đó, ông Spencer tiết lộ thảo luận thâu tóm giữa hai công ty đã được khởi động từ cuối năm ngoái.
Bên cạnh metaverse, Microsoft và Activision cũng tập trung vào các hoạt động hiện tại và nhấn mạnh thế mạnh của Activision ở mảng game di động. Ví dụ, Activision sở hữu Candy Crush, một trong những trò chơi trên smartphone phổ biến nhất mọi thời đại. (Activision mua nhà phát hành Candy Crush là King vào năm 2016 với giá 5,9 tỷ USD). Microsoft và Activision cũng nói về cơ hội quảng bá chéo giữa các trò chơi nổi tiếng của mình như Halo (Microsoft) hay World of Warcraft (Activision).
Các trò chơi trên thiết bị di động hiện là phân khúc phát triển nhanh nhất. Đây cũng là nơi Activision có vị thế. Công ty này sở hữu King – nhà sản xuất của một trong những trò chơi được yêu thích nhất mọi thời đại Candy Crush. Microsoft muốn tận dụng điều này để phát triển mảng game trên điện thoại di động.
“Tất cả chúng ta đều biết thiết bị chơi game số 1 hành tinh chính là chiếc điện thoại di động”, Phil Spencer, giám đốc Xbox, người vừa được bổ nhiệm chức vụ CEO Microsoft Gaming cho biết.
“Hai năm qua cho thấy tầm quan trọng của game trong việc giúp mọi người duy trì được cảm giác cộng động, bất chấp họ đang xa nhau”, ông Nadella nói. Ông nhấn mạnh thế giới hiện tại có 3 tỷ người đang chơi game.
Microsoft cho biết kỳ vọng có thể “chốt” được thương vụ này trong năm tài chính 2023. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình thâu tóm có thể sẽ kéo dài tới 18 tháng, theo The Verge. Việc Activision hiện đang có hoạt động ở nhiều thị trường khác nhau có thể sẽ khiến Microsoft gặp nhiều khó khăn về mặt cấp phép, quản lý khi thâu tóm hãng game này.