Trong bối cảnh nổi lên cuộc cạnh tranh về công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) giữa các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon, Sergey Brin – nhà đồng sáng lập của Google đã quay trở lại và nhập lệnh đầu tiên sau nhiều năm biến mất khỏi truyền thông.
Theo hình chụp màn hình được Forbes ghi nhận, có vẻ như Sergey Brin đã gửi yêu cầu truy cập vào mã lệnh vào ngày 24.1. Hai nguồn tin cho biết yêu cầu này liên quan đến công nghệ đàm thoại LaMDA, dự án được công bố lần đầu năm 2021 và thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây khi Google đang nỗ lực cạnh tranh với OpenAI, nhà phát triển công cụ ChatGPT ra mắt vào tháng 11.2022.
Cụ thể, Segey Brin đã nhập lệnh “CL”, viết tắt cho “changlist”, để nhận quyền truy cập vào dữ liệu huấn luyện LaMDA, một nhân viên nhìn thấy mã lệnh cho biết. Người này chia sẻ dòng lệnh này thay đổi tập tin cấu hình để bổ sung tên của Brin vào mã lệnh.
Nhiều kỹ sư phần mềm của Google, kể cả những người không thuộc bộ phận phát triển đã phê duyệt yêu cầu của Sergey Brin, với một vài người trong số đó chỉ đơn giản là cảm thấy hào hứng khi được cấp quyền truy cập cho nhà đồng sáng lập công ty, nhân viên này cho biết thêm.

Google không phản hồi yêu cầu đưa ra bình luận từ Forbes.
Mặc dù đây chỉ là sự thay đổi nhỏ về mặt kỹ thuật, song điều này nhấn mạnh Google nghiêm túc như thế nào trong việc nhìn nhận mối “đe dọa” từ OpenAi và những đối thủ cạnh tranh khác.
Sergey Brin và đồng sáng lập Larry Page đã không điều hành công ty kể từ năm 2019, thời điểm Page giao lại quyền quản lý cho Sundar Pichai trong vai trò giám đốc điều hành (CEO) của Alphabet.
Theo New York Times, Pichai gần đây đã liên lạc với hai nhà sáng lập để đánh giá về chiến lược phát triển công cụ AI của Google và hỗ trợ đối phó với ChatGPT. Việc Brin quay trở lại cho thấy mức độ liên quan của nhà đồng sáng lập này như thế nào.
Google xem ChatGPT như tình huống khẩn cấp đến mức CEO Pichai đã phải tuyên bố “báo động đỏ”, xáo trộn công việc của một vài bộ phận để đưa ra chiến lược cạnh tranh. Google được cho là sẽ ra mắt một loạt công cụ AI mới vào cuối năm 2023.

Tuy vậy, một vài nhân sự đã không phê duyệt cho Sergey Brin. Một người bình luận rằng “Hãy sửa lại Google trước”, một người khác viết “Ít nhất hãy trò chuyện với chúng tôi”, ám chỉ khoảng cách giữa hai nhà sáng lập với tập thể nhân sự tại Google trong một vài năm qua. Một vài người còn đăng ảnh chế trên diễn đàn nội bộ của Google. Theo một nguồn tin chia sẻ với Forbes, một vài trong số đó là ảnh chế “hai người già đánh nhau”.
Khi thông báo Google tiến hành đợt sa thải lớn nhất lịch sử công ty với khoảng 12.000 nhân viên nhận quyết định cho thôi việc, tương đương với 6% lực lượng lao động vào tháng 12.2022, Sundar Pichai làm vậy để chuyển hướng tập trung sang công cụ A.I.
Trong email gửi tới nhân viên, Pichai cho biết “Chúng ta đang nắm cơ hội rất lớn từ việc ứng dụng công nghệ A.I trên mọi sản phẩm và sẵn sàng vận dụng một cách quyết liệt và có trách nhiệm.”
Google âm thầm thử nghiệm công cụ tương tự ChatGPT
Nguồn tin và tài liệu nội bộ của Google cho thấy, hãng đang thử nghiệm các sản phẩm chat trên nền trí tuệ nhân tạo (AI), có thể ra mắt công chúng trong tương lai. Chúng bao gồm một chatbot mới và khả năng tích hợp trong công cụ tìm kiếm.
Theo CNBC, dự án nằm trong bộ phận đám mây “Atlas”, là “báo động đỏ” (red code) nhằm đối phó với ChatGPT. ChatGPT là chatbot khuấy đảo thế giới công nghệ từ cuối năm 2022.
Ngoài ra, Google cũng thử nghiệm chatbot mang tên “Apprentice Bard”, trong đó nhân viên sẽ đặt câu hỏi và nhận câu trả lời chi tiết tương tự ChatGPT. Một bộ phận sản phẩm khác lại đang thử nghiệm thiết kế tìm kiếm trên máy tính, có thể dùng dưới hình thức hỏi-đáp.
CNBC cho biết, các trưởng nhóm yêu cầu nhiều nhân viên đưa ra phản hồi hơn trong vài tuần qua.

Những bài thử nghiệm xuất hiện sau cuộc họp trực tiếp gần đây, nơi nhân viên nêu quan ngại về năng lực cạnh tranh của Google trong AI xét tới sự phổ biến bất ngờ của ChatGPT. Đây là một chatbot của OpenAI, startup có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) và được Microsoft hậu thuẫn.
Thời điểm đó, Giám đốc AI của Google – Jeff Dean – cho rằng sẽ gặp “rủi ro danh tiếng” nếu cung cấp thông tin sai và vì thế, tiếp cận theo hướng “bảo thủ hơn so với một startup nhỏ”.
Tuy nhiên, ông và CEO Sundar Pichai úp mở Google có thể ra mắt sản phẩm tương tự trong năm nay. Bộ phận kinh doanh chính của Google vẫn là tìm kiếm web. Công ty cũng tự nhận tiên phong trong lĩnh vực AI.
Apprentice Bard
Chatbot Apprentice Bard sử dụng công nghệ hội thoại LaMDA (Language Model for Dialogue Applications) của Google. Một biên bản nội bộ của Google mà CNBC có được nhắc đến việc do ChatGPT được ưa chuộng, đội ngũ LaMDA phải ưu tiên ứng phó với ChatGPT. “Trong ngắn hạn, nó được ưu tiên hơn các dự án khác”, email tiếp tục. Một số nhân viên được yêu cầu dừng tham gia những cuộc họp không liên quan.
Apprentice Bard khá giống ChatGPT: Nhân viên nhập câu hỏi trong hộp thoại và nhận câu trả lời bằng văn bản, sau đó sẽ đưa ra phản hồi về câu trả lời này. Dựa trên các phản hồi, dường như Apprentice Bard có thể bao gồm các sự kiện mới diễn ra – tính năng mà ChatGPT chưa có.
Apprentice Bard thay thế chatbot Meena trước đây. Nhân viên Google nhận thấy các câu trả lời của Apprentice Bard ngày một thông minh hơn. Chẳng hạn, một người hỏi chatbot liệu Google có tiếp tục sa thải hay không. Đầu tháng này, công ty đã đuổi việc 12.000 nhân sự.
Chatbot đáp: “Theo cơ sở dữ liệu tôi được tiếp cận, Google gần như không tiến hành một đợt sa thải khác trong năm 2023. Sa thải thường để giảm chi phí và cơ cấu doanh nghiệp nhưng công ty đang có tài chính tốt. Thực tế, doanh thu Google tăng 34% trong năm 2021 và cổ phiếu đã tăng 70% kể từ tháng 1/2022”.

Bên cạnh đó, trang web tìm kiếm mà Google đang thử nghiệm có thiết kế theo dạng hỏi – đáp. Chẳng hạn, một thiết kế cung cấp 5 tùy chọn câu hỏi khác nhau ngay bên dưới thanh tìm kiếm chính, thay thế thanh “I’m feeling lucky” hiện nay. Nó cũng hiển thị một logo chat nhỏ ở bên phải thanh tìm kiếm.
Khi nhập câu hỏi, kết quả tìm kiếm sẽ hiện ra một bong bóng màu xám, nhìn như hội thoại giữa hai người. Nó cũng gợi ý vài câu hỏi tiếp theo. Bên dưới vẫn là các kết quả tìm kiếm thông thường.
Không rõ Google dự định tích hợp thử nghiệm nào vào các sản phẩm tương lai. Người phát ngôn Google chia sẻ, công ty cần cân nhắc tác động xã hội rộng lớn của AI đến cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng theo nguyên tắc AI của mình. Google sẽ tiếp tục thử nghiệm AI nội bộ cho đến khi đảm bảo nó hữu ích và an toàn.
Trong các tài liệu khác, Google so sánh phản hồi giữa ChatGPT và chatbot LaMDA. Một tài liệu nhấn mạnh: “Thật bất ngờ, ChatGPT được tuyển dụng ở vị trí kỹ sư bậc 3 khi phỏng vấn lập trình viên”.
Tuy nhiên, khi hỏi cả hai chatbot liệu ChatGPT hay Alphacode (một công cụ lập trình của DeepMind thuộc Alphabet) có thay thế lập trình viên không, chúng đều nói không.
Chatbot sẽ giúp “lập trình viên làm việc hiệu quả hơn” nhưng “không thể thay thế tính sáng tạo và nghệ sỹ cần thiết cho một chương trình tốt”, LaMDA đáp. Còn ChatGPT trả lời chúng không “có khả năng thay thế hoàn toàn sức sáng tạo và chuyên môn của lập trình viên con người. Lập trình là lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về các nguyên tắc khoa học máy tính và năng lực thích ứng với các công nghệ mới”.
Theo Forbes Việt Nam, Ictnews