Đồng sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra các trợ lý ảo, thay đổi hoàn toàn cách người dùng sử dụng công cụ như Google Search và cửa hàng trực tuyến như Amazon.
“Bước đột phá tiếp theo sẽ là trợ lý AI. Công nghệ này có thể thay đổi hoàn toàn hành vi của người dùng. Họ có thể không bao giờ cần đến những trang tìm kiếm như Google Search hay lướt cửa hàng trực tuyến như Amazon nữa”, Bill Gates nói trong sự kiện về AI hôm 22/5.
Bill Gates cho rằng trợ lý AI có thể hiểu nhu cầu và thói quen của người dùng, giúp họ “lướt mạng và đọc những thứ vốn đòi hỏi nhiều thời gian”. Các tập đoàn công nghệ lớn và startup có cơ hội ngang nhau trong phát triển loại AI tương lai này.

“Tôi sẽ rất thất vọng nếu Microsoft không giành chiến thắng, nhưng cũng rất ấn tượng với một số startup như Inflection”, ông nói, đề cập tới công ty do Mustafa Suleyman, cựu lãnh đạo DeepMind, đồng sáng lập.
Gates nhận định sẽ cần thêm thời gian để trợ lý AI được đưa vào sử dụng rộng rãi, trong khi các công ty tiếp tục tích hợp AI tạo sinh như ChatGPT vào sản phẩm của mình.
Theo ông, sự xuất hiện và trỗi dậy của công nghệ AI tạo sinh là yếu tố thay đổi cuộc chơi, có thể tác động đáng kể đến nhân lực con người. “Cần bảo đảm chúng không mắc bệnh mất trí nhớ như người bình thường”, ông nói thêm.
Trước đó, trong sự kiện I/O ngày10/5, Google cũng đã trình diễn cách Google Search sẽ thay đổi thế nào khi tích hợp siêu AI.
Với tính năng Converse, thay vì liệt kê một loạt đường link kết quả như công cụ hiện tại, chatbot tìm kiếm kiểu mới sẽ tổng hợp thông tin, như nhận xét về một loại xe mới, kế hoạch chuyến đi, chăm sóc thú cưng… thông qua chế độ trò chuyện.
Elon Musk cùng hàng nghìn chuyên gia kêu gọi dừng phát triển trí tuệ nhân tạo AI vì vận mệnh nhân loại
Cùng với hàng nghìn chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) và các nhà quản lý hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, Elon Musk đang kêu gọi tạm ngừng đào tạo các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 trong vòng 6 tháng tới vì những rủi ro tiềm ẩn với xã hội.
Lời kêu gọi được đưa ra trong một bức thư ngỏ do tổ chức phi lợi nhuận Future of Life Institute phát hành.
Bức thư có chữ ký của hơn 1.000 chuyên gia và nhà quản lý, trong đó có Elon Musk, CEO Stability AI Emad Mostaque, các nhà nghiên cứu tại DeepMind – công ty AI thuộc sở hữu của Alphabet, cùng những tên tuổi lớn trong mảng này như Yoshua Bengio và Stuart Russell.

Bức thư kêu gọi tạm dừng phát triển AI tiên tiến cho đến khi có các giao thức an toàn chung, được áp dụng và thẩm định bởi chuyên gia độc lập.
“Các hệ thống AI mạnh chỉ nên được phát triển khi chúng ta tin tưởng rằng chúng sẽ mang lại những tác động tích cực và có thể kiểm soát rủi ro”, bức thư có đoạn.
Bức thư cũng nêu rõ những rủi ro tiềm ẩn đối với xã hội và nền văn minh nhân loại khi AI cạnh tranh với con người như gián đoạn kinh tế và chính trị, đồng thời cho rằng các nhà phát triển cần hợp tác với các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý về các vấn đề liên quan đến quản trị AI.
Reuters dẫn nguồn tin cho biết, Future of Life Institute là tổ chức được tài trợ bởi Musk Foundation – quỹ từ thiện riêng của Elon Musk, quỹ Founders Pledge có trụ sở tại Anh và quỹ Silicon Valley Community Foundation – quỹ từ thiện lớn nhất tại Thung Lũng Silicon.
Bức thư được đưa ra sau khi Lực lượng cảnh sát chung châu Âu (Europol) bày tỏ lo ngại về vấn đề đạo đức và pháp lý đối với AI, cảnh báo các công cụ tiên tiến như ChatGPT có thể bị kẻ xấu lợi dụng để cung cấp thông tin sai lệch, thực hiện các chiêu lừa đảo công nghệ cao.
Trong khi đó, chính phủ Anh cũng đã công bố các đề xuất về khung pháp lý “thích ứng” xung quanh AI.
Cụ thể, cơ quan quản lý nước này sẽ phân chia trách nhiệm quản lý AI về nhân quyền, cạnh tranh, sức khỏe và an toàn, thay vì đề ra một cơ quan mới dành riêng cho công nghệ.

Musk đã lên tiếng bày tỏ những lo ngại về AI, dù hãng Tesla của ông đang dùng công nghệ này trong hệ thống lái tự động.
Kể từ khi ra mắt vào năm ngoái, ChatGPT của OpenAI đã “gây bão” trong cộng đồng. Hàng loạt đối thủ đã tăng tốc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn tương tự, trong khi nhiều công ty đẩy mạnh tích hợp các mô hình AI tổng quát vào sản phẩm của họ.
Trao đổi với Reuters, phát ngôn viên của Future of Life cho biết, Sam Altman, CEO OpenAI, đã không ký vào bức thư. OpenAI chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Gary Marcus, giáo sư tại Đại học New York, một trong những người tham gia kêu gọi, cho biết: “Bức thư không hoàn hảo, nhưng tinh thần là đúng đắn. Chúng ta cần hành động cẩn trọng hơn cho đến khi hiểu rõ những tác động của AI”.
“Chúng có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng. Các công ty công nghệ ngày càng giữ bí mật về những dự án mới, khiến chúng ta khó “chống trả” hơn khi rủi ro xảy đến”.
Nỗi sợ của giới tinh hoa công nghệ
Trong cuộc phỏng vấn với ABC News hôm 16/3, CEO Sam Altman của OpenAI – cha đẻ ChatGPT cũng từng nhấn mạnh rằng cả nhà làm luật và xã hội đều cần quan tâm đến chatbot AI để phòng tránh những hậu quả của nó đến nhân loại.
“Chúng ta cần phải cẩn thận và nên cảm thấy vui vẻ vì mình đã bắt đầu có ý thức cảnh giác với AI”, Altman khẳng định trong buổi phỏng vấn.
Thực tế, các lập trình viên, nhà nghiên cứu hay nhiều CEO công nghệ nổi tiếng đều đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về trí tuệ nhân tạo trong nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, công nghệ này vẫn tìm được đường vào hầu hết mọi ngóc ngách trong cuộc sống hiện đại, từ các công cụ tìm kiếm, cho đến ôtô tự hành hay đề xuất của những ứng dụng giải trí như Netflix.
Nguồn gốc của ChatGPT phải kể đến từ những năm 1960, khi giáo sư Joseph Weizenbaum tạo ra chatbot đầu tiên trên thế giới có tên Eliza.
Kể từ đó, chatbot đã ngày càng thông minh và tương tác nhiều hơn, ví dụ như Alexa của Amazon và Siri của Apple.
Mặc dù vậy, cha đẻ của chatbot lại là người đầu tiên cảnh báo về rủi ro của công nghệ này. Sau thành công của Eliza, nhiều dự án ở Mỹ được thành lập nhằm giúp máy tính hiểu được lời nói của con người.

Weizenbaum tin rằng điều này sẽ dẫn đến việc máy tính sẽ theo dõi rộng rãi cách con người giao tiếp hàng ngày, từ đó chọn ra các cuộc thảo luận liên quan cho các đặc vụ chính phủ.
Ngoài ra, Weizenbaum cho rằng với số tiền cần thiết để tạo ra hệ thống xử lý giọng nói quy mô lớn, chỉ có các cơ quan chính phủ hoặc các tập đoàn lớn mới có thể đảm nhận chúng.
Trong khi đó, thiên tài vật lý Stephen Hawking dù là người dựa vào AI để có thể giao tiếp hàng ngày do mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS), từng đưa ra cảnh báo rằng công nghệ này đang trở nên thông minh một cách nguy hiểm và thậm chí có thể kết liễu loài người.
Hawking tiếp tục nói thêm về nỗi sợ này trong một chủ đề trên Reddit năm 2015. Khi đó, có người đã hỏi thiên tài vật lý rằng liệu ông có đồng ý với ý kiến cho rằng nỗi sợ hãi về AI mà chúng ta thấy trong các bộ phim như Terminator liệu bị đặt nhầm chỗ hay không.
Đáp lại, Hawking cho biết vấn đề với AI sẽ đến trong tương lai khi một hệ thống có thể tạo ra và giải quyết các vấn đề của chính nó.

“Rủi ro thực sự với AI không phải là ác ý mà là năng lực của chúng. Một AI siêu thông minh sẽ cực kỳ giỏi trong việc hoàn thành các mục tiêu của nó và nếu những mục tiêu đó không phù hợp với loài người, chúng ta sẽ gặp rắc rối. Hãy khuyến khích học sinh không chỉ suy nghĩ về cách tạo ra AI mà còn về việc đảm bảo việc sử dụng nó có lợi”, Hawking trả lời.
Theo CNBC/Vnexpress, Tổng hợp