Các mảng kinh doanh mới của Thế Giới Di Động dù là động lực tăng trưởng doanh số, lại là gánh nặng về chi phí khi lỗ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng trong năm vừa qua.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho thấy các mảng kinh doanh mới của tập đoàn này vẫn đang là gánh nặng với các khoản lỗ lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đáng kể nhất là Công ty cổ phần Bách Hóa Xanh liên tục thua lỗ giai đoạn 2016-2022 với tổng con số thua lỗ trong 7 năm từ khi thành lập gần 7.200 tỷ đồng. Riêng khoản lỗ của năm 2022 là lớn nhất với hơn 2.744 tỷ đồng.
Lưu ý rằng lỗ tính thuế là khoản lỗ trong kỳ tính thuế, chưa bao gồm phần lãi từ kỳ trước chuyển sang. Công ty chỉ được phép chuyển các khoản lỗ tính thuế sang năm sau để bù trừ với lợi nhuận thu được trong vòng 5 năm tính từ năm phát sinh khoản lỗ đó.

Lỗ thuế giai đoạn 2016-2021 đã có biên bản quyết toán thuế nhưng con số của năm 2022 mới do doanh nghiệp ước tính, chưa được cơ quan thuế địa phương quyết toán, Do đó, số lỗ tính thuế năm 2022 có thể chênh lệch so với quyết toán cuối cùng.
Bách Hóa Xanh là chuỗi bán lẻ tham vọng mới của MWG khi ra mắt vào cuối năm 2015. Đây được xem là động lực tăng trưởng mới của tập nhưng về khía cạnh lợi nhuận vẫn là gánh nặng lớn nhất.
Theo báo cáo năm 2022, Bách Hóa Xanh mang về doanh thu hơn 27.000 tỷ đồng, giảm 4% so với năm liền trước và đã đóng góp trên 20% tổng doanh thu cho tập đoàn. Chuỗi có 1.728 cửa hàng hoạt động cuối năm ngoái.
Sau giai đoạn tái cấu trúc, hệ thống bán lẻ thực phẩm này đang có một số chuyển biến khả quan. Doanh thu trung bình/cửa hàng/tháng trong quý IV/2022 đạt 1,37 tỷ đồng, tăng 45% với quý I/2022. Lợi nhuận trực tiếp (EBIT) tại cửa hàng đã chuyển từ âm sang dương 2%-3%.

Riêng hoạt động bán hàng online ghi nhận 2,4 triệu lượt giao dịch thành công để mang về 900 tỷ doanh thu cho chuỗi, tương ứng tỷ lệ đóng góp khoảng 3%. Bách Hóa Xanh đặt mục tiêu hòa vốn toàn chuỗi vào cuối năm nay.
Không chỉ mảng bán lẻ thực phẩm mà một số mô hình kinh doanh mới của MWG của chưa có tín hiệu tích cực.
Chuỗi bán lẻ Bluetronics (Campuchia) cũng bị lỗ liên tục từ 2017 đến nay, trong đó năm 2021 và 2022 lỗ lớn nhất với 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng.
MWG chính thức thâm nhập thị trường Campuchia vào năm 2017 với chuỗi điện thoại BigPhone (tương tự thegioididong.com tại Việt Nam). Đến tháng 6/2020, tập đoàn chuyển đổi sang tên Bluetronics (giống Điện Máy Xanh) để trở thành chuỗi bán lẻ hàng điện tử lớn nhất Campuchia.

Chuỗi nhà thuốc An Khang trong năm 2022 chứng kiến khoản lỗ khủng 306 tỷ đồng. Trong khi đó con số lỗ giai đoạn 2019-2020 chỉ hơn 12 tỷ đồng và thậm chí năm 2021 còn có lãi.
Báo cáo của MWG cho thấy chuỗi nhà thuốc này vận hành khoảng 500 cửa hàng tại cuối năm 2022 (so với 178 cửa hàng cuối 2021), doanh số mang về khoảng 1.500 tỷ đồng sau một năm.
Lãnh đạo của An Khang từng chia sẻ doanh thu trung bình mỗi cửa hàng dao động 400-450 triệu đồng/tháng và muốn đẩy mạnh doanh số trong thời gian tới lên trên 600 triệu đồng để tiến đến mức có lời.
Tính chung cả năm, ông lớn ngành bán lẻ này đạt doanh thu thuần 133.405 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với năm 2021 và thực hiện được 95% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế thu về đạt 4.102 tỷ đồng, giảm 16% và chỉ thực hiện được 65% kế hoạch.
Theo cơ cấu doanh thu, chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh lần lượt đóng góp khoảng 35.000 tỷ và 69.000 tỷ đồng doanh thu toàn chuỗi. Riêng mô hình Điện Máy Xanh Supermini tạo ra hơn 10.000 tỷ đồng từ hơn 1.000 cửa hàng siêu nhỏ và mô hình cửa hàng Topzone mang về 2.600 tỷ đồng.
Trong năm 2022, phần lớn ngành hàng của Thế Giới Di Động vẫn có tăng trưởng dương. Trong đó, điện thoại di động, điện lạnh và gia dụng tăng 10-20%, đóng góp chủ lực vào tăng trưởng doanh số của tập đoàn. Mặt hàng đồng hồ tăng 30% với khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu; ngành hàng laptop giảm 5% từ đỉnh, còn gần 5.300 tỷ đồng.

Chuỗi nhà thuốc An Khang đang vận hành 500 nhà thuốc đạt doanh số 1.500 tỷ đồng trong năm vừa qua. Chuỗi AVA (bao gồm AVAKids và AVASport) đóng góp 600 tỷ đồng với 5 triệu sản phẩm được bán ra.
Thế Giới Di Động còn cho biết đã khai trương 5 cửa hàng liên doanh EraBlue tại Indonesia vào tháng 12/2022 và đã đạt mốc doanh thu 1 triệu USD đầu tiên.
Đối với Bách Hóa Xanh, sau tái cấu trúc, chuỗi này mang về 27.000 tỷ đồng doanh thu, bằng 96% doanh số kỷ lục năm liền trước. Hiện chuỗi này chỉ còn khoảng 1.728 cửa hàng, giảm 20% so với năm 2021.
Riêng quý IV/2022, doanh thu trung bình/cửa hàng/tháng của Bách Hoá Xanh đạt khoảng 1,37 tỷ đồng, tăng 45% so với quý I/2022. Lợi nhuận trực tiếp (EBIT) tại cửa hàng chuyển từ âm sang dương 2-3%.
Tính riêng tháng 12/2022, doanh thu trung bình đạt 1,42 tỷ đồng/cửa hàng, tăng 9% so với tháng 11 cùng năm nhờ nhu cầu mua sắm tăng trước Tết và các chương trình kích cầu. Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ do phần chiết khấu thêm từ các nhà cung cấp.
Tình hình kinh doanh khó khăn của ngành bán lẻ nói chung và Thế Giới Di Động nói riêng đã từng được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài dự báo vào đầu năm và cũng nhấn mạnh trong các cuộc họp nhà đầu tư sau đó.

Nhà sáng lập tập đoàn bán lẻ này dự báo lợi nhuận toàn chuỗi sẽ đi lùi sau gần một thập kỷ tăng trưởng, bởi sức mua của người dân đã yếu dần. “Đây là một năm rất lạ lùng”, ông nói không nên lạc quan quá mức rằng những khó khăn sẽ đi qua nhanh.
Vị này nhận định câu chuyện khó khăn của ngành bán lẻ sẽ còn kéo dài. Nhà sáng lập Thế Giới Di Động cũng cho rằng rất khó để dự báo chính xác thời điểm kết thúc những khó khăn, sớm nhất phải hết quý I và trường hợp bi quan phải đến hết quý III/2023.
Thế Giới Di Động cắt giảm hơn 7.000 nhân viên trong 3 tháng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, tính đến hết ngày 30/9/2022, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận tổng cộng 80.231 nhân viên. So với cuối năm 2021, quy mô nhân sự của TGDĐ tăng khoảng 14%. Đây cũng là số lượng nhân viên cao nhất từ trước đến nay của công ty thuộc lĩnh vực bán lẻ.
Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, quy mô nhân sự của TGDĐ thu hẹp còn 73.202 nhân viên. Điều này đồng nghĩa chỉ trong vòng 3 tháng, TGDĐ đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tương đương 4%.
Trên thực tế, giữa năm 2022 cũng là khoảng thời gian TGDĐ đẩy mạnh cắt giảm các hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, đồng thời điều chỉnh quy mô một số chuỗi như Bách Hóa Xanh, AVAFashion và AVAJi. Tính đến cuối năm 2022, số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh giảm 20% so với đầu năm 2022 còn 1.728 cửa hàng.

Cuối năm 2022, khoản thưởng phải trả nhân viên đạt 1.565 tỷ đồng, giảm 45% so với số liệu ghi nhận hồi đầu năm. TGDĐ cũng có khoản phải trả cho người lao động lên tới 475 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, chi phí dành cho nhân viên đạt 9.492 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Lần đầu tiên tập đoàn Thế Giới Di Động bán thịt, cá nhiều hơn cả điện thoại, máy tính
- “Ông lớn bán lẻ” Thế giới Di động sa thải hơn 12.000 nhân viên trong nửa năm qua, lợi nhuận hợp nhất rơi về vùng thấp nhất 10 năm
- Chủ tịch Nguyễn Đức Tài thôi điều hành chuỗi Bách Hóa Xanh, tìm ra người mới ngồi “ghế nóng”: Đại công thần 18 năm, xây hệ thống quản trị trứ danh của Thế giới di động