HĐQT Thế Giới Di Động đã bổ nhiệm ông Phạm Văn Trọng thay ông Nguyễn Đức Tài điều hành chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh – công ty con do Thế Giới Di Động thành lập từ năm 2015.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức chiều 8/4, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) đã công bố bổ nhiệm ông Phạm Văn Trọng làm quyền CEO của chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh.
Ông Trọng gia nhập MWG từ năm 2004, tức có hơn 18 năm làm việc ở tập đoàn. Trước khi tham gia đội ngũ lãnh đạo của CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh với vai trò giám đốc vận hành từ năm 2019, ông Trọng từng đảm nhiệm vị trí giám đốc Khối Công nghệ thông tin của MWG.
Được biết, ông Trọng là giám đốc công nghệ của Thế Giới Di Động. Chính ông Trọng là người đứng sau hệ thống ERP của Thế Giới Di Động. Ông Trọng đã phát triển phần mềm này với nhiều chức năng từ quản lý hành chính, công ty, nhân sự, chia sẻ đến phần mềm quản lý quan hệ khách hàng CRM với rất nhiều hạng mục chi tiết.
Ban đầu ngay sau khi thành lập công ty vào năm 2004, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu làm một phần mềm đơn giản để quản lý website – trang tin tức về công nghệ, giới thiệu các sản phẩm một cách tốt nhất đến cho khách hàng.
Lúc đó vì chỉ có một cửa hàng nên việc kiểm soát các khâu kế toán, kinh doanh, hàng hóa khá dễ. Nhưng sau khi mở thêm một cửa hàng nữa, nhu cầu quản lý đã khác đi, nhu cầu luân chuyển hàng hóa trở thành bài toán khó.
Trước khó khăn đó, ông Nguyễn Đức Tài yêu cầu viết một phần mềm để chuyển các imei từ kho này đến kho kia, vì quản lý sản phẩm điện thoại là quản lý đích danh nên phải dựa trên imei của từng điện thoại. Lúc đó ông Trọng cho rằng viết như vậy chỉ giải quyết được một phần nhỏ của công việc, không mang lại nhiều thuận lợi về sau, nên đã đề nghị mọi người nghĩ đến một phần mềm quản lý tổng thể từ kế toán đến hàng hóa. Ý tưởng đó được Ban giám đốc đồng ý.
Sau đó, ông Trọng cùng bộ phận IT đã tập trung xây dựng phần mềm này, đến cuối 2004 hoàn tất và đi vào hoạt động từ đầu năm 2005.
Ban đầu, phần mềm cũng chỉ có chức năng quản lý hàng hóa đơn giản. Theo thời gian và chiến lược kinh doanh của công ty, ông Trọng và các cộng sự đã bổ sung, phát triển thêm nhiều phân hệ khác.
Vì giải pháp được xây dựng dựa trên nhu cầu nên nhìn chung chúng giải quyết được nhiều yêu cầu đặc thù theo mô hình kinh doanh của TGDĐ.
Chẳng hạn, giải pháp quản lý theo imei tạo cơ chế luân chuyển hàng hóa tại các siêu thị hay kiểm soát tồn kho hiệu quả hơn.
Từ hệ thống, Thế Giới Di Động có thể lấy ra những imei nào đã tồn kho quá lâu, hoặc nhân viên từ siêu thị này có thể biết được siêu thị cận kề nào đang có sản phẩm mà khách muốn mua… Điều quan trọng hơn mà giải pháp mang lại là tạo ra môi trường online đa tương tác khi cho phép toàn bộ nhân viên của TGDĐ dùng phần mềm này để phối hợp làm việc cùng nhau.
Hay như trong phân hệ quản lý bán hàng, cho phép xem được báo cáo ngay lập tức, biết siêu thị nào đang bán được bao nhiêu, đang tồn bao nhiêu, và tối ưu hóa thông tin về sản phẩm.
Tại các siêu thị TGDĐ, trên các kệ trưng bày có hệ thống đèn LED hiển thị thông tin về tên, giá cả sản phẩm. Những thông tin hiển thị này đều do hệ thống từ văn phòng chính tự động sắp xếp sau đó chuyển đến các siêu thị nhằm tối ưu việc tìm kiếm một sản phẩm cho khách hàng. Nhân viên ở các siêu thị căn cứ theo thông tin hiển thị trên đèn LED để sắp xếp sản phẩm tương ứng.
Hay trong phân hệ nhân sự tiền lương, với công nghệ dùng vân tay, hệ thống cho phép nhân viên biết chính xác ngày nào họ đi làm, vào lúc mấy giờ, bị trừ bao nhiêu tiền. Cuối tháng người quản lý tiền lương chỉ cần click chuột là hệ thống sẽ tự động tính lương và gửi bảng lương chi tiết đến từng người mà không hề nhận bất kỳ thắc mắc, khiếu nại nào từ nhân viên.
Về tuyển dụng đánh giá thử việc cũng dùng chứng từ điện tử của hệ thống, bộ phận nhân sự dựa theo đó để quyết định ký hợp đồng hay không. Tại các doanh nghiệp thông thường, trung bình cứ 100 nhân viên cần 1 nhân sự. Riêng TGDĐ, vì hệ thống đã làm việc thay người nên với gần 10.000 nhân viên trên cả nước, nhưng bộ phận nhân sự chỉ 10 người, và bộ phận tiền lương cũng chỉ có 2 người.
Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG cho biết, trong hơn 12 tháng vừa qua, ông đã trực tiếp điều hành Bách Hóa Xanh, liên tục kèm cặp để có những thay đổi lớn. “Chúng tôi chọn ra ông Phạm Văn Trọng, người sẽ dẫn dắt Bách Hóa Xanh tiến về tương lai. Đây là quyền CEO đầu tiên mà chúng tôi bổ nhiệm, ông Trọng sẽ làm việc không lương cho đến khi tình hình có hiệu quả”, ông Tài cho biết.
Phát biểu tại đại hội, ông Trọng cam kết đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận đặt ra, từ đó cải thiện thu nhập của nhân viên, hướng Bách Hóa Xanh online đạt điểm hòa vốn trong năm nay, trở thành trang thương mại điện tử ngành hàng tiêu dùng số 1.
Không mở mới ồ ạt vì đã có bài học đắt giá
Nói về thế mạnh của Bách Hóa Xanh, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết, chuỗi đang kinh doanh hai nhóm hàng lớn, gồm tươi (rau, thịt, cá, trái cây) và khô (thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng).
Đối với nhóm hàng tươi, chuỗi đang nỗ lực để hàng tươi ngang ngửa, thậm chí trong tương lai tốt hơn ở chợ. “Trong quá khứ, Bách Hóa Xanh chưa làm tốt về nhóm hàng tươi sống nên có những ấn tượng không tốt, nhưng trong tương lai sẽ thành thành điểm đến bà nội trợ”, ông Tài nói.
Về kế hoạch mở mới Bách Hóa Xanh, ông Tài cho biết chuỗi đã mở mới cửa hàng trong năm nay rồi, những cửa hàng mở mới nằm ở dưới chân chung cư, là mô hình rất mới của công ty. Tuy nhiên việc mở sẽ không ồ ạt theo KPI bởi trong quá khứ, MWG đã có bài học đắt giá.
“Mở cửa hàng nào thì cửa hàng đó phải thắng”, ông Tài nói và chia sẻ thêm, hai dạng cửa hàng Bách Hóa Xanh sẽ mở mới trong tương lai là mô hình 150m2 và 200m2, tạm ngừng với mô hình 300m2 và 400m2.
Theo Chủ tịch MWG, các mô hình lớn nằm trong lõi khu dân cư đông đúc sẽ dễ có lời. Tuy nhiên có sự mâu thuẫn là chỗ mở được thì khách sẽ không đủ lớn, chỗ đông thì không có đất mở. Trong 5 năm qua, TP HCM gần như không có siêu thị lớn nào mở cửa.
Vậy nên ông Tài cho rằng, mô hình nhỏ mới là mô hình của tương lai. Khách hàng chỉ cần những điều rất cơ bản, từ việc có hàng, mức giá, cho đến chất lượng dịch vụ.
Tại thời điểm cuối tháng 2/2023, Bách Hóa Xanh có 1.729 cửa hàng đang hoạt động, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo kinh doanh của MWG, doanh thu 2 tháng đầu năm của chuỗi này tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu online tăng 26% so với cùng kỳ và chiếm 3,6% tổng doanh thu của chuỗi. Doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tăng 30% so với mùa Tết năm ngoái.
Sau 7 năm vận hành (2016-2022), MWG đang “gánh” số lỗ lũy kế 7.395 tỷ đồng với chuỗi Bách Hóa Xanh. Riêng năm 2022, chuỗi này lỗ kỷ lục 2.961 tỷ đồng.
Liên quan đến việc chào bán cổ phần Bách Hóa Xanh, đại diện MWG cho biết, công ty đang thực hiện bán cổ phần theo hình thức phát hành riêng lẻ, cho một hoặc một vài nhà đầu tư với điều kiện và tỷ lệ nhất định.
Sau khi giao dịch này diễn ra, Bách Hóa Xanh vẫn là công ty tư nhân, không phải công ty đại chúng. Hình thức này hoàn toàn khác với IPO – phát hành ra công chúng. Vì tính chất bảo mật nên công ty chưa thể công bố thông tin về giao dịch này.
Theo Mekongasian, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- “Ông lớn bán lẻ” Thế giới Di động sa thải hơn 12.000 nhân viên trong nửa năm qua, lợi nhuận hợp nhất rơi về vùng thấp nhất 10 năm
- Các “Gà vàng” của Thế Giới Di Động lỗ tới hàng nghìn tỷ: Bách Hoá Xanh 7.000 tỷ, An Khang 300 tỷ và MWG Cambodia 600 tỷ
- Lần đầu tiên tập đoàn Thế Giới Di Động bán thịt, cá nhiều hơn cả điện thoại, máy tính