Vùng đất thiêng Buôn Mê Thuột, nơi hội tụ linh khí đất trời, với lịch sử văn hóa bản địa đặc sắc… đang từng bước trở thành Thủ phủ cà phê toàn cầu, nơi khởi phát Cà Phê Triết Đạo.
01. Buôn Ma Thuột – Một vùng đất thiêng
Nằm ở vị trí trung tâm, Buôn Ma Thuột là một thành phố phát triển hiện đại, năng động, đóng vai trò kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội chiến lược của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung.
Buôn Ma Thuột là một vùng đất giàu bản sắc với lịch sử hình thành lâu đời, địa hình cảnh quan đa dạng, các danh lam thắng cảnh phong phú, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, những sản vật truyền thống…
Nhiều tư liệu khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích cư trú, lao động của cư dân thời tiền sử tại Buôn Ma Thuột cách đây 4.000 năm. Trong Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, nơi đây được biết đến là địa bàn của hai nước Thủy Xá – Hỏa Xá, cội nguồn của người Ê đê, M’nông, Gia Rai.
Buôn Ma Thuột cũng sở hữu một địa hình cảnh quan vô cùng đa dạng, với cao nguyên chồng lớp trên độ cao 536m so với mực nước biển, và phần lớn diện tích cao nguyên là đất đỏ bazan màu mỡ được hình thành từ sự phun trào núi lửa cách đây 160 triệu năm, xen kẽ với đồi núi, bình nguyên và thung lũng.
Cùng với hệ thống thác ghềnh hùng vĩ Gia Long – Dray Nur – Dray Sap thuộc sông Sêrêpôk quanh năm sương khói bao phủ, các hồ chứa nước lớn như Hồ Lắk, Hồ Ea Kao cùng nhiều khu vườn nguyên sinh như Vườn Quốc gia Yok Đôn, Vườn quốc gia Chu Yang Sin mang nét đẹp tự nhiên, hoang sơ, mà khoáng đạt, như một món quà đặc biệt mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất Buôn Ma Thuột.
Buôn Ma Thuột còn là minh chứng cho bản sắc văn hóa vô cùng phong phú với hơn 44 dân tộc anh em chung sống.
Trong đó, kiến trúc nhà dài, nhà rông, các sản phẩm làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc… và các di sản văn hóa phi vật thể, những lễ hội, phong tục độc đáo như: Lễ cúng bến nước, Lễ cầu mưa, Lễ hạ Nêu của dân tộc Mường, hát then đàn tính của dân tộc Tày, cùng những bản sử thi, thần thoại, là nét tinh hoa được chắt lọc ngàn đời mang đậm truyền thống nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Đặc biệt, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ ngàn đời xưa, tiếng cồng chiêng đã ngân vang trong bản sử thi Đam San: “Hãy đánh những chiêng âm thanh hay nhất.
Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà vọng lên trời…” mang hồn thiêng của núi rừng Buôn Ma Thuột.
Khi tiếng cồng chiêng được tấu lên, không gian như ngưng đọng, không chỉ để con người giao lưu với các thần linh, thông tin đến họ hàng, bè bạn mà còn là tiếng nói tâm linh, là tâm hồn cao nguyên đầy trữ tình và cháy bỏng khát vọng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.
Qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, tiếng cồng chiêng vẫn không ngừng ngân vang, đi theo con người Buôn Ma Thuột từ lúc lọt lòng đến khi về với mẹ đất, hòa quyện cùng gió núi, mây ngàn, và nuôi dưỡng tâm hồn những người dân bản địa nơi đây.
02. Buôn Mê Thuột – Nơi khởi phát Cà Phê Triết Đạo
Được phát hiện từ thế kỷ thứ 9 đến nay, cà phê đã trở thành thức uống phổ biến được ưa chuộng trên toàn cầu với hơn 2,5 tỷ người dùng. Thế nhưng, không phải nơi nào nào trên trái đất này cũng canh tác được cà phê.
Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, con người và văn hóa để cây phê sinh trưởng, lớn mạnh và sản sinh ra những hạt cà phê chất lượng chỉ có một số vùng đất đáp ứng được.
Và thiên nhiên đã ưu ái ban tặng đặc ân ấy cho một số quốc gia xoay quanh vùng xích đạo như: Jamaica, Panama ở Trung Mỹ, Brazil, Colombia ở Nam Mỹ, Ethiopia, Kenya, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam… Trong đó, duy nhất Buôn Ma Thuột, Việt Nam sản sinh ra hạt cà phê Robusta có phẩm chất thực sự khác biệt, ngon nhất thế giới.
Được nuôi dưỡng từ nguồn dinh dưỡng màu mỡ của đất mẹ bazan hơn 160 triệu; được tưới tẩm bởi dòng nước mát lành từ những con sông huyền thoại Sêrêpok, K’rông Ana, K’rông Nô…; được tôn tạo bằng những nghi lễ tâm linh, bằng tiếng chiêng, tiếng cồng; bằng những tiếng hát, tiếng kể sử thi, những nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của cộng đồng người đồng bào Êđê, Ba na M’nông, Ja’rai…; và bằng những tình cảm chân thành, tình yêu của những người con đồng bào vùng đất nơi đây dành cho quê hương, nguồn cội, những hạt cà phê Robusta từ vùng đất Buôn Ma Thuột nổi tiếng ngon nhất thế giới.
Và cứ mỗi năm vào tháng 3, Lễ hội “M’ Yor cà phê” – “Dâng cà phê” của người Ê Đê lại diễn ra. Đây là một nghi lễ, tín ngưỡng tâm linh, biểu hiện sự tôn trọng rừng cây của người Ê Đê, xem cà phê như một báu vật thiêng liêng của vùng đất bazan Buôn Ma Thuột, như một quà tặng của cuộc sống, của thiên nhiên gửi tặng đến cho con người.
Bên cạnh đó, mỗi hai năm, khi mùa hoa cà phê nở rộ, Buôn Ma Thuột lại tưng bừng với Lễ hội Cà phê, ngày hội mang tầm vóc quốc gia của những người yêu cà phê.
Ngay từ những ngày đầu khởi sinh tại vùng đất thiêng Buôn Ma Thuột, Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã nghiên cứu, khám phá những phẩm tính khác biệt, đặc biệt của hạt cà phê Robusta vùng đất Buôn Ma Thuột.
Dưới sự dẫn dắt của Nhà sáng lập – Chủ Tịch Đặng Lê Nguyên Vũ, Trung Nguyên Legend trong 26 năm qua đã và đang từng bước góp phần vinh thăng giá trị cà phê, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, khẳng định vị thế ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới thông qua cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo.
Những tuyệt phẩm cà phê năng lượng G7, Trung Nguyên, Trung Nguyên Legend được tạo nên từ những hạt cà phê Robusta tuyệt ngon Buôn Ma Thuột đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại hàng triệu đô la đóng góp vào nền kinh tế địa phương và quốc gia.
Không chỉ làm rạng ngời văn hóa cà phê phin truyền thống Việt Nam với hàng loạt các hệ sản phẩm cà phê phin đa dạng, định chuẩn ly cà phê Việt, Trung Nguyên Legend đã đưa ra nhiều sáng kiến góp phần định hình xu hướng tiêu dùng, thưởng thức và bản đồ cà phê trong tương lai, quảng bá thương hiệu ra toàn cầu, đa dạng phong cách, văn hóa thưởng thức cà phê như: 7 sáng kiến chung cho ngành cà phê toàn cầu; Ngày cà phê Việt Nam; Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột; xây dựng Thành phố Cà phê với biểu tượng là Bảo Tàng Thế Giới cà phê – Bảo Tàng của Tương Lai…
Duy nhất Trung Nguyên Legend đã cô lọc 3 nền văn minh cà phê tiêu biểu của thế giới: Ottoman – Roman – Thiền để sáng tạo nên những tuyệt phẩm cà phê, không gian thưởng lãm cà phê đặc biệt như: Thế giới cà phê – hội tụ tinh hoa 3 nền văn minh cà phê; show nghệ thuật trình diễn pha chế ba nền văn minh cà phê với công nghệ 3D mapping; show nghệ thuật sống tỉnh thức; Vở vũ kịch “Chuyện kể 3 nền văn minh cà phê”.
Đây là sản phẩm du lịch đặc biệt, khác biệt, chưa từng có trong hệ sinh thái sản phẩm cà phê tinh thần của Trung Nguyên Legend.
Khi nghiên cứu, học hỏi về các bài học thành công của các thành phố bản sắc bậc nhất thế giới như Kyoto (Nhật Bản), Bordeaux (Pháp)… Trung Nguyên Legend cũng đưa ra ý tưởng xây dựng một khu đô thị kiểu mẫu, phát triển tập trung dựa trên nền kinh tế lõi là cây cà phê cùng bản sắc văn hóa của địa phương.
Thành phố Cà phê – Thành phố mẫu mực – Cộng đồng tỉnh thức mà Trung Nguyên Legend đang xây dựng là một dự án mang tầm chiến lược, kiến tạo một mô hình phát triển bền vững, tạo dựng không gian sống “xanh – bản sắc – thịnh vượng” với tầm nhìn đưa Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu.
Các công trình thuộc dự án Thành phố Cà phê đều được xây dựng có triết lý riêng, câu chuyện lịch sử riêng, tập trung vào chất lượng và sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem đến sự giàu có về Thân – Tâm – Trí từ trong ý tưởng kiến trúc, chất liệu, hạ tầng xây dựng, môi trường tổng thể,…
Trong đó, công trình kiến trúc biểu tượng Bảo tàng Thế giới Cà phê đã trở thành điểm đến không thể thiếu trên bản đồ du lịch Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, thu hút hơn 3 triệu lượt khách thăm quan trong hơn ba năm mở cửa, trở thành trung tâm cà phê nghệ thuật đầu tiên trên thế giới và là nơi bảo tồn văn hóa và phát triển cộng đồng.
Đặc biệt, hơn hai thập niên qua, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã nỗ lực dành nhiều thời gian tâm huyết nghiên cứu lịch sử cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để tư duy lại một cách căn bản và toàn diện cà phê thế giới và đúc kết trong các bài khảo luận “Cà Phê Triết Đạo” được công bố rộng rãi đến cộng đồng.
Qua đó, Trung Nguyên Legend đã đưa ra một kiến giải mới về cà phê, xác thực cà phê là thức uống tỉnh thức và sáng tạo; là chất xúc tác tạo ra hầu hết các tư tưởng, phát minh, sáng kiến quan trọng trong những bước ngoặt của lịch sử thế giới; là năng lượng kết nối các nền văn hóa và văn minh, quy tụ một lực lượng tinh hoa, có ảnh hưởng ở mọi lĩnh vực đời sống.
Từ sự thấu hiểu đó, Trung Nguyên Legend đã và đang từng bước nghiên cứu xây dựng một hệ sinh thái cà phê thúc đẩy cộng đồng nhân loại về lối sống mới, Lối sống Cà phê – Lối sống Thành công – Lối sống Tỉnh thức, tạo ra một thế giới hạnh phúc, an lành bền vững khởi phát từ thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Tiên phong nhận lãnh trách nhiệm người dẫn đạo cho ngành cà phê, với khát vọng nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa; cà phê nghệ thuật; cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, Trung Nguyên Legend đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp cùng thành phố Buôn Ma Thuột hiện thực đề án xây dựng thương hiệu Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành Phố Cà Phê Của Thế Giới”, thủ phủ cà phê toàn cầu, nơi hội tụ của những người yêu và đam mê cà phê.
Theo Trí thức trẻ
Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh ngày 10 tháng 2 năm 1971) là một doanh nhân nổi tiếng Việt Nam. Ông là nhà sáng lập, đồng thời là chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Trung Nguyên, Việt Nam. Ông là người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là “Vua Cà phê Việt Nam”.
Theo giới doanh nhân phương Tây, tài sản cá nhân của ông có thể lên tới 100 triệu USD . Khi được Forbes vinh danh “ Vua cà phê Việt “ ông cùng với chủ tịch Vinamilk Kiều Liên , là một trong số những doanh nhân Việt được Forbes ca ngợi.
Khởi nghiệp bằng con đường cà phê, ông Vũ không chỉ làm sáng thương hiệu kinh doanh của mình. Ông còn nâng tầm ý nghĩa kinh doanh, là người khai sáng triết lý cà phê Trung Nguyên hình thành đạo cà phê với Học thuyết cà phê, “cà phê triết đạo nhân sinh” thể hiện sự đóng góp của cà phê đối với nhân loại. Ông cũng là người đưa nước Việt trở thành “thánh địa cà phê” toàn cầu.