Tỷ phú nước Anh Richard Branson cho rằng với những ngành nghề khác, bằng cấp và đại học rất hữu ích, nhưng doanh nhân thì càng sớm tiếp xúc với bên ngoài càng tốt.
Richard Branson được coi là một trong những doanh nhân thành công nhất nước Anh và là biểu tượng của khởi nghiệp. Ông rời trường học năm 15 tuổi và thành lập tạp chí Student Magazine cùng một nhóm bạn.
Đến thập niên 70, ông sáng lập Virgin Records và Virgin Group. Sau đó, Branson lần lượt bổ sung thêm hãng hàng không Virgin Atlantic, Virgin Mobile và Virgin Trains.

Trước đây, trong một lần trả lời phỏng vấn trên Bloomberg về việc học tập khi đang kinh doanh và những khó khăn khi còn ở trường vì mắc chứng khó đọc.
– Trường học không thực sự cần thiết. Tôi bỏ học năm 15 tuổi và nghiên cứu nghệ thuật kinh doanh bằng cách cứ dấn thân vào nó. Tôi tự dạy bản thân mình từ những gì nhìn thấy trong cuộc sống.
Đó là quá trình kéo dài suốt cuộc đời. Với những ngành nghề khác, bằng cấp và đại học rất hữu ích. Nhưng với doanh nhân, càng sớm tiếp xúc với bên ngoài thì càng tốt.
– Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều đổi mới trong quá trình hội nhập về giáo dục. Thực tế, có nhiều doanh nhân không phải là học sinh giỏi. Ông nghĩ thế nào về điều đó?
– Tôi cho rằng doanh nhân là người luôn thích sự thay đổi, sáng tạo, không muốn bị bó buộc tư duy. Trường học là nơi đào tạo đại trà. Và doanh nhân muốn chống lại điều đó.

Nếu bạn có một ý tưởng hay và tin rằng nó có thể thay đổi cuộc sống của rất nhiều người, bạn không nên chỉ cắm đầu vào học và gánh một khoản nợ học phí khổng lồ. Thay vào đó, hãy đi ra ngoài và thực hiện ý tưởng của mình.
Rủi ro là nếu thất bại, bạn sẽ không có trường lớp hay bằng cấp để dựa vào. Nhưng bạn sẽ thu được kinh nghiệm hữu ích trong việc gây dựng công ty. Tất cả những gì bạn cần làm là đứng dậy sau vấp ngã và thử lại lần nữa.
– Ông đã chia sẻ rất nhiều về những khó khăn thời còn đi học, về chứng khó đọc. Điều đó gây ra khá nhiều rắc rối ở trường học, nhưng liệu nó có giúp ích cho sự nghiệp của ông sau này hay không?
– Tôi mắc bệnh khó đọc, vì vậy tôi rất giỏi trong việc giữ mọi thứ luôn đơn giản. Đó cũng là triết lý kinh doanh của tôi. Mọi thứ phải thật rõ ràng và đơn giản.
– Khi đề cập đến những ý tưởng mới, ông có nghĩ rằng mình nảy ra những ý tưởng đó theo một cách khác biệt hay không? Chứng khó đọc đóng vai trò gì trong việc này?
– Tôi muốn nói đến sự trao quyền. Khi không có khả năng học, anh sẽ rất giỏi việc này đấy. Hãy xác định rõ điểm yếu và điểm mạnh của bản thân, rồi tìm những người thật xuất sắc để hỗ trợ.
Trao quyền vẫn là kỹ năng quan trọng mà lãnh đạo giỏi cần có. Rất nhiều người luôn giữ chặt quyền hành và làm mọi thứ một mình. Vì vậy, họ sẽ không bao giờ xây dựng được một công ty như Virgin.

– Cuộc phỏng vấn hôm nay không chỉ đề cập đến việc mọi người học gì ở trường, mà còn về nghề nghiệp và khả năng tìm được nơi làm việc. Hồ sơ xin việc sẽ dẫn dắt họ đi đúng con đường sự nghiệp.
Ông đã thành lập rất nhiều doanh nghiệp. Vậy ông có thể cho biết mình muốn tuyển dụng một người như thế nào, hồ sơ xin việc nào sẽ được lựa chọn, và ứng viên cần có những điểm mạnh gì?
– Cá nhân tôi không quan trọng điểm số khi đi học của các ứng viên, cũng như ngành họ được đào tạo. Điều tôi để mắt là kinh nghiệm làm việc và tính cách của họ. Nếu làm lãnh đạo, họ có đối xử tốt với mọi người, có đủ tài giỏi, có khả năng tạo động lực cho người khác hay nhận ra điểm mạnh của từng nhân viên hay không?
Điều đó quan trọng hơn rất nhiều bằng cấp. Như tôi đã nói ở trên, nếu muốn chế tạo tên lửa, trước hết bạn phải có một nhà khoa học tên lửa đã.
Tỷ phú “điên” Richard Branson và những triết lí vàng trong kinh doanh
Không chỉ được biết đến là người sáng lập Virgin Group, tỷ phú Richard Branson còn nổi tiếng với tư duy khác biệt trong đầu tư. Ông bắt đầu kiếm tiền từ năm 16 tuổi và đến nay sở hữu khối tài sản trị giá 5,1 tỷ USD theo thống kê của Forbes.
Dù là một tỷ phú với gia sản kếch xù, Richard Branson chưa bao giờ nghĩ tiền là động lực của mình. “Cuộc sống hoàn hảo với tôi không phải đến từ của cải vật chất. Tôi chưa bao giờ chọn kiếm tiền là mục tiêu của đời mình. Tôi cho rằng gia đình, bạn bè, sức khỏe và sự hài lòng đến từ những giá trị tinh thần tích cực mới là điều đáng trân trọng” – ông chia sẻ.

Trong một bài viết đăng trên trang LinkedIn cá nhân, Branson viết: “Một quan niệm sai lầm thường thấy là dùng tiền bạc để làm thước đo sự thành công của mỗi doanh nhân. Nó không đúng và cũng không nên làm vậy. Tôi chưa bao giờ bước vào công việc kinh doanh để kiếm tiền…”.
Tỷ phú 71 tuổi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ khi còn khá trẻ. Ông bỏ học phổ thông và lập một tạp chí dành cho sinh viên khi mới 16 tuổi.
Sau đó, vào những năm tuổi 20, Branson mở một cửa hàng băng đĩa và sau đó trở thành công ty băng đĩa độc lập thành công nhất thế giới thời điểm đó – Virgin Records.
Không chỉ dừng lại ở kinh doanh hãng đĩa, ông còn mở một hãng phim, hãng hàng không, công ty đồ uống, công ty mỹ phẩm và thậm chí cả công ty vũ trụ.
Đó chỉ là số ít trong số hơn 60 công ty thuộc Tập đoàn Virgin do tỷ phú người Anh sáng lập, phục vụ hàng chục triệu khách hàng trên khắp toàn cầu.
Branson chưa từng học đại học, thậm chí chưa học xong trung học phổ thông. Tuy nhiên vị tỷ phú này luôn học hỏi không ngừng. Ông không tự giới hạn bản thân trong một khuôn khổ hay lĩnh vực nào mà luôn cởi mở với những điều mới.
Tỷ phú cho rằng, điểm mấu chốt khi tiếp cận một lĩnh vực mới là phải học hỏi nó một cách nhanh chóng và theo đuổi đến cùng. Ông cũng từng chia sẻ: “Ý thức được việc bản thân không biết một điều gì đó không quan trọng lắm vì lúc nào bạn cũng có thể học hỏi chúng. Quan trọng nhất là hãy biết nắm bắt cơ hội và đừng nghi ngờ bản thân”.

Năm 2012, Chính phủ Anh thông báo hãng Virgin Trains của Richard Branson đã thua thầu và mất quyền điều hành tuyến đường sắt West Coast. Virgin Trains đã quản lý tuyến đường trị giá 7 tỷ bảng Anh này trong 15 năm, mở rộng mạng lưới và tăng số hành khách mỗi năm từ 13 triệu lên 30 triệu.
Trong cuốn sách của mình Richard Branson cho biết, ông đã vô cùng “choáng váng và bối rối” khi để mất thầu vào tay FirstGroup. Mọi ý kiến đều cho rằng các số liệu của FirstGroup là không bền vững, có nghĩa Chính phủ Anh đã nhầm lẫn trong khâu tính toán.
Dù vậy, các nhân viên cấp cao của công ty đều cho rằng Branson sẽ chỉ phí thời gian và làm ảnh hưởng tới hình ảnh của mình nếu khởi kiện. Sau khi cân nhắc kỹ càng, ông vẫn quyết định đâm đơn ra tòa.
Branson luôn tính tới bất kỳ trường hợp xấu nào có thể xảy ra trước khi đi đến quyết định.Trong vụ kiện trên, ban đầu các luật sư của Branson cho rằng, ông chỉ có 10% cơ hội thắng. Nhưng sau khi thu thập những bằng chứng cho thấy sai sót trong số liệu của đối thủ, ông nhận ra mình có trong tay công lý và sự ủng hộ của khách hàng.
Theo Bloomberg/Vnexpress, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Sếp FPT Đỗ Cao Bảo trả lời câu hỏi “Doanh nhân thành công có học không, có đọc sách không?” Xin thưa, doanh nhân có học, có đọc sách chứ
- Ghi chép: Thói quen đơn giản nhưng “Vô địch” của tỷ phú Bill Gates, Richard Branson và những người siêu thành công trên thế giới
- Chuyện đời cha đẻ “vua bán dẫn TSMC” Morris Chang: 25 năm đi làm thuê, đến tận 50 tuổi mới bắt đầu khởi nghiệp và bí quyết tuyển dụng