Để có thể trở thành một nhà lãnh đạo ngoài một phương pháp quản trị nhân sự hiệu quả thì chúng ta cần biết cả “nghệ thuật dùng người”. Thay vì đặt ra những quy tắc để bắt nhân viên làm theo, bạn phải giúp họ thấy được thế mạnh của mình và cố gắng phát huy thế mạnh đó.
Đừng cố làm bạn với nhân viên, hãy cho họ thấy “trí khôn của ta đây”
Trong cuốn “First, Break All the Rules” (Tạm dịch: Trước hết, hãy phá bỏ mọi luật lệ), hai tác giả Marcus Buckingham và Curt Coffman đã trình bày một đề tài nghiên cứu chuyên sâu do Viện Gallup thực hiện kéo dài 25 năm về cách thức hoạt động của tổ chức và bí quyết để các nhà quản lý thu hút được nhân tài.
Đã bao giờ bạn tự hỏi: Các nhà quản lý giỏi trên thế giới làm thế nào để tạo ra một môi trường làm việc trong mơ cho nhân viên?
Câu trả lời rất đơn giản: Nhà quản lý phải phá bỏ mọi luật lệ. Nhiệm vụ của nhà quản lý không phải là tìm ra điểm yếu của nhân viên và lên kế hoạch khắc phục điểm yếu đó; mà nhà quản lý phải giả định rằng đó là cá tính riêng mà nhân viên không muốn và cũng không thể thay đổi.
Điều này có nghĩa là nhà quản lý giỏi phải nhận ra việc yêu cầu nhân viên thay đổi cá tính là vô ích; thay vào đó hãy tập trung phát triển thế mạnh của họ.
1. Sếp không phải là nhà lãnh đạo
Là một nhà quản lý (hay sếp) giỏi, bạn sẽ phải bắt đầu phá vỡ chính những nguyên tắc do nhà lãnh đạo cấp cao hơn đưa ra.
Nhà quản lý thường nhìn vào bên trong công ty, bên trong mỗi cá nhân để thấy được sự khác biệt trong phong cách, cá tính, mục tiêu, nhu cầu và động lực của từng người. Sau đó, họ sẽ tìm ra những cách tốt nhất để giúp từng nhân viên phát triển bản thân và mang lại thành tích cao nhất cho công ty.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo lại nhìn ra bên ngoài. Họ tìm kiếm những tầm nhìn xa, tìm kiếm tương lai và cả những con đường thay thế. Họ là những người có tầm nhìn và suy nghĩ chiến lược. Mục đích của nhà lãnh đạo khác hoàn toàn với nhà quản lý.
Chính vì vậy, là một nhà quản lý, thay vì đặt ra những quy tắc để bắt nhân viên làm theo, bạn phải giúp họ thấy được thế mạnh của mình và cố gắng phát huy thế mạnh đó. Đừng bới móc điểm yếu của nhân viên, cũng đừng cố gắng làm bạn với họ, hãy cho họ thấy “trí khôn” của một nhà quản lý.
2. 4 “chìa khoá” thu hút nhân tài
Trong “First, Break All the Rules”, Buckingham và Coffman đề cập đến 4 yếu tố cốt lõi giúp các nhà quản lý thu hút và giữ chân nhân tài.
Thứ nhất, lựa chọn nhân tài.
Nhà quản lý phải lựa chọn những nhân viên giỏi dựa trên tài năng thực sự của họ chứ không phải các yếu tố như kinh nghiệm, trí thông minh hay sự quyết tâm. Tài năng là yếu tố quyết định thành công. Tài năng cũng là thứ không thể dạy dỗ, mà chỉ có thể phát triển thêm. Tài năng không thể bổ sung, nó chỉ có thể có sẵn hoặc không có. Nếu tìm được một nhân viên có tài, bạn chỉ cần nuôi dưỡng để tài năng đó phát triển.
Thứ hai, xác định kết quả thay vì thiết lập quy trình.
Mỗi cá nhân được tự do lựa chọn cách tốt nhất mà họ có thể sử dụng để đạt hiệu quả trong công việc bằng chính tài năng của mình. Vì thế, bạn đừng bắt họ phải tuân thủ theo những quy trình gò bó và cứng nhắc, hãy để họ cống hiến hết khả năng.
Thứ ba, tập trung khuyến khích thế mạnh, đừng cố “bới móc” điểm yếu của nhân viên.
Là một nhà quản lý, bạn cần nhớ rằng việc thay đổi một điểm yếu khó hơn việc phát triển một thế mạnh rất nhiều. Nếu chỉ tập trung vào điểm yếu của nhân viên, bạn đang khiến họ áp lực và chẳng thể nào hoàn thành tốt được công việc.
Thứ tư, giao đúng người đúng việc.
Nếu bạn muốn nhân viên phát huy hết tài năng, hãy đặt họ vào đúng vị trí phù hợp với họ nhất, thay vì bổ nhiệm theo cấp bậc quy định. Ai đi làm cũng đều muốn phát triển bản thân, muốn có một chỗ đứng nhất định trong công ty và kiếm được tiền. Do đó, nhiệm vụ của bạn là phát hiện được mong muốn của nhân viên (cộng với tài năng của họ) để phân công công việc phù hợp.
Quản lý tích cực và tạo cơ hội để nhân viên làm việc hết mình
Lãnh đạo là người có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc của nhân viên. Một người sếp giỏi biết cách tạo môi trường để nhân viên nhận ra được thế mạnh của bản thân và phát huy nó.
Đôi khi cách duy nhất để đánh giá kỹ năng của một lãnh đạo là nhìn vào cách họ ứng xử và tác động tới cấp dưới. Bí quyết thu phục nhân tài của một lãnh đạo giỏi chỉ nằm ở 3 chữ: Con người là số 1. Họ biết cách tạo động lực, xây dựng môi trường để nhân viên làm việc nhiệt huyết và cống hiến hết mình:
1. Lãnh đạo giỏi biết cách tạo ra niềm vui và xua đi sự căng thẳng
Bạn hãy trả lời một cách trung thực các câu hỏi sau: Bạn có trông chờ mỗi sáng thứ 2 để đi làm? Bạn có muốn tương tác tích cực với các đồng nghiệp? Bạn có đánh giá cao cấp trên vì họ rất quan tâm đến cấp dưới? Nếu câu trả lời là có, chúc mừng bạn có thể trải nghiệm niềm vui với công việc và cấp trên.
Niềm vui là cảm xúc thể hiện một người có thể sống trong một môi trường là việc lành mạnh và những cấp trên “vĩ đại”. Đó là cảm giác bạn có được trong một môi trường có tinh thần hợp tác cao, mọi người tôn trọng lẫn nhau, phối hợp tích cực giữa các đồng nghiệp. Một người lãnh đạo giỏi có thể khiến các nhân viên vẫn tràn đầy khí thế làm việc dù đã hết giờ.
2. Lãnh đạo giỏi giúp nhân viên nhận ra định hướng, mục đích, ý nghĩa và giá trị của bản thân
Trong cuốn sách In Give and take: Why Helping Others Drives Our Success, tác giả Adam Grant từng nói rằng: Khi một người tìm thấy mục đích trong công việc của họ, nó không chỉ cải thiện sự hạnh phúc mà còn tăng năng suất lao động.
Hãy để nhân viên làm những gì họ muốn bằng cách trao cho họ cơ hội kết nối và gặp gỡ những khách hàng họ đang phục vụ. Khi đó, bạn có thể nhìn thấy hiệu quả làm việc trực tiếp của họ. Khi nhân viên cảm thấy họ có thể tạo ra sự khác biệt cho thế giới thông qua công việc, họ sẽ có động lực để làm mọi thứ tốt hơn, có ý nghĩa hơn.
3. Lãnh đạo nên là người thúc đẩy tinh thần học hỏi trong tổ chức
Đào tạo con người là chiến lược đầu tư kinh doanh nên được ưu tiên hàng đầu. Những người làm lãnh đạo cần nhận ra tài năng, thế mạnh và đặc điểm tính cách của các nhân viên để phân công cho họ những công việc phù hợp nhất, giúp họ thể hiện năng lực tốt nhất.
Trao cho cấp dưới cơ hội được học hỏi và phát triển bản thân phù hợp với công việc và mục tiêu chung, người lãnh đạo vừa có được nhân tài vừa hoàn thành sứ mệnh của tổ chức.
4. Niềm tin là yếu tố cốt lõi
Hãy đối mặt với nó: Nếu bạn đang cân nhắc lựa chọn một quản lý tốt, lòng tin nên là yếu tố cốt lõi. Trong cuốn sách The Speed of Trust: The One Thing That Changes Everything, tác giả Stephen M.R Covey nhấn mạnh rằng, những người lãnh đạo có hành vi đáng tin cậy có thể tác động sâu sắc đối với các nhân viên. Các hành vi đáng tin đó bao gồm:
– Có trách nhiệm
– Xử lý công việc minh bạch
– Đối mặt với thực tế
– Xác định rõ các mục tiêu
– Kỹ năng lắng nghe
Đó là cách các nhà quản lý giỏi tương tác với nhân viên của họ hàng ngày. Khi nhân viên có sự tin tưởng vào lãnh đạo càng cao, hiệu suất làm việc càng tăng và kết quả kinh doanh sẽ tiến triển một cách khác biệt.
5. Minh bạch và cởi mở trong giao tiếp
CEO Melissa Reif của The Container Store, công ty đứng thứ 49 trong danh sách “100 công ty tốt nhất” của tạp chí Fortune hàng năm đã đề ra nguyên tắc tổ chức: Truyền thông lãnh đạo được thực hiện hàng ngày với sự tin tưởng, nhất quán, đáng tin cậy, hiệu quả, sâu sắc, chu đáo và giao tiếp lịch sự. Theo nguyên tắc này, Melissa Reif muốn cố gắng để công khai mọi thông tin với nhân viên.
Mặc dù đó là một cam kết đáng lo ngại đối với bất kỳ công ty nào, nhưng The Container Store luôn khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc này trên trang web của công ty:
“Không điều gì khiến một người cảm thấy thuộc về tập thể tốt hơn là việc họ được thông báo mọi thông tin. Chúng tôi biết rằng một số thông tin có thể rơi vào tay của đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, nguyên tắc này tạo ra những lợi thế vượt xa các nguy cơ đó”.
Nguồn: Trí Thức Trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Bài học quản trị nhân sự từ chuyện Kiến và Sư tử: Bộ máy đơn giản, kết quả cao nhất
- Sếp lớn FPT Hoàng Nam Tiến chia sẻ: Sếp nào cũng nói tài sản quý nhất là con người, nhưng hễ gặp khó khăn lại cho bớt ‘tài sản’ ấy ra đường
- Nhân viên gắn bó lâu năm cũng bị sa thải trong vài phút vì phạm phải 10 sai lầm này: Cả sếp và nhân viên đều nên đọc