Nếu Elon Musk chỉ là một CEO làm thuê, có lẽ vị tỷ phú giàu nhất hành tinh này đã bị sa thải từ lâu nếu cứ phát ngôn và hành động bất cần như gần đây.
Từ trước đến nay, Elon Musk vốn được biết đến là một vị CEO đầy tai tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những tuần gần đây trôi qua không mấy thuận lợi với vị tỷ phú khi ông liên tục xuất hiện trên đầu đề các trang báo.
Theo Inc, những sự kiện gần đây cho thấy việc một công ty quá phụ thuộc vào lãnh đạo sẽ mang đến rất nhiều bất cập. Musk dường như không có bất kỳ giới hạn nào cho phát ngôn của mình. Điều này đôi khi có thể phản tác dụng.
Vị tỷ phú “lắm tài nhiều tật”
Hôm 7/7, Business Insider tiết lộ thông tin Elon Musk bí mật có con với Shivon Zilis, một ngôi sao đang lên trong đế chế Neuralink của ông. Nguồn tin còn cho biết Zilis đã hạ sinh 2 đứa trẻ chỉ vài tuần trước khi Musk có đứa con thứ 2 với bạn gái cũ, nữ ca sĩ Grimes.
Thông tin này đã dấy lên không ít xôn xao trong dư luận vì tính đến nay CEO Tesla đã có đến 10 người con. Điều này biến ông thành một trong những tỷ phú có nhiều con nhất.
Chỉ 2 ngày sau đó, ngày 9/7, Elon Musk tiếp tục trở thành đề tài nóng khi ông đột ngột thông báo hủy bỏ kế hoạch mua lại mạng xã hội Twitter. Thương vụ trị giá 44 tỷ USD được đánh giá là một vụ mua bán đầy sóng gió vì vị tỷ phú liên tục tỏ ra lưỡng lự và đòi hoãn kế hoạch vì lo ngại số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng này.
Đồng thời, thương vụ còn để lại một mớ hỗn độn cho Twitter với làn sóng phẫn nộ từ nhân viên, cổ phiếu rớt giá và tương lai phát triển bất ổn.
Phản hồi về thông tin Musk “hủy kèo”, Twitter khẳng định hãng sẵn sàng đâm đơn kiện Musk để buộc ông hoàn tất thỏa thuận. Nếu không, ông sẽ phải trả 1 tỷ USD phí bồi thường hợp đồng, đồng thời đối diện với một cuộc chiến pháp lý đầy căng thẳng sau này.
Theo Inc, đây không phải là lần đầu tiên ông chịu tổn thất vì những hành động bộc phát của mình. Vào năm 2018, vị tỷ phú từng gây sốc cho các nhà đầu tư vì tung tin sẽ tư nhân hóa Tesla, nhưng sau đó lại hủy bỏ kế hoạch này vì hội đồng quản trị không đồng ý.
Cuối cùng, cái giá ông phải trả là mất ghế chủ tịch Tesla và bồi thường 20 triệu USD tiền phạt sau khi bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) khởi kiện với cáo buộc lừa đảo.
Song, có thể thấy những sự kiện này diễn ra theo một chuỗi liên tục và có thể gây bất lợi cho vị tỷ phú, Inc nhận định. Trước đó 6 tuần, Tesla từng bị kiện vì hành vi dung túng cho môi trường làm việc quấy rối tình dục độc hại. Elon Musk cũng bị tố quấy rối tình dục tiếp viên hàng không và “bịt miệng” nạn nhân bằng 250.000 USD phí bồi thường.
Những thông tin trên khi kết hợp lại đã làm thay đổi hoàn toàn hình tượng của Musk. Ông trở thành một vị tỷ phú lắm tài nhiều tật, ăn chơi trác táng, sẵn sàng tiếp cận với bất kỳ nữ nhân viên nào để thỏa mãn nhu cầu của mình. Những hành vi của ông còn được cho là đang tiếp tay cho môi trường làm việc độc hại trong công ty và giới khoa học nghiên cứu AI.
Mặt trái khi quyền lực về tay Elon Musk
Nhiều năm nay, sự bất cần còn trở thành thương hiệu và điểm thu hút riêng của vị tỷ phú. Thậm chí, Tesla còn lợi dụng điều này cho các chiến lược marketing của mình.
Song, đôi khi chính sự nổi tiếng lại trở thành nguy cơ đe dọa đến Musk và công ty của ông. Những bài đăng gần đây của CEO Tesla trên Twitter đã khiến nhiều người tỏ ra ngần ngại khi tìm việc ở công ty của ông, như chính sách bắt buộc có mặt ở văn phòng ít nhất 40 giờ/tuần hay văn hóa làm việc khắc nghiệt.
Các nhân viên nữ cũng dần mất lòng tin khi họ phải làm việc trong một môi trường đầy rẫy những lời quấy rối, bình phẩm cơ thể và hành vi đụng chạm thân thể họ trái phép.
Do đó, với những hành vi trên, Inc cho rằng nếu Musk chỉ là một doanh nhân được thuê về để làm CEO, ông chắc chắn đã bị sa thải từ lâu.
Steve Easterbrook, cựu CEO của McDonald từng bị cách tất cả chức vụ và bồi thường 105 triệu USD sau khi bị phát hiện có quan hệ tình cảm với nhân viên của mình.
Nhưng vì Elon Musk là CEO, đồng thời là nhà sáng lập các công ty của mình nên ông sẽ không phải chịu bất cứ hậu quả nào cho những hành động bộc phát của mình.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Tesla, SpaceX, Neuralink sẽ tiếp tục chịu cảnh bấp bênh dưới sự quản lý của một CEO khó đoán và đầy tai tiếng như Elon Musk trong một thời gian dài.
Không mua lại Twitter, Elon Musk thừa 8,5 tỷ USD tiền mặt
Thứ Sáu tuần trước, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã gây sốc khi tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận mua lại nền tảng mạng xã hội Twitter. Nguy cơ về một cuộc chiến pháp lý với Twitter có thể khiến Musk tiêu tốn hàng tỷ USD, đó là nhận định của các chuyên gia tài chính.
Bất chấp diễn biến của vụ kiện, Elon Musk được cho là đang có khoảng 8,5 tỷ USD tiền mặt thu được từ việc bán cổ phần của hãng xe điện Tesla để chuẩn bị cho thương vụ Twitter. Vào tuần cuối cùng của tháng 4, Musk đã bán 9,6 triệu cổ phiếu Tesla với giá trung bình khoảng 885 USD/cổ phiếu.
Nhà phân tích Sam Abuelsamid của công ty Guidehouse Insights cho biết: “Ông ấy gần như chắc chắn có lượng tiền mặt nhiều hơn so với một năm trước sau khi bán quá nhiều cổ phiếu Tesla, đặc biệt là với mức giá khá cao”.
“Tuy nhiên, tùy thuộc vào kết quả cuối cùng của vụ kiện tụng xung quanh việc này là gì, Musk có thể sẽ rơi vào tình huống tồi tệ hơn nhiều”, vị chuyên gia nhận định.
Vào thời điểm Musk bán cổ phiếu của mình, các nhà đầu tư của Tesla lo lắng rằng việc mua Twitter có thể khiến Musk phân tâm, trong khi Tesla đang phải đối mặt với những lo ngại về đà suy thoái toàn cầu và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các đối thủ.
Thông thường, việc CEO bán cổ phiếu thường khiến các nhà đầu tư lo lắng, nhưng thông tin về vụ mua lại Twitter đã cung cấp một lời giải thích hợp lý cho việc Musk giảm lượng cổ phần khổng lồ của mình tại Tesla.
Kể từ khi Musk bán cổ phiếu Tesla vào tháng 4, cổ phiếu của công ty đã giảm 19%. Nếu Musk không bán số cổ phiếu Tesla vào thời điểm đó, giờ đây chúng sẽ có giá trị thấp hơn gần 1,6 tỷ USD.
Musk không nhận lương từ Tesla, thay vào đó, ông kiếm được hàng tỷ USD từ quyền chọn cổ phiếu sau khi đạt được một số mục tiêu về cổ phiếu và hiệu suất trong những năm gần đây. Ông vẫn sở hữu khoảng 16% cổ phần của Tesla, trị giá khoảng 115 tỷ USD.
Nhà phân tích Abuelsamid cho biết, nếu Musk thua kiện trước Twitter và buộc phải hoàn tất thương vụ mua lại hoặc bồi thường, ông có thể sẽ phải bán thêm cổ phiếu Tesla, gây khó chịu cho các nhà đầu tư và làm tổn hại đến lượng cổ phần còn lại của mình.
Musk cũng chưa kiếm lời được với lượng cổ phiếu Twitter mà ông mua trước khi tuyên bố sẽ mua lại công ty. Trước đó, Musk đã mua 73 triệu cổ phiếu Twitter với giá 2,64 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 4, với giá trung bình khoảng 36 USD/cổ phiếu.
Đầu tuần này, cổ phiếu của Twitter giảm 9,5% xuống 33,50 USD. Với mức giá đó, giá trị cổ phần tại Twitter của Elon Musk đã giảm khoảng 200 triệu USD.
Tham khảo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Một ngày làm việc của “Siêu nhân” Elon Musk: Điều hành cùng lúc 5 công ty, không có thời gian để ngủ nhưng không bỏ cuộc họp nào, hẹn hò hết cô nọ cô kia
- Một ngày làm việc của “Siêu nhân” Elon Musk: Điều hành cùng lúc 5 công ty, không có thời gian để ngủ nhưng không bỏ cuộc họp nào
- Những dòng tweet gây bão của tỷ phú “lắm miệng” Elon Musk trong năm 2021