Ngay từ khi thành lập, Tesla Motors đã chiếm lĩnh thị trường ô tô điện. Dưới sự lãnh đạo của CEO thiên tài Elon Musk, công ty đã tuân thủ và hoàn thành “Kế hoạch bí mật” để thay đổi ngành xe hơi thế giới vĩnh viễn.
Tesla, ban đầu là Tesla Motors, nhen nhóm từ năm 2003 khi một nhóm kỹ sư đam mê ô tô điện (EV) muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, họ không cần e ngại khi mua chúng. Họ muốn phát triển dòng xe riêng “tốt hơn, nhanh hơn và thú vị hơn xe chạy xăng”.
Làm điều người khác không thể
Một trong những động lực chính để Tesla ra đời là General Motors (GM) cho dừng chương trình EV1. GM chỉ chạy chương trình 3 năm, từ 1996 đến 1999, và sản xuất số xe hạn chế. Chúng cũng chưa bao giờ bán ra thị trường nhưng vẫn được xem là thành công về mặt kỹ thuật.
Tesla Motors đặt theo tên của Nikola Tesla, nhà phát minh động cơ điện AC nổi tiếng. Theo Business Insider, đồng sáng lập Martin Eberhard đã chọn cái tên này khi bàn bạc ý tưởng startup với bạn gái. Ông cho rằng “Tesla” vừa vặn với tầm nhìn của công ty mới, mang tới cảm giác mạnh mẽ về định hướng phát triển xe hơi điện hoàn toàn khác biệt.
Ngày 23/4/2003, ông Eberhard và Marc Tarpenning chính thức đăng ký tên miền Teslamotors.com. Tháng 7/2003, Tesla thành lập, ông Eberhard và ông Tarpenning trở thành Tổng Giám đốc (CEO) và Giám đốc Tài chính (CFO) của startup.
Cả hai tự bỏ tiền túi để mở Tesla và tổ chức vòng gọi vốn Serie A để huy động thêm tiền đầu tư. Đó là khi Elon Musk xuất hiện. Sau khi trở nên giàu có nhờ PayPal, ông Musk dẫn đầu vòng gọi vốn Serie A của Tesla, đầu tư 6,3 triệu USD, được bổ nhiệm làm Chủ tịch.
Năm tiếp theo, Tesla ký thỏa thuận với Lotus để hỗ trợ thiết kế phần khung và thân của mẫu xe đầu tiên, Roadster. Trong vòng gọi vốn Serie B năm 2006, hai nhà sáng lập Google Sergey Brin và Larry Page cũng rót tiền vào Tesla. Tháng 7 cùng năm, nguyên mẫu chiếc Roadster ra mắt thế giới.
Không lâu sau, Tesla công bố “kế hoạch bí mật”, đó là phát triển một chiếc xe thể thao, dùng tiền bán được để phát triển các mẫu xe rẻ hơn, đồng thời cung cấp các thế hệ động cơ điện không ô nhiễm.
Trước khi Roadster ra đời năm 2008, hai nhà sáng lập đã rời Tesla. Mẫu xe hơi thể thao đẹp mắt, trang bị công nghệ pin hiện đại cùng cơ cấu truyền động chạy điện hoàn toàn.
Nó không chỉ là thành tựu đáng kinh ngạc với một công ty còn non trẻ, mà còn chứng minh không ai ngoài Tesla làm được điều đó. Tesla đã sản xuất được một chiếc xe điện với các thông số kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu của người dùng, dù giá bán vượt tầm với của số đông (hơn 100.000 USD).
Các hãng đi trước Tesla thất bại vì nhiều nguyên nhân, một trong số đó là không thể sản xuất pin đủ năng lượng cho lái xe hàng ngày, hay động cơ tiết kiệm chi phí đặt vừa vặn trong xe và đạt tốc độ cao.
Roadster làm được tất cả. Những mẫu xe Roadster ban đầu có thể chạy được quãng được 402km trong một lần sạc và vận tốc tương đương các dòng xe thể thao khác. Nó dùng pin lithium-ion phổ biến trong nhiều thiết bị điện, sạc được bằng sạc gắn tường tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, Tesla cũng gặp phải một số vấn đề. Roadster cần 24 đến 48 tiếng để sạc pin bằng ổ cắm gia đình tiêu chuẩn. Nếu muốn thách thức các xe chạy xăng truyền thống, tốc độ sạc cần giảm đi đáng kể. Đây là một vấn đề cấp bách Tesla phải giải quyết trong các năm sau này.
Hiện tại, Tesla giới thiệu bộ sạc V3 Supercharging, sạc 5 phút đủ di chuyển hơn 120km, nhưng vẫn chưa đủ nhanh. Với 5 phút tiếp nhiên liệu, xe chạy xăng có thể chạy quãng đường xa hơn nhiều.
Elon Musk thành ông chủ Tesla
Tesla nhận được nhiều đơn hàng, một số khách hàng còn sẵn sàng chi nhiều hơn để đứng đầu danh sách giao xe. Mọi thứ dường như đi đúng hướng, song công ty lại gặp vấn đề tài chính.
Tháng 10/2008, ông Musk tiếp quản chiếc ghế CEO, sa thải 25% nhân sự. Thay đổi trong hàng ngũ cấp cao không diễn ra suôn sẻ khi một năm sau, hai nhà sáng lập Eberhard và Tarpenning nộp đơn kiện ông Musk và công ty cũ, tố cáo bị ông Musk ép ra khỏi Tesla.
Vụ kiện bị bác bỏ nhưng Tesla gặp nguy. Họ chỉ có trong tay 10 triệu USD tiền mặt, không đủ để hoàn thành và giao xe cho khách hàng.
Tập đoàn xe hơi Daimler đã giải cứu Tesla vào tháng 5/2009 khi mua 10% cổ phần với giá 50 triệu USD, giúp Tesla thoát khỏi thảm họa diệt vong. Không lâu sau đó, Tesla vay 465 triệu USD từ Bộ Năng lượng Mỹ, có được số vốn cần thiết để sống sót về lâu dài. Họ chuyển trụ sở về Palo Alto.
Một sự kiện lớn trong lịch sử Tesla là IPO thành công vào tháng 6/2010, huy động 226 triệu USD. Từ đây, hãng thiết kế mẫu sedan chạy điện hoàn toàn đầu tiên trên thế giới, Model S.
Model S thiết lập mọi tiêu chuẩn cho xe điện, không chỉ đạt quãng đường di chuyển dài nhất mà còn có thể cập nhật phần mềm không dây, cải thiện hiệu suất tự động và thời gian tăng tốc từ 0 đến 60 dặm/giờ nhanh kỷ lục (2,28 giây).
Với giá bán hơn 75.000 USD, Model S là bước tiếp theo trong “kế hoạch bí mật” của Tesla. Xe sản xuất từ năm 2012 và nhận được nhiều lời khen, cũng như vô số giải thưởng.
Tesla dừng sản xuất Roadster để tập trung cho dòng sedan mới. Năm 2012 cũng chứng kiến sự ra đời của trạm sạc “Supercharger”, chỉ mất 5 phút cắm sạc là chạy được 120km.
Tesla ghi nhận lợi nhuận quý đầu tiên vào năm 2013, thông báo xây đại nhà máy Tesla Gigafactory tại Nevada năm tiếp theo. Đây là cơ sở sản xuất pin xe điện chính và mấu chốt trong mô hình kinh doanh của hãng.
Tesla còn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng bền vững, phát triển nhiều sản phẩm như Powerwall, Powerpack, Solar Roof với hi vọng giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp tự tạo ra điện để sử dụng.
Năm 2015, Tesla bổ sung thêm một mẫu xe mới, Model X. Công ty bắt đầu phát triển hệ thống lái bán tự động, thực hiện sứ mệnh biến xe Tesla thành xe tự lái hoàn toàn. Tesla Model 3 giới thiệu năm 2016, vẫn nằm trong “kế hoạch bí mật”. Đây là mẫu xe giá rẻ hơn, bán ra năm 2017.
Tesla Motors cũng đổi tên thành Tesla, thể hiện sự biến hóa, không chỉ gói gọn trong sản xuất ô tô. Năm 2018, Tesla không đạt một số kỳ vọng tài chính khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, làm giảm 5% giá trị, tương đương hơn 10 tỷ USD.
Mẫu Model 3 cũng sản xuất chậm chạp hơn mong đợi của ông Musk, chỉ giao chưa tới 2.500 xe, đi ngược với tuyên bố sản xuất 5.000 xe/tuần.
Tháng 8 cùng năm, ông Musk vấp phải tranh cãi khi đăng Twitter về việc sẽ đưa Tesla thành công ty tư nhân khi cổ phiếu chạm mốc 420 USD, làm xáo trộn thị trường. Ủy ban
Chứng khoán và Hối đoái Mỹ mở cuộc điều tra, ông Musk bị tố cáo đưa ra thông tin gây hiểu nhầm để thổi phồng cổ phiếu công ty. Cuối cùng, Tesla phải nộp phạt 20 triệu USD, ông Musk từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Hiện tại, danh mục sản phẩm của Tesla có thêm mẫu xe tải Tesla Semi và Model Y SUV. Tesla cũng giới thiệu ý tưởng siêu xe bán tải chống đạn Cybertruck, thu hút sự chú ý lớn nhờ thiết kế mang tính viễn tưởng. Công ty khởi công Gigafactory 4 tại Đức từ năm 2020, công suất dự kiến nửa triệu xe mỗi năm.
Năm ngoái, Tesla đạt kỷ lục khi bán được 499.550 xe. Sau vài năm đầu gập ghềnh, công ty hiện thống trị thị trường xe điện với 80% thị phần tại Mỹ và 1/4 thị phần toàn cầu. Hãng không ngừng mở rộng các nhà máy cũng như tăng cường mạng lưới trạm sạc trên thế giới.
Liệu Tesla có hoàn thành được tham vọng vĩ đại của mình? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.
Theo itcnews