Bài học để thành công vượt trội từ tỷ phú hàng đầu Phạm Nhật Vượng chính là biến công việc thành lẽ sống, niềm vui, đam mê và thậm chí là giải trí.
Năm 1917, Ông B.C. Forbes, một nhà báo kinh doanh đã sáng lập và khởi sự nên tạp chí Forbes từ công việc một nhà báo với niềm say mê và tham vọng to lớn. Con trai ông, Malcolm Forbes, đóng vai trò xây dựng Forbes trở thành tên tuổi mà mọi người đều biết tới ngày nay.
Và các con trai của ông đang tiếp tục dẫn dắt tạp chí này trải qua những thay đổi lớn trong lĩnh vực truyền thông. Ngày nay, Forbes có mặt toàn cầu với 38 ấn bản quốc tế, trong đó có Forbes Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm phát hành, Forbes Việt Nam cho ra mắt ấn phẩm đặc biệt vào năm 2017. Trong ấn phẩm này có những chia sẻ từ những doanh nhân đang dẫn dắt các công ty năng động nhất trong nền kinh tế Việt Nam, từ ghi chép trực tiếp của các phóng viên cũng như từ diễn đàn Kinh doanh thường niên.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng được xem là tỷ phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7 tháng 3 năm 2011 với giá trị tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng Việt Nam tương đương 1 tỷ USD tại thời điểm đó.
Vị tỷ phú này được tạp chí Forbes nêu tên lần đầu vào năm 2013 ở vị trí 974 thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Phạm Nhật Vượng cũng là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013. Kể từ đó tên tuổi chủ tịch Vingroup liên tục xuất hiện trong danh sách này. Tính tới ngày 21/9/2021, với tổng tài sản 6,7 tỷ USD chủ tịch Vingroup đứng thứ 344 trên bảng xếp hạng.
Trong ấn phẩm kỷ niệm 100 năm phát hành tạp chí Forbes đăng tải 3 lời khuyên của tỷ phú Phạm Nhật Vượng về đam mê, sứ mệnh của bản thân cũng như bài học giúp người khác thành công.
Thời gian: Không có ai có quá nhiều thời gian trên đời này cả, ta phải làm sao để sau này không phải hối hận vì đã lãng phí nó. Chưa kể, công việc với tôi là lẽ sống, là niềm vui, là đam mê và nhiều khi làm việc cũng là giải trí.
Đầu tư vào ngành ô tô: Tôi có mong muốn cháy bỏng là xây dựng được một thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp và nổi tiếng trên thế giới, giúp con cháu sau này có thể tự hào về đất nước, về dân tộc của mình và qua đó truyền cảm hứng cho các thệ hệ trẻ.
Vingroup sau một thời gian dài dấn thân, miệt mài phấn đấu đã có được những điều kiện ban đầu để bắt tay vào việc này. Hơn thế nữa, hiện nay tất cả các thành viên của Vingroup đều thể hiện quyết tâm và mong muốn được đóng góp toàn bộ trí lực để thực hiện thành công sứ mệnh này.
Bài học quan trọng nhất: Nếu ta làm việc tận tâm, quyết tâm và hướng đến sự hài hòa lợi ích chung của bản thân và xã hội thì nhất định sẽ thành công.
Điểm chung của giới siêu giàu, từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng tới Bill Gates: Họ không làm việc vì tiền!
Năm 2018, khi lần đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú đô la thế giới, ông Trần Đình Long khá vui và có những chia sẻ về bản thân cũng như công việc kinh doanh của Hòa Phát trên báo Trí thức trẻ.
Đặc biệt khi được hỏi về giá trị tài sản 1,3 tỷ USD mà Forbes ghi nhận tháng 3/2018, tỷ phú Trần Đình Long cho biết: “Thực ra thì hằng ngày tôi làm chẳng nghĩ gì đến tiền đâu, và cũng chẳng biết bản thân có bao nhiêu tiền nữa.
Không phải riêng tôi như vậy. Tôi đoán chắc rất nhiều người cũng như mình. Chúng tôi làm không phải là để cuối ngày nhìn lại những con số trên bảng chứng khoán hay trong két sắt, đúng không? Nói như vậy không phải vì khiêm tốn gì đâu, mà đó là sự thật. Cứ đến lúc giống như chúng tôi, các bạn sẽ hiểu.“
Không chỉ tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng cũng từng cho biết hiện tại mục tiêu làm việc không phải là vì tiền. Cũng năm 2018, Chủ tịch Vingroup chia sẻ trên báo Tuổi trẻ:
“Ngày xưa là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đầu tiên khi đi làm là muốn kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ nghèo đỡ khổ. Sau này có tí tiền lên thì để mình sống một cách thoải mái sung túc, vợ con đề huề. Dần dần lớn lên nữa thì công việc là đam mê. Và đến giờ mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời .
Ví dụ như bây giờ mục tiêu là phải có được một thương hiệu công nghiệp tốt. Hyundai làm được, Toyota làm được, tại sao Việt Nam mình không làm được? Mỹ có Microsoft, có Apple… tại sao mình không có được?”
Thực ra đây cũng là tư tưởng chung của những tỷ phú nổi tiếng thế giới. Tỷ phú Warren Buffett từng nói một cách ngắn gọn: “Trong thế giới kinh doanh, những người thành công nhất là những người được làm những gì họ yêu thích.“
Ông thậm chí còn khẳng định niềm đam mê quan trọng hơn cả trí thông minh: “Thành công ở hầu hết mọi thứ có nghĩa là phải có niềm đam mê với nó. Thậm chí bạn sẽ thấy một vài người dù trí thông minh không hề cao nhưng đam mê một cách điên khùng với những việc họ làm, thành công vẫn xuất hiện”.
Nhưng liệu trong thời đại đề cao tiền bạc như ngày nay, ý tưởng “theo đuổi đam mê của bạn” có phải viển vông? Liệu bạn có làm được không?
Hãy làm việc vì tình yêu, không phải vì tiền
Theo đuổi đam mê của bạn với số đông dường như là lời khuyên dễ dàng cho các tỷ phú. Họ có tiền để dành thời gian cho bất cứ điều gì họ muốn. Vấn đề là, trước khi Warren Buffett và Bill Gates trở thành những người người giàu nhất thế giới, họ vẫn đang theo đuổi đam mê của mình.
Bill Gates đã nói với một nhóm sinh viên Harvard rằng: “Điều mà bạn có thể trở thành đẳng cấp thế giới là bất cứ thứ gì bạn ám ảnh từ 12 đến 18 tuổi. Trong trường hợp của tôi, đó là lập trình.” Nếu bạn nghĩ rằng Gates trở nên giàu có bằng việc lập trình khi mới 12 tuổi thì hãy nghĩ lại.
Thay vào đó, ông chỉ nói vui: “Năm 13 tuổi tôi yêu lập trình. Trường tôi lúc đó vừa trở thành một trong những trường đầu tiên trên cả nước có thiết bị đầu cuối máy tính. Máy rất to và chậm và thậm chí không có màn hình nhưng tôi đã bị cắn câu.“
Hãy chuẩn bị hy sinh
Nếu sự khôn ngoan của Bill Gates và Warren Buffett không đủ để gây ấn tượng với bạn, bạn có thể thấy thú vị khi Steve Jobs cũng tuân thủ cùng một triết lý.
Như ông từng phát biểu trong buổi lễ khai giảng tại đại học Stanford năm 2005, theo đuổi đam mê không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bằng việc kể lại câu chuyện bản thân mình bỏ học dở việc học trường Đại học Reeds như một cái giá phải trả, Steve Jobs thừa nhận rằng: “Lúc đó khá là đáng sợ, nhưng nhìn lại thì đó là một trong những quyết định tốt nhất mà tôi từng đưa ra. Phút bỏ học tôi có thể ngừng tham gia các lớp học bắt buộc mà tôi không quan tâm, và bắt đầu học những lớp trông có vẻ thú vị. “
Vài năm sau Jobs sáng lập ra Apple, nhưng mọi thứ không diễn ra suôn sẻ ngay từ lần đầu tiên và ông bị lật đổ khỏi công ty của chính mình.
Nếu không có niềm đam mê của mình, Steve Jobs có thể đã chìm ở đáy và không bật lên được. Nói theo cách riêng của ông, “Tôi tin rằng điều duy nhất khiến tôi tiếp tục là tôi yêu những gì mình đã và đang làm. Bạn phải tìm thấy điều gì khiến bạn yêu thích… Công việc sẽ chiếm một phần lớn cuộc sống của bạn và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin là công việc vĩ đại. “
Đừng nản lòng nếu việc tìm kiếm thứ bạn yêu thích khó hơn bạn tưởng. Thay vào đó, Steve Jobs thúc giục bạn tin tưởng rằng nó sẽ đáng để chờ đợi. “Nếu bạn vẫn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng thỏa hiệp. Đối với tất cả các vấn đề của trái tim, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy nó. Và giống như bất kỳ mối quan hệ tuyệt vời nào, nó chỉ ngày càng tốt hơn khi nhiều năm trôi qua. Vì vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm cho đến khi bạn tìm thấy nó. “
Nói một cách đơn giản, đừng thỏa hiệp.