Tỷ phú Richard Branson nhìn một đứa trẻ tập đi, ông thấy những bài học mà đến chính ông khẳng định nó quan trọng như các bài giảng mà người cha, người ông mình đã dạy.
Nếu muốn nâng cao sự nhạy bén trong kinh doanh của mình bạn hãy ghi chép những bài học Richard Branson nắm bắt được khi xem một đứa trẻ tập đi.
Trong một bài đăng trên blog của mình, nhà sáng lập của Virgin Group nói về tâm quan trọng của bài học này “đóng vai trò tích cực như những bài giảng của người cha, người ông đã dạy tôi và chắc chắn nó khiến tôi trở thành một doanh nhân thành đạt”.
Cụ thể khi các con, các cháu của mình tập đi, không chỉ phấn khích, vị tỷ phú này còn thấy được những bài học có thể áp dụng vào công việc kinh doanh của mình. Đáng chú ý phải luôn nâng cao năng lực bản thân, kiên trì luyện tập và rèn luyện tính kiên nhẫn.
1. Đứng dậy sau thất bại
“Khi bắt đầu tập đi, những đứa trẻ đứng bằng đôi chân loạng choạng, ngã và tiếp tục đứng dậy trước khi có được những bước vững chắc”, ông Branson nói.

Các doanh nghiệp mới thành lập cũng phát triển theo mô hình này. Richard Branson cho biết trong kinh doanh, bạn sẽ không bao giờ đạt được kết quả như ý muốn ngay từ lần đầu. Việc duy nhất bạn có thể làm là hãy học cách phủi bụi bẩn trên người và nhanh chóng đứng dậy khi mọi thứ đang diễn ra không theo ý muốn.
Branson đã trải qua rất nhiều thất bại khi mở rộng thương hiệu Virgin và phải rút khỏi một vài thương vụ đầu tư. “Tôi chỉ biết học hỏi từ những sai lầm của mình và coi thử thách là cơ hội”, ông chia sẻ.
2. Kiên trì luyện tập
“Những đứa trẻ cần phải biết đứng trước khi có thể bước đi. Thế rồi chúng đưa một bàn chân lên trước và không lâu sau chúng có thể thoải mái di chuyển với đi, chạy, nhảy. Kinh doanh cũng vậy. Khi đã quen với một điều gì đó, bạn sẽ làm nó rất tốt. Đừng bao giờ bỏ cuộc ở những bước đi đầu”, Branson nói.
Trong suốt 50 năm sự nghiệp của mình, Branson từng nhiều lần bị từ chối. Cụ thể, khi Virgin Atlantic cố gắng xin giấy phép lưu hành tại Nam Phi, họ đã không được thông qua.
Mặc dù có thể từ bỏ ngay từ lúc đó song ông đã kiên nhẫn thuyết phục và từng bước xoay chuyển tình thế.
“Bộ trưởng Bộ Hàng không đã tâm sự với tôi rằng, ông ấy sẵn lòng chào đón chúng tôi, chính từ đây, tôi biết mình vẫn còn cơ hội. Tôi đã cố gắng hết sức để thể hiện thành ý của mình, và hiện tại, chúng tôi đã lưu hành tại đây được 25 năm rồi” – người sáng lập tập đoàn Virgin cho biết.

3. Rèn luyện tính kiên nhẫn
Học cách đi bộ cần có thời gian. ”Theo cách tương tự, việc xây dựng doanh nghiệp tỷ đô không thể diễn ra trong một sớm một chiều”, tỷ phú Branson khẳng định.
Ông thừa nhận rằng việc xây dựng một số công ty con khá thành công chỉ trong thời gian ngắn, chẳng hạn như Virgin Australia. Song để phát triển cả một tập đoàn Virgin Group lớn mạnh ông đã mất đến 5 thập kỷ.
Ông luôn khiêm tốn và thể hiện sự biết ơn đối với các nhân viên khi nói về thành tựu của mình. Một đứa trẻ luôn cần những lời khen ngợi, động viên để thêm tự tin vào bản thân. Người lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên khích lệ nhân viên của mình để họ nỗ lực cống hiến hơn nữa.
Đối với Branson, việc đầu tư cho nhân viên tham gia các khóa đào tạo, khuyến khích họ phát triển óc sáng tạo thực sự đóng vai trò rất quan trọng trọng quá trình vận hành doanh nghiệp.
Branson cũng bày tỏ sự biết ơn với các con và cháu của mình, bởi thông qua việc quan sát, dạy dỗ chúng, ông đã học hỏi thêm nhiều điều về cuộc sống cũng như kinh doanh.
“Vào tù hoặc trở thành tỷ phú” – Tiên đoán của thầy giáo khiến cậu học sinh cá biệt năm 15 tuổi đổi đời!
Câu chuyện cuộc đời của tỷ phú Richard Branson khiến nhiều người không khỏi thích thú.
Trong một tập gần đây của series podcast mang tên Armchair Expert do danh hài Dax Shepard và nữ diễn viên Monica Padman tổ chức, tỷ phú Richard Branson cho biết khi mới 15 tuổi, ông đã bỏ học để điều hành một tạp chí của riêng mình. Được biết, lý do để ông đưa ra quyết định nghỉ học là vì: Ông biết mình có thể kiếm được nhiều tiền.
Sir Richard Charles Nicholas Branson (sinh năm 1950) là một ông trùm kinh doanh, nhà đầu tư, và nhà từ thiện người Anh. Ông được biết đến trong vai trò là người sáng lập của Tập đoàn Virgin, bao gồm hơn 400 công ty trải dài ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hành trình kiếm tiền từ lúc 15 tuổi
Được biết, chương trình giảng dạy truyền thống trên trường không khiến người sáng lập Tập đoàn Virgin cảm thấy thú vị khi còn nhỏ. Thay vì học Toán hay Văn học, ông lại muốn tìm hiểu về những thứ khác.
Branson nói: “Có rất nhiều thứ tôi muốn tìm hiểu, nhưng không phải những thứ mà các giáo viên Toán hay giáo viên tiếng Pháp đang dạy”.
Ngoài ra, theo chia sẻ ông mắc phải hội chứng khó đọc. Chính bởi vậy, Branson thường bị xếp vào nhóm học kém trong lớp học. Trong một bài đăng trên blog năm 2019, Branson đã viết rằng chứng khó đọc thường liên quan đến mức độ sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Chính vì lẽ đó, cuối cùng ông đã từ bỏ tất cả và tự mình lập ra một tạp chí riêng để giúp những người trẻ tuổi nói lên quan điểm của mình.
Cụ thể, bằng cách gọi điện cho các công ty và yêu cầu họ đăng quảng cáo để chống lại các đối thủ cạnh tranh, Branson đã huy động được từ 3.000 (hơn 70 triệu đồng) đến 4.000 đô la (hơn 93 triệu đồng) cho tạp chí mang tên Student của mình.
Số tiền tuy không quá lớn nhưng vẫn là thành tựu ấn tượng của Branson. Khi chứng kiến sự xuất sắc đó của cậu học trò cá biệt, hiệu trưởng trường Branson theo học đã rất ngạc nhiên. Thậm chí, ông đã có phát ngôn nghe vừa giống một dự đoán lại vừa giống một lời thách thức, rằng: “Hoặc là trò sẽ vào tù hoặc trò sẽ trở thành triệu phú thôi”.
Và quả thật, đến cuối cùng, tài năng đã không cho phép Branson thất bại. Và thầy hiệu trưởng đã đúng ở vế thứ 2: Branson trở thành triệu phú, chính xác hơn là một tỷ phú. Ở thời điểm hiện tại, Brason đã sở hữu cho riêng mình khối tài sản ròng siêu “khổng lồ”. Đế chế kinh doanh của ông mở rộng ra ngoài phạm vo của một tạp chí tuổi teen và chạm đến các lĩnh vực khác như hàng không, khách sạn…

Lời khuyên của Branson cho các bạn trẻ
Nói về những kỹ năng cần thiết mà các bạn trẻ cần phải trau dồi, ông chia sẻ sáng tạo chính là chìa khóa dẫn lối thành công. Ngoài ra, khả năng giải quyết vấn đề và trí tưởng tượng phong phú cũng sẽ vô cùng cần thiết cùng với sự phát triển của AI và tự động hóa.
Tất nhiên, cần nhiều hơn thế để xây dựng một đế chế kinh doanh sau khi bỏ học ở tuổi 15. Ở cấp độ cơ bản, bạn cần xác định hàng hóa hoặc dịch vụ mà mọi người muốn và tìm cách kiếm tiền từ chúng. Các kỹ năng kinh doanh cứng của bạn cũng cần phải đi đôi với các kỹ năng mềm khác.
Theo một báo cáo năm 2018 từ công ty kế toán toàn cầu Ernst & Young, trí tuệ cảm xúc EQ cao và khả năng tư duy phản biện đặc biệt quan trọng. Đối với Branson, đó là những kỹ năng học được.
Branson nói: “Khi còn trẻ, tôi đã học được tầm quan trọng của việc phát huy những điều tốt nhất ở mọi người. Tôi cũng nhận ra rằng mình cần học hỏi và ở gần những người giỏi, có thế bản thân mới phát triển được”.

Kết
Từ câu chuyện của Branson, chúng ta không nên lầm tưởng rằng, cứ bỏ học là có thể trở thành vĩ nhân hay tỷ phú. Richard Branson hay kể cả Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Michael Dell chưa bao giờ coi đó là lý do để chứng minh cho thành công ngày nay của họ.
Hãy nhớ rằng, dù họ có bỏ học để khởi nghiệp thật, thì những tỷ phú đó chưa bao giờ ngừng học cả. Họ đọc hàng trăm nghìn cuốn sách, nghiên cứu chuyên sâu về mọi thứ họ đam mê… Tất cả để phục vụ cho mục tiêu của mình.
Thế mới biết để trở thành một tỷ phú “bỏ học” như Richard Branson, Bill Gates, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg… các sinh viên phải có ý chí, sự sáng tạo cùng một bộ óc hơn người, chứ không đơn thuần chỉ có đam mê rồi cứ nghỉ học là sẽ thành công hay sẽ xây dựng được đế chế tầm cỡ cho riêng mình.
Theo Nhịp sống kinh tế/ TTVH
Xem thêm bài liên quan
- Từ 7 thất bại bầm dập, tỷ phú ngông Richard Brandson đã nhận ra chân lý vĩnh cửu và bước vào thời kỳ “hái ra tiền”: Không chịu được, đừng mơ hão làm giàu!
- Chuyện 3 thanh niên ôm mộng làm giàu từ những trái táo: Bài học kinh doanh dành cho bất cứ ai đang có ý định khởi nghiệp
- Shark Liên: Kinh doanh hay cuộc sống thì mọi việc phải rõ ràng vì chúng ta không có nhiều cơ hội để nói “nếu như”