Chắc hẳn, mỗi người khi nghĩ về tương lai đều mơ ước rằng, đến năm 30 tuổi nếu chưa có một cơ ngơi vững chãi thì ít ra trong tài khoản ngân hàng cũng có một khoản kha khá. Nhưng thực tế, khi đặt chân tới ngưỡng cửa tuổi 30, rất nhiều người ở trong tâm thế “hoảng loạn”.
Trong bộ phim “Thiếu nữ tuổi 30” (13 going on 30) kể về một cô bé 13 tuổi tên Jenna với ước mình qua tuổi 30 nhanh chóng để chạy trốn những điều chán chường của thời niên thiếu.
Đạo diễn đã vẽ ra một khung cảnh tuổi 30 thật tuyệt vời cho Jenna – có một công việc thu nhập cao, địa vị trong xã hội và một người bạn trai nóng bỏng. Nó như một bức tranh trong mơ mà những đứa trẻ luôn tưởng tượng khi mình đến độ tuổi này.
Nhưng cuối cùng nhân vật chính trong phim chỉ biết ngồi khóc vì nhận ra tuổi 30 của mình không tuyệt vời đến thế – đầy rối ren, áp lực và những mối tình dang dở.
Tôi của những năm ấy khi xem phim không hiểu được, nếu có những điều ấy rồi họ còn cần gì cho tuổi 30 nữa? Thước phim ngày thơ ấu rồi cũng trôi nhanh trong cuộn phim ký ức để rồi khi chính mình bước vào những năm tháng ấy, tôi nhận ra rằng 30 quả thật là một giai đoạn đầy khủng hoảng của cuộc đời. Không còn là những thứ mơ hồ, viển vông như hồi còn 20, bạn nhìn thấy, sờ thấy và cảm nhận rõ rệt nỗi buồn của tuổi này.
30 không còn là một “new 20” – đó là một khoảng thời gian với những lo âu không chỉ gói gọn trong cơm áo gạo tiền. Người ta tự hỏi mình những câu hỏi triết lý và trừu tượng hơn: “Tôi là ai trong thế giới” và “cuộc đời tôi sẽ đi về đâu”?
TUỔI 30 VÀ ÁP LỰC GIA ĐÌNH
Dù giới tính của bạn là gì thì có một thực tế không đổi đó là khi bước vào tuổi 30, nếu bạn chưa kết hôn, thì đó là lúc bạn sẽ nhận được hàng tấn áp lực về “lập gia đình đi”. Nếu “rủi thay”, nếu bạn giống tôi, là phụ nữ, định kiến đặt áp lực lên vai sẽ nặng hơn gấp bội.
Thế nên với nhiều người kết hôn trước tuổi 30 như một cuộc chạy đua cam go đầy khốc liệt. Ai thành công cán đích trước tuổi 30 coi như bớt đi một gánh nặng, còn người ngã quỵ ở ngưỡng cửa 30 coi như cuộc đời tụt dốc. Chưa biết thành công hay ngã quỵ, nhưng cảm giác mệt mỏi cứ đeo bám mỗi ngày.
Tôi tới những buổi họp lớp và lắng nghe câu chuyện của mọi người xung quanh, mỗi người một hoàn cảnh: Yến mới bắt đầu chuyện tình yêu, Mai mới cưới, Hoàng Linh vừa mới ly hôn, Trung lấy vợ được 5 năm rồi mà chưa có con còn Hoàng giờ đã đầy đủ cả nếp cả tẻ. Tuổi 25 bên tôi vẫn còn đầy rẫy những kẻ độc thân, nhưng ở tuổi 30 số đó còn lại vỏn vẹn vài người.
Bạn có nhớ câu chuyện của cậu bạn thân năm 17 tuổi không? “Nếu năm 30 tuổi mày chưa kết hôn với ai, tao sẽ lấy mày làm chồng nhé”. Chúng ta vẫn luôn có suy nghĩ rằng, tuổi 30 là hạn chót, cho một cuộc hôn nhân và đó là thời gian để “lấy cậu bạn thân năm ấy”. Một câu nói nghe tưởng đùa vui là vậy mà khiến nhiều người nghĩ ngợi: 30 rồi, liệu không kết hôn có sao không?
Dù bạn có là người lạc quan với chuyện tình cảm bao nhiêu, có muốn sống đời độc thân như thế nào thì ở tuổi 30 – sự tự tin ấy cũng bị lung lay bởi những người xung quanh.
Nếu bạn là người không muốn có con, trong đầu sẽ hiện lên câu hỏi: “Liệu có nên có con khi còn phù hợp?”, “Muộn quá rồi biết phải làm sao?”. Còn những người mong muốn có một gia đình, ngưỡng cửa này không chỉ khiến họ hoài nghi bản thân mà thực sự tuyệt vọng.
Nhưng ngay cả khi bạn có gia đình thì cuộc khủng hoảng tuổi 30 với những chênh vênh về tình yêu và gia đình cũng không buông tha bạn. Trang, bạn thân nhất của tôi thường xuyên vật vã vì tình cảm gia đình sau 3 năm kết hôn không còn như xưa “Hắn không còn hôn tao mỗi buổi sáng”; “Phục vụ thằng Bin mỗi ngày đã đủ mệt chứ hơi sức đâu mà lãng mạn với nhau”. Đi kèm đó là những thở vắn than dài vì thân hình xồ xề mãi chưa về dáng sau khi sinh nở.
Thế đấy! Tôi nhìn đám bạn và “thèm khát” một gia đình nhỏ với cậu con trai 5 tuổi, chúng nó nhìn tôi rồi thảng thốt nhận ra, cuộc đời phụ huynh đã khiến họ không thể bắt kịp với đám bạn độc thân, không còn mơ mộng cho những phút giây của riêng mình.
Khủng hoảng tuổi 30 nhìn đâu cũng thấy sự hụt hẫng; một căn phòng trống hay căn nhà với tiếng khóc của trẻ cũng khiến bạn nhận ra mình đã đi qua những năm tháng tươi đẹp của cuộc đời. Ở tuổi này, tôi hiểu “vì sao tôi buồn” rồi.
30 TUỔI VẪN LOAY HOAY: ĐIỀU TÔI THỰC SỰ MUỐN LÀ GÌ?
Khi bạn mới 20, việc bạn làm gì không quá quan trọng, miễn là bạn được trả tiền cho một công việc hợp pháp. Nhưng đến năm 30 tuổi, mỗi sáng khi đi xe tới công ty và cùng chặng đường đó trở về nhà, miên man trong đầu bạn sẽ là những câu hỏi: “Liệu đây có phải điều tôi muốn làm”, “Giờ nhảy sang ngành khác có được không?”, “Có quá muộn không nếu muốn quay lại trường học?”, “Sao làm mãi mà không giàu nhỉ, hay giờ ra kinh doanh gì cho giàu có?”.
Những câu hỏi ấy cứ như dòng lũ, cuốn văng bạn khỏi niềm vui của công việc. Không hẳn bạn quá chán hay không thích công việc ấy – có thể bạn mới chuyển tới công ty này được 1 năm thôi mà.
Điều quan trọng nằm ở việc, bạn nhận ra rằng những người bạn tuổi 30 đã bỏ xa mình cả một quãng đường. Họ đã trở thành quản lý, giám đốc, có công ty riêng hay ở những vị thế được xã hội trọng vọng, còn bạn vẫn đang cày cục OT và lẩm bẩm không biết đã chấm công đủ chưa.
Chúng ta tránh họp lớp để né những câu hỏi lương thưởng, vị trí thăng tiến; đi đám cưới người khác là một lần ngậm ngùi, so đo. Còn các cuộc họp gia đình, họ hàng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết vì hàng vạn câu hỏi tại sao đầy quan tâm về tiền bạc “Tích lũy được bao nhiêu (nhiêu)?”, “Đầu tư cái gì?”, “Bao giờ mua nhà riêng?”.
Ai đó nói tiền có thể không quan trọng nhưng khi là đứa đi xe máy duy nhất trong một nhóm đi ô tô, dần dần bạn tách mình ra khỏi những cậu bạn từng một thời vô cùng thân thiết.
Tuổi 30 chật vật trong đau khổ vì những lần “giá như”. Bạn nhận ra rằng điểm số thời đi học không quá quan trọng ở tuổi 30, giá như hồi đó mình tập trung vào những thứ khác chứ không phải việc học.
Bạn nhận ra mình đã có một lựa chọn sai lầm cho sự nghiệp nhưng chẳng thể nào bắt đầu lại từ đầu – vì định kiến xã hội 30 là “già” và dù có bắt đầu gì mới cũng chật vật tìm được chỗ làm.
Tôi cũng như đám bạn tuổi 30, giằng xé giữa hai thái cực “già” và “trẻ”. Bạn trẻ khi biết mình vẫn còn tới 30 năm nữa để làm việc nhưng quá già để bắt đầu một lĩnh vực mới vì phải cạnh tranh với những cô cậu cuối 9x (thậm chí là 10x).
Bạn còn trẻ vì vẫn dám mơ lớn, nhưng bạn đã già khi nhận ra “sai và sửa sai” không còn là một lựa chọn ở tuổi 30 vì cuộc đời đã đè sẵn lên vai bạn vô vàn trách nhiệm. Bạn thấy mình còn trẻ khi từ chối những cơ hội thăng tiến chỉ vì muốn có nhiều thời gian vui chơi nhưng khoảnh khắc nhận ra kinh nghiệm và ý tưởng dày dặn hơn, ra dáng người đàn anh hơn trong công ty, bạn biết mình đã già.
Cân bằng khiến cuộc sống chúng ta hạnh phúc, nhưng giằng xé giữa hai thái cực khiến chúng ta căng thẳng, luôn đặt cho mình vô vàn câu hỏi. Vốn dĩ, tuổi 30 đã là một sự co kéo, níu giữ chút thanh xuân của tuổi 20 và dần đón nhận cái hữu hạn của tuổi 40 khi cơ hội chẳng còn lại bao nhiêu.
TÔI LÀ AI TRONG CUỘC ĐỜI NÀY?
Tôi thấy mình trong câu chuyện của những millennials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000). Người ta ngợi ca tuổi 30 quá nhiều để rồi quên đi những kẻ lầm lũi trong tuyệt vọng.
Tuổi 30, bạn sẽ đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, nhan sắc và vẻ ngoài mặn mà, cuốn hút; có một đời sống tình yêu và tình dục tuyệt vời, nếu còn độc thân cũng không sao khi bạn có thể quyết định ổn định từ những năm 31 tuổi. Chúng tôi vỡ mộng vì những điều đó để rồi ôm mặt khóc nức nở: Sao tuổi 30 của họ như vậy mà của chúng tôi như thế này? Lênh đênh vô định, sự nghiệp lừng chừng và không biết mình muốn gì cho tương lai?
Hóa ra, đó chỉ là sản phẩm của phim ảnh, của sách vở – những người bạn 30 quanh tôi đều có nỗi buồn của riêng mình. Những người đàn ông, đàn bà 8x, 9x kiệt quệ trong vấn đề của millennials, chúng tôi có đủ tất cả điều ấy cộng thêm cuộc khủng hoảng của tuổi 30. Nhiều người coi những cuộc khủng hoảng là vấn đề của tất cả mọi người, bạn cứ lần lượt chuyển từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.
Cái ngưỡng tuổi 30 là một câu chuyện khác, nhiều người không chịu được phải tìm tới bác sĩ tâm lý, tư vấn trị liệu. Họ vẫn vui vẻ đi làm, đi chơi nhưng khi đêm về lại trằn trọc, thở dài hay bưng mặt khóc nức nở. Tôi cũng như họ, nghĩ về cuộc đời, sự nghiệp, tình yêu, gia đình và những câu hỏi trừu tượng hơn – dù chẳng ai muốn tỏ ra “deep”.
“Tôi đang làm gì với cuộc đời mình vậy? Tôi là ai? Những năm tháng còn lại của cuộc đời tôi sẽ ra sao?”.
Chúng ta không hỏi bản thân những câu hỏi như vậy để tìm ra một câu trả lời thỏa đáng; câu hỏi xuất hiện như cách mỗi người nhìn lại bản thân trong những khoảnh khắc chênh vênh nhất. “Tôi là ai” không phải một câu hỏi có câu trả lời rõ ràng – kể cả các nhà triết học cũng không tìm ra được đáp án, vậy những người đang khủng hoảng tuổi 30 sẽ trả lời ra sao?
Những câu hỏi đặt ra như một lần bế tắc để rồi lại bỏ ngỏ, như một vòng xoay lăn vào ngõ cụt, chỉ còn cách quay lại hành trình và tiếp tục tháng ngày ủ rũ. Sự tuyệt vọng của tuổi 30 không diễn ra trong một ngày, một tháng hay chỉ khi bạn 30 tuổi – nó sẽ đeo bám bạn tới nhiều năm sau nữa của cuộc đời.
Với nhiều người, bước vào tuổi 30 là bước vào cuộc khủng hoảng hiện sinh lớn đầu tiên của cuộc đời. Một số khác coi đó như khoảng thời gian đẹp đẽ nhất cuộc đời mình khi mọi thứ đủ chín muồi.
Còn với tôi và phần còn lại của thế hệ 1989, bước sang tuổi 30 đem lại cái cảm giác vừa được giải phóng vừa sợ hãi. Bạn thoát khỏi những vướng bận, kìm chân của tuổi trẻ nhưng lại rơi vào những ràng buộc, trách nhiệm của người trưởng thành.
Là một người có học thức, tôi tin vào tư tưởng tiến bộ của phụ nữ, chúng ta không cần có con ở tuổi 30 nếu không muốn, không ai có thể ép buộc bạn kết hôn; tôi cũng đọc đủ sách để hiểu được điều gì là quan trọng với cuộc đời.
Nhưng tôi cũng là phụ nữ có trái tim như bao người, để biết buồn và tuyệt vọng khi bước qua tuổi 30. Khi không còn cô bạn thân để rủ đi cafe vì bận trông con, chẳng ai đi du lịch vì lo giỗ chạp hai bên nội ngoại, tôi biết tuổi 30 của mình sẽ cô đơn lắm.
Tôi vẫn tự hỏi nếu có phép màu như cô bé Jenna trong bộ phim đó, tôi có ngồi khóc thút thít để được trở lại tuổi 13 sau niềm tin rạn vỡ, tuyệt vọng về bản thân, cô đơn trong thế giới của riêng mình không?
Có lẽ là không vì sớm hay muộn chúng ta cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tuổi 30 này. Nếu phép màu là có thật, chỉ mong rằng tôi có thể trân trọng hơn những gì mình đang có: chênh vênh hay hân hoan, 30 vẫn là một dấu mốc đáng nhớ để ta soi lại vào chính mình của sau này.
Bài viết: Du Du
Minh hoạ: Sỹ
Thiết kế: Bi
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Tổng hợp 999+ thuật ngữ Kinh doanh, Kinh tế, Tài chính, Kế toán, Marketing được sử dụng nhiều nhất nhưng không phải ai cũng biết
- Tri thức càng hạn hẹp, tư tưởng càng bảo thủ, cố chấp: Trải nghiệm càng nhiều, biết càng nhiều, trí tuệ rộng mở, sự cố chấp cũng sẽ có thay đổi!
- Thời gian – Sức lực – Tiền bạc chẳng bao giờ đến cùng lúc: Vì thế dù ở độ tuổi nào, hãy biết trân trọng cuộc sống hiện tại