Thế Giới Di Động đang thanh lý hàng hóa để đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy Bluetronics ở Campuchia trong quý đầu năm nay.
“Sau 6 năm hoạt động, chúng tôi quyết định ngừng kinh doanh ở Campuchia để tập trung vào những mô hình kinh doanh khác và những thị trường khác”, ông Đoàn Văn Hiểu Em – người đứng đầu mảng bán lẻ điện máy, điện thoại của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) – chia sẻ trong buổi gặp nhà đầu tư giữa tháng này.
Theo website Bluetronics, hiện chỉ còn 2 cửa hàng ở thủ đô Phnom Penh hoạt động, giảm đáng kể so với giai đoạn giữa 2021 khi là chuỗi bán lẻ lớn nhất Campuchia với 55 cửa hàng.
Thế Giới Di Động tham gia thị trường Campuchia từ giữa năm 2017 khi mở cửa hàng điện thoại đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh với tên gọi BigPhone.
Sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, công ty kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng một tháng.
Đến cuối năm 2019, BigPhone được đổi tên thành Bluetronics để kinh doanh điện thoại lẫn điện máy. Bluetronics khi đó được ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xem là bàn đạp cho tham vọng xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á.
Doanh thu của chuỗi liên tiếp tăng trưởng ba chữ số trong nhiều năm và đạt đỉnh gần 500 tỷ đồng vào 2021. Dù vậy, mức này đóng góp chưa đến 0,5% tổng doanh thu của công ty.
Mô hình kinh doanh của Bluetronics tương tự chuỗi Điện Máy Xanh ở Việt Nam, thậm chí được ban lãnh đạo Thế Giới Di Động dành nhiều thời gian tinh chỉnh cho phù hợp với văn hóa mua sắm bản địa. Tuy nhiên, quy mô thị trường nhỏ và chính sách thuế phức tạp được xem là rào cản khi nhân rộng chuỗi này.
Hầu hết cửa hàng nhỏ lẻ tại Campuchia không có thuế giá trị gia tăng, trong khi Bluetronics tính thuế này cộng thêm thuế nhập khẩu nên giá bán sản phẩm luôn cao hơn mặt bằng 10-15%.
Ban lãnh đạo cho biết Bluetronics khó cạnh tranh nếu giữ giá bán cao, còn chấp nhận chạy đua với các cửa hàng nhỏ lẻ thì không có lãi.
“Công ty đánh giá chuỗi này không có tiềm năng đóng góp doanh thu và lợi nhuận đáng kể trong tương lai nên chủ động đóng cửa để giảm gánh nặng”, lãnh đạo Thế Giới Di Động cho hay.
Sau khi rút khỏi Campuchia, Thế Giới Di Động cho biết sẽ dồn lực vào thị trường Indonesia với chuỗi điện thoại và điện máy EraBlue. Chuỗi này khai trương 5 cửa hàng vào tháng 12/2022 và doanh số bình quân mỗi tháng của một cửa hàng đạt khoảng 5 tỷ đồng.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết thị trường điện thoại và điện máy của Indonesia có quy mô khoảng 14 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với Campuchia và thậm chí gấp đôi Việt Nam. Thị trường này có phần lớn cửa hàng truyền thống nên danh mục sản phẩm, hàng hóa trưng bày cũng như dịch vụ hậu mãi hạn chế.
“Ở Indoneia có hai nhà bán lẻ đối trọng, nhưng so với họ thì chúng tôi đang bằng hoặc chỉ thấp hơn một chút”, ông Hiểu Em nói, đồng thời khẳng định sẽ không mất nhiều thời gian để chuỗi EraBlue hoàn thiện mô hình kinh doanh và nhân rộng cửa hàng thử nghiệm nhằm đưa ra đánh giá toàn diện trước khi bước vào giai đoạn tăng tốc.
Vì sao chọn đóng cửa Bluetronics tại Campuchia?
Bluetronics là một mô hình tương tự mô hình Điện Máy Xanh ở Việt Nam. Theo công bố của MWG tính tới ngày 31/3/2022, Bluetronics có 44 cửa hàng ở Campuchia. Ông Hiểu Em nhìn nhận đây không phải mô hình quá tệ. Tuy nhiên, thị trường Campuchia quá nhỏ, chính sách thuế khoá phức tạp.
Với MWG khi vận hành ở Campuchia, khi áp dụng đúng chính sách thuế ở đây thì MWG bán cao hơn thị trường 10 – 15%. Nếu giảm xuống 10-15% để đua theo thị trường thì MWG không có lãi. Còn nếu bán đúng giá thì không có cạnh tranh đặc biệt khi thị trường tại Campuchia lại khá nhỏ.
Vì vậy, sau gần 6 năm hoạt động ở Campuchia, cuối năm 2022, ông Hiểu Em cho biết MWG đã quyết định đóng toàn bộ cửa hàng Bluetronics tại thị trường Campuchia trong quý I/2023 để tập trung cho các thị trường khác như Indonesia và dồn lực cho các mô hình kinh doanh khác.
Về mô hình Era Blue ở Indonesia, trái ngược với thị trường Campuchia thì thị trường Indonesia rất lớn, thậm chí gấp đôi thị trường Việt Nam. Hành vi mua sắm của người dân nơi đây cũng tương đồng như ở Việt Nam.
Ông Hiểu Em chia sẻ MWG thấy được những cơ hội ở thị trường này khi quy mô thị trường điện máy còn rất nhỏ so với Việt Nam.
Lý do quy mô thị trường điện máy ở Indonesia nhỏ là dịch vụ về điện máy ở Indonesia không được tốt. Ví dụ các nhà bán lẻ chỉ có nhiệm vụ bán hàng còn toàn bộ các khâu vận chuyển, lắp đặt nằm trên vai các hãng. Có những sản phẩm mua thì một tuần sau mới được giao đến và lắp đặt.
Vì vậy, MWG đã mang mô hình kinh doanh ở Việt Nam qua. Trong tháng đầu tiên thử nghiệm, ông Hiểu Em cho hay trung bình doanh thu trên mỗi cửa hàng đạt 5 tỷ đồng với mô hình cửa hàng khoảng 400 m2 – tương đương một cửa hàng ĐMX mini ở Việt Nam. Với cùng một mô hình 400 m2 ở Việt Nam thì mức doanh thu này đã có lời.
MWG sẽ tiếp tục thử nghiệm, nhân rộng các cửa hàng Era Blue ở Indonesia để có sự đánh giá toàn diện hơn sau đó bước vào giai đoạn tăng tốc và mở rộng.
Ở Indonesia có hai nhà bán lẻ lớn là đối thủ của MWG là Electricity (hơn 60 cửa hàng), Hartona (vài chục cửa hàng) cùng các cửa hàng truyền thống. Nếu so với mức giá thì Era Blue đang bán rẻ hơn Electric City và nhỉnh hơn so với kênh truyền thống.
Hiện MWG có một đội ngũ các chuyên gia am hiểu thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang hoạt động ở Era Blue. Còn nhân viên bán hàng thì toàn bộ là người địa phương.
Chuỗi An Khang phải có doanh thu trên 450 triệu/cửa hàng mới có lãi
Về chuỗi An Khang và AvaKids, công ty đánh giá thị trường có tiềm năng lớn nhưng các chuỗi hiện nay chưa có lợi nhuận. Do đó, trong thời gian tới, MWG sẽ tạm ngưng mở rộng, tập trung giữ những cửa hàng có biên lợi nhuận dương, tăng doanh thu trên mỗi điểm bán cũng như kiểm soát chặt chẽ chi phí. Từ đó giảm lỗ và đưa chuỗi về điểm hòa vốn.
Ngay trong năm 2022, MWG đã chủ động tối ưu tồn kho, giảm mạnh số dư nợ. Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết hiện đã qua thời kỳ tồn kho giá rẻ, phải thận trọng để đảm báo tính an toàn dòng tiền.
Đến 31/12/2022, vay ngắn và dài hạn đã giảm 33% so với cùng kỳ năm 2021, còn 16.589 tỷ đồng, hệ số thanh toán ngắn hạn tăng từ 1,2 lần (cuối 2021) lên 1,7 lần. Trong khi đó, nợ/vốn chủ sở hữu giảm xuống từ 1,3 lần (cuối 2021) còn 0,7 lần (cuối 2022).
MWG dự kiến năm 2023 đạt doanh thu thuần từ 135.000 tỷ đồng đến 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng từ 4.200 đến 4.700 tỷ đồng, dựa trên giả định hoạt động sản xuất – tiêu dùng sẽ có dấu hiệu phục hồi từ giữa Quý 3/2023.
Đồng thời, công ty sẽ tập trung kiểm soát chi phí bằng việc:
– Kiểm soát tuyển dụng mới và tuyển thay thế; điều chỉnh giờ công nhân viên phù hợp vố tình hình kinh doanh thực tế
– Kiểm soát chi phí thuê và cân nhắc di dời mặt bằng nếu tiết kiệm được đáng kể chi phí
– Ứng dụng công nghệ, IoT để kiểm soát việc sử dụng điện
– Kiểm soát tồn kho hiệu quảChủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết hiện đã qua thời kỳ tồn kho giá rẻ, phải thận trọng để đảm báo tính an toàn dòng tiền.
Theo Vnexpress, Doanh nghiệp và kinh doanh
Xem thêm bài liên quan
- Kinh doanh không đạt kỳ vọng, Sếp Thế Giới Di Động mất khoản thưởng hàng nghìn tỷ từ ESOP, quyết giữ chân khách hàng
- Thế Giới Di Động và những mô hình kinh doanh phải “dọn dẹp, đóng cửa”: Dám dấn thân, không ngần ngại
- Chuỗi cửa hàng Điện máy Xanh “siêu nhỏ” cán mốc 1000, Thế Giới Di Động muốn thu nửa tỷ USD trong năm nay