Triết lý của cựu chủ tịch CotecCons Nguyễn Bá Dương giúp ông đi đâu cũng có nhân viên trung thành: “Khi tôi chuyển từ Descon sang CotecCons thì hai phần ba người ở Descon đều đi theo, vì họ tin tôi”.
Công ty CotecCons (CTD) được biết đến là công ty xây dựng số 1 Việt Nam chuyên thiết kế và thi công cho những Doanh nghiệp bất động sản lớn nhất như Vingroup, Tân Hoàng Minh, Phát Đạt.
Có thể kể ra hàng loạt các công trình trị giá nghìn tỉ như GoldMark City, TimesCity Parkhill, Vinhomes Central Park hay dự án cao nhất Việt Nam – Landmark 81 cũng do đơn vị này thực hiện.
Năm 2016, CTD đạt doanh thu kỷ lục 20 nghìn tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1,7 nghìn tỉ đồng, vượt khá xa so với vị trí thứ 2. 15 năm gây dựng cơ nghiệp, hành trình của ông Nguyễn Bá Dương, cựu chủ tịch CotecCons là một câu chuyện đầy thú vị.
Năm 2002, khi tách khỏi công ty cũ để sang CotecCons, ông Dương hoàn toàn là hai bàn tay trắng, nhưng Tân Hoàng Minh vẫn sẵn sàng giao cho ông một công trình “một trăm mấy chục tỉ đồng”. Làm sao để ông Dương có thể làm được như vậy?
Trao đổi với trang NDH, ông Dương đưa ra đáp án rất đơn giản, chỉ tập trung vào 1 chữ: Đó là chữ tín – trong đó bao gồm chữ tín với đối tác kinh doanh và chữ tín với nhân viên.
Giao việc là giao cho tôi chứ không phải bất kỳ công ty nào!
Theo ông Nguyễn Bá Dương uy tín trong kinh doanh là yếu tố phải xây dựng rất lâu. Lật lại câu chuyện từ năm 2002, khi đó CotecCons chưa có tên tuổi thì để được đối tác tin cậy, ông Dương dựa vào uy tín của chính ông đã tích luỹ 30 năm đi làm từ nước ngoài, và các nơi khác.
“Tôi xây dựng uy tín rất lâu rồi, người ta quý tôi, tin tôi ở chỗ vì tôi đã hứa là chính xác, những gì tôi làm được tôi mới nói và bằng chứng là các công ty tư vấn của nước ngoài người ta nhìn mặt và tin tôi, giao việc cho tôi làm chứ không phải là tin ở công ty nào.
Khi uy tín mình có, nhà thầu có thể ứng tiền cho mình làm, các nhà cung cấp mình cũng có thể nợ được, và mình hẹn chính xác và trả được, đó là tiền đề mà tạo cho tôi cái lợi thế“, ông Dương chia sẻ.
Nhờ có sự uy tín, CotecCons được ứng đến 15% trong dự án đầu tiên, ngân hàng VCB chi nhánh Nhà Rồng cũng tìm đến công ty và muốn cho vay 10 tỷ đồng mà không cần thế chấp.
Tất nhiên, ông Nguyễn Bá Dương không dùng số tiền đó mà chỉ để bảo lãnh, còn tiền thi công thì bên kia đã ứng rồi, nên CotecCons chỉ dùng để quay vòng làm dự án.
“Anh em đi theo tôi vì họ biết rằng, tôi kiếm được 10 đồng thì họ cũng được 7 đồng”.
Uy tín với đối tác đã có rồi, như vấn đề quan trọng không kém đó là làm sao để nhân viên, mọi người phía dưới sẵn sàng tin tưởng, đi theo mình. Bởi chỉ khi đạt được sự đồng thuận lớn, công việc mới có thể tiến hành thuận lợi.
Đến đây ông Dương lại cho thấy triết lý “dụng nhân” rất đơn giản nhưng khó thực hiện. Đó là ngay từ thời điểm lập nghiệp, vị cựu Chủ tịch CotecCons luôn tâm niệm: “Anh em đi theo tôi vì họ tin tôi, tôi kiếm được 10 đồng thì anh em cũng được 7 đồng”
Phương châm nói dễ nhưng khó làm. Tuy nhiên, một lần nữa ông Dương lại cho thấy chữ “tín” của mình khi được rất nhiều người trung thành đi theo. Năm 2002, khi chuyển từ Descon sang CotecCons, 2/3 nhân sự Descon đã đi theo ông Dương tới một nơi “hoàn toàn chưa có gì”.
Theo vị Chủ tịch CotecCons, đặc điểm chung của rất nhiều DN đó là, khi gặp khó khăn nội bộ DN thường rất đoàn kết, còn khi thành công lại bị chia rẽ, vì nhiều người cho rằng không có lãnh đạo đi trước họ vẫn tự làm được.
Tất nhiên, ông cũng không phủ nhận, chuyện “tự làm được” với nhân sự cấp cao, đã dày dạn kinh nghiệm, có trình độ là không khó. Nhưng với 70-80% nhân sự cấp thấp còn lại, suy nghĩ này chẳng khác nào phá tan doanh nghiệp, đưa công ty trở về con số 0.
“Vấn đề mấu chốt là do quan điểm của những người đi đầu, thứ 1 là không công bằng, thứ 2 là cá nhân lớn quá.”, vị cựu Chủ tịch CotecCons chia sẻ.
Để giải bài toán này, ông Nguyễn Bá Dương dẫn ra triết lý “dụng nhân” tại CotecCons:
“Quan trọng là đội ngũ của anh em rất chuyên nghiệp, mà đội ngũ chuyên nghiệp rồi thì mọi người rất là đồng lòng, mà để người ta đồng lòng thì công ty phải có hệ thống từ tiền lương, tiền thưởng phải đủ, tương xứng mới được”.
Thứ nhất, dù làm ở công ty lớn nhỏ, thu nhập của anh em ở dưới phải xứng đáng, đủ nuôi gia đình, vợ con và có khả năng tích lũy.
Thứ hai, mọi người đều được làm việc đúng khả năng của mình.
Thứ ba, dù là ở vị trí nào, người lao động cũng luôn được làm việc trong môi trường công bằng.
Mang triết lý này áp dụng vào CotecCons, thành quả ông Dương thu về là tỉ lệ cán bộ nghỉ việc rất ít, nếu có nghỉ thì chỉ rơi vào nhân công đi làm năm đầu tiên, quá 3 năm gắn bó với công ty tuyệt nhiên không ai nghỉ.
Ông Nguyễn Bá Dương: ‘Mỗi lần ngã là một lần học cách đi nhanh hơn’
Sau khi thôi chức chủ tịch HĐQT Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương chia sẻ “nếu không bước ra khỏi vùng an toàn, đương đầu với thách thức, sẽ không thể lớn lên được”.
Trong thư chia tay Coteccons sau hơn 16 năm làm chủ tịch, ông Nguyễn Bá Dương trích dẫn câu nói “Không ai tắm hai lần trên một khúc sông” với ngụ ý mỗi ngày trôi qua, mỗi người đều khác với chính bản thân trong quá khứ.
Ông Dương cho rằng ai cũng có cảm giác chần chừ, không muốn bước ra khỏi vùng an toàn, đôi lúc không dám chấp nhận rủi ro nhưng nếu không đương đầu với thách thức sẽ không thể lớn lên được. “Mỗi lần vấp ngã là một lần chúng ta học được cách làm sao để đi nhanh hơn”, cựu chủ tịch Coteccons viết.
Ông Dương cũng nhắc lại thành tựu cùng Coteccons thay đổi cách nhìn của xã hội đối với những công ty xây dựng trong nước. Nhà sáng lập Coteccons chia sẻ khoảng 20 năm trước, hầu như tất cả dự án cao tầng ở Việt Nam đều được thi công bởi những đơn vị nước ngoài.
Trong mắt chủ đầu tư, các công ty xây dựng trong nước chỉ có thể triển khai một số công trình đơn giản từ 7 tầng trở xuống. Phần lớn nhà thầu không gây được thiện cảm với xã hội vì thi công kém chất lượng, mất an toàn, không đảm bảo vệ sinh môi trường và hay “rút ruột”.
Ông Dương chia sẻ sau hơn 16 năm hoạt động, công ty do mình sáng lập hoàn thành 500 công trình từ các khu phức hợp, resort, khách sạn, chung cư cao cấp cho đến trường học, bệnh viện, nhà xưởng, dự án hạ tầng trên cả nước. Ông tự hào Coteccons trở thành thương hiệu quốc gia, nhận được được sự tôn trọng rất lớn từ các chủ đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Bá Dương sinh năm 1959, nguyên quán ở Nam Định. Ông sáng lập Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons vào năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 15 tỷ đồng. Sau hơn 16 năm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất, ông Dương từ chức chủ tịch Coteccons với lý do sức khỏe cá nhân và muốn muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons vươn lên trở thành nhà thầu số một trong ngành xây dựng Việt Nam với doanh thu vượt 1 tỷ USD trong 3 năm gần nhất. Số lượng cán bộ nhân viên hiện tại của Coteccons là gần 2.500 người, gấp 25 lần so với con số 100 thời điểm mới thành lập.
Việc ông Nguyễn Bá Dương rời ghế chủ tịch Coteccons không quá bất ngờ khi mâu thuẫn giữa cổ đông lớn nước ngoài Kusto Group và ban lãnh đạo người Việt âm ỉ từ năm 2017 và lên đến đỉnh điểm vào tháng 6 năm nay. Dù tuyên bố hai bên đã dàn xếp để tiếp tục đưa Coteccons phát triển, nhiều nhân sự cấp cao của công ty như tổng giám đốc, thành viên HĐQT, kế toán trưởng lần lượt từ nhiệm.
Sau khi ông Dương từ chức, CEO Kusto Việt Nam Bolat Duisenov được bầu làm chủ tịch Coteccons. Tân chủ tịch người Kazakhstan cũng gửi thư đến cán bộ nhân viên công ty, mong muốn nhận được sự tin tưởng và gắn bó dài lâu của nhân sự Coteccons. Ông Duisenov khẳng định những người muốn làm việc, phát triển cùng công ty sẽ luôn có vị trí phù hợp và sự tưởng thưởng xứng đáng.
Theo Trí thức trẻ, Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Bài học quản trị kinh điển: Dụng nhân như dụng mộc – Không ai kinh doanh giỏi mà lại làm việc và quản lý con người kém cả
- Bài học quản trị kinh điển: Dụng nhân như dụng mộc – Không ai kinh doanh giỏi mà lại làm việc và quản lý con người dở cả
- Từ Cờ vua – Cờ tướng ngộ ra 7 bài học về tư duy dùng người, “định thiên hạ”