Từng tuyển dụng cả vạn nhân viên, nhân tài trong suốt 20 năm khởi nghiệp, Shark Bình chỉ ra 3 đặc điểm giúp một người thăng tiến rất nhanh.
Có gì phía sau những lời nhận xét gay gắt của Shark Bình – người đứng đầu một tập đoàn công nghệ lớn?
Những sự cố không lên sóng: Ngủ gục, bị trêu
Shark Tank sau 5 mùa đã có những yếu tố để làm mới chương trình, vậy Shark Bình sau 3 mùa tham gia đang và sẽ có những điều mới mẻ nào cho khán giả lẫn nhà khởi nghiệp?
Trong Shark Tank mùa 3, tôi đã có những phát ngôn như “ngáo giá”, “long mạch”,… mong muốn giúp startup tìm ra những công thức để đi đến thành công. Đến mùa 4 thì có những câu như “tri kỷ”, “chân ái”, “bệ phóng”, “gió đông”,… mong muốn trở thành người bạn đồng hành, giúp startup có thể tăng trưởng nhanh.
Mùa 5 cũng là thời gian tôi bước sang tuổi 41 – một chặng mới trong kế hoạch cuộc đời. Sứ mệnh chính của tôi và NextTech bây giờ không chỉ là kinh doanh, kiếm tiền nữa mà phải để lại di sản cho cuộc đời như tầng cao nhất của tháp nhu cầu Maslow.
Điều này đồng nghĩa với việc khi lên Shark Tank, tôi có một hình ảnh mới là “thầy giáo khởi nghiệp”. Thầy giáo là từ gần gũi với tất cả chúng ta, truyền dạy kiến thức cho học trò với những sự tâm huyết nhất, hài hước nhất nhưng đôi khi cũng là sự nghiêm khắc nhất. Tôi muốn đem lại kiến thức, giúp nhà khởi nghiệp né được thất bại trước khi nghĩ đến thành công.
Vì vậy mà ở mùa 5, dù có quyết định đầu tư hay không, tôi cũng đều đưa ra những nhận định cá nhân sâu sắc nhất trong năng lực và khả năng của mình để chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu của nhà khởi nghiệp.
Một chi tiết thú vị trong hậu trường Shark Tank về các Shark mà chưa từng được lên sóng truyền hình, anh có thể tiết lộ không?
Mùa năm nay, trong đợt quay thứ 2 chúng tôi đã gặp 1 sự cố khá đen đủi. Hôm đó đang quay gần hết buổi sáng thì đột nhiên mưa lớn, toàn khu vực bị mất điện và phải dừng quay. Kết quả là các Shark và startup “được” ngồi chơi khoảng 6 tiếng, từ 12h trưa đến 6h tối mới quay tiếp.
Hôm đó chúng tôi phải quay đến 2h sáng mới được về, 3h sáng đi ngủ thì 6h sáng đã phải dậy để quay ngày tiếp theo nên rất mệt mỏi. Dù phân công nhau luân phiên phỏng vấn các startup nhưng các Shark đều vẫn khá mệt.
Và trong một lúc nào đó, tôi ngủ gật 3 – 5 phút ngay trên set, bị chương trình quay lại để trêu. Những lúc đó thay vì giống thầy giáo, mình lại như học sinh ngủ gật trong lớp.
Đây có thể xem là 1 chi tiết thú vị nhưng cũng thể hiện sự tâm huyết, nỗ lực của các Shark và toàn bộ ekip. Để có những tập Shark Tank với bài học kinh doanh thú vị, bổ ích cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, chúng tôi cũng đã phải lao động rất nghiêm túc và cật lực, thậm chí là hy sinh sức khỏe, trí não, thời gian.
Shark từng chia sẻ rằng lên sóng Shark Tank thì startup giống như được gói marketing 20 tỷ. Còn bản thân các Shark thì được marketing thế nào?
Shark Tank Mỹ đã từng có nghiên cứu nói về việc một startup lên chương trình gọi vốn và được lên sóng truyền hình, tương đương với một chiến dịch truyền thông trị giá 20 triệu đô. Tỷ lệ các nhà khởi nghiệp phải chọi nhau để được vào đến vòng ghi hình và lên sóng là khoảng 1/2000, còn cạnh tranh hơn việc thi vào ĐH Harvard.
Dựa trên nghiên cứu đó, tôi cứ bỏ rẻ và chia ra theo đúng sự chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người của Mỹ – Việt Nam là khoảng gần 20 lần thì ít nhất, một startup khi lên chương trình Shark Tank Việt Nam sẽ có một chiến dịch truyền thông quảng cáo miễn phí khoảng một triệu đô, tức hơn 20 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy các startup khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sau khi lên sóng, các chỉ số kinh doanh tăng trưởng từ 5 cho đến 20 lần ngay lập tức. Điều đó cho thấy rằng, các nhà khởi nghiệp lên một chương trình như Shark Tank Việt Nam chắc chắn chỉ có lợi.
Chúng ta vừa “được” 20 tỷ miễn phí, vừa được nhận các bài học kinh doanh và lại vừa có khả năng gọi được vốn cho các doanh nghiệp của mình. Nhưng tất nhiên đó phải là startup tốt.
Về các Shark, tôi đánh giá là không được lợi hoàn toàn như vậy mà có cả lợi và hại.
Đầu tiên là những cái được, các Shark có được. Hình ảnh của 1 người đại diện cho 1 doanh nghiệp lên truyền hình thì sẽ được đông đảo công chúng biết đến và yêu quý, làm cho thương hiệu, sản phẩm và các hoạt động của mình đôi phần thuận lợi hơn.
Những cái thuận lợi này khó đo đếm bằng con số tuyệt đối như 20 tỷ mà tôi vừa nói. Ngoài ra thuận lợi đó lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào sự tận dụng của từng Shark, từng doanh nghiệp của các Shark.
Ngược lại là tiêu cực. Về mặt tài chính, khi tham gia chương trình, doanh nghiệp của các Shark sẽ tiến hành các gói tài trợ, để hỗ trợ việc tổ chức và phát sóng. Đó là việc bình thường, giống như ngân sách truyền thông, quảng cáo của bất kỳ doanh nghiệp nào mà thôi.
Tiếp theo là các Shark phải xuống tiền theo cam kết đầu tư của mình. Việc đầu tư mạo hiểm cho một startup có tỷ lệ thất bại và mất vốn rất cao, khoảng 70 – 90% nên các Shark sẽ phải gánh chịu sự tiêu cực về tài chính khi lựa chọn đầu tư chưa chính xác.
Thứ 3 là tiềm năng rắc rối, sự để ý và soi xét kỹ càng của xã hội. Có nhiều sự soi xét mang tính tiêu cực, tâm lý không ủng hộ những người giàu, người có tiền. Ví dụ có 1 vụ va chạm giao thông thì người ta vẫn có tâm lý cố hữu là xe to sai – xe nhỏ đúng.
Tương tự như vậy người giàu, người có tiền luôn bị nhìn nhận là người sai và một số Shark đã phải đón nhận điều này. Cuối cùng là sự bất tiện về mặt đời tư. Các Shark có thể được nhiều người nhận ra, gây ra bất tiện cho sinh hoạt của cá nhân và gia đình.
Với tiêu cực rõ ràng và tích cực tương đối mờ như vậy thì các Shark đồng ý lên ghế nóng Shark Tank là những người dũng cảm và có tâm với cộng đồng khởi nghiệp. Không ai tự dưng muốn đi đầu tư tiền, cho kiến thức rồi lại có tiềm năng phải đón nhận những cái tiêu cực cả.
Vì vậy tôi rất mong dư luận nói chung có góc nhìn tích cực hơn, ủng hộ hơn cho những con người đang thầm lặng hi sinh cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.
Ở Mỹ, gọi vốn hiếm doanh nghiệp định giá cả triệu đô, còn Việt nam thì ngược lại. Vì sao?
Theo Shark, có phải tự định giá mình ở một mức cao đến khó tin là cách để nhà khởi nghiệp thu hút sự chú ý khi lên truyền hình?
Shark Tank không chỉ có hiện tượng startup tự định giá cao mà còn “chém gió” về năng lực bản thân, doanh nghiệp cao vút lên để thu hút sự chú ý của các Shark nói riêng, của dư luận và thị trường nói chung. Đó là 2 hiện tượng phổ biến nhất và do 2 nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất là thiếu hiểu biết và thiếu kiến thức cơ bản. Ở các nước phát triển, học sinh ngay từ cấp 1, cấp 2 đã được học kiến thức cơ bản về quản trị tài chính, về các chỉ số. Những kiến thức này mang tính học thuật rất thấp, chỉ là cộng trừ nhân chia bình thường nhưng có thể giúp học sinh biết định giá rất rõ ràng từ sớm.
Vì vậy rất hiếm hiện tượng tự định giá cao ở chương trình Shark Tank của các nước phát triển. Đại đa số nhà khởi nghiệp lên Shark Tank Mỹ đều gọi số vốn từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đô và định giá cũng chỉ từ 100 – 200 nghìn đô, hiếm người định giá đến hàng triệu đô.
Còn ở Việt Nam, các startup hầu như định giá doanh nghiệp lên đến hàng triệu đô trong khi nền kinh tế và mức thu nhập thấp hơn so với Mỹ hàng chục lần. Cuối cùng chúng ta ra về tay trắng vì bị chê là định giá quá cao hoặc được các Shark đề nghị đầu tư rẻ hơn so với lúc đầu từ 10 – 20 lần.
Thứ 2 là muốn tự PR cho bản thân và doanh nghiệp bằng cách cố tình đưa ra 1 cái giá rất cao hoặc 1 bức tranh rất đẹp về doanh nghiệp nhưng cuối cùng lại không chốt deal. Với những nhà khởi nghiệp này đang chiếm hoặc cướp chỗ của doanh nghiệp đang thật sự cần vốn.
Những startup như vậy gọi là đào mỏ, trục lợi hiệu ứng truyền thông từ chương trình và nếu bị phát hiện sẽ bị cắt sóng. Tại Việt Nam có startup rất thông minh, lanh lợi. Họ đồng ý cam kết rồi cố tình kéo dài quá trình thẩm định sao cho sau khi chương trình phát sóng rồi mới từ chối thẩm định.
Đó là trường hợp có kế hoạch tính toán rất tinh vi, bài bản ngay từ đầu. Trong 5 mùa Shark Tank vừa qua có nhiều Shark dính vào trường hợp này và bản thân tôi thì dính thương vụ gần đây nhất là Nerman.
Trước đây các Shark thường ngậm ngùi, không nói ra. Trong khi đó truyền thông lại có những phân tích kiểu “tại sao tỷ lệ giải ngân lại thấp thế” như trước khi Shark Tank mùa 5 này phát sóng.
Lúc đó dư luận đã đổ lỗi rất nhiều cho các Shark là không uy tín, lên chương trình chỉ để chém gió, để quảng cáo bản thân, thậm chí là có lời đồn ác ý rằng “các Shark làm gì có tiền, lên cho vui chứ làm gì có tiền mà đầu tư”. Đó là tâm lý có sự cố thì xe to có lỗi, thương vụ không thành thì các Shark có lỗi.
Với cá nhân tôi, hầu hết các trường hợp không thành công thì nguyên nhân đều do startup nhưng “cá mập” mắc cạn, bị mang tiếng đồng thời làm mất cơ hội của các startup khác.
Chỉ người vừa giàu vừa giỏi mới giàu lên nhờ lạm phát
“Chúng ta không thể giàu khi đi làm thuê”. Shark nghĩ sao về quan điểm này?
Chúng ta đang sống trong một vũ trụ được vận hành bởi thuyết tương đối, có nghĩa tất cả mọi thứ chỉ là tương đối. Quan điểm đó có thể đúng với người này nhưng không đúng với người khác nên cũng tùy người, tùy doanh nghiệp.
Nếu cứ đi làm thuê cho 1 doanh nghiệp nhỏ, lẹt đẹt và chỉ làm công ăn lương, không được chia lợi nhuận, cổ tức,… thì đúng là không giàu được thật. Nhưng nếu làm thuê ở doanh nghiệp, startup có tương lai rất lớn, được đãi ngộ, được cổ phần ưu đãi, được lên sàn,… thì thực tế cho thấy có rất nhiều nhân viên, thậm chí bà lao công hay chú bảo vệ cũng có thể trở nên giàu có.
Hoặc chúng ta đi làm thuê nhưng lại là “cánh tay phải” của 1 sếp nào đó ở doanh nghiệp lớn nhất cả nước thì cũng rất giàu có, có thể có tài sản hàng chục triệu đô. Thế nên tôi cho rằng câu này vừa đúng vừa sai, phải tùy vào năng lực của người phát biểu mới biết được.
Với tình hình hiện tại, có phải lạm phát giúp người giàu càng giàu hơn, theo Shark?
Theo lý thuyết, trong môi trường lạm phát thì người nghèo là những người bị ảnh hưởng đầu tiên. Lý do là vì họ có thu nhập thấp. Trước đây kiếm được bao nhiêu tiền đã tiêu hết bấy nhiêu rồi thì bây giờ khi giá cả tăng lên, kiếm được sẽ không đủ tiêu.
Với những người dư dả, bình thường họ kiếm được 10 tiêu chỉ 3 thì bây giờ bão giá, họ tiêu lên 4, tức là chỉ phải giảm đi 1 phần tích lũy. Chưa kể tôi nghĩ người giàu đều có lý do, giàu không chỉ về tiền bạc mà còn giàu thêm cả về kiến thức, kinh nghiệm và thông tin nữa.
Với những nguyên liệu đó, khi xã hội gặp biến động, một số ít người vừa giàu vừa giỏi lại tìm thấy cơ hội kinh doanh. Điều này giải thích tại sao người giàu càng giàu lên. Nhưng nói đúng hơn là đa số người nghèo thì nghèo đi còn chỉ 1 số người giàu, vừa giàu vừa giỏi sẽ giàu lên.
Trải qua nhiều năm kinh doanh và chứng kiến nhiều biến động kinh tế, Shark có lời khuyên nào cho mọi người để đứng vững trước bão giá không?
Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra trên thế giới, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ngay lập tức kiểu môi hở răng lạnh. Trong tình huống này, tôi thấy chúng ta cũng rất may mắn khi đã được tập dượt thông qua giai đoạn Covid-19.
Vì ở giai đoạn này, thu nhập giảm xuống 1 nửa hoặc bằng 0 mà chúng ta vẫn sống được còn khi lạm phát, chi phí có thể tăng lên nhưng thu nhập vẫn giữ nguyên. Tôi không biết lạm phát này kéo dài bao lâu, nếu lâu thì nguy hiểm nhưng chỉ 1 – 2 năm thì tôi nghĩ có thể nó ít nghiêm trọng hơn Covid-19.
Hơn nữa người Việt Nam vẫn luôn chịu khó, chịu khổ nên cũng không nên quá bi quan. Nhưng tôi vẫn có 3 lời khuyên nhỏ cho mọi người nói chung:
1/ Có tinh thần và tâm thế tích cực. Tôi là tuýp người sống tích cực. Khi gặp sự cố hay vấn đề, mình phải tích cực thì đầu óc mới thông thoáng, vui vẻ và nghĩ ra ý tưởng. Còn nếu u sầu, ủ dột, chán nản thì không nghĩ ra được gì.
Bây giờ mình nghĩ: “Ui. Cái này đã ăn thua gì so với Covid-19, giá có tăng thật đấy nhưng thu nhập không bị giảm”. Nghe có phải thích hơn không?
2/ Giữ thói quen tiết kiệm chi tiêu.
3/ Khoản đầu tư quan trọng là vào chính bản thân mình. Chúng ta đã nhìn thấy những bài học khi nhiều bạn dành hết tiền tiết kiệm vào những thứ đầu cơ, thiếu hiệu quả không hiệu suất và thất bại.
Vì vậy trong giai đoạn này càng cần đầu tư vào bản thân. Đầu tư vào bản thân mình mới là đầu tư vững bền và ra giá trị cao nhất như đi học kiến thức, học nghề, học những gì hot trend,… nhất là các bạn trẻ.
Càng có nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm thì khả năng khẳng định giá trị bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn vững bền. Khi có tiền rồi chúng ta vẫn ưu tiên đầu tư vào kiến thức trước rồi đến sắc đẹp, hình thể,… sau.
Khó có tình bạn giữa sếp và nhân viên, làm lãnh đọa là một nghề cô đơn
Shark thường đem tình yêu để ví von, so sánh với chuyện kinh doanh, đầu tư, khởi nghiệp,… Đây có phải là nhờ sự am hiểu cả tình trường lẫn thương trường không?
Kinh doanh thường là những vấn đề khô khan, toàn số má, quy tắc, bài học,… đau đầu, hại não. Còn phong cách giao tiếp của tôi là sử dụng phép so sánh để làm rõ 1 vấn đề trừu tượng và phức tạp trở nên đơn giản hơn và trong sáng hơn.
Vì vậy tôi thường so sánh các vấn đề trong thương trường với tình trường và quan trường. Ở đây quan trường còn là những câu chuyện lịch sử, chính trị, địa chính trị trong quá khứ như trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Đông Chu Liệt Quốc cho đến những sự kiện nổi bật trong lịch sử loài người.
Thứ nhất là tình trường thì mọi người đều từng trải qua nên ai cũng dễ hiểu, dễ đồng cảm. Về bản chất, khi kinh doanh chúng ta cũng có đối thủ cạnh tranh để chiếm lĩnh được trái tim khách hàng và sau khi chiếm lĩnh được rồi thì phải phục vụ để làm sao cho tình yêu đó được kéo dài, khách hàng mua lại được nhiều lần hơn.
Trong tình yêu chúng ta cũng phải tìm cách để duy trì, làm cho nó không bị đi xuống. Những hình ảnh so sánh thực tế và dễ hiểu như vậy sẽ giúp để các bạn trẻ hình dung được dễ dàng hơn, trong sáng hơn.
Trong quan trường và lịch sử cũng vậy. Tôi đã mở đầu cuốn sách Long Mạch sắp được xuất bản bằng 1 câu đại ý thế này: “Trong suốt hàng nghìn năm qua của xã hội loài người, mọi thứ đều thay đổi nhưng chỉ có duy nhất 1 thứ không thay đổi là cách con người đối xử với con người.
Ngần đấy những mưu kế, ngần đấy những câu chuyện hay điển tích xảy ra cách đây cả nghìn năm đến bây giờ trong cuộc sống hiện nay, từ xã hội, chính trị đến chiến tranh rồi kinh doanh vẫn vậy”.
Chính vì vậy tôi cho rằng bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội này đều có những nét tương đồng, miễn là chúng ta liên kết, liên tưởng so sánh được thì sẽ đem lại những cách nhìn tươi mới, đơn giản, phi lý thuyết nhất có thể.
Điểm khác biệt nhất của tình trường và thương trường là gì, theo Shark?
Trên thương trường mọi thứ bình đẳng, “xanh chín”, khốc liệt và tiền đóng vai trò quyết định còn tình trường thì bị dẫn dắt bởi cảm xúc. Cách đây không lâu tôi cũng có 1 câu là “Tiền có thể mua được tình cảm của người dành cho mình nhưng không thể mua được tình cảm của mình dành cho người”.
Cảm xúc là thứ không thể mua được hoặc rất khó để mua, nếu có mua được cũng chỉ một phần nào đó thôi. Nhưng nếu biết cách đánh đúng cảm xúc, chúng ta có thể có được một tình cảm “đập đầu vào tường” mà không tốn một xu.
Vậy Shark nghĩ có tình bạn thực sự tồn tại trên thương trường không?
Tùy ngành. Có những ngành bắt buộc có nhiều người chơi, không ai có thể diệt được người khác mà phải bắt tay nhau để chiếm lĩnh thị trường và thông thường đó là những ngành truyền thống.
Nhưng trong nhiều ngành, yếu tố tình bạn rất khó để tồn tại vì sự cạnh tranh khốc liệt, mang tính sống chết, thậm chí người ta có thể cắn xé nhau, dùng đòn bẩn để tiêu diệt nhau.
Ví dụ như công nghệ bởi khách hàng chỉ cách đối thủ của bạn một cái click chuột và bất kỳ nền tảng nào đứng số 1 thì các nền tảng phía sau sẽ bị tiêu diệt.
Bản thân Shark đã bao giờ rơi vào tình huống đối thủ kinh doanh cũng là bạn chưa?
Có chứ. Trong ngành thanh toán điện tử, NextTech có nhiều đối thủ cũng là đối tác. Đó là các ngân hàng. Họ là nhà cung cấp gốc cho dịch vụ thanh toán điện tử trên thị trường còn chúng tôi là các công ty trung gian thanh toán.
Tuy nhiên các ngân hàng có những vấn đề không thể làm tốt hay thành công nên họ bắt tay hợp tác với các công ty fintech và trung gian thanh toán như chúng tôi.
Có khi nào các sếp xem nhân viên như bạn bè không?
Câu trả lời cũng là tùy. Cụ thể thì tùy từng giai đoạn, từng phong cách lãnh đạo và môi trường văn hóa. Có những trường hợp như vậy, có những trường hợp không phải nhưng doanh nghiệp vẫn thành công bởi xã hội này thiên biến vạn hóa, trăm hoa đua nở và hoa nào cũng phát triển được.
Nhưng theo góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân của tôi, khó tồn tại tình bạn tri kỷ giữa nhân viên và sếp. Có thể tồn tại tình bạn giữa các nhà đồng sáng lập, giữa các sếp hay giữa các nhân viên với nhau còn giữa ông chủ và nhân viên thì khó. Tôi từng phát biểu rằng “Làm lãnh đạo là một công việc hết sức cô đơn” vì tồn tại một mâu thuẫn lợi ích cốt lõi giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Đó là người lao động luôn muốn có thêm quyền lợi còn người sử dụng lao động luôn muốn tiết kiệm chi phí. Tất nhiên mối quan hệ bạn bè giữa nhân viên với sếp cũng có, dễ thấy nhất là trong môi trường startup.
Bởi khi không có tiền thì yếu tố tình cảm được đặt lên hàng đầu nhưng khi doanh nghiệp càng lớn, sếp sẽ ngày càng cô đơn và họ phải làm quen với điều đó.
Vậy làm sao để sếp vừa giữ cái uy của mình với nhân viên lại vừa tạo được sự gần gũi để họ tin tưởng mình?
Ở NextTech chúng tôi giải quyết bằng 1 nguyên tắc và cũng là văn hóa doanh nghiệp. Đó là nguyên tắc 3 chữ “th”: thật thà – thẳng thắn – thông thoáng. Bản chất của mỗi người là nhân chi sơ tính bản thiện, ai cũng muốn hướng đến những thứ đơn giản, lành mạnh, vui vẻ.
Mà để có được điều đó, môi trường làm việc phải không bị lựa lời hay lựa thái độ nhau, không phải bợ đỡ nhau. Khi mọi người giao tiếp với nhau bằng 3 chữ “th” này thì tự nhiên sẽ hòa đồng và thân thiết thôi.
Đâu là 3 kiểu người Shark từng gặp mà sau này họ thăng tiến rất nhanh trong công việc/ cuộc sống?
Trong 20 năm khởi nghiệp, tôi đã chiêu mộ đến vài vạn người, gồm cả người đã đến và đi. Tôi đã chứng kiến cả những câu chuyện tốt – xấu, cả những bạn thành công – thất bại và tôi nhận thấy những người có 1 trong 3 đặc điểm sau thì sẽ rất thành công:
1/ Thật – thẳng – thông. Chính là nguyên tắc mà tôi đã nói ở trên. Họ là những người uy tín, thẳng thắn, không vòng vèo, không lươn lẹo và rất đáng quý.
2/ Làm nhiều hơn nói. Những người cần cù, chăm chỉ từng ngày một thì sẽ có cơ hội thành công cao hơn người chỉ giỏi nói. Tất nhiên người làm lãnh đạo phải vừa giỏi làm vừa giỏi nói mới xứng đáng.
Còn những người chỉ giỏi làm mà không giỏi nói thì sẽ phát triển chậm vì lãnh đạo phải là người tập hợp được lực lượng, gây dựng được đội ngũ. Muốn làm được điều này, họ phải biết hô hào, hiệu triệu và truyền cảm hứng.
3/ Thái độ quan trọng hơn trình độ. Trình độ có thể đào tạo được nhưng thái độ thì không. Họp hẹn thì quên deadline, không báo cáo, chậm tiến độ,… các kiểu thái độ xấu như vậy và nhìn đời bằng con mắt không tích cực thì sẽ khó mà thành công trong cuộc sống lẫn công việc.
Cảm ơn Shark vì những chia sẻ!
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Công thức “Bất khả chiến bại” giúp nhà lãnh đạo tuyển chọn nhân tài: Đam mê + Tài năng + Nỗ lực = Chuyên gia
- Gửi đến mấy bạn hở chút là đòi nghỉ việc: Ai cũng có thể bị thay thế, làm việc chuyên nghiệp thì cũng hãy nghỉ việc một cách chuyên nghiệp!
- Vì sao không nên cố làm thân với sếp? Thân thiết với sếp có thể khiến các quyết định công việc thiếu khách quan?