Jack Welch, vị “CEO tiêu biểu của thế kỷ 20” vừa qua đời ngày 2/3/2020, ở tuổi 84. Ông là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp đạt đến tầm huyền thoại, có triết lý rõ ràng, tài ba và vô cùng sắt đá. Jack Welch đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành General Electric (GE) từ năm 1981 đến năm 2001.
Jack Welch, một trong những nhà quản lý nổi tiếng nhất trên thế giới. Người được nhiều tạp chí hàng đầu như: Time, Fortune, Business Week ca ngợi là CEO vĩ đại nhất nước Mỹ. Jack Welch đã lãnh đạo GE qua 2 thập niên phát triển phi thường với những quyết sách đột phá.
Trải nghiệm 20 năm của Jack Welch tại GE được xem là giáo thư cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thế giới. Trong nhiệm kỳ của ông tại GE, vốn hóa thị trường của GE đã tăng từ 13 tỷ USD lên hơn 400 tỷ USD vào những năm 1980-1990.
Theo Reuters, John Francis Welch Jr sinh ra ở Massachusetts (Mỹ) vào năm 1935, cha mẹ là người Mỹ gốc Ireland. Ông có bằng kỹ sư hóa học tại Đại học Massachusetts và bằng tiến sĩ tại khoa kỹ thuật hóa học và phân tử sinh học của Đại học Illinois.
Năm 1960 ông gia nhập GE với vai trò kỹ sư hóa học cho bộ phận chất dẻo tại Pittsfield, Massachusetts. Ông gia nhập hàng ngũ quản lý vào năm 1972 trước khi lên làm chủ tịch và giám đốc điều hành GE vào năm 1981.
Nghỉ hưu ở tuổi 67, Jack Welch trở thành một người viết sách kinh doanh vĩ đại, những cuốn sách ông viết ra đều là “best seller” được nhiều người săn lùng, tìm đọc, các giáo sư, sinh viên đọc để nghiên cứu, phân tích.
Giới kinh doanh đọc để tìm thấy những bí quyết lời khuyên của một nhà quản lý chuyên nghiệp, mẫu mực với những thành công kỳ diệu trong kinh doanh, của một người mà tên tuổi gắn liền với những thành công đã trở thành huyền thoại của Tập đoàn General Electric (GE).

Năm 1999, tạp chí Fortune vinh danh ông là “CEO của thế kỷ”.
Jack Welch được biết đến với một phong cách quản lý kỷ luật rất đặc biệt trong giới kinh doanh. Ông nổi tiếng với giai thoại trong cách tinh giảm biên chế của GE. Cụ thể, năm 1981 ông đã có một bài phát biểu tại thành phố New York có tên “Phát triển nhanh trong nền kinh tế tăng trưởng chậm”.
Thời gian đó, ông đã cắt giảm hàng chục ngàn nhân lực, do đó ông có biệt danh là “Neutron Jack” (biệt danh này bắt nguồn từ bom Neutron, loại bom có khả năng sát thương cao nhưng lại không gây tổn hại tới các công trình) nhưng không làm ảnh hưởng tới doanh thu của GE. Biệt danh này cũng gắn với chính sách sa thải nhân viên một cách có chủ đích nhưng không làm tổn hại đến cấu trúc của GE.
Ông từng rất nổi tiếng với với câu châm ngôn: “Sửa ngay, hoặc giải tán”. Jack Welch là một biểu tượng lãnh đạo trong doanh nghiệp, các nguyên tắc cốt lõi của ông rất cơ bản, mạnh mẽ và trực quan.
1. Hỏi những câu quan trọng
Phần lớn triết lý quản lý của Welch được xây dựng trên chỉ 2 câu hỏi.
Nếu GE chưa có mảng kinh doanh này, liệu có nên tiến vào không?
Nếu không, vậy thì phải làm gì?
Cách tiếp cận này giúp ông tái cấu trúc lại toàn bộ công ty, xử lí các nhóm lợi ích ‘đặc biệt’, con ông cháu cha, quan liêu thái quá và lười biếng hay những mảng kinh doanh thua lỗ.
Tương tự vậy, nếu đang làm tại một công ty mà bản thân không muốn, tại sao chúng ta còn ở đó mà không chuyển sang một công ty khác?
2. “Đồng đội” chứ không phải “nhân viên”
Một trong những nét khiến ông trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại chính là khả năng truyền cảm hứng cho những người theo ông. Ông thường bị cho là “ám ánh” với việc truyền động lực cho những người đi theo ông khi mà ông làm việc đó hằng ngày, giúp họ có động lực để lao về phía trước.

Một người bình thường sẽ khó thấy được vai trò của “người cổ vũ” ở trong công ty là thế nào nhưng thực sự Welch đã nhận trách nhiệm đó rất nghiêm túc như bất kì công việc nào khác.
3. Đặt mục tiêu ưu tiên và liên tục cải thiện
Cứ mỗi 5 năm ông sẽ đánh giá lại những ưu tiên của mình bằng cách tự hỏi những câu như “Cần phải làm gì bây giờ?”. Đó chính là cách “buông bỏ” có tổ chức – đánh giá lại những mục tiêu phương hướng dựa trên phân tích thị trường và những triển vọng cho tương lai hơn là gắn với hào quang trong quá khứ.
4. Tự gánh trách nhiệm
Welch là người không ngại đứng ra nhận trách nhiệm cho những công việc quan trọng. Khi có một kết hoạch 5 năm với 3 mục tiêu hàng đầu, ông sẽ tự xếp 1 mục tiêu phù hợp với bản thân để tập trung vào đó trong khi chia những việc còn lại cho nhóm lãnh đạo của công ty.
Nếu một lãnh đạo không trực tiếp đi vào công việc cụ thể mà chỉ chỉ đạo từ trên cao thì dần dần họ sẽ mất đi ý thức về chính hoạt động của doanh nghiệp mình.
5. “Yêu đồng nghiệp” đến chết
Điều cuối cùng xác định triết lý của Welch nằm trong một câu trích dẫn của ông:
“Hãy ra khỏi văn phòng. Ra ngoài và chạm vào mọi người. Nghe, nghe, nghe. Yêu họ đến chết và chạm vào họ, vào trong da của họ. Vui mừng cho họ về những gì họ đang làm. Tạo mục đích cho công việc và cuộc sống của họ.

Đó là tất cả. Chúng tôi dành phần lớn thời gian cho những công việc này. Làm cho họ vui vẻ, làm cho họ hứng thú và thưởng cho những người làm công việc bạn yêu cầu họ làm.”
Đó là tóm tắt về một người đàn ông, một nhà lãnh đạo mà chúng ta nên hướng tới, bởi lẽ những nguyên tắc của ông chính là bài học đắt giá nhất cho quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm mang lại cho mọi người giá trị, nhân phẩm và sự công nhận.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Xem thêm bài liên quan
- Công thức “Bất khả chiến bại” giúp nhà lãnh đạo tuyển chọn nhân tài: Đam mê + Tài năng + Nỗ lực = Chuyên gia
- Tại sao người làm chủ ai cũng khó tính, cầu toàn từng li từng tí: Một lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm cả con tàu lớn!
- 3 lần thay đổi cách quản trị đế chế khổng lồ Thế Giới Di Động của chủ tịch Nguyễn Đức Tài trong chặng đường gần 20 năm lịch sử