Hôm nay đọc được bài ngụ ngôn làm tôi nhớ đến dự án xây dựng KPI (phần cơ chế thúc đẩy hiệu suất làm việc – lương thưởng). Thấy hay hay nên đưa blog để mọi người cùng đọc.
Một ngày nọ, sư tử sai báo quản lý 10 con sói và không quên phân phát thực phẩm trong ngày cho chúng.
Sau khi nhận thịt về, báo chia số thịt thành 11 phần bằng nhau, tự nó nhận một phần và chia 10 phần còn lại cho 10 con sói. Thế nhưng 10 con sói đều cảm thấy phần của mình bị ít nên hùa nhau chống lại báo. Mặc dù một con sói đấu không lại được báo song 10 con cùng hợp sức, báo chẳng có cách nào để đối phó. Nó đành lầm lũi đi tìm sư tử xin từ chức.
Sư tử nghe xong liền đáp: Từ nay về sau, cứ nhìn ta mà học.
Ngày thứ hai, sư tử chia thịt thành 11 phần không hề bằng nhau, tự nó chọn phần lớn nhất, sau đó cất cao giọng nói với bầy sói: Các ngươi hãy tự bàn bạc xem chia số thịt này như thế nào. Để tranh phần to hơn, bầy sói nhào lên, công kích, cắn xé lẫn nhau theo cách đầy hung tợn.
Báo thấy vậy thì phục sư tử lắm, nó liền hỏi đây là cách gì mà hay vậy. Sư tử cười, đáp: Đã từng nghe đến lương hiệu suất bao giờ chưa? Chẳng phải vì phần chênh lệch này mà bầy sói con nào con nấy đều ra sức chiếm cho được đó sao!
Ngày thứ ba, sư tử vẫn chia số thịt thành 11 phần, tự nó lấy 2 phần mang đi và tuyên bố với bầy sói: Các ngươi thảo luận xem chia số thịt này thế nào. 10 con sói chỉ có 9 phần thức ăn, chẳng còn cách nào khác là xông lên thật nhanh và nuốt thật gọn, cuối cùng, chỉ còn một con sói nhỏ bé nhất không cướp được thực ăn, bị đè cho bẹp dí trên mặt đất.
Báo lại một lần nữa nể trọng sư tử và không quên hỏi đây là cách gì. Sư tử cười đáp: Đã từng nghe đến phép đào thải của con người chưa? Nếu không đủ lớn mạnh, bị đánh bật lại phía sau là lẽ dĩ nhiên thôi.
Ngày thứ tư, sư tử chia thức ăn trong ngày làm 2 phần, tự nó lấy đi 1 phần và cũng như hai lần trước, nó bảo bầy sói bàn bạc cách chia thức ăn. Cảnh tượng tranh cướp giành giật lập tức xảy ra và cuối cùng, một con sói mạnh nhất đã đánh bại tất cả những con khác, giành quyền thưởng thức thức chiến lợi phẩm một mình. Sau khi ăn no bụng, con sói mạnh nhất mới cho những con khác ăn cùng và như thế, những con khác đều trở thành đàn em của nó, cung kính phục tùng sự quản lý của nó, trật tự, lần lượt hưởng thụ số thịt thừa mà nó ăn không hết.
Kể từ đó, sư tử chỉ cần quản lý một con sói, chỉ cần phân phất đồ ăn cho con sói đó và không cần phải tốn công sức quản lý những con sói khác.
Khỏi phải nói báo phục sư tử đến mức nào. Nó lại tiếp tục hỏi sư tử đây là cách gì mà hay đến vậy.
Sư tử cười, đáp: Đã từng nghe nói đến cạnh tranh giành vị trí cao hơn bao giờ chưa? Vì một vị trí cao hơn người khác, anh phải nổi bật hơn và phải đánh bật được tất cả những người còn lại.
Ngày thứ năm, sư tử chia thức ăn trong ngày ra làm 5 phần, tự nó lấy 3 phần, sau đó lấy 1 trong 2 phần còn lại, tiếp tục chia 1 phần thành 9 phần nhỏ và nói với bầy sói: Mỗi người nhận một phần, ta muốn kiểm tra các ngươi, cuối cùng sẽ quyết định người ưu tú nhất có thể nhận thêm phần thưởng lớn nhất.
Bầy sói nhanh chóng lấy phần của mình về, con nào con nấy ngẫm nghĩ hồi lâu.
Nhiều con liền trích một phần trong suất ăn của mình cho sư tử, chỉ có một con duy nhất quyết định dâng tất cả những gì mình có cho sư tử và cuối cùng, nó giành được phần thưởng là miếng thịt lớn nhất. Sư tử giành được 80% số thức ăn trong ngày, chỉ 20% còn lại được trao cho bầy sói mà chẳng còn nào dám lên tiếng.
Báo lúc này đã phục sư tử lăn lóc và không quên học hỏi kế sách quá tuyệt vời này. Sư tử chỉ cười và đáp: Đã từng nghe nói đến ích lợi của việc biết làm vừa lòng cấp trên chưa?
Và rõ ràng, chỉ qua 4 ngày “học việc”, báo đã được lĩnh hội 4 bài học đắt giá trên đời.
Lời bình: Tôi đã từng chứng kiến tình huống này. Con sói mạnh nhất vào đề nghị sư tử được chia cho 1 phần miếng thịt lớn. Sau đó để con sói đó tự quyết việc chia miếng thịt đó thế nào!
Bài viết trên là ngụ ngôn hoặc ẩn dụ về việc xây dựng cơ chế lương thưởng để thúc đẩy hiệu suất làm việc. Việc này bất cứ CEO nào cũng phải tính. Và HR nếu triển khai dự án KPI cũng cần biết. Trong bài: Kinh nghiệm xây dựng KPI bài 8: cơ chế chính sách thúc đẩy hoàn thành KPI.
Ở trên, chúng ta thấy có 5 phương án/ cơ chế thúc đẩy hiệu suất làm việc:
Phương án 1: chia số thịt thành 11 phần bằng nhau, công ty lấy 1 phần còn 10 phần chia cho 10 nhân viên
Phương án 2: chia thịt thành 11 phần không hề bằng nhau, công ty chọn phần lớn nhất, còn 10 phần cho 10 nhân viên tự chọn, ai nhanh chân thì được miếng to.
Phương án 3: chia số thịt thành 11 phần, công ty lấy 2 phần mang đi, còn 9 phần cho 10 nhân viên tự chọn, ai nhanh chân thì được miếng to, ai chậm thì nhịn.
Phương án 4: chia thức ăn trong ngày làm 2 phần, công ty lấy đi 1 phần, còn 1 phần cho 10 nhân viên tự chia. Ai mạnh nhất thì được cả.
Phương án 5: chia thức ăn trong ngày ra làm 5 phần, công ty lấy 3 phần, sau đó lấy 1 trong 2 phần còn lại, tiếp tục chia 1 phần thành 10 phần nhỏ chia cho 10 nhân viên. Phần còn lại làm thưởng cho nhân viên vì công ty nhất.
5 phương án này được đặt trong hoàn cảnh “độc quyền” chỉ có 1 sư tử, 1 báo và 10 con sói cho nên mọi thứ vẫn còn chưa phức tạp. Nhưng dường như chúng đã tóm gọn lại gần như đầy đủ các cách chia thưởng. Chúng ta tưởng tượng về lương 3p và 10 con sói:
– Chia miếng thịt thành 2 phần: sư tử giữ 1 phần, bầy sói phần còn lại.
– Tiếp tục chia miếng thịt của bầy sói thành thành 3 phần P1, P2, P3 theo tỉ lệ nhất định như 4 – 2 – 4 hoặc 5 – 2 – 3 hoặc 3 – 3 – 4
– Ở phần P1: phân thành 10 phần nhỏ bằng nhau cho 10 con sói ăn để có sức.
– Ở phần P2: phân thành 10 phần nhỏ khác nhau, chia các phần phù hợp với sức mạnh từng con.
– Ở phần P3: chọn 1 trong các cách chia sau:
+ Cách 1: phân thành 10 phần nhỏ bằng nhau, tùy theo sức, nhanh chân ăn nhiều thì cho thêm, chậm chân ăn ít thì lấy đi. Chỗ thiếu được lấy từ chỗ thừa.
+ Cách 2: phân thành 10 phần nhỏ khác nhau rồi chia theo sức mạnh từng con như ở phần P2. Ai mạnh hơn thì được chia nhiều hơn.
Quay lại các phương án, chúng ta thấy:
– Phương án 1: là lương hành chính
– Phương án 2: là lương theo hiệu suất
– Phương án 3: là lương khoán
– Phương án 4: là thuê ngoài
– Phương án 5: là lương 3P
Nếu là sư tử, mọi người có áp dụng theo cách này không? Có vì sao? Và Không vì sao?
Tác giả: Nguyễn Hùng Cường