“Độ tuổi nào phù hợp để khởi nghiệp?” Câu trả lời là không có giới hạn tuổi tác, chỉ cần bạn còn nhiệt huyết và đam mê. Câu chuyện sau đây của ông trùm gia vị Dh Foods Nguyễn Trung Dũng sẽ tiếp thêm động lực cho những ai đang ấp ủ đam mê khởi nghiệp.
Cuối năm 1992, mình khởi nghiệp lần 2 khi tròn 30 tuổi
Với vốn âm sau khi khởi nghiệp lần 1 (năm 1990), mình lao vào xây dựng công ty mới: về Việt Nam tìm nguồn hàng để nhập khẩu, vay nóng người quen (người Việt) tại Ba Lan với lãi suất cực kỳ cao (mình không viết con số ra vì sẽ gây sốc với 99,99% bạn đọc ở đây).
Ban đầu mình tiếp tục nhập khẩu mì ăn liền của Vifon, sau đó của Thiên Hương rồi tới Lucky (Công ty An Thái, Long Xuyên, An Giang). Lúc cao điểm, mình nhập khẩu khoảng 60 cont/tháng (câu chuyện về Công ty An Thái mình đã chia sẻ trong bài viết riêng trước đó).
Sau đó, mình nhập khẩu bún khô, nước hoa quả đóng lon, dứa đóng hộp, tương ớt, nước tương, gạo (thời gian đỉnh cao mỗi tháng nhập tới 30 cont), rồi đồ đông lạnh (chủ yếu là tôm sú đông lạnh).
Túm lại là hàng nào bán được ở Ba Lan mà Việt Nam có sản xuất là mình tìm cách liên hệ với nhà sản xuất, ban đầu chấp nhận trả tiền mặt (tiền đi vay lãi nặng) để sau một thời gian tăng được sản lượng (lớn) thì đàm phán trả chậm.
Mình thuê 2 bạn làm đại diện thương mại cho mình tại Việt Nam, phụ trách tất cả mọi công việc: đàm phán với Nhà Sản Xuất, kiểm tra chất lượng hàng hóa, làm thủ tục để xuất khẩu… đỉnh điểm 2 bạn xuất cho mình tầm 100 công/tháng – con số khủng thời những năm 90. Tất nhiên lương mình trả cũng rất cao cho 2 bạn đó (1000 usd và 800 usd/ tháng).
Bên Balan mình làm việc 16 tiếng/ngày, đưa được hàng vào các hệ thống siêu thị và nhà phân phối trên toàn quốc.
Và kết quả tài chính rồi cũng đến, sau 4 năm mình trả hết nợ, mua nhà, mua xe cho mình và cho cả các nhân viên quản lý trong công ty. Tài sản của mình lúc đó đã vượt triệu USD, mình có thể chi tiêu không cần suy nghĩ, đi chơi khắp thế giới không cần băn khoăn.
Và lúc đó mình có cảm giác bản thân quá giỏi, làm gì cũng được. Mình được dự tiệc chiêu đãi của Chủ Tịch Tỉnh, của các cơ quan lãnh đạo Ba Lan và được dự tiệc mời của Tổng Thống Ba Lan chiêu đãi Chủ Tịch Trần Đức Lương.
Doanh số năm của mình lên tới gần 10 triệu USD trong năm 1997, khi đó mình mới 35 tuổi. Một khởi đầu lý tưởng cho startup. Nhưng…
Khởi nghiệp cùng bạn thân, bạn đá banh và bạn nhậu thời sinh viên
Lần khởi nghiệp đầu thất bại do nhóm bạn bè thân thời đại học rủ nhau làm chung, các thỏa thuận không rõ ràng, khi công ty phát triển thì bắt đầu có xung đột nên tan rã. Lần 2 khởi nghiệp mình lại mắc phải lỗi y như lần 1, tuy lần này mọi thứ chặt chẽ về giấy tờ nhưng tính cả nể nên dẫn tới sự hợp tác tan rã, dù công ty chính không bị đóng cửa nhưng cũng dần suy yếu.
Mình khởi nghiệp lần 2 một thời gian, doanh số phát triển, số lượng container nhập hàng tăng nhanh. Tại cảng nhập khẩu, có 1 cậu bạn thân, cùng tham gia vào khởi nghiệp lần đầu của mình (5 người bạn), sau bạn tách ra sớm nhưng chủ yếu đi chợ bán đồ quần áo Tàu, việc khá là vất vả.
Dù cùng khởi nghiệp lần đầu và tan rã nhưng mình vẫn giữ quan hệ với bạn này nên mỗi lần lên cảng lấy hàng mình toàn ở nhà bạn và sáng hôm sau bạn nghỉ đi bán hàng và chở mình ra cảng.
Bạn thấy mình kinh doanh sau một thời gian ngắn thì phát triển tốt, mỗi lần nhập khẩu hơn 10 container 40’. Một lần ngồi uống rượu buổi tối, bạn ngỏ ý: Cho tao tham gia vào việc kinh doanh của mày được không? Tao chán đi chợ bán hàng rồi.
Tính mình cũng thoải mái nên mình đồng ý lập công ty mới, chuyên phân phối sản phẩm bên mình nhập khẩu, với tỷ lệ mình 75%, bạn 25%. Tiền hàng mình lo, cách làm mình chỉ tận tình. Công ty mới phát triển tốt do bạn lanh lợi và lỳ.
Sau khi biết bạn mình tham gia mở công ty và làm ăn tốt, một số vừa bạn bè, vừa bạn đá banh, vừa bạn nhậu thời đại học, cũng ngỏ ý muốn làm phân phối cho mình tại các vùng khác nhau ở Ba Lan, tổng cộng 5 bạn (trong đó 4 bạn đang đi chợ bán hàng và 1 anh đang thất nghiệp). Các công ty đều theo mô hình 75/25.
Sau một thời gian ngắn, các công ty đều phát triển tốt, mỗi tháng mình họp 1 lần với các bạn để tổng kết về kinh doanh. Mặc dù mình chiếm 75% cổ phần các công ty (riêng công ty nhập khẩu của mình và phân phối tại các tỉnh miền Tây Ba Lan thì mình nắm 100%) nhưng mình đối xử với các bạn rất tử tế với sự tôn trọng, mọi bí quyết làm ăn mình đều chia sẻ.
Các bạn lần lượt mua nhà, mua xe trước, còn mình mua nhà cuối cùng do lợi nhuận của mình phải tái đầu tư vào vốn quay vòng, còn lợi nhuận chia cho các bạn thì không.
Một thời gian sau mình chủ động đề nghị chia lại cổ phần tại các công ty phân phối là 50/50 và đó là sai lầm lớn của mình (do thiếu kinh nghiệm). Vì mình để các bạn là đại diện pháp luật nên vấn đề sổ sách bắt đầu có vấn đề.
Mình cảm thấy mệt mỏi vì không kiểm soát được các công ty phân phối nữa nên đi đến quyết định còn tệ hơn: tặng lại 100% cổ phần của mình ở các công ty đó cho các bạn. Các bạn đã rất vui vì từ bây giờ thành chủ công ty, không phải nghe chỉ đạo hay ý kiến từ mình nữa. Và bắt đầu sự kết thúc hợp tác từ đó.
Một ngày nọ, mình được tin các bạn họp riêng, do ông anh lớn tuổi nhất mời để bàn về cách lật đổ mình, vì mình làm việc ít, suốt ngày về Việt Nam đi chơi (theo ông anh lớn tuổi nói). Mình đã xuống gặp trực tiếp ông anh đó và nói: nếu anh thấy anh giỏi tự làm được thì anh cứ tự nhiên.
Và ông anh đã không thanh toán cho mình tiền hàng còn nợ, khoảng 20.000 USD. Về phía mình, mình đã mở công ty phân phối mới ở vùng đó và tuyển bạn quản lý chứ không chia 25% như ban đầu nữa.
Ông anh sau đó về Việt Nam, đi gặp các Nhà Sản Xuất mì ăn liền để đề nghị hợp tác, nhưng tất cả đều nói: Với mình thì được nợ, còn với ông anh thì phải trả trước tiền mặt 100%. Một thời gian ngắn sau, ông anh phải đóng cửa công ty vì không cạnh tranh được với mình. Sau này ông anh phiêu bạt, làm thuê đủ nghề, rồi về Việt Nam làm quản lý cho 1 khách sạn mini ở Hải Phòng.
Khi biết mình đã về Việt Nam và khởi nghiệp thành công, ông anh gọi điện cho mình, muốn xin lỗi và muốn làm Nhà Phân Phối cho Dh Foods ở Hải Phòng nhưng mình từ chối. Năm dịch 2020, khách sạn mini đóng cửa nên ông anh quay lại Ba Lan, sống nhờ bạn bè và đầu năm ngoái nghe nói nhiễm covid hay gì đó rồi qua đời.
Còn 4 bạn còn lại, một hay hai năm sau đó nghe nói tất cả đều đóng công ty, mối quan hệ của bọn mình cũng không còn được như cũ và dần chấm dứt.
Một kết thúc buồn.
Bài học cho các bạn Startup: Chọn Co-Founder nên chọn người cùng tư duy kinh doanh, không nhất thiết là bạn thân. Hợp đồng nên chặt chẽ và hợp lý, đừng cả nể. Chúc các bạn thành công.
Khi khởi nghiệp, sự nôn nóng và mạo hiểm quá mức là lỗi rất hay gặp phải
Năm 1997, khi tình hình kinh doanh đang phát triển tốt tại Ba Lan, mình đã phạm phải sai lầm bước ngoặt trong kinh doanh, lý do chủ quan có, khách quan cũng có.
Về khách quan:
1 – Đối tác cung cấp mì tại Việt Nam không đạt chất lượng cao như An Thái trước đó nên sự cạnh tranh với Vifon bắt đầu bộc lộ sự khó khăn.
2 – Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên nhà nước Ba Lan tăng thuế nhập khẩu mì ăn liền từ 10% lên 25% để hỗ trợ các công ty sản xuất trong nước.
Về chủ quan:
1 – Quan hệ tốt với ngân hàng nên có thể dễ dàng vay tiền xây nhà máy và dây chuyền sản xuất.
2 – Vì còn trẻ và mới thành công nên còn rất hiếu thắng, rất tự tin nên nhảy vào mảng sản xuất mặc dù chưa bao giờ có kinh nghiêm.
3 – Ba Lan là nước sản xuất lúa mì còn Việt Nam là nước nhập lúa mì, thành phần chính trong gói mì ăn liền.
Theo tính toán, nếu đầu tư nhà máy tại Ba Lan, ngoài việc có thể sản xuất sản phẩm chất lượng tốt hơn (mua được bột mì chất lượng cao), giá thành sản phẩm sẽ giảm do không phải trả các phí vận chuyển, thuê nhập khẩu). Tuy nhiên, mình đã không lường trước được hết các khó khăn mà mình sẽ gặp phải khi đầu tư lớn.
Đầu tiên phải mất rất nhiều thời gian đi tìm lô đất phù hợp, sau đó tìm công ty thiết kế nhà máy, rồi công ty làm móng và nền. Tiếp theo đến công ty cung cấp khung thép, vách ngăn, mái của nhà máy, rồi công ty làm đường xung quanh, làm hệ thống điện, làm hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nồi hơi, bình chứa khí đốt công nghiệp và hệ thống dãn khí đốt trong nhà máy.
Ngoài ra còn phải tìm nhà cung cấp dây chuyền sản xuất mì ăn liền Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản. Để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt và số lượng công nhân trên dây chuyền không nhiều, mình đã quyết định mua dây chuyền Nhật Bản.
Đến công đoạn tuyển kỹ sư, công nhân cho nhà máy. Để tuyển người có kinh nghiêm, mình bay về Việt Nam tuyển 2 người: 1 bạn kỹ sư trẻ nhưng tài năng đang làm trong công ty mì ăn liền Nhật Bản tại Việt Nam (để có thể nắm bắt được ngay cách vận hành dây chuyền sản xuất của Nhật Bản) và 1 anh kỹ sư về công nghệ thực phẩm, lúc đó đang làm trong nhà máy mì An Thái.
Rồi tiếp đó là hành trình bay qua Nhật đàm phán hợp đồng. Sau mấy vòng đàm phán chưa được kết quả như mong đợi, mình quyết định mời ông Tổng Giám Đốc tập đoàn Nhật Bản qua Ba Lan để đàm phán vòng cuối cùng.
Mình nói với đối tác là mình mời Ông qua thăm nước Ba Lan xinh đẹp mấy ngày, phía mình sẽ trả hết chi phí ví vé máy bay, chi phí khách sạn, ăn ở tại Ba Lan, đối tác mới đồng ý.
Khi đối tác bay qua Ba Lan, mình mời giám đốc ngân hàng tài trợ cho mình mua dây chuyền sản xuất của Nhật Bản cùng tham gia đàm phán và đã đạt được kết quả như mong đợi.
Khi mình đang tràn đầy niềm vui chiến thắng cũng là lúc các khó khăn không lường trước bắt đầu xuất hiện.
Chưa uống xong ly cafe đã chốt xong hợp đồng hàng triệu USD
Thời gian chuẩn bị cho xây nhà máy, mua dây chuyền sản xuất cũng mất 2 năm. Vì chưa có kinh nghiệm nên hầu như toàn thời gian mình tập trung cho việc này, dẫn tới bỏ lỏng việc kinh doanh – việc cốt lõi của công ty lúc đó.
Đầu tư quá lớn cho nhà máy nên mình không đầu tư phát triển sản phẩm mới nữa, vì vậy công ty dần dần mất vị thế cạnh tranh trên thị trường. Các đối thủ dần vượt lên, còn mình thì dậm chân tại chỗ, doanh số có phần tụt giảm.
Một sai lầm khác nữa là việc vay ngân hàng. Mình vay bằng đồng USD (để được trả lãi vay thấp) nhưng trả hàng tháng bằng đồng Zloty (tiền Ba Lan), vì nghĩ đồng USD sẽ lên theo thời gian, nên an toàn hơn là chốt trả cố định bằng đồng Zloty.
Tuy nhiên người tính không bằng trời tính, khi bắt đầu phải trả tiền vay hàng tháng, đồng Zloty bắt đầu tăng giá gần gấp đôi do khi đó kinh tế Ba Lan khá lên và sắp được vào EU. Lợi thế sản xuất tại chỗ của mình cũng không còn nữa, hàng nhập khẩu thành ra rẻ hơn nhiều.
Mình bắt đầu gặp khó khăn về dòng tiền, vì vừa trả tiền vay ngân hàng (thời gian vay có 4 năm), doanh số lại tụt giảm. Cộng với ti tỉ vấn đề trong sản xuất: công nhân, chính quyền địa phương, chính quyền tỉnh… Mình cảm thấy mệt mỏi, không còn niềm vui trong công việc nữa.
Khi đó công ty có 3 cổ đông ở Việt Nam. Trước tình hình khó khăn, một cổ đông đòi rút vốn (20.000 USD cho 20% công ty), trong đó riêng tiền mình đầu tư đã là gần 2.000.000 USD). Một hôm, đại diện của hai cổ đông còn lại gọi điện cho mình nói là có một Đại Gia quan tâm đến việc mua lại công ty. Sau vài ngày suy nghĩ thì mình đồng ý.
Bạn Phó Chủ Tịch tập đoàn đó bay sang Balan và đi xe đến nơi của mình để đàm phán (lúc đó mình đang đi nghỉ mát tại một địa điểm nhỏ trên biển Ba Lan). Bạn này vui tính nhưng đàm phán rất căng nên 2 bên không đi đến thỏa thuận chung.
Sau một thời gian, anh bạn cổ đông ở Việt Nam gọi điện sang nói đích thân Chủ Tịch Tập Đoàn sẽ bay qua Ba Lan đàm phán và anh bạn cũng bay từ Việt Nam qua, hẹn gặp ở một quán Việt Nam tại Warsaw. Mình lên đường tới Warsaw với một tâm trạng khó tả khi nghĩ về 10 năm xây dựng công ty, gắn bó với bao kỷ niệm.
Buổi hẹn khá ấm cúng khi ba anh em ăn tối, nói chuyện vui, còn lịch đàm phán để hôm sau. Vị Đại Gia ở khách sạn 6* duy nhất tại Warsaw lúc đó và mời mình nghỉ lại để tiện mai đàm phán. Lần đầu ngủ tại phòng President tại khách sạn 6* nhưng mình không tài nào ngủ được.
Sáng hôm sau cả ba hẹn ăn sáng và đàm phán luôn. Mình đưa ra một offer, Đại Gia đề xuất lại một giá khác, tuy chưa được như mong muốn nhưng mình đồng ý vì muốn kết thúc nhanh vấn đề này. Thế là, chưa uống xong cốc cafe thì đã chốt xong thỏa thuận.
Sau khi thương lượng và lên phòng, anh bạn cổ đông từ Việt Nam qua than phiền: Nếu mày ra giá thêm 500.000 hay 1.000.000 USD thì đối tác cũng sẽ đồng ý. Mình trả lời là em nghĩ số tiền đó với em đủ rồi nên không đòi thêm.
Anh lại bảo: Mày không muốn thêm thì có thể cho anh phần đó. Tuy nhiên thì mọi chuyện đã muộn vì mình đã bắt tay chốt thỏa thuận, tính mình thì không phải kiểu hủy các giao kèo nếu có lợi hơn.
Mình chuyển nhượng 80%, còn giữ lại 20% theo đề nghị của Đại Gia. Ngay mấy ngày sau Đại Gia chuyển 500.000 USD tiền cọc.
Bây giờ mình mới ngẫm thấy câu nói của Đặng Lê Nguyên Vũ rất đúng – Tiền nhiều để làm gì?
Sau khi bán 80% cổ phần công ty, tập đoàn đưa những cán bộ chủ chốt qua để tiếp quản (trong đó có anh bạn Phó Chủ Tịch tập đoàn), mình quyết định nghỉ làm. Có thời gian, có nhiều tiền mặt, vậy mình làm gì?
Nhà ở mình có, xe ô tô có, mình quyết định mua biệt thự ngoài thành phố. Sau một thời gian tìm kiếm, mình vô tình gặp một ngôi biệt thự cách thành phố đang sống 40km, ngay cạnh rừng bảo tồn dưới chân núi.
Khu đất có diện tích 17.000m2, có vườn cây ăn trái, có vườn thông, có các vườn hoa, có sân tenis, có bể bơi, có ao nuôi cá cảnh rộng 400m2. Biệt thự bên ngoài xây theo phong cách cổ, bên trong thì hiện đại với diện tích 400m2.
Chủ nhân làm trong ngành truyền thông, xây biệt thự với dự định sống tới cuối đời, tuy nhiên vì nhận được một công việc ở thủ đô cách đó 400km nên quyết định bán. Lúc đó mình như lạc vào tiên cảnh, giá chào không cao, nên khi về là quyết định mua luôn.
Bắt đầu một hành trình điều chỉnh nội thất trong nhà và khu vườn. Mình luôn thích nuôi chó, khi ở chung cư trong thành phố mình đã nuôi 1 chó Becgie Đức và 1 chó lai. Về đây mình bắt đầu mua Mastiff Tibet, không chỉ 1 mà tới 2 con. Rồi thỉnh thoảng có người bỏ chó trước cổng nhà, mình nên thấy thương cho ăn rồi nuôi luôn.
Sau mình mua thêm 3 con Lhasa Apso, giống chó tuyệt đẹp và thông minh. Đỉnh điểm trong vườn mình nuôi 9 con chó. Hàng ngày mình đi dạo trong vườn, bầy chó theo sau. Buổi chiều mình ra cầu ao cho cá ăn. Mình chưa kể là mình thả khá nhiều cá koi, đàn chó nằm xung quanh mình.
Mùa thu trong vườn thông (cây cao khoảng 7-8 m) có rất nhiều nấm. Đến mùa nấm, người quen ban đầu háo hức đến hái, sau 1 vài năm thì sợ, có người nói: Dũng à, tao sợ nấm quá rồi, mấy hôm nay toàn ăn nấm xào của mày, rồi nấm muối chua… cũng của mày nốt.
Hoa quả thì mùa nào thức đó: táo, lê, anh đào, mâm xôi, dâu tây… Thường mình ít khi hái về mà ăn luôn tại vườn, chỉ hôm nào có khách thì mới hái về nhà. Hàng năm mình hái hoa quả về làm rượu (cherry, mâm xôi), hái nấm ngâm dấm, rồi đủ các loại rau củ ngâm dấm, ăn cả mùa đông.
À, nhiều tiền đâm sinh hư nên hồi đó mình thuê bảo vệ 24/24. Ngoài ra còn có lái xe riêng, có người giúp việc trong nhà, có người làm vườn.
Mình cứ tưởng đó là mục đích kiếm tiền của mình, hóa ra không phải.
Chuyện hôn nhân của mình đã bất ổn từ trước, lúc đó mình nghĩ do khó khăn, do stress, do áp lực công việc, tuy nhiên sau đó mình hiểu là mình sai. Khi con người ta có nhiều thời gian, có nhiều tiền, xung khắc càng mạnh hơn. Mình cảm thấy cuộc sống trống rỗng, các niềm vui tiêu tiền chỉ bù đắp được ban đầu.
Sau 2 năm, công ty cũ gặp khó khăn trên thương trường (nhân viên nghỉ, doanh số giảm, thị phần mất dần) nên đề nghị mình quay lại phụ trách mảng kinh doanh. Vì mình vẫn còn 20% cổ phần công ty nên đồng ý.
Mình lại quay lại với cuộc chiến kinh doanh, dành thị phần từ đối thủ, ngoài công ty nhập khẩu Vifon, bây giờ thêm đối thủ nặng ký là Knorr, bành trướng rất mạnh mảng mì ăn liền tại Ba Lan, rồi thêm Nestle và một số công ty khác.
Cuộc chiến thực sự khốc liệt nên cho dù đã cải thiện được doanh số, dành lại một phần thị phần nhưng công ty chưa thể quay lại được như thời điểm mình bán cổ phần.
Khi đó tập đoàn đã chuyển đổi định hướng kinh doanh, chuyển toàn bộ về Việt Nam nên đàm phán bán lại công ty tại Ba Lan. Việc đàm phán không có mình tham gia và chỉ được biết kết quả sau khi hợp đồng đã được ký. Theo những gì mình biết, tập đoàn chỉ bán riêng thương hiệu với giá cao hơn giá mua lại 80% cổ phần lúc trước. Phần hàng hóa là tính riêng, nhà xưởng đất đai tập đoàn giữ lại, sau này có bán cho ai không thì mình không biết.
Vậy là mình kết thúc khởi nghiệp lần 2, được một mớ tiền mặt nhưng không hề thấy hạnh phúc và một tương lai mờ mịt. Câu nói tiền nhiều không mang lại hạnh phúc rất đúng với mình.
Hiện nay mình ở chung cư, đi xe máy Attila nhưng là quãng đời hạnh phúc nhất. Hàng ngày đi làm thấy vui, về nhà thấy sung sướng, còn muốn gì hơn nữa. Cuộc đời mỗi con người là mưu cầu hạnh phúc, đúng không các bạn?
Vì sao khởi nghiệp với nhiều tiền, nhiều kinh nghiệm vẫn thất bại?
Năm 2007, sau khi công ty bị bán cho đối thủ cạnh tranh, mình lần đầu “thất nghiệp”. Thú vui tiêu tiền không còn hấp dẫn mình nữa, vì vậy mình quyết định khởi nghiệp lần 3. Với kinh nghiệm 2 lần khởi nghiệp trước, cộng với quan hệ thương trường và số tiền lớn nhưng mình vẫn thất bại, lý do vì sao mình sẽ chia sẻ từ từ với các bạn nhé.
Cuối những năm 199x khi đi qua Nhật mua dây chuyền sản xuất mì ăn liền, mình có ghé các siêu thị Nhật Bản thăm và tìm hiểu về xu hướng sản phẩm mới. Mình rất thích dòng sản phẩm Ready-to-eat của Nhật trên các kệ siêu thị, đây là dòng sản phẩm cơm ăn liền: cơm trắng hoặc cơm kèm thịt, rau… hoặc mì spaghetti kèm sốt, thịt…
Các sản phẩm này được đóng gói trong các tô nhựa hay túi nhôm, chỉ cần bỏ vào lò viba quay 2 phút là có bữa ăn ngon lành, hoàn chỉnh. Mình khuân cả va li về Ba Lan để ngâm cứu và thử vị. Các sản phẩm này đã qua công đoạn tiệt trùng nên bảo quản được ở nhiệt độ phòng bình thường. Sau đó mình bận rộn với việc xây nhà máy nên các sản phẩm Ready-to-eat dần chìm vào dĩ vãng.
Năm 2007, khi quyết định quay lại khởi nghiệp lần 3, mình đi thăm triển lãm ThaiFex – triển lãm thực phẩm quốc tế lớn nhất Đông Nam Á để tìm ý tưởng mới. Sau mấy ngày lang thang ở triển lãm, mình bất chợt tìm thấy một quầy trưng bày sản phẩm Ready-to-eat như cơm trắng ăn liền, cơm cà ri ăn liền, cơm thịt gà ăn liền, spaghetti bolognese ăn liền… mình vui như trúng xổ số (mà thực ra cả đời mình rất ít chơi và cũng không trúng bao giờ). Mình ăn thử và thấy sản phẩm rất ngon, rất tiện lợi và họ sẵn sàng gia công cho mình, giá cả cũng phải chăng.
Người Thái rất tử tế trong kinh doanh, mọi vấn đề họ trả lời rất nhanh và cũng hỗ trợ tối đa trong việc thiết kế, in bao bì. Họ đồng ý gia công ngay cả khi đơn hàng đầu của mình đặt không nhiều (bây giờ Dh Foods học hỏi theo cách làm của người Thái, đơn hàng nhỏ bên mình cũng hỗ trợ in ấn, sản xuất…).
Sau thời gian đàm phán, làm lại mẫu (vì mình đề nghị họ điều chỉnh vị cho phù hợp với người Ba Lan), hoàn chỉnh thiết kế, lô hàng đầu đã đến Ba Lan.
Còn một điều mình quên chưa nhắc đến là ở lần khởi nghiệp này, do nhiểu tiền nên mình quyết định mua ngay một kho rộng 6.000m2 trên diện tích đất 10.000m2. Muốn làm to ngay từ đầu nên chơi lớn.
Do quan hệ của mình với các giám đốc thu mua hay buyer các siêu thị vẫn còn nên khi đi chào dòng sản phẩm Ready-to-eat, hầu như tất cả các hệ thống đều đồng ý cho hàng lên kệ vì mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, sản phẩm mang tính chất đột biến. Các nhà phân phối thì thận trọng hơn, một số đặt nhưng yêu cầu có sales, một số lưỡng lự.
Lô hàng đầu về kho là đi giao hết ngay cho các siêu thị.
Lô hàng sau mình đặt nguyên container, và lô sau nữa… rồi sau nữa… hàng đều bán được.
Mình mừng to vì nghĩ mình khai phá ra dòng sản phẩm mới, giá trị cao hơn hàng mì ăn liền. Người tiêu dùng Ba Lan thích sản phẩm vì khẩu vị phù hợp và rất tiện lợi (người Ba Lan không biết nấu cơm, nếu phải nấu thường họ mua các túi gạo có lỗ thông hơi và họ LUỘC gạo, khi gạo chín thành cơm thì vớt các túi ra và xé túi rồi cho cơm lên đĩa… nói chung là không ăn được).
Mải mê trong thắng lợi ban đầu, sẵn đang có tiền, mình thuê luôn 1 restaurant ngay trung tâm thành phố lớn gần nơi mình ở để mở quán ăn.
Tóm lại là mình đầu tư lớn, dàn trải và mải mê làm ăn ít quan tâm đến tình hình kinh tế chính trị trên thế giới và ở Ba Lan lúc đó. Năm 2008 đang tiến gần tới với những sải bước lớn, còn mình thì chưa hiểu được điều gì đang chờ đợi phía trước.
Năm 2008 thế giới bước vào cuộc khủng hoảng, bắt đầu từ một quốc đảo nhỏ xíu trên Đại Tây Dương, rồi lan ra khắp thế giới và Ba Lan cũng không ngoại lệ. Khi khủng hoảng xảy ra, mọi thứ hàng thiết yếu tăng phi mã, thất nghiệp tăng, lạm phát tăng, thu nhập thực tế của người dân giảm.
Dòng sản phẩm Ready-to-eat ban đầu bán tốt, sau chững lại do sản phẩm mới lạ, giá thành lại cao hơn các sản phẩm tương tự (nhưng vị Ba Lan) sản xuất trong nước. Hàng tồn tăng, dù khuyến mãi cũng rất khó bán. Ngay cả quán ăn Châu Á của mình, doanh số cũng sụt giảm. Thay vì thu hẹp quy mô, tiết kiệm chi phí, mình lại nghĩ đến phương án phát triển thêm sản phẩm mới và “lại” rất lạ: chả giò chiên ăn liền (nem rán).
Do sản phẩm đã qua chiên rồi qua khâu tiệt trùng nên bánh phải dày, nhân cũng không đươc tốt lắm. Nói chung chất lượng chưa được như mong muốn nhưng mình vẫn đặt sản xuất và nhập về Ba Lan. Mặc dù sản phẩm chả giò chiên đã được nhiều người Ba Lan thích qua các quán Việt Nam mọc lên như nấm, nhất là các quán ăn nhanh giá rẻ. Tuy nhiên với các Buyer siêu thị thì sản phẩm vẫn còn quá xa lạ nên không hệ thống nào đồng ý đưa lên kệ, nhất là đang trong giai đoạn đại khủng hoảng. Khó khăn chồng khó khăn, hàng tồn tiếp nối hàng tồn.
Và khi ta đã sai lầm thì quyết định trong vội vàng lại thành sai lầm lớn hơn. Trong lúc rơi vào thế bí mình quyết định chạy lên phía trước, đầu tư máy móc để tự sản xuất tại Ba Lan. Ngoài việc giảm giá thành (trong mơ ước) mình nghĩ có thể sản xuất thêm các sản phẩm Ready-to-eat theo khẩu vị của người Ba Lan.
Trong thời gian loay hoay, tiền cứ tiếp tục phải chi ra, doanh số gần như không có.
Sang năm 2009, mình biết là không thể tiếp tục với dòng sản phẩm Ready-to-eat mà phải quay lại sản phẩm rẻ tiền và đã thành phổ biến tại Ba Lan, đó là Mì Ăn Liền. Mình về Việt Nam đàm phán với mấy công ty sản xuất mì ăn liền, với kinh nghiệm và quan hệ của mình ở thị trường Ba Lan, các đối tác đều rất muốn hợp tác. Hợp đồng đàm phán đã xong, gần như đi đến ký kết, tuy nhiên vì cái tôi quá lớn mình lại không đồng ý ký vì có một số điều kiện ràng buộc mình sau này không được phát triển sản phẩm có thịt tiệt trùng.
Và trong năm 2009 này mình đã gần như tiêu hết số tiền mặt dự phòng, chỉ còn lại một số bất động sản nhưng trong khủng hoảng thì bất động sản không bán được. Mình đã bắt đầu phải đi vay tiền bạn bè để duy trì công ty.
Còn vấn đề nữa, cuộc sống riêng của mình vốn không tốt đẹp từ lâu rồi, cộng thêm cuộc khủng hoảng tài chính nên quan hệ ngày càng tệ đi. Tiền mặt hết, tình cảm hết, công ty không hoạt động, cuộc sống của mình như chìm sâu vào bóng tối.
Giữa năm 2009, một tia sáng chợt chiếu rọi vào cuộc sống của mình, thắp sáng niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Đến cuối năm 2009, mình gặp lại người bạn cũ cùng khởi nghiệp lần đầu, hiện là cổ đông chi phối một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Một lần ngồi chơi uống vang, mình nói “Tao muốn về Việt Nam, mày có công việc gì cho tao làm không?”. Cậu bạn trả lời là luôn có và mày muốn làm vị trí nào? Mình nói là vị trí nào cũng được, công việc nào cũng được, đơn giản là mình muốn về Việt Nam.
Tháng 12/2009, cậu bạn nói mình về trước mấy tuần, gặp gỡ trao đổi với ban lãnh đạo công ty, còn chính thức về hẳn làm việc là sau Tết 2010. Sau đó, mình về Việt Nam với tư cách là ứng cử viên vào ban Tổng Giám Đốc, mọi người tiếp đón rất vui vẻ, mình cũng tràn đầy hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn.
Vào đúng mùng 1 Tết 2010, mình với đúng 1 va li trên tay trở về quê hương với tâm trạng vừa mừng, vừa hồi hộp, khác hẳn những lần về trước. Lần này mình về hẳn, bỏ lại 30 năm sống ở Ba Lan phía sau, cho dù thành công hay thất bại mình cũng sẽ không quay về Ba Lan nữa.
Một cuộc phiêu lưu đúng nghĩa ở tuổi 50 (49 tuổi ta) với nhiều niềm tin nhưng cũng đầy mạo hiểm phía trước. Như vậy mình đã trải qua 3 lần khởi nghiệp và quay lại Việt Nam, quay lại điểm xuất phát đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Khởi nghiệp tuổi 50
Cú sốc khi quay lại Việt Nam làm việc sau 30 năm.
Mùng 1 Tết năm 2010, tôi bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất với một tâm trạng khó tả.
Sau 30 năm du học và sinh sống tại Ba Lan, tôi trở về hẳn Việt Nam với 1 chiếc vali, 1 tương lai chưa rõ ràng nhưng với 1 niềm tin là không còn gì để mất, không có gì mà sợ vì mình đã gần 50 tuổi. Nếu không dám thay đổi bây giờ thì bao giờ?
Với một tâm trạng chấp nhận và vui vui vẻ sau kỳ nghỉ Tết mình đến nhận nhiệm phụ Phó Tổng Giám Đốc tại 1 công ty ngành hàng tiêu dùng nhanh mới cổ phần hóa được 6 năm.
Bỏ qua vấn đề công ty đang khó khăn, 2 năm liên tiếp doanh số quanh quẩn tại chỗ, lương cán bộ công nhân viên không cao…và nhiều vấn đề khác mình xin phép không nêu ở đây.
Có mấy vấn đề mình hoàn toàn không quen:
– Quần áo phải chỉnh tề, áo bỏ trong quần. Tính mình thích ăn mặc thoải mái nên vài lần các bạn trong HĐQT nhắc nhở là “anh nên làm gương, bỏ áo trong quần”…
– Họp: sáng họp, chiều họp, thứ 7 họp, nhiều khi CN cũng hẹn ra quán cà phê họp (HĐQT và Ban TGĐ)…họp xong có người ghi biên bản rồi..lưu tài liệu họp. Tính mình lại không thích họp nhiều. Có vấn đề gì thì hội ý nhanh để ra hướng giải quyết. Chỉ có các dự án lớn mới họp lâu, mà chủ yếu nghe các bạn phụ trách dự án báo cáo.
Hôm qua, trong một buổi gặp mặt với 1 số bạn trẻ, mình đã nêu ra câu hỏi “vì sao ở 1 số công ty lớn (nhất là cổ phần hóa ra) mọi người thích họp? Có một bạn trẻ đã trả lời chính xác….còn các bạn thì sao? Câu trả lời là gì ?
– Ngoài chuyện họp, quần áo chỉnh tề, thì chuyện nhậu nhẹt cũng là vấn nạn thời đó. Các phòng ban có được chia ngân sách” đi nhậu” . Có các phòng ban nhậu 7/7, các sếp cũng đi nhậu thường xuyên (gọi là tiếp khách). Mình rất ít nhậu và nếu có nhậu thì chỉ với bạn bè thân quen, không phải trong công việc.
Chính vì vậy mình từ chối tham gia buổi nhậu với các phòng ban. Có phòng còn chuyển địa điểm nhậu đến gần nhà mình (cách công ty và nơi nhậu cũ 20 km) với hy vọng mình tham gia, tuy nhiên mình đã làm các bạn ấy thất vọng.
– Rồi thói quan liêu trong công việc, có trường hợp 1 ca sản xuất ban đêm phát hiện lỗi, ban quản lý ca dừng sản xuất nguyên ca để tìm nguyên nhân ai có lỗi? Sau vụ đó mình ra quy định là nếu gặp trường hợp lỗi thì khắc phục để quay lại sản xuất ngay.
– Rồi các quy định chấm công làm với tất cả, kể cả với ban Tổng Giám Đốc, và mình đã đề nghị hủy chấm công từ cấp trưởng phòng trở lên (và tất nhiên kèm tăng lương để các bạn nhận được nhiều hơn so với trước, ngay cả khi cộng giờ làm thêm).
Rất nhiều thứ cần thay đổi và không thể liệt kê hết ra đây.
Sau khi sắp xếp tạm ổn ở khối văn phòng, mình bắt đầu đi thị trường dọc Bắc vào Nam, đi đến đâu nghe “ mắng yêu” đến đó. Mình nghe “ góp ý” từ các nhà phân phối và đề xuất hướng giải quyết ngay.
Chính những sự thay đổi trong quản lý, trong sản xuất và trong cách đối xử với khách hàng mà sau 2 năm doanh số công ty tăng gần gấp 2. Đối với 1 công ty lớn với 2.000 nhân sự thì điều đó không dễ dàng chút nào phải không?
Cũng trong chuyến đi công tác xuyên Việt đó, mình nhận thấy Việt Nam có rất nhiều gia vị vùng miền rất thú vị mà trước đó bản thân mình cũng không biết.
Đó chính là nguồn cảm hứng để mình khởi nghiệp ở tuổi 50 với các gia vị đắc sản vùng miền của Việt Nam.
Mình cũng luôn tin rằng các gia vị đặc sản vùng miền sẽ có chỗ đứng trên kệ siêu thị toàn quốc và trên kệ siêu thị nước ngoài nữa. Cho đến ngày hôm nay, sau 10 năm khởi nghiệp, giấc mơ đó đã dần dần trở thành hiện thực.
Từ từ mình sẽ chia sẻ với các bạn hành trình 10 năm khởi nghiệp ở tuổi 50.
Hãy kiên nhẫn nhé!
Tác giả: Nguyễn Trung Dũng, nhà sáng lập kiêm CEO Dh Foods
CEO Dh Foods Nguyễn Trung Dũng là ai?
Ông Nguyễn Trung Dũng, sinh năm 1963 được biết đến là CEO của Dh Foods. Trước năm 2021, rất ít người biết tới Dh Foods, nhưng giờ đây thì ngược lại. Sau chương trình Shark Tank vào giữa năm 2021, Dh Foods bỗng trở thành hiện tượng của làng khởi nghiệp Việt, với ‘câu chuyện khởi nghiệp tuổi 50’ cực kỳ truyền cảm hứng của Nhà sáng lập kiêm CEO Nguyễn Trung Dũng.
Tuy vậy, nói như người lãnh đạo công ty này, thì họ không phải kiểu ‘ngang trời xuất hiện’, rồi đột nhiên may mắn nổi tiếng. Dh Foods thành quả của 9 năm cần mẫn khởi nghiệp ở thị trường Việt Nam và mấy chục năm bôn ba khắp trời Âu để tích lũy kinh nghiệm của CEO Nguyễn Trung Dũng.
“Trong 3 lần khởi nghiệp tại Ba Lan, cũng như nhiều doanh nhân trẻ bây giờ, tôi khá hiếu thắng và tham vọng, làm việc điên cuồng khoảng mười mấy tiếng một ngày, đồng thời cũng kéo mọi người chạy liên tục cùng mình, bởi muốn ‘đánh nhanh, thắng nhanh”, ông Dũng kể lại. Chính tính nóng vội và hiếu thắng của tuổi trẻ, hậu quả nặng nề mà ông từng hứng chịu là việc bị mất vị thế nhà phân phối mì gói lớn nhất Ba Lan.
Đây là khởi nghiệp thứ hai của ông Dũng. Có thời điểm, vị doanh nhân này đã mang thương hiệu mì Việt Nam sang Ba Lan từ một nhà sản xuất ở An Giang và phân phối thành công đến nỗi ‘làm mưa làm gió’ ở Ba Lan.
Nhưng một ngày nọ, nhà sản xuất đến thăm Ba Lan, tìm hiểu thị trường và đến thăm anh ta. Sau khi nhận thấy thị trường quá màu mỡ, họ đã đề nghị mua lại công ty phân phối của anh. Vì anh không đồng ý, họ lập tức thay đổi điều khoản kinh doanh mà hai bên đã ký kết. Không chấp nhận hành vi của họ, ông chuyển sang phân phối một nhãn hiệu khác. Kết quả là, nhãn hiệu mới hơn không được ưa chuộng bằng nhãn hiệu cũ – và công việc kinh doanh của ông dần sa sút.
Vì tiếng gọi của tình yêu trở về Việt Nam, ông Dũng ban đầu chọn công việc quản lý tại Việt Nam. Một doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm. Nhưng ngay sau đó, chính người vợ của anh đã nhận ra rằng chồng mình không phù hợp để đi làm. Cô khuyên chồng nên làm riêng và bắt tay xây dựng Dh Foods như bây giờ.
Năm 2022, CEO Dh Foods dự định sẽ ra thêm 50 sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường. Hiện nay, doanh nghiệp đã có danh mục sản phẩm lên tới 150 loại gia vị. “Rất nhiều trong số 50 sản phẩm chúng tôi định ra mắt vào năm tới đã được nghiên cứu hoàn tất và có giấy phép sản xuất”, ông Nguyễn Trung Dũng tiết lộ. Cuối cùng, IPO là mục tiêu trong tương lai xa của Dh Foods.
Bởi theo ông, chỉ có IPO mới có thể giúp những cổ phiếu – cổ phần Dh Foods mà ông đã trao cho nhân sự mình cùng bán cho các nhà đầu tư; đạt được giá trị cao nhất.
Xem thêm bài liên quan
- Cô gái Mường khởi nghiệp thịt chua được đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022
- Tuổi trẻ của Shark Phú trước khi gây dựng Sunhouse: Sinh viên năm nhất đã đi buôn, bỏ việc nhà nước vì quá nhàn, tự luyện tiếng Anh để thi vào Ford
- Thăng trầm chuyện khởi nghiệp của “cha đẻ” Phở Thìn Lò Đúc: “Chỉ vì tôi bỏ việc ở xưởng mỹ thuật, vợ bỏ tôi”