Nhiều câu chuyện khởi nghiệp “tan đàn xẻ nghé” xảy ra đều bắt đầu từ việc làm ăn chung với bạn bè, người thân.
Ngày nay rất nhiều người muốn thành công bằng cách kinh doanh, thành lập một công ty của riêng họ… Và đối tác đầu tiên mà ai cũng nghĩ tới đó là bạn bè xung quanh.
Tuy nhiên, trong buổi chia sẻ với 3.000 sinh viên tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào năm 2017 tại Việt Nam, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc lại khẳng định: Muốn thành công thì đừng mời bạn bè hợp tác.
Trong xã hội của sự kết nối này, bạn cần phải hợp tác và kết nối với mọi người để sống và làm việc. Nhưng bạn cũng phải độc lập. Bạn có thể than “không ai giúp tôi cả”, bởi khi bắt đầu kinh doanh, bạn chỉ muốn được ai đó giúp đỡ.
Nhưng nếu không có ai, đừng lo lắng, bởi điều đó là đương nhiên. Người ta giúp bạn mới là bất thường. Không ai có lý do để phải giúp bạn cả.
Nếu bạn muốn mở một doanh nghiệp tốt, bạn cần nắm bắt đúng thời điểm, kết hợp với đúng người. Nếu bạn muốn xây dựng một doanh nghiệp tốt, bạn phải có đội ngũ tốt. Hãy tìm đúng người chứ không phải tìm người tốt nhất.
Không có người nào tốt nhất ở bên ngoài công ty của bạn. Tất cả những người tốt nhất là những người bạn thuê, bạn cùng làm việc, cùng thay đổi và phát triển với họ.
Theo Jack Ma , để làm kinh doanh, điều quan trọng nhất không phải là tiền mà là bạn có ý tưởng tốt và tìm được một nhóm người chia sẻ ý tưởng đó cùng bạn. Không ai thành công một mình. Một người có thể chạy rất nhanh, nhưng nếu muốn đi đường dài, bạn phải đi cùng nhiều người khác.
Tuy nhiên, khi tìm kiếm đói tác, lời khuyên của tỷ phú là cố gắng đừng mời bạn bè vào công ty. Đáp lại lời chia sẻ đó, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói: “Tôi toàn khởi nghiệp cùng bạn” khiến cả hội trường và tỷ phú Jack Ma bật cười.
Jack Ma cũng nhấn mạnh: “Phần lớn mọi người trên thế giới thường có xu hướng mời bạn bè, nhưng bạn bè thân thường không phải đối tác tốt. Tìm đối tác, ta nên tìm người có cùng tầm nhìn.
Chúng ta tìm đối tác không phải hy vọng vì kiếm được rất nhiều tiền, mà vì nỗ lực cùng biến những điều mong muốn xảy ra. Họ có thể không giỏi nhất, mà là người có thể hỗ trợ và hiểu bạn.
Chúng tôi từng tranh cãi nhiều nhưng không bao giờ phá huỷ tầm nhìn của nhau. Chúng tôi luôn có đích đến chung. Trên đường tới đích này, tôi đã mời rất nhiều người tham gia công ty của mình, có người đến rồi đi nhưng không sao cả. Khi đi chúng tôi là bạn bè, khi đến là đối tác.
Những đối tác tốt là những người phải mất thời gian mới hiểu được. Nếu thất bại sẽ cùng đứng lên, không ai muốn người còn lại thất bại. Chúng ta không nên e ngại thất bại, chúng ta nên tận hưởng thất bại và khoảnh khắc buồn để đứng lên từ đó”.
Trên đường tới đích của thành công, chắc chắn chúng ta sẽ phải có rất nhiều đối tác. Những người khởi nghiệp đã mời rất nhiều người tham gia công ty của mình, có người đến rồi đi.
Những quan trọng là, bạn phải học cách làm việc với từng người một cách linh hoạt như Jack Ma chia sẻ: “Khi đi chúng tôi là bạn bè, khi đến là đối tác”.
Theo Nhịp sống kinh tế
Luật ngầm “bất biến” khi làm ăn chung: Nhất định không đầu tư cùng với bạn bè, người thân!
Nếu như trong kinh doanh, đầu tư, người Hoa quan niệm “buôn có bạn, bán có phường” thì người Việt lại khác. Giới đầu tư Việt thường râm ran quy tắc không hùn hạp làm ăn với bạn bè, người quen không phải là không có nguyên do.
Trong khi người Hoa (dễ thấy nhất là ở Sài Gòn) thành lập các bang hội tương tế lẫn nhau để gây dựng cơ nghiệp thì người Việt lại chọn một cách khác đó là “đơn thương độc mã” vẫn tốt hơn.
Những luật ngầm này của đại bộ phận dân đầu tư, kinh doanh Việt không phải là không có nguyên do, câu chuyện giữa Khoa Pug và Johnny Đặng “tan đàn xẻ nghé” chỉ là một ví dụ điển hình nhất cho vấn đề để tiền can thiệp vào mối quan hệ bạn bè, từ người quen thành người dưng.
LUẬT NGẦM TRONG GIỚI KINH DOANH: AI CŨNG ĐƯỢC TRỪ “BẠN BÈ, NGƯỜI THÂN”
“Tránh bạn bè”, là luật ngầm của đại đa số dân đầu tư, kinh doanh lâu năm. Sở dĩ có luật như thế là vì nhiều câu chuyện “tan đàn xẻ nghé” xảy ra đều bắt đầu từ việc làm ăn chung với bạn bè.
Theo khảo sát, có đến 80% đồng tình với ý kiến “không nên hùn hạp làm ăn với bạn bè” hoặc như chị Đoàn Phương Trúc (26 tuổi, TP.HCM) khẳng định: “Nếu làm ăn với bạn bè thì xác định khả năng mất bạn trước!”.
“HÙN” TRƯỚC HAY “HẠP” TRƯỚC?!
“Hùn hạp” hiểu nôm na về mặt ngữ nghĩa là 2 người cùng đóng góp tài chính để đầu tư, xây dựng một thứ gì đó tạo ra lợi nhuận. Người “hùn hạp” ngoài bỏ tiền sẽ phải cùng tham gia xây dựng kế hoạch, đóng góp công sức và quản lý cơ ngơi cùng với đối phương. Sự tiếp xúc này khiến cho mối quan hệ giữa những người hùn vốn với nhau ngày một gắn kết chính vì thế mà việc “hạp” là vô cùng được xem trọng.
Nhiều người bắt đầu từ việc “hạp” trước khi “hùn”, nhiều người trong giai đoạn khởi nghiệp cũng đi từ phương thức này mà ra. Việc “hạp” được hiểu là hạp về tâm ý, hạp về tài chính, hạp về chí hướng, mơ ước, chính vì vậy mà nhiều người chọn bạn thân trở thành “đối tác làm ăn” và câu chuyện rắc rối khi một trong hai người không hiểu “luật chơi” và để tiền “chen” vào giữa.
Thế nhưng cũng có những trường hợp “hùn” trước “hạp” sau. Ví như ở phương Tây, câu chuyện của 2 nhà đồng sáng lập Google: Larry Page và Sergey. Mặc dù, tính cách của cả hai có nhiều điểm khác biệt nhưng chính nhờ vào sự công nhận, tôn trọng đối phương, cả hai sau đó đã tìm ra nhiều điểm chung với bộ môn khoa học máy tính và rồi họ trở thành cặp đôi thay đổi toàn bộ nền công nghệ thế giới khi cho ra đời công cụ tìm kiếm Google.
Hay câu chuyện về hai nhà đồng sáng lập Sony – Akio Morita và Masaru lbuka cũng là một ví dụ.
QUY TẮC CHỌN NGƯỜI HÙN HẠP KHÔNG ĐỂ “ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG”
Trong kinh doanh, đầu tư, người Hoa quan trọng nhất là việc giữ chữ tín, đối với họ có uy tín thì có tất cả. Quan niệm này cũng được áp dụng ở nhiều nước phương Đông.
Bạn có thể chọn nó là triết lý kinh doanh của mình để duy trì mối quan hệ hùn hạp giữa bạn và người thân, bạn bè. Thế nhưng, thiết nghĩ có những điều luật mà dân đầu tư, kinh doanh cần tham khảo khi hùn hạp với bạn bè.
Quy tắc 1: Con nhà tông, không giống lông thì cũng… giống cánh!
Đầu tiên là chọn người hùn hạp. Nếu người tham gia hùn hạp cùng với bạn lớn lên trong gia đình chưa có những trải nghiệm về kinh doanh như cha mẹ làm công chức, làm nông nghiệp đơn thuần, mặc dù bản thân thích làm kinh doanh nhưng sẽ gặp không ít trở ngại bởi những điều đã được lập trình trong thời thơ ấu như sợ rủi ro, sợ thất bại, hoài nghi những người làm kinh doanh, không có những niềm vui khi bán hàng được lợi nhuận hoặc khổ sở khi bị lỗ vốn…
Quy tắc 2: Mây tầng nào bay tầng đó
Sự khác biệt hoặc trái ngược về khả năng tài chính sẽ là những nguyên nhân cốt lõi gây ra những bất đồng trong mối quan hệ hùn hạp.
Người bạn hùn hạp làm ăn là ai? Gia đình có ai từng kinh doanh, phương thức kinh doanh đó là gì? Nếu bạn đang muốn đầu tư vào bất động sản mà chọn một người không có nền tảng, kiến thức gì về thị trường này, bạn sẽ gặp nhiều rủi ro.
Bạn có thể tìm hiểu đối phương thông qua việc chia sẻ những quan điểm về tiền, đó là sự yêu thích hay là cách để thể hiện địa vị.
Quy tắc 3: Bộ thói quen tốt
Bạn cần nhớ những người thành công và giàu có có “một bộ” những thói quen tốt giống nhau ví dụ như tập thể dục, đọc sách, tìm hiểu khoa học,… Nếu người hùn hạp với bạn có một thói quen tốt sẽ là một cánh tay đắc lực cho bạn và ngược lại.
TÓM LẠI:
Việc có nên hùn hạp làm ăn với bạn bè hay không phụ thuộc rất nhiều vào tính cách, định hướng, mục tiêu của bạn. Bạn cần biết bạn đang làm gì, người hùn hạp với bạn là ai bằng lý tính. Cần vạch ra kế hoạch đầu tư rõ ràng, quyết đoán và tự tin với những quyết định của mình.
Theo Trí Thức Trẻ