Để gây dựng lên đế chế cà phê Trung Nguyên lớn mạnh như ngày nay, ít ai biết bên cạnh chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ từ những ngày đầu khởi nghiệp còn có sự đồng hành của 3 người bạn vô cùng bí ẩn.
Cả một đời trăn trở với cà phê, Trung Nguyên là đứa con tinh thần mà Đặng Lê Nguyên Vũ không thể đánh mất. Do vậy mà trong quá trình ly hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ông Vũ luôn tìm mọi cách để giữ lại Trung Nguyên.
Từ khi còn là chàng sinh viên nghèo của trường đại học Y Khoa Tây Nguyên, ông Vũ luôn tự đặt câu hỏi: “Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu? Tại sao vẫn nghèo khi trong khi trên thế giới có quốc gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê?”.
Cứ thế, chàng sinh viên nghèo đó cùng với 3 người bạn cùng phòng trọ hay tới quán cà phê ở Tuy Hòa để hỏi dò bí quyết nơi bà chủ quán. Được người chủ cảm thông khi chia sẻ lý do tìm đến, ông và bạn bè đã có trong tay bí quyết rang xay cà phê ngon của bà chủ quán tốt bụng.
Thế là bốn người quyết định mở lò rang xay cà phê ngay tại xóm trọ. Khi tổ chức cúng lấy hên, người bà con của ông chủ nhà về đã hất đổ mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện. Vì vậy mà họ phải chuyển lò rang đi nơi khác.
Khi ấy, lò rang của 4 chàng sinh viên chạy bằng “cơm”, phải thay phiên trông lò, thêm củi. Hôm nào rang cà phê, 4 người ngồi học trên các gác gỗ ngay dưới lò cảm giác như bị nướng vì sức nóng. Hàng xóm thấy lò rang, lo lắng sẽ phát hỏa, nên báo công an. Thế là một lần nữa lò rang Đặng Lê Nguyên Vũ đành phải dẹp.
Đáng nói, nguyên liệu khi đó không hề lúc nào cũng dễ kiếm, tuy nhiên may mắn là đã có một số người giúp đỡ. Vào thời điểm đó, xưởng rang xay cà phê của ông Vũ và 3 người bạn nhận được vài ba ký một lần, rang xong chia nhỏ, mỗi người cầm đi bỏ mối ở vài quán.
Nhận được tiền 4 người lại mang trả cho mối thuê, rồi lại vay, lại rang, lại bán. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên ngày đó là mũi tên hướng thẳng lên trời, chứa đựng khát vọng làm giàu của chàng trai M’Drak.
Dần dần, cà phê rang xay của Trung Nguyên được ưa chuộng, có được lượng khách quen nhất định. Năm 1996, Đặng Lê Nguyên Vũ quyết định mở công ty.
Trước khai trương một ngày, ông và những người đồng sự phải thức xuyên đêm để tự vẽ bảng hiệu, logo, sơn phết cho trụ sở chính ở Buôn Mê Thuột. Những khách hàng “xông đất” đầu tiên chính là bạn bè đại học của ông, đến uống để chung vui, ủng hộ.
Sau sự kiện trọng đại này, ông đã ước mơ mở rộng tầm hoạt động của Trung Nguyên tới mảnh đất TP HCM. Nhưng lần đến TP HCM đầu tiên thất bại ê chề, thậm chí phải qua đêm ở công viên vì túi chẳng còn một xu.
Dù vậy, với sự nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ hết mình của người thân và đồng sự, trải qua bao khó khăn, người thanh niên M’Drak ngày nào đã gây dựng lên một “đế chế” Trung Nguyên nghìn tỷ, là niềm tự hào của đất nước.
Về 3 người đàn ông bí ẩn bên ông Vũ từ những ngày đầu khó khăn, báo chí chưa một lần nhắc đến họ. Người ta chỉ biết đó là 3 người bạn cùng phòng của ông Vũ thời đại học, những người cùng chung chí hướng đem cà phê trở thành thứ đồ uống hàng đầu tại Việt Nam.
Đặc biệt hơn, họ là những người thầm lặng bên cạnh ông Đặng Lê Nguyên Vũ đặt nền tảng cho cà phê Trung Nguyên, sẵn sàng tương trợ giúp “vua cà phê” thành công như bây giờ.
Câu hỏi đau đầu lúc bấy giờ là nguồn vốn ở đâu để tiếp tục kinh doanh? Thật may mắn, một người bạn đã đồng ý cho ông Vũ mượn chiếc xe Dream, tài sản quý giá vào thời điểm đó để họ đem bán và lấy tiền duy trì sự nghiệp.
Thậm chí họ cũng nói rõ với anh bạn này, nếu cho mượn thì coi như mất, trừ khi thành công sẽ trả lại sau. Nhưng người bạn nhiệt tình vẫn gật đầu đồng ý.
“Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quý giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay”, sau này ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ lại như vậy.
“ZERO TO HERO”
Ngày 20/8/1998, ông Vũ cùng những người bạn khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TPHCM). Quán lựa chọn chiến lược tiếp cận khách hàng chưa từng có trong lịch sử ngành cà phê thời đó: Phục vụ đồ uống miễn phí trong vòng 10 ngày. Nhờ chiến lược này, Trung Nguyên đã bước đầu thành công trong việc chạm tới từng ngõ ngách của Sài Gòn.
“Quán đông nghịt suốt ngày đêm vì người ta truyền miệng nhau. Chúng tôi và mấy người bạn phục vụ suốt ngày đêm đến nỗi nói không ra tiếng mà trong lòng thì vui không thể tả. Chúng tôi đã định hình Trung Nguyên là quán cà phê mà khách hàng có thể mua hàng, uống cà phê đối chứng bằng cách đưa ra rất nhiều loại cà phê để khách chọn lựa và hướng dẫn cách thưởng thức cà phê ‘theo kiểu Trung Nguyên'”.
Xác định phát triển mô hình theo hướng nhượng quyền, trong hơn 1 năm sau đó, từ 1999 đến 2000, Trung Nguyên có khoảng 500 quán cà phê trên toàn quốc. Thương hiệu cà phê này thành công tới nỗi có một thời người ta đã gọi tất cả các loại cà phê ngon, có gu là cà phê Trung Nguyên; như cách mà người Việt vẫn gọi xe máy là Honda…
Sang đến 2001, Trung Nguyên bắt đầu kế hoạch phát triển cà phê hòa tan, tiến đánh vào mảng thị trường trước nay chỉ thuộc về 2 tay chơi là Nestle và Vinacafe. Năm 2003, Trunng Nguyên tung ra sản phẩm cà phê hòa tan G7, và nhanh chóng định hình thế chân vạc trên thị trường gồm Nestle – Vinacafe – Trung Nguyên.
Thành công nối tiếp thành công, Trung Nguyên cho xây dựng hàng loạt nhà máy cà phê; trong đó nhà máy ở Bình Dương lớn nhất Việt Nam còn nhà máy tại Bắc Giang lớn nhất châu Á.
Danh mục sản phẩm cà phê của Trung Nguyên cứ dài ra mãi, từ cà phê chồn; cà phê rang xay; cà phê hòa tan; cà phê hạt nguyên chất đến cà phê tươi… Không chỉ xây dựng nhà máy chế biến, Đặng Lê Nguyên Vũ còn cho lập Làng cà phê Trung Nguyên rộng 20.000m2; Bảo tàng cà phê tại Buôn Mê Thuột nhằm biến nơi đây thành thủ phủ cà phê toàn cầu.
Với ước mong vươn ra thế giới, năm 2008, Trung Nguyên thành lập văn phòng tại Singapore nhằm mục tiêu phát triển thị trường này thành một cứ điểm để mở rộng ra khối Asean và toàn cầu. Tính đến nay, cà phê Trung Nguyên đã có mặt tại 60 quốc gia, và có sản phẩm bán trên hàng loạt các trang thương mại điện tử cũng như chuỗi siêu thị lớn của thế giới.
Tháng 2/2012, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller. Cùng năm đó, tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi “zero to hero” (nhân vật từ vô danh trở thành anh hùng).
Từ năm 2012, Trung Nguyên đã liên tục trao tặng hàng triệu cuốn sách cho giới trẻ, trong đó có những quyển mang tính thay đổi tư duy mạnh mẽ như “Khuyến học”, “Nghĩ giàu làm giàu”, “Quốc gia khởi nghiệp”, “Không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”…
Đây đều là những quyển sách do đích thân ông Vũ cẩn trọng tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh, vĩ nhân thành công nhất của nhân loại.
Năm 2018, Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn khiến dư luận bất ngờ khi công bố sẽ chi 5 tỷ USD để trao tặng trên 200 triệu cuốn sách trong giai đoạn 2018-2023.
Những cuốn sách này sẽ được trao tặng trên khắp cả nước, đến từng vùng sâu, vùng xa, nhà văn hóa của các quận huyện, thị trấn,…với mục tiêu “vì một Chí Hướng Lớn, vì một Khát Vọng Vĩ đại, Khởi Nghiệp Kiến Quốc không chỉ cho 30 triệu thanh niên Việt mà cho mọi gia đình, mọi công dân Việt Nam”.
Suốt cuộc đời mình, Đặng Lê Nguyên Vũ luôn đau đáu với ba mục tiêu lớn. Thứ nhất là xây dựng một tầm nhìn 20 tỉ USD cho cà phê Việt Nam, lấy lại giá trị thực mà cà phê Việt xứng đáng được hưởng.
Thứ hai là góp phần kiến tạo nên một quốc gia hình mẫu, dẫn dắt – có khao khát vĩ đại với lòng tin và tâm huyết đặt vào thế hệ trẻ.
Thứ ba là xây dựng một hệ sinh thái chữa lành, khai sáng để giúp nhân gian thoát khỏi những đau khổ, đói nghèo, bệnh tật triền miên và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.
Dù đời tư xung quanh ông có nhiều chuyện phức tạp thì không thể phủ nhận khả năng suy nghĩ, tư duy, chiến lược và đặc biệt, cái tâm, cái tầm ông đặt vào thế hệ trẻ của đất nước thì không phải vị doanh nhân nào cũng làm được.
PGS. TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng bày tỏ quan điểm về khát vọng vĩ đại của Nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên như sau: “Đặng Lê Nguyên Vũ là người có khát vọng cho dân tộc thấm đẫm trong từng câu nói, hành động của mình. Theo dõi hành trình mà Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên đã làm trong nhiều năm qua, tôi càng thấy được một tinh thần dân tộc có tầm vóc; một khát vọng lớn làm sao để đưa đất nước này hùng cường”.
Tham khảo: Người đưa tin, Trí thức trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Thân thế 3 “khai quốc công thần” bí ẩn cùng Đặng Lê Nguyên Vũ gây dựng đế chế Trung Nguyên cà phê: Bán cả xe Dream quý giá thời đó để lấy tiền khởi nghiệp
- Thân thế 3 người bạn bí ẩn cùng Đặng Lê Nguyên Vũ “khai quốc” đế chế Trung Nguyên cà phê: Bán cả xe dream quý giá thời đó để lấy tiền cho mượn
- 20 năm hành trình Cà phê G7 Trung Nguyên: Từ tinh thần dám thách thức tới thương hiệu toàn cầu tại hơn 100 quốc gia vùng lãnh thổ và hiên ngang dẫn dắt cuộc đua về giá trị văn hóa, văn minh