Trong cuộc sống và sự nghiệp, Shark Bình là người có một niềm tin mãnh liệt vào luật hấp dẫn: Càng nghĩ về một điều tốt đẹp, điều tốt đẹp sẽ đến.
Người đời vẫn thường nói: “Người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi, mà là người không có lấy một ước mơ”. Nhà văn Hugo cũng từng quả quyết cho rằng: “Chỉ có ước mơ mới giúp ta tạo dựng được tương lai”.
Quả thực, ước mơ có một sức mạnh to lớn, giúp con người vượt qua được những thử thách khó khăn của cuộc sống, kiên trì theo đuổi niềm tin của mình trong tương lai. Trong buổi livestream gần đây trên trang cá nhân, Shark Nguyễn Hòa Bình cũng tiết lộ rằng chính nhờ mơ ước mà ông mới trở nên như ngày hôm nay.
“Hồi lớp 11, tôi đang ôn thi cho đội tuyển Toán Quốc gia, cũng tranh thủ học thêm Tin học. Một ngày đẹp trời, tôi ngồi ở cửa sổ, trong lúc nghỉ nhìn xa xăm ra bên ngoài thì thấy một công trình đang xây dựng, đó là Nhà thi đấu Hà Tây. Tại thời điểm đó, nó to lắm”, ông chủ NextTech nhớ lại.
“Không hiểu vì sao, tự nhiên tôi nảy ra một suy nghĩ: Sau này mình sẽ có một công ty có trụ sở to như cái nhà thi đấu đó”.
Chính ước mơ đó đã nhen nhúm trong lòng Shark Bình này một khao khát mãnh liệt. Ông quyết định theo đuổi con đường kinh doanh, dù lúc ấy mới chỉ là một cậu học trò cấp 3 với hai bàn tay trắng, phải sống dựa vào gia đình.
Đến năm hai đại học, Shark Bình đã chính thức thành lập công ty của riêng mình, hay còn được biết đến với tên gọi NextTech ngày nay. Vị doanh nhân hào hứng chia sẻ, sau 20 năm nỗ lực vì mơ ước, cuối cùng ông cũng sắp có một tòa nhà to như nhà thi đấu năm xưa.
Để chứng minh sức mạnh của mơ ước, Shark Bình đã đề cập tới cuốn sách nổi tiếng “Luật hấp dẫn”. Luật hấp dẫn có hiểu đơn giản là: điều gì chúng ta nghĩ đến nhiều, nói đến nhiều, sẽ có khả năng trở thành sự thật.
Nếu chúng ta nghĩ về những điều tốt đẹp, điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Nếu chúng ta nghĩ về những điều không may, điều không may sẽ ập đến.
Shark Bình thậm chí còn đưa ra một ví dụ: Trước đây, đội tuyển bóng đá Việt Nam thường có tâm lý “sợ thua” trước Thái Lan, nên cứ gặp đối thủ truyền kiếp là thất bại. Tuy nhiên, giờ đây các cầu thủ đã chơi bóng với sự tự tin, thi đấu với tinh thần tốt nhất nên giành rất nhiều chiến thắng.
“Ước mơ chính là thành phần đầu tiên của định luật hấp dẫn. Chúng ta có một ước mơ, tất nhiên phải cao đẹp và chính đáng, thì điều đó nhiều khả năng sẽ thôi thúc hành động của chúng ta”, ông nhấn mạnh.
Vào thời điểm Internet bắt đầu phát triển tại Việt Nam, ông đã xây dựng PeaceSoft và gọi vốn thành công từ quỹ IDG Venture. Dự án thương mại điện tử này thành công vang dội, đưa tiếng tăm của nó vượt khỏi biên giới. Chính điều này đã khiến PeaceSoft lọt vào mắt xanh của eBay và trở thành đối tác để thâm nhập thị trường Việt Nam của tập đoàn này.
“Giai đoạn 2003-2004, tôi đã khởi nghiệp được vài năm trong lĩnh vực phần mềm và lập trình. Chẳng hiểu sao tôi lúc nào cũng có một mơ ước trong đâu: trở thành eBay của Việt Nam”, ông chia sẻ.
“Tôi cũng từng du học nước ngoài, thường xuyên mua bán trên các chợ điện tử. Mà khi đó eBay là lớn nhất trên thế giới, nên tôi muốn trở thành eBay ở Việt Nam. Y như rằng, đến tầm 2008-2009, rất may mắn là eBay gia nhập thị trường Việt Nam và liên doanh với tôi.”
Qua 2 câu chuyện từ chính cuộc đời mình, ông chủ NextTech muốn nhắn nhủ các bạn trẻ rằng, muốn thành công thì đầu tiên phải có ước mơ. Kể cả khi gặp khó khăn vì dịch Covid-19, chúng ta cũng không nên đánh mất ước mơ của mình.
“Chúng ta phải tiếp tục mơ. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, đừng mất hy vọng, thì chúng ta sẽ vượt qua được thời điểm khủng hoảng này”, ông tâm sự.
Shark Bình tên đầy đủ là Nguyễn Hòa Bình. Ông sinh năm 1981 và hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Tập đoàn NextTech – một tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu công nghệ tên tuổi như mPoS, VIMO, Boxme, FastGo, Ngân Lượng,…
Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Nếu chúng ta không ước mơ, làm sao chúng ta có thể biến giấc mơ thành hiện thực. Nếu không hành động, chúng ta đừng nên trông chờ đến một kết quả tốt
Đặng Lê Nguyên Vũ, người dám bỏ dở Đại học Y Tây Nguyên để theo đuổi “giấc mơ cà phê” với mong ước vươn ra khỏi cảnh đói nghèo từ miền quê Đắk Lắk. Câu chuyện có vẻ như điên rồ của 20 năm trước chính là tiền thân của thương hiệu Trung Nguyên hôm nay.
Năm 1996, với số vốn ít ỏi góp chung với nhóm bạn cùng khoá, Đặng Lê Nguyên Vũ thành lập hãng cà phê Trung Nguyên, lúc đấy là một cửa hàng bé tẹo chỉ… vài mét vuông.
Sau hai năm không ngừng nổ lực tìm kiếm thị trường và thăm dò thị hiếu của người tiêu dùng, việc kinh doanh của Vũ ngày càng thuận lợi. Từ một địa điểm ban đầu, thông qua hình thức nhượng quyền, số lượng quán cà phê mang thương hiệu Trung Nguyên đã tăng lên vài chục quán, toạ lạc tại những vị trí đẹp tại các thành phố lớn.
Để gây dựng Trung Nguyên như ngày nay, một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự thành công chính là chiến lược chỉ đua với người đứng đầu. Theo doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ thì chỉ có tranh đua với những người đi đầu thì ta mới có cơ hội đi đầu.
Cuối năm 2003, Trung Nguyên chính thức tham gia sân chơi cà phê hoà tan với sản phẩm đầu tiên là G7. Lúc này, thị trường cà phê hoà tan Việt đang bị thống lĩnh bởi hai “ông lớn” là Nescafe của Nestle và của Vinacafe của Tổng công ty Cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vũ đã có một bước đi khá khôn ngoan khi dám thách thức với “người khổng lồ” Thuỵ Sĩ.
Năm 2003, tại Dinh Thống Nhất, lần đầu tiên trong lịch sử, một thương hiệu Việt Nam chưa có tên tuổi – G7 đã tổ chức một cuộc thử mù, với quy mô khoảng 11.000 người tham gia với 2 sản phẩm là G7 và Nescafé của Nestlé – thương hiệu toàn cầu nổi tiếng nhất trong lĩnh vực cà phê hòa tan.
Kết quả nghiêng về G7 với 89% người uống chọn G7 trong khi chỉ 11% chọn Nescafe. Sự kiện thử mù đã làm phá tan định kiến “đồ ngoại tốt hơn đồ nội”. Và cũng từ đó, G7 bắt đầu trở nên thân thuộc với người Việt.
Năm 2005, hãng cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài. Năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới.
Tháng 2 năm 2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí National Geographic Traveller.
Tiếp đó, một tờ báo Mỹ uy tín khác về kinh doanh, Forbes, lại khắc họa chân dung về ông như một nhân vật “zero to hero” (từ vô danh thành anh hùng).
Tháng 11/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ là người châu Á duy nhất được mời tham dự Hội thảo “Thiết lập chương trình nghị sự quốc tế” tổ chức tại Lucerne (Thụy Sĩ) và gây kinh ngạc khi khẳng định “học thuyết cà phê” sẽ thay thế các học thuyết đã gãy đổ.
Tên của Trung Nguyên, giờ đây, không chỉ gói gọn trên thị trường Việt Nam. Trung Nguyên đã lan tỏa vào thị trường của 60 nước trên thế giới, từ London đến New York, hay như ở Hàn Quốc và Trung Quốc, tăng trưởng mỗi năm đạt đến 25%.
Và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã trở thành hình ảnh đại diện cho những hoài bão, tham vọng, khát khao vươn ra thế giới của doanh nhân Việt… Nhưng doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cũng nhắn gửi, không có công thức chung cho tất cả và từng bạn trẻ cần chọn lọc để tìm ra công thức thành công riêng cho chính bản thân mình.
Theo Trí thức trẻ, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Shark Bình khẳng định: Startup mà có sự ủng hộ của gia đình thì đã thành công 33% rồi, dân tình người đồng tình, người lại không
- Shark Bình ví von việc bán hàng cũng như tán bạn gái: Quan trọng nhất là sự chân thành, nếu kỹ năng quá điêu luyện thì sẽ bị cho là không “thật”
- Shark Nguyễn Hòa Bình khuyên người trẻ có thể là “người làm thuê thành công” cứ không nhất thiết phải khởi nghiệp