Xưa nay, chuyện bạn bè thân rủ nhau hùn vốn làm ăn chung khá phổ biến. Những mâu thuẫn trong quá trình kinh doanh đã khiến không ít việc hợp tác đổ bể. Và không chỉ mất tiền, tình bạn cũng ra đi…
Bạn sẽ mất rất nhiều tiền, nhiều thời gian và công sức nếu chẳng may lựa chọn sai đối tác làm ăn. Dù đó chỉ là đối tác mang tính chiến thuật để giải quyết tình huống ngắn hạn, hay đối tác chiến lược cùng hội, cùng thuyền, bạn vẫn có thể rơi vào những tình huống bực bội, rắc rối, thậm chí còn vướng cả vào chuyện kiện tụng và tranh chấp.
Jack Ma quả quyết: “Đừng làm ăn cùng bạn bè”
Ngày 6/11/2017, Jack Ma buổi giao lưu với 3.000 sinh viên Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Tại đây, ông đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Trong đó, tỷ phú Trung Quốc cũng “dốc lòng” nói về kinh nghiệm cá nhân khi lựa chọn đối tác làm ăn.
Doanh nhân người Trung Quốc kể rằng, khi mới thành lập Alibaba, ông luôn tìm các đối tác “có cùng tầm nhìn”.
“Chúng ta tìm đối tác không phải để hy vọng kiếm rất nhiều tiền, mà vì nỗ lực cùng biến những điều mong muốn xảy ra. Họ có thể không giỏi nhất, mà là người có thể hỗ trợ và hiểu bạn. Chúng tôi từng tranh cãi nhiều nhưng không bao giờ ngăn cản tầm nhìn của nhau. Chúng tôi luôn có đích đến chung”, tỷ phú Jack Ma nói.
“Khi tìm kiếm đối tác, cố gắng đừng mời bạn bè vào công ty. Phần lớn mọi người trên thế giới thường có xu hướng mời bạn bè, nhưng bạn bè thân thường khó trở thành đối tác tốt”, ông bộc bạch.
Ông cho biết thêm, những đối tác tốt là những người phải mất thời gian mới hiểu được, nếu thất bại sẽ cùng đứng lên, không ai muốn người còn lại thất bại.
Dẫn lịch sử của Alibaba, ông cho biết, trong 18 năm qua tồn tại, không phải không có vấn đề lớn đến mức phải nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ nhất. Tuy nhiên, luôn luôn có giải pháp, luôn luôn có con đường cho mọi vấn đề, “tôi khuyên bạn hãy tìm ra nó cùng với những người đồng sự của mình”, ông nói.
Tuy nhiên, với những người đã, đang và sẽ có dự định chung vốn làm ăn, hợp tác với bạn bè, người thân, thì đây chính là hai lời khuyên thực tế nhất dành cho họ.
Shark Nguyễn Xuân Phú: “Không nên lẫn lộn vai trò trong team”
Theo Shark Phú, để đi được cùng nhau lâu dài, ngay từ buổi sơ khai phải phân chia rõ ràng quyền lực và quyền lợi trong tổ chức. Phải tách bạch được quyền điều hành và quyền sở hữu. Người góp vốn sẽ được hưởng lợi tức, kẻ góp sức sẽ được hưởng lương.
Người nhận lương cũng phải nhận theo cấp bậc, vị trí, và phải có các tiêu chí đánh giá rõ ràng như nhân viên.
“Làm với nhau phải rõ ràng. Cả nhóm cùng góp vốn nhưng ai là Leader phải làm rõ, không thể lẫn lộn vai trò. Ai cũng có quyền quyết thì team rất dễ tan”, ông Phú nói.
“Để tách được điều đó rất khó. Tôi thấy hiếm có người nào làm được trong tư duy, mà thường có suy nghĩ “Tôi góp tiền vào phải được tham gia điều hành, phải được can thiệp… Tiền của tôi mà””.
Một yếu tố khác giúp team đi xa được với nhau, theo ông Phú, là người đứng đầu phải khác biệt, rất độ lượng, có tầm nhìn, và chấp nhận hy sinh những cái nhỏ. Có những trường hợp lập nghiệp cùng nhau, sau phải mở ra những công ty con, để những thành viên sáng lập chia ra quản lý.
“Làm chung thì phải rõ ràng. Đừng vì là bạn bè với nhau mà ngại. Không thì dăm bữa, nửa tháng, giỏi lắm được 2 – 3 năm là cãi nhau. Nếu cần, mời luật sư đến làm rõ ràng ngay từ đầu, may ra team mới tồn tại lâu dài”, ông Phú khuyên nhủ.
Shark Hưng: “Khởi nghiệp phải rõ ràng, rành mạch mọi thứ từ đầu”
Shark Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cenland cũng có những nhận xét tương tự khi cho rằng trong khởi nghiệp câu chuyện khó nhất là “phép chia”.
Anh lý giải nguyên nhân là do “khi nói đến tiền bạc, người Việt hay ra quyết định dựa trên tình cảm, trăm cái lý không bằng tý cái tình”. Giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp thường khá thuận lợi nhưng khi thành công mới xảy ra rất vấn đề; kể cả thất bại cũng thế.
“Khi thất bại người ta thường đổ lỗi cho nhau, ai cũng bảo ‘tôi thế nọ, tôi thế kia’. Thành công cũng vậy nên câu chuyện phép chia là câu chuyện khó nhất”.
Để tránh những mâu thuẫn khi góp vốn, đặc biệt trong trường hợp góp vốn với bạn bè, người thân, Shark Hưng cho rằng startup phải rõ ràng, rành mạch ngay từ đầu: Phải tách rời câu chuyện tình cảm và tiền bạc, thế nào là cho, thế nào là ưu tiên, phần nào là tiền đóng góp, phần nào là công sức đóng góp,…
Kể cả góp công sức thì startup cũng nên chia ra công sức đó tương ứng với số tiền thế nào. Ví dụ: Người điều hành có thể hưởng 5-10% cổ tức mặc dù không góp tiền vì người này có bỏ công sức ra.
“Mọi thứ nên rõ ràng, rành mạch từ đầu; mất lòng trước nhưng được lòng sau để đỡ gây ra rắc rối”, Shark Hưng cho biết.
Chia sẻ thêm về vấn đề tránh mâu thuẫn khi khởi nghiệp, phó chủ tịch Cenland cho biết việc lựa chọn cộng sự cũng là điều startup cần quan tâm.
Anh ví von chọn người làm cùng giống như chọn một đôi giày, phải cùng cỡ, cùng kiểu, cùng thương hiệu, “không thể Gucci lại đi với LV”. Tuy nhiên vẫn cần có sự khác biệt, giống một chiếc giày đi chân trái còn chiếc kia đi chân phải, có như vậy mới ghép với nhau thành một đôi; “không thể cả hai chiếc đều đi chân trái được”.
Nhờ nguyên tắc này, phó chủ tịch Cenland tiết lộ anh và chủ tịch Nguyễn Trung Vũ đã đi cùng nhau, làm việc với nhau hơn 10 năm. Đến nay mọi chuyện vẫn ổn, hai người vẫn thường xuyên trao đổi với nhau nhiều khía cạnh trong công việc và cuộc sống.
“Đối tác, cộng sự đều là những người các bạn sẽ phải đi cùng một đoạn rất xa, có mối gắn kết ràng buộc cả về kinh tế lẫn nhiều vấn đề trong cuộc sống. Do đó, các đối tác phải là sự kết hợp đồng thời lại là sự bù đắp, là sự khác biệt nhưng cũng là sự thống nhất thì mới bền vững được”.
“Cứ chọn người giống hết chúng ta cũng là điều dở nhiều hơn hay, còn chọn người quá dị biệt, không có điểm chung nào cả cũng rất dở. Những người cộng sự phải có cái chung nhưng vẫn phải có cái riêng”, Shark Phạm Thanh Hưng kết luận.
Theo Doanh nhân Việt Nam