Những lần thất bại, ngã đau đã hun đúc bản lĩnh cho những doanh nhân thành công như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Đặng Lê Nguyên Vũ và Jack Ma.
Như bậc thầy tư duy thành công Brian Tracy từng nhận xét: “Khả năng của bạn kiên trì trong việc đối mặt với những thất bại và thất vọng là mức độ niềm tin của bản thân bạn và khả năng thành công của bạn”.
Chuyện thất bại của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Jack Ma
Trong nhiều năm gần đây, “Phạm Nhật Vượng” và “Vingroup” đã trở thành những từ khóa nóng bỏng trên Google với nhiều sự kiện đình đám, như ra mắt xe hơi VinFast tại Paris, giới thiệu những mẫu xe máy điện VinFast, ra mắt điện thoại thông minh Vsmart, khánh thành hạng mục đầu tiên của tòa nhà chọc trời Landmark…
Nếu nhìn vào những thành công mà vị tỷ phú này đạt được, ít ai nhớ đến thất bại mà ông từng trải qua. Nhưng đây mới lại là những điều hun đúc nên bản lĩnh của những người thành công như ông. Trong một bài viết trên báo Tuổi trẻ năm 2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng trải lòng về những thất bại của mình.
“Tôi chỉ là một người bình thường thôi. Tôi đi học ở Liên Xô, rồi ở lại làm việc. Bắt đầu khởi nghiệp thực ra là từ năm thứ 3 đại học. Ở Matxcơva, tại Dom 5, mình cũng đi thuê một cái phòng để bán hàng nhưng buôn bán kém, cứ càng buôn càng lỗ. Sau đó mới mở cái nhà hàng tại Dom ấy luôn.
Đến đoạn sau thì nhập hàng từ Việt Nam sang. Hồi ấy buôn áo gió là đỉnh điểm, ban đầu kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng cuối cùng cũng lại mất sạch. Phá sản luôn, vì khi thị trường đi xuống mình phản ứng không đúng và không kịp. Sinh viên đã có kinh nghiệm gì đâu nên mới bị phá sản. Khi rời Matxcơva đi xuống Kharkov vẫn còn nợ 40.000 USD“, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết.
“Mình nhạy hơn với thị trường. Mình “ăn đòn” nhiều nên khôn hơn“, ông rút ra giá trị từ những thất bại đó.

Một ví dụ khác là người giàu nhất Trung Quốc Jack Ma cũng không ít lần chia sẻ về thất bại trong cuộc đời mình. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, ông chủ Alibaba tiết lộ rằng mình đã trượt đại học tới hai lần. Tệ hơn, sau khi tốt nghiệp ông đã xin việc ở 30 công ty khác nhau và bị từ chối tất cả.
Thậm chí trong 24 người nộp đơn xin vào làm tại KFC, có 23 người được nhận và trường hợp duy nhất bị loại là Jack Ma. Ông cho rằng nguyên nhân chính là vì mình không ưa nhìn và thấp bé. Jack Ma cũng từng bị trường đại học danh giá bậc nhất thế giới như Harvard từ chối 10 lần.
Sau này khi thành lập Alibaba năm 1998, Jack Ma thậm chí còn gặp phải nhiều trở ngại hơn. Trong ba năm đầu, doanh nghiệp không đem lại lợi nhuận và điều đó khiến ông phải sáng tạo để duy trì việc kinh doanh. Một trong những thách thức chính của công ty là không có cách nào để thanh toán và cũng không có ngân hàng nào muốn làm việc với họ.
Chính vì vậy, Jack Ma quyết định tạo ra ứng dụng thanh toán của riêng mình tên là Alipay giúp chuyển các khoản thanh toán thuộc nhiều đơn vị tiền tệ khác nhau giữa người mua và người bán trên khắp thế giới.

Thất bại ê chề của ông Đặng Lê Nguyên Vũ
“Làm ăn thời buổi bấy giờ không ai ngồi đợi “hữu xạ tự nhiên hương”. Phải năng động chạy đôn chạy đáo tiếp thị cho người ta biết mình, tin mình và làm ăn với mình. Khi còn đi vay cà phê để rang, chúng tôi đã dám bỏ tiền ra đăng ký tham gia một hội chợ ở thành phố Nha Trang. Tôi nghĩ không đâu có thể biết nhanh và lan tỏa thông tin tốt hơn cái chợ, dù dưới hình thức nào. Bao nhiêu tiền lời chúng tôi làm ăn được đều đập hết cho cú tiếp thị hoành tráng đầu đời này. Sau đó lại tiếp tục đi vay mượn cà phê. Tài sản đáng giá nhất của hãng là cái xe đạp cuốc mà hàng ngày chúng tôi thay phiên nhau đạp xe đi bỏ mối cà phê. Đã có những thời điểm mà chúng tôi bế tắc về suy nghĩ, về phương thức kinh doanh vì không bán được cà phê.
Không chỉ tham gia các đợt hội hè như vậy, hễ có cơ hội là chúng tôi tìm cách giới thiệu cà phê của mình. Năm 1995, nghe phong thanh Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc với tỉnh Đắk Lắk, tôi bật ngay ra ý nghĩ: phải giới thiệu cho được cà phê Trung Nguyên của mình với Thủ tướng. Nhưng tiếp cận với Thủ tướng để tặng bịch cà phê là không tưởng. Tôi chuẩn bị “quà tặng” của mình rất kỹ nhưng lần nào mon men tiếp cận cũng bị bật ra bởi hàng rào cảnh vệ. Không bỏ cuộc, tôi chuyển sang…tặng những gói quà cà phê này cho các anh cảnh vệ, với lời nhắn “quà của nhóm sinh viên Đại học Tây Nguyên gửi tặng Thủ tướng”. Sau này có dịp ngồi tiếp chuyện với bác Sáu Dân (Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt), tôi nhắc lại kỷ niệm đó và hỏi là bác có nhận được quà không, ông chỉ cười. Tôi không biết món quà đó có tới tay Thủ tướng không nhưng tôi biết mình đã làm được một việc chấn động đối với chính cá nhân mình lúc đó: dám nghĩ, dám làm, tự đè bẹp được cái nhút nhát thông thường và không dè dặt trước cơ hội.

Chúng tôi đã tìm được một đối tác ở Long Xuyên và đã thuyết phục họ cùng hợp tác với chúng tôi mở lò rang xay chế biến cà phê, phân phối cà phê tại Miền Tây. Nhưng chỉ sau một vài tháng, chúng tôi thất bại hoàn toàn, mối liên kết và đồng thuận về tư tưởng hành động với đối tác bị phá vỡ. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác thất bại ê chề của đoàn quân chúng tôi khi lục tục cuốn gói với đồ dùng và lò quay cà phê tay cũ kỹ, là ly tách, là phin muỗng cà phê, là mấy bịch cà phê đi về Sài Gòn mà trong lòng ai cũng nặng trĩu không một tiếng nói, mỗi người một ý nghĩ khác nhau, mông lung và hoang mang. Cảm giác còn mang nặng sự giằng co về tư tưởng giữa sự dứt khoát và không dứt khoát với đối tác.
Riêng tôi lúc đó thì suy nghĩ rất rõ ràng: thà dứt khoát còn hơn vẫn cứ tiếp tục hợp tác trong sự khó khăn, toan tính đối phó với nội bộ thì đâu còn sức lực để bươn chải, để chiến đấu ngoài thị trường. Sự thất bại trong việc hợp tác đầu tiên này làm tôi rút ra được một kinh nghiệm: khi hợp tác thì phải đồng thuận về tư tưởng, phải chia sẻ được những suy nghĩ, phương thức kinh doanh và điều quan trọng nhất là phải chọn đúng đối tác.
Chuyến đi thu gom đồ dùng vật dụng từ Long Xuyên về Sài Gòn do một người bạn của chúng tôi làm. Sau khi dọn hết đồ ở Long Xuyên người bạn này chạy chiếc Honda Dame đón tôi và người bạn nữa. Chiếc xe thì nhỏ mà chở ba người nên chạy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì bị công an thổi còi, phải chạy lạng lách lòng vòng và tôi còn nhớ khi chạy đến Công viên Bách Tùng Diệp bấy giờ (Ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Tự Trọng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) thì chiếc xe không chịu nổi nên gãy làm đôi.
Tối hôm đó, ba chúng tôi ngồi nghỉ dưới gốc cây đa to ở công viên với chiếc xe gãy làm đôi và sự thất bại ê chề ở Long Xuyên nhưng lúc đó, chúng tôi lại nói chuyện về những ước mơ của mỗi người, về những mong ước của cái hãng cà phê bé nhỏ của chúng tôi.
Thất bại ở Long Xuyên làm chúng tôi cạn kiệt hoàn toàn về vốn liếng, công việc kinh doanh cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng gặp nhiều bế tắc, chúng tôi không bán được cà phê, công việc kinh doanh chỉ cầm cự tính được từng ngày. Câu hỏi đặt ra thôi thúc chúng tôi là vốn liếng đâu để tiếp tục duy trì.

Lúc đó, chúng tôi có một người bạn đi làm đã được ba năm và dành dụm được trong suốt thời gian đó để mua một chiếc xe Dream trị giá khoảng gần 30 triệu. Tại thời điểm đó thì chiếc xe là cả một tài sản rất lớn của bản thân và gia đình. Chúng tôi suy nghĩ và quyết định ngỏ ý muốn mượn chiếc xe mang đi bán làm vốn kinh doanh. Chúng tôi đặt vấn đề với người bạn một cách chân phương: nếu đã cho mượn thì coi như đã mất và nếu thành công thì chúng tôi trả lại. Người bạn đã về suy nghĩ và quyết định cho chúng tôi mượn xe đem đi bán.
Bây giờ tôi có đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quý giá bằng chiếc xe máy tình bạn của chúng tôi ngày đó cộng với sự phiêu lưu của tuổi trẻ. Giá trị vô giá của tình bạn là ở những thời điểm khó khăn nhất có những người bạn đã chia sẻ, sát cánh cùng chúng tôi bắt đầu việc tiếp tục gây dựng Hãng cà phê Trung Nguyên.”
Câu chuyện về những bước đi của Trung Nguyên từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người muốn lập nghiệp. Những thất bại, những bài học chứa đầy triết lý của ông Vũ dường như chạm vào tâm tư của những người đang đặt từng bước đầu trên con đường sự nghiệp của mình.
Thuở lập nghiệp, ông Vũ cùng nhóm bạn của mình đi hết từ khó khăn này đến khó khăn khắc, hợp tác thất bại, rỗng túi, lâm vào con đường bế tắc. Đã có những lúc sự nghiệp của Trung Nguyên đánh cược vào một chiếc xe Dream trị giá khoảng gần 30 triệu.
Đó chính là của cải dành dụm của một người bạn, trong lúc khó khăn đã cho ông Vũ mượn. Sau này khi thành công, ông Vũ xem chiếc xe Dream này là chiếc xe quý giá nhất, là biểu tượng cho tình bạn cùng với sự phiêu lưu của tuổi trẻ.
Khả năng kiên trì đối mặt với thất bại
“Khả năng của bạn kiên trì trong việc đối mặt với những thất bại và thất vọng là mức độ niềm tin của bản thân bạn và khả năng thành công của bạn”, tác giả nổi tiếng Brian Tracy đưa ra nhận xét trong cuốn sách “100 Quy luật bất biến trong Kinh Doanh”.
Sự kiên trì là phẩm chất sắt đá của thành công. Tài sản quan trọng nhất mà bạn có thể có – một phẩm chất làm cho bạn khác với những người khác: Là khả năng kiên trì chịu đựng của bạn lâu hơn những người khác.
Một đặc trưng đầu tiên của phẩm chất chính được Brian Tracy đề cập đến: Kiên trì là một hành động kỉ luật tự giác. Khi bạn kiên trì chịu đựng trong sự đối mặt với những thất bại không thể tránh được, những trì hoãn, những thất vọng, và những chiến bại tạm thời mà bạn sẽ trải nghiệm trong cuộc sống, và bạn tiếp tục kiên gan bất chấp những khó khăn đó, bạn đã chứng minh cho bản thân mình và cho những người xung quanh rằng bạn có phẩm chất của kỉ luật tự giác và sự tự chủ và những phẩm chất này là vô cùng quý giá đối với sự gặt hái bất kì thành công vĩ đại nào.
Winston Churchill đã tổng kết bài học quan trọng nhất của cuộc đời ông về đặc trưng thứ 2 của kiên trì khi ông nói: “Đừng bao giờ đầu hàng; đừng bao giờ chịu thua.“
Churchill đã tin và đã chứng minh đi chứng minh lại trong suốt cuộc đời ông, rằng người kiên gan ngoan cường đối mặt với những gì dường như là sự thất bại thảm hại thường là phẩm chất quan trọng để chuyển thất bại đó thành thắng lợi. Churchill có lẽ được xem là lãnh tụ chính trị vĩ đại nhất của thế kỉ 20 bởi vì sự sẵn sàng cam chịu không than phiền của ông và bám chặt một cách bền bỉ ở giữa những gì dường như là chiến bại hay thất bại chắc chắn.

Khi bạn ủng hộ tất cả những mục tiêu và kế hoạch của bạn với sự quyết tâm và bền bỉ không gì lay chuyển được, cuối cùng bạn sẽ nhận thấy rằng không có gì trên thế giới này có thể chặn bạn lại. Bạn sẽ trở thành một sức mạnh không thể kháng cự được của bản năng. Mục tiêu thành đạt của bạn sẽ trở thành hiện thực của bạn.
Brian Tracy chỉ ra 2 cách giúp người trẻ muốn thành công làm rèn luyện tính kiên trì ngay lập tức:
1. Liệt kê một danh sách bao gồm những vấn đề và thử thách bạn đang đối mặt ở hiện tại. Bạn đang cảm thấy chán nản hay không chắc chắn ở những điểm nào? Bạn cần phải kiên gan thậm chí nhiều hơn những gì bạn đang làm hôm nay ở những điểm nào? Hãy luôn tự nhắc nhở rằng “Thất bại không phải là một sự chọn lựa.”
2. Trước hết hãy đề ra quyết tâm rằng, dù có chuyện gì xảy ra, bạn sẽ không bao giờ từ bỏ. Hãy nhớ rằng nếu bạn tiến lên một cách tự tin theo phương hướng những giấc mơ của bạn, và bạn đã đề ra quyết tâm trước là bạn sẽ không bao giờ từ bỏ, cuối cùng thì thành công vĩ đại sẽ đến với bạn.
Ngoại trừ bạn ra, không ai có thể chặn con đường đi của bạn. Hãy vững bước trên con đường của mình!
Theo Nhịp sống kinh tế, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ phú Jack Ma và lời khuyên “gây bão”: 25 tuổi cứ sai lầm đi, 30 tuổi tìm 1 người sếp giỏi, 40 tuổi làm những gì bạn giỏi
- Bí kíp từ tay trắng qua liên tiếp thất bại trở thành tỷ phú của Jack Ma: Đẹp trai không bằng “chai mặt”
- Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Việt Nam được mệnh danh Do Thái phương Đông mà sống yếu ớt, không có hoài bão, không có ước mơ, không có tinh thần doanh nhân