Để gây dựng và phát triển tập đoàn FPT trở thành một “đại bàng” trong giới công nghệ như ngày nay, cách chọn người đồng hành của Chủ tịch Trương Gia Bình và đội ngũ sáng lập có nhiều điểm đặc biệt.
34 năm trước – 13/9/1988, 13 nhà khoa học trẻ của Việt Nam đã thành lập FPT với mong muốn xây dựng “một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển đầy đủ nhất về tài năng và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.”
Đến nay, FPT đang là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam, với hơn 30.600 nhân viên, doanh thu năm 2021 đạt 35.657 tỷ đồng. Nhân ngày kỷ niệm này, ông Đỗ Cao Bảo – thành viên HĐQT, cũng là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, đã chia sẻ về cách những nhà sáng lập lựa chọn người đồng hành.
Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ nguyên văn bài viết.
Người ta đúc kết rằng với một công ty khởi nghiệp thì ba nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại và phát triển bền vững là ý tưởng kinh doanh, vốn (tiền) và con người (các sáng lập viên hay còn gọi là người đồng hành).
Vậy anh Trương Gia Bình và FPT đã chọn người đồng hành như thế nào?
Đầu tiên phải là tài năng. Tài năng được khẳng định qua học hành, qua thực tế làm việc. Đặc điểm chung về tài năng của nhóm sáng lập FPT và sáng lập FPT TP Hồ Chí Minh là:
– Học sinh chuyên toán (tỉnh, thành phố, quốc gia, quốc tế)
– Tốt nghiệp đại học nổi tiếng ở nước ngoài ngành Toán học và Vật lý
– Đang là cán bộ nghiên cứu khoa học hoặc giáo viên đại học
– Trình độ chuyên môn cao qua thực tiễn làm việc
Điểm thứ hai là phẩm chất. Nhóm sáng lập FPT được lựa chọn trên cơ sở quan hệ bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, phẩm chất, tính nết và giá trị sống, giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân được khẳng định qua thời gian dài cùng học, cùng chơi, cùng làm việc.
Các thành viên sáng lập FPT có thể chia làm 2 nhóm sau:
A/ Nhóm MGU và Viện Cơ học:
Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscova (MGU) là trường đại học đứng đầu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học cơ bản của Liên Xô và Đông Âu. Nhóm này không những cùng tốt nghiệp Toán Cơ (MGU) mà còn cùng về làm việc trong nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất, Viện Cơ học Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Nhóm gồm các thành viên sau:
1) Trương Gia Bình (Tiến sĩ Toán Cơ MGU)
2) Phạm Hùng (Tiến sĩ Toán Cơ)
3) Lê Thế Hùng (Tiến sĩ Toán Cơ)
4) Nguyễn Trung Hà (Giải 3 Toán quốc tế 1978)
5) Nguyễn Thành Nam (Tiến sĩ Toán Cơ)
6) Đào Vinh: Chánh văn phòng Viện Cơ học, người chuyên lo các thủ tục hành chính cho nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất.
Thế hệ tiếp theo cùng học MGU có các Tiến sĩ Toán: Trần Văn Trản, Nguyễn Khắc Thành, Lê Trường Tùng.
B/ Nhóm bạn bè:
Nhóm này bao gồm bạn bè trực tiếp hoặc gián tiếp với anh Trương Gia Bình. Khi có ý định thành lập FPT, anh Trương Gia Bình đã tìm cách “rủ rê” tham gia, đó là:
1) Bùi Quang Ngọc: bạn học chuyên toán Chu Văn An với anh Trương Gia Bình, tốt nghiệp Toán, ĐH Tổng hợp Kisnhinov – KGU, bảo vệ Tiến sĩ về CSDL tại Grenoble (Pháp), phó chủ nhiệm khoa CNTT (ĐH Bách khoa Hà Nội).
2) Lê Vũ Kỳ: bạn học chuyên toán Chu Văn An với anh Trương Gia Bình, giáo viên Vật lý Học viện KTQS.
3) Lê Quang Tiến: đội tuyển Toán Quốc tế 1975, tốt nghiệp Vật lý tại KGU, giáo viên Vật lý Học viện KTQS, làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ do chị Võ Hồng Anh hướng dẫn (quen anh Trương Gia Bình qua chị Võ Hồng Anh. Chị Võ Hồng Anh là Giáo sư, tiến sĩ Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, con gái cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
4) Nguyễn Chí Công: tốt nghiệp ĐH Bách khoa Praha (Czech), chuyên gia máy tính Viện Tính toán và Điều khiển, quen Bùi Quang Ngọc thời làm Tiến sĩ bên Pháp.
5) Võ Mai: tốt nghiệp ĐH tại Hungary, đang làm việc tại Viện Vũ khí (BQP), quen anh Trương Gia Bình qua Võ Hồng Nam (bạn học bên Hungary).
6) Đỗ Cao Bảo: tốt nghiệp Toán Điều khiển, Học Viện KTQS, bạn Võ Mai, trợ lý Tự động hoá Cục Tác chiến (BQP).
7) Trần Đức Nhuận: thuộc Xí nghiệp lắp máy LILAMA, quen biết anh Trương Gia Bình và nhóm Viện Cơ học trong quá trình thực hiện các hợp đồng kinh tế trước đó.
Các thành viên gia nhập FPT năm 1989-1990 theo các bạn học có Phan Ngô Tống Hưng, Nguyễn Minh Hiền, Nguyễn Chính Nghĩa.
C/ Nhóm sáng lập FPT TP Hồ Chí Minh năm 1990 (sau đó 18 tháng), bao gồm:
1) Hoàng Minh Châu: tốt nghiệp Toán KGU, cùng với Bùi Quang Ngọc và Lê Quang Tiến, đang công tác tại Trung tâm Toán – Máy tính, Bộ Quốc phòng.
2) Trương Thanh Thanh: chị gái của anh Trương Gia Bình, học Vật lý phân tử tại Đại học Tổng hợp Bacu (Liên Xô), giảng viên ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
3) Ngô Vi Đồng: tốt nghiệp Toán ĐH TH Donetsk (Ucraina), cùng làm việc ở Trung Tâm Toán – Máy tính, BQP với Hoàng Minh Châu.
4) Nguyễn Minh Sơn: giảng viên ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cùng với chị Trương Thanh Thanh.
Cách lựa chọn tài năng và phẩm chất cán bộ như trên đã được anh Trương Gia Bình văn bản hoá trong qui chế nội bộ FPT 1988: “FPT đặc biệt đánh giá các thành viên của mình các phẩm chất sau: Trung thành tuyệt đối; Tận tuỵ, có trách nhiệm với công việc chung; Trình độ nghiệp vụ cao; Trung thực; Năng động, sáng tạo; Đoàn kết, tương trợ; Kỷ luật; Năng lực giao tiếp; Nếp sống lành mạnh”.
Qui chế tuyển dụng: “Một thành viên mới khi ra nhập FPT buộc phải có sự giới thiệu và xác nhận về phẩm chất và tài năng của ít nhất 2 thành viên cũ” được FPT duy trì ít nhất là 5 năm đầu tiên, đến năm 1994 mới chuyển sang chế độ tuyển dụng theo phương thức thi tuyển như ngày nay.
Dưới góc nhìn của cá nhân tôi: chính cách chọn người đồng hành không chỉ tài năng mà còn phải cùng văn hoá, cùng các quan niệm về các giá trị cốt lõi của cuộc sống như thế nào là bạn bè, chiến hữu, tinh thần đồng đội, quan niệm về tốt xấu, cân bằng giữa tinh thần và vật chất, quan niệm đúng đắn về tiền bạc, tinh thần trách nhiệm, trung thực và trung tín … của FPT và anh Trương Gia Bình chính là nhân tố quan trọng nhất giúp cho FPT phát triển trường tồn theo thời gian.
Tác giả: Đỗ Cao Bảo – Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT
Xem thêm bài liên quan
- Dàn 13 “khai quốc công thần” sáng lập tập đoàn FPT: Hầu hết là Tiến sĩ Toán – Lý, chung giá trị sống và đam mê khoa học
- Cựu CEO Nguyễn Thành Nam tiết lộ: Các nhà sáng lập FPT từng cãi nhau vì chuyện “chia tiền”
- Thời “khai thiên lập địa” FPT Software: Tự sự về 1 tỷ USD và giấc mơ “Xuất khẩu phần mềm” lãng mạn