Tỷ phú Vương Kiện Lâm từng nằm trong số ít đại gia bất động sản tránh được cuộc khủng hoảng trong ngành địa ốc của Trung Quốc vào năm ngoái. Nhưng rắc rối đã lại ập đến trong năm nay.
Theo Bloomberg, chỉ mới năm ngoái, ông Vương Kiện Lâm là một trong số ít tỷ phú bất động sản tránh được làn sóng vỡ nợ đang càn quét ngành địa ốc Trung Quốc.
Tỷ phú sáng lập tập đoàn Dalian Wanda rất tự tin vào tình hình tài chính của công ty mình. Theo một nguồn tin, ông thậm chí còn đề nghị giúp đỡ một đại gia bất động sản khác đang muốn bán các trung tâm mua sắm với giá 700 triệu nhân dân tệ (tương đương 98 triệu USD).
Ông Vương đã lên kế hoạch thâu tóm các trung tâm thương mại vào công ty quản lý bất động sản thương mại của mình, và chuẩn bị cho một đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của công ty này.
Tham vọng lụi tàn
Giờ đây, những hoài nghi đang bủa vây thương vụ IPO này. Còn ông Vương chật vật cứu vớt những gì còn lại của đế chế mua sắm, giải trí và khách sạn 35 năm tuổi. Vị tỷ phú từng tham vọng biến chúng trở thành Walt Disney của Trung Quốc.
Ông Vương đã bàn bạc với cơ quan quản lý và các nhà đầu tư chiến lược để tìm ra kế hoạch hỗ trợ khả thi. Tập đoàn của ông cũng đang xoay xở nhằm gia hạn khoản nợ hàng tỷ USD từ ngân hàng, quỹ tín thác và bên cung cấp.
Tài sản của ông Vương đã giảm mạnh 40 tỷ USD xuống 6,6 tỷ USD. Hàng tuần, ông yêu cầu các giám đốc công ty cập nhật về việc tái cấp vốn và tình hình hoạt động. Mọi kế hoạch mới đều bị hoãn lại.
Trên thực tế, theo nguồn tin của Bloomberg, công ty vẫn có khoảng 40 tỷ nhân dân tệ tiền mặt, đủ để trả các khoản nợ ngắn hạn. Nhưng Dalian Wanda sẽ gặp khó trong việc thanh toán cho nhà đầu tư nếu đơn vị quản lý bất động sản thương mại của tập đoàn không kịp IPO trong năm nay.
Từng là tỷ phú giàu nhất châu Á, ông Vương luôn ở thế phòng thủ kể từ khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt gọng kìm với ngành công nghiệp bất động sản, vốn đã tăng trưởng quá nóng trong vài thập kỷ qua.
Cách đây 6 năm, các ngân hàng quốc doanh của nước này bắt đầu hạn chế cấp vốn cho Wanda, buộc tập đoàn phải ghìm tham vọng mở rộng toàn cầu của mình.
Wanda từng là công ty điều hành rạp phim lớn nhất thế giới. Hồi năm 2012, Wanda đã mua lại chuỗi rạp phim AMC Entertainment Holdings của Mỹ với giá 2,6 tỷ USD. Nhưng cách đây hai năm, tập đoàn gần như rút toàn bộ vốn khỏi chuỗi rạp này.
Ông Vương đã tìm cách giải cứu đế chế của mình từ trước. Cách đây 5 năm, ông bán các chuỗi khách sạn cho Guangzhou R&F Properties. Còn những dự án du lịch và công viên giải trí được Sunac China Holdings mua lại. Tổng giá trị của các thương vụ này lên tới 69 tỷ USD.
Rắc rối đến từ đâu?
Tài sản của ông Vương cũng sụt giảm trong thời kỳ đại dịch như các tỷ phú bất động sản khác. Để đối phó, ông đã triển khai chiến lược cắt giảm nợ, dừng mở rộng ra nước ngoài và bán cổ phần trong hãng phim Legendary Entertainment.
Nhưng những rắc rối của ông vẫn chưa dừng lại. Vào tháng 3, cơ quan giám sát về chứng khoán của Trung Quốc đã gửi thư tới Zhuhai Wanda Commercial Management – đơn vị điều hành trung tâm thương mại của Wanda với hơn 400 trung tâm thương mại.
Các nhà quản lý lo ngại về tình hình tài chính của công ty. Nếu không IPO vào cuối năm nay, Zhuhai Wanda Commercial Management sẽ phải trả 30 tỷ nhân dân tệ cho những nhà đầu tư trước IPO (pre-IPO).
Đến đầu tháng 5, đơn đăng ký niêm yết của công ty trên sàn Hong Kong đã hết hiệu lực lần thứ 3. Giá trái phiếu của công ty lao dốc không phanh.
Hơn nữa, 6 tỷ nhân dân tệ trái phiếu của Zhuhai Wanda Commercial Management sẽ đáo hạn hoặc bị nhà đầu tư yêu cầu mua lại sớm vào cuối tháng 11.
Ngành địa ốc Trung Quốc dự báo phục hồi theo ‘mô hình chữ L’
Goldman Sachs dự báo ngành bất động sản Trung Quốc sẽ đối diện với nhiều khó khăn trong tương lai. Tuy nhiên, giới chức nước này sẽ không còn can dự vào thị trường quá nhiều.
Theo Bloomberg, báo cáo của Goldman Sachs dự báo ngành bất động sản Trung Quốc sẽ đi theo “mô hình chữ L” trong vài năm tới. Điều này có thể gây ra nguy hại lớn đối với nền kinh tế của quốc gia tỷ dân.
Ngân hàng đầu tư của Mỹ cho biết các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dường như không sử dụng thị trường bất động sản như một công cụ kích thích ngắn hạn. Ngược lại, họ còn muốn giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực này.
“Thị trường địa ốc Trung Quốc dự báo bị suy yếu trong nhiều năm nữa do sự biến động về nhân khẩu học, những thay đổi trong trọng tâm chính sách hỗ trợ và khả năng chi trả của người dân giảm xuống”, nhóm phân tích của Goldman do ông Wang Lisheng đứng đầu phân tích.
Ngành bất động sản Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau 3 năm phong tỏa vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, các dấu hiệu đi xuống mới đã xuất hiện trên thị trường nhà ở. Sự phục hồi doanh số bán nhà đã chậm lại trong tháng 5, xuống còn 6,7% so với mức 29% trong 2 tháng trước đó.
Citigroup cũng đã hạ dự báo doanh thu, dẫn tới hạ giá mục tiêu đối với một số cổ phiếu ngành bất động sản của Trung Quốc do thanh khoản ở mức thấp và thị trường đang rất khó khăn.
Trung Quốc đang nghiên cứu một loạt biện pháp mới nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản trong bối cảnh những chính sách hiện tại không thể duy trì sự phục hồi trong lĩnh vực này.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs kỳ vọng giới chức quốc gia tỷ dân sẽ nới lỏng tín dụng cho người mua hoặc sửa chữa nhà, đồng thời giảm tỷ lệ thế chấp và tỷ lệ trả trước cho người mua. Cuối cùng, đơn vị này kỳ vọng các hạn chế trong lĩnh vực địa ốc sẽ sớm được nới lỏng.
Dẫu vậy, Goldman Sachs vẫn chưa nhận thấy các nỗ lực của giới chức lãnh đạo Trung Quốc nhằm thúc đẩy chu kỳ tăng trưởng của ngành bất động sản. Những bước đi đột phá như chương trình cải tạo khu ổ chuột mà quốc gia này tiến hành trong giai đoạn 2015-2018 với những khoản hỗ trợ tiền mặt sẽ khó có thể xảy ra một lần nữa.
Những dữ liệu này củng cố nhận định Trung Quốc đang mạnh tay hơn trong việc giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản. Thay vào đó, quốc gia này sẽ đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội và dần tăng thuế bất động sản ở nhiều thành phố nhằm hạn chế đầu cơ.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Ông trùm BĐS Vương Kiện Lâm: “Muốn lập nghiệp thành công, dù cơ hội rất thấp cũng phải thử, không bao giờ có chuyện dễ dàng”
- Cuộc đời bí ẩn và hào hùng của “kẻ dị biệt” giàu nhất Châu Á: Từ 2 bàn tay trắng phất nhanh không tưởng nhờ triết lý kinh doanh khác người
- “Soi” tài sản 10 tỷ phú giàu nhất châu Á hiện nay: Ấn Độ lên ngôi, Trung Quốc thoái vị