Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt, Tỷ phú Vương Kiện Lâm từng nói: “Trong vòng 4-5 năm, tôi không hề nghỉ ngơi, ban ngày đi làm, tối đến lại dành hết thời gian để học. Tôi tin rằng, chỉ cần chịu khó học tập, phấn đấu không ngừng, sẽ có thể nắm chắc thành công trong tay”.
Hành trình khởi nghiệp
Tỷ phú Vương Kiện Lâm là anh cả trong một gia đình có 5 người con tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cha của ông từng chiến đấu trong hàng ngũ cách mạng của Mao Trạch Đông. Có lẽ vì vậy mà dòng máu lính đã chảy trong người Vương Kiện Lâm từ rất sớm.
Năm 15 tuổi, ông ghi danh tham gia Quân đội giải phóng nhân dân và phục vụ quân đội 16 năm trước khi giải ngũ.
Năm 1986, sau khi rời bỏ màu áo lính, Vương Kiện Lâm chuyển sang làm quản trị văn phòng tại quận Tây Cương thuộc thành phố Đại Liên. Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận ra công việc của một cán bộ Nhà nước không phù hợp với mình.
2 năm sau, ông bỏ công việc bàn giấy và nhanh chóng bắt đầu một vị trí mới tại một công ty bất động sản tư nhân tại Tây Cương. Bởi ông muốn cuộc sống của mình phải có nhiều điều đặc sắc.
Ông từng khuyên: “Nếu muốn thành công, thì hãy khởi nghiệp. Tất nhiên, cuộc sống của một công chức bình thường cũng ổn, nhưng cuộc sống thế này không có gì đặc sắc”.
Khi mới khởi nghiệp trong lĩnh vực khai thác bất động sản, ông chỉ được giao cho một khu đất cũ nát, cơ sở hạ tầng kém để làm dự án. Hơn 100 người dân ở đó phải dung chung một vòi nước, một nhà vệ sinh.
Các đồng nghiệp đều phản đối Vương Kiện Lâm nhưng ông vẫn quyết làm đến cùng. Vị giám đốc trẻ xây nhà có cửa sổ lớn, đón ánh sáng tự nhiên. Mỗi căn nhà đều có phòng vệ sinh, một điều vô cùng xa xỉ thời bấy giờ. Sau khi cải tạo, các căn nhà được bán với giá 1.580 NDT/m² và hết veo chỉ trong…1 tháng.
Vương Kiện Lâm quá đó đã kiếm được gần 10 triệu NDT (34,3 tỷ VND), đồng thời mở ra hình thức kinh doanh cực thịnh: cải tạo nhà cũ thành nhà mới. Năm 1992, ông nắm quyền kiểm soát công ty và đổi tên thành Đại Liên. Tuy nhiên, vì doanh nghiệp trước đây làm ăn thua lỗ, ông Vương đã phải vay tới 80.000 USD để vực dậy công ty.
Tất cả giới kinh doanh đều biết rằng bất động sản, điện ảnh, truyền hình là những nguồn thu nhập chính của tập đoàn Vương Kiện Lâm thuộc sở hữu của nhà họ Vương. Nhưng trong những năm gần đây, thị trường trong nước suy thoái, Vương Kiện Lâm đã chuyển hướng đầu tư sang nước ngoài, cụ thể từ năm 2012 đến năm 2015, vị tỷ phú này đã không ngừng mua lại các tài sản ở khu vực ngoài nước và cho biết hoạt động kinh doanh của Wanda sẽ không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực hiện tại.
Năm đầu tiên xây dựng công ty, ông cần một khoản vốn 20 triệu NDT (68,7 tỷ VND) nhưng không một ngân hàng nào cho vay, dù có chính phủ chỉ định. Họ thất hẹn với ông hết lần này đến lần khác, khiến Vương Kiện Lâm có hôm phải đứng chờ cả ngày trời.
Vào giữa năm 2017, Wanda đã bị Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc điều tra về rủi ro tín dụng. Trong khoảng thời gian đó, giá cổ phiếu của Wanda liên tục giảm. Nhìn bằng mắt thường, khối tài sản cá nhân của Vương Kiện Lâm đã thua xa những gì ông sở hữu trong quá khứ.
Năm 2017, ba người đứng đầu danh sách người giàu trong nước thuộc về Hứa Gia Ấn, Mã Hóa Đằng và Jack Ma còn tập đoàn của Vương cứ thế lao dốc. Sau đó, để cứu Wanda, ông chủ đã bắt đầu bán các cửa hàng cho Suning một cách điên cuồng và vào thời điểm đó, nhiều người đùa rằng trong tương lai đây không còn là Wanda Plaza nữa mà sẽ là Suning Plaza.
Chỉ trong vòng 3 năm, Vương Kiện Lâm bắt đầu “dỡ bỏ bức tường phía đông để sửa lại bức tường phía tây” và bán đi vô số các khách sạn. Cùng thời gian đó, Wanda đã chuyển nhượng 91% trong số 13 dự án văn hóa và du lịch của mình cho Sunac với giá 29,575 tỷ nhân dân tệ.
Ngoài ra, Sunac đã mua lại 76 khách sạn ở Wanda với giá 33,595 tỷ. Thời cơ đã không một lần nữa mỉm cười với vị tỷ phú khi dịch bệnh năm 2020 ập đến biến mọi nỗ lực cứu vãn của ông Vương đổ sông đổ bể.
Triết lý để khởi nghiệp thành công
Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt, Vương Kiện Lâm từng chia sẻ: “Phải làm thế nào để lập nghiệp thành công? Tôi cho rằng, quan trọng nhất là phải chăm chỉ. Vốn xuất thân từ quân ngũ, lúc mới lập nghiệp không có kiến thức gì về bất động sản nên tôi bị mọi người chê cười rất nhiều. Họ không tin tôi có thể hoạt động trong lĩnh vực này.
Càng bị chê cười, tôi càng quyết tâm, chuyên cần học hỏi tìm tòi. Trong vòng 4-5 năm, tôi không hề nghỉ ngơi, ban ngày đi làm, tối đến lại dành hết thời gian để học. Tôi tin rằng, chỉ cần chịu khó học tập, phấn đấu không ngừng, sẽ có thể nắm chắc thành công trong tay.”
“Người muốn lập nghiệp thành công, dù cơ hội rất thấp cũng phải thử. Rủi ro thấp? Không bao giờ có chuyện dễ dàng như vậy! Đó mới là tinh thần của kẻ lập nghiệp! Đầu tư tài chính, quan trọng nhất cần hai điều, một là dám thử, hai là có thể kiên trì.”
“Chìa khóa đầu tiên là phải hiểu làm thế nào để bạn khác biệt bản thân mình với những người khác, và trở nên sáng tạo. Ví dụ, mọi người đều biết làm thế nào để bán cà phê, nhưng Starbucks thiết kế lại quá trình làm cà phê, đổi mới mô hình kinh doanh và trở thành chuỗi cà phê thành công”, ông Vương chia sẻ.
Nếu như muốn ngày càng thành công, nhất định phải không ngừng sáng tạo cái mới, nhất định phải thay đổi liên tục, không thể đi theo lối mòn của người khác. Nếu đi theo lối mòn của người khác, lợi nhuận cùng lắm cũng chỉ bằng người khác. Chỉ có làm khác đi mới có thể thu được siêu lợi nhuận. Bằng việc thực hiện thành công dự án đô thị, ông đã khẳng định chân lý này một cách chắc chắn.
Ông Vương cho hay: “Một trong những đặc trưng về thành công của tôi là tôi chưa bao giờ có niềm tin trọn vẹn vào sách vở. Bạn không thể đơn giản chỉ sao chép mô hình đã được minh chứng là thành công bởi các doanh nghiệp khác. Xin cũng đừng xem những gì tôi chia sẻ ở đây hôm nay là tài liệu học tập”.
Những gì có hiệu quả với tập đoàn Wanda có thể chẳng hiệu quả với một doanh nghiệp khác. Hoàn cảnh và các ngành công nghiệp luôn thay đổi, tỉ phú Vương kết luận.
Để thành công, Vương Kiện Lâm luôn “khắc cốt ghi tâm” 10 điều sau:
1. Quan trọng nhất là phải suy nghĩ tích cực. Nếu như muốn thành công, bạn phải duy trì sự tích cực. Suy nghĩ sự việc theo hướng tích cực, trở thành người tích cực
2. Xác định ước mơ và mục tiêu của bạn, viết ra những mục tiêu cụ thể và lên kế hoạch cho các bước để đạt được chúng. Mục tiêu phải được ghi ra cụ thể, có thể đo lường, có như vậy mới có thể thực hiện được mục tiêu.
3. Hãy hành động và hành động với mục tiêu. Giống như slogan của Nike – “Just Do It” (hãy hành động). Cố gắng hành động mỗi ngày để đạt được mục tiêu. Mặc dù có thể nhỏ, nhưng đó vẫn là một hành động. Bạn đã có hành động nào hướng tới mục tiêu của bạn?
4. Không bao giờ ngừng học tập: Học ở trường học hay tự học đều được, miễn là không ngừng học và rèn luyện các kỹ năng. Duy trì việc học không chỉ cho ta mà còn cho cả con cái chúng ta. Mỗi khi học thêm được một bài học mới, bạn sẽ thấy thật hạnh phúc khi được học. Bạn đã học được gì hôm nay?
5. Kiên trì và chăm chỉ. Cuộc đời là đường đua dài, đừng mơ thành công khi mới chạy vài bước. Mỗi tấm gương thành công đều có yếu tố kiên trì và chăm chỉ, không có bữa trưa nào miễn phí. Nếu bạn đang cố gắng để đạt được những gì bạn muốn, vì đam mê, hãy theo đuổi nó. Thành công sẽ đến với bạn.
6. Học cách phân tích chi tiết, thu thập, xử lý các dữ liệu, học hỏi từ những sai lầm. Bạn phải nhận ra và thấu hiểu được vấn đề từ tất cả các sự kiện và dữ liệu không đầy đủ. Cả hai đều là phẩm chất của một người thành công. Hãy dành thời gian để thu thập thông tin chi tiết và phân tích chúng.
7. Tập trung thời gian và tiền bạc. Đừng để người khác làm bạn mất tập trung. Tập trung vào mục tiêu của bạn, tích cực và tin tưởng chính mình. Đừng để những thứ khác làm bạn mất tập trung vào mục tiêu, những điều này không giúp ích cho việc chạm đến thành công.
8. Đừng sợ đổi mới. Luôn có ý tưởng của riêng bạn. Tâm lý bầy đàn khiến bạn trở nên tầm thường. Hãy phá vỡ những suy nghĩ theo lối mòn và tự hỏi, nếu đổi mới thì sao?
9. Giữ mối quan hệ tốt với mọi người. Không ai có thể tồn tại một mình. Bạn nên học cách hiểu và truyền cảm hứng cho người khác. Những người thành công đều có mối quan hệ rộng khắp, cư xử tốt với mọi người. Đừng vượt qua những ranh giới nhất định. Vậy bạn đã duy trì mối quan hệ với những người khác như thế nào?
10. Trung thực và đáng tin cậy: Dám chịu trách nhiệm, nếu không thì chín điều trên trở thành không quan trọng.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Trớ trêu hoàn cảnh tỷ phú từng giàu nhất châu Á: “Chớp mắt” đã bốc hơi 40 tỷ USD, gồng từng giây để cứu đế chế bất động sản, hàng loạt tài sản ra đi để trả nợ
- Cuộc đời CEO huyền thoại Ben Horowitz: Thất bại không thể “làm mẹ” thành công nếu thiếu “người bố” này
- 3 nguyên tắc và phong cách kiếm tiền “bất khả chiến bại” của tỷ phú Lý Gia Thành: tích lũy, tiết kiệm, tìm kiếm tự do trong kinh doanh, cân bằng cuộc sống