“Vũ chính là con đại bàng, sẽ đốt cháy mình để dâng hiến. Đó là những khát vọng mang tâm hồn đại bàng…” – nhạc sĩ Nguyễn Cường nói về Đặng Lê Nguyên Vũ.
Hơn 10 năm trước, khi được đặt hàng viết ca khúc cho thương hiệu cà phê Trung Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có dịp hiểu thêm về con người của ông vua café Việt. Ông bảo, khi đó, nhìn vào mắt Đặng Lê Nguyên Vũ, ông liên tưởng đến đôi mắt của đại bàng. Tinh anh nhưng cũng chất chứa nhiều nỗi niềm sâu thẳm mà không phải ai cũng hiểu hết được.
Trong khi dư luận còn đang bàn luận về rất nhiều khía cạnh của cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” và về doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ khi được xếp bên cạnh các vĩ nhân, để rộng đường dư luận, báo Giáo dục Việt Nam trân trọng đăng tải bài phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Bởi lẽ, góc nhìn của một nhạc sĩ và cũng là một trí thức lớn, một tâm hồn đậm cốt cách Tây Nguyên như Nguyễn Cường cũng sẽ góp cho chúng ta cái nhìn đa chiều hơn về nhân vật đang được dư luận chú ý – ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên.
Viết về Trung Nguyên nhưng không có chữ nào về café
Là người gốc Hà Nội nhưng từ thời trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên một cách đầy duyên nợ. Với ông, Tây Nguyên không chỉ là quê hương thứ hai- tính về thời gian đi, đến và cảm nhận – mà còn là nơi đã mang đến cho ông một gia sản riêng có trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Giờ đây, nghe những ca khúc “Đôi mắt Pleiku”, “Ly café Ban Mê”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “H’ren lên rẫy”… người ta đã không còn có thể phân định, nhờ Tây Nguyên mà có Nguyễn Cường hay nhờ định mệnh mà Nguyễn Cường có một “bầu trời Tây Nguyên” lồng lộng trong từng ngóc ngách của các ca khúc âm nhạc.
Chỉ biết rằng, sự gặp gỡ ấy là điều không thể thiếu để sự nghiệp của một nghệ sĩ trở nên có giá trị lâu bền trong lòng công chúng.
Với những hiểu biết được ví như “nhà Tây Nguyên” trong âm nhạc, 10 năm trước, nhạc sĩ Nguyễn Cường được ông chủ của café Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đặt hàng viết ca khúc cho cafe Trung Nguyên.
Nhưng quá trình tìm hiểu về con người và thương hiệu Trung Nguyên, ông thấy một ca khúc không thể chuyển tải hết được tầm vóc và khát vọng của ông vua café Việt này. Vì vậy, bản hợp xướng 3 chương, dài 30 phút ra đời với tên ngọi “Đại bàng và giọt đắng”, ý tưởng Lưu Trọng Văn và Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ba chương tương đương với ba giai đoạn cuộc đời của chim đại bàng, từ lúc ra đời, trưởng thành, chu du khắp thế gian để thu thập tinh túy của đất trời rồi trở về, tự đốt cháy mình, chảy xuống đất đỏ bazan, nở ra bông hoa trắng.
Bông hoa ấy kết tinh thành hạt café, được tác giả đúc kết: “Nước mắt mặn thì trắng, nước mắt đắng thì đen. Nước mắt đen lăn trên bazan đỏ, nở bông hoa trắng”. Phần âm nhạc cũng mang màu sắc nhạc dân gian Tây Nguyên chủ đạo.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết, khi viết bản hợp xướng này, điều ông thấy ngạc nhiên là Đặng Lê Nguyên Vũ không yêu cầu ông phải nhắc tên Trung Nguyên hay đưa bản thân mình vào đó – điều đã trở thành “mẫu số chung” cho những ca khúc đặt hàng viết về ngành, về thương hiệu.
Ba chương không có chữ nào nhắc đến cái tên cụ thể là Trung Nguyên hay café, tác giả chỉ dùng những hình ảnh, hình tượng để khái quát thành hình ảnh của Trung Nguyên. Đó là sự sáng tạo và khát khao vươn đến một thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế mà Trung Nguyên đã được thừa nhận. T
rong hợp xướng có câu rất hay là “Một ngày mới cho ta quê hương”, được biểu đạt từ cái tứ “khởi động ngày mới với café Trung Nguyên” nhưng đưa như vậy vào âm nhạc thì nghe phô quá.
Cái khó là làm sao để nó đầy tính âm nhạc nhưng vẫn phải nói được tinh thần chủ đạo của café Trung Nguyên. Và điều đáng mừng là ngay trong buổi ra mắt tác phẩm khi đó (năm 2008), Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư đã đề nghị với tác giả cho dàn dựng tác phẩm để hướng tới chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Hỏi nhạc sĩ Nguyễn Cường, để viết hợp xướng này phải mất bao lâu để tìm hiểu về con người của Đặng Lê Nguyên Vũ, ông bảo: “Tôi không tìm hiểu mà tất cả là bằng sự cảm nhận.
Tôi biết Vũ khoảng 20 năm nay và cũng nghe nhiều chuyện về Vũ, nhưng tôi không làm phim để bê hết những gì về con người Vũ vào tác phẩm. Cái tôi cần là làm sao để người nghe cảm được khí chất, khát vọng đầy lớn lao của Vũ không chỉ với Trung Nguyên mà cao hơn là với đất nước.
Tôi mất 6 tháng để thực hiện hợp xướng. Có người bảo, ví Vũ với đại bàng thì có kiêu ngạo quá không? Ai cũng biết, với Tây Nguyên, Vũ là một huyền thoại có thật, lúc nào cũng đau đáu vì đất nước. Nhưng tôi không ví Vũ là đại bàng, bởi vì không phải đại bàng nào cũng mang ý nghĩa sức mạnh và quyền lực.
Có những người mang đôi cánh đại bàng thật nhưng cả đời không dám và không thể đập cánh. Còn Vũ, là một con người bình thường nhưng mang trong mình tâm hồn, khát vọng đại bàng. Chỉ cần có tư tưởng ấy, đôi cánh đại bàng đã bay lồng lộng, ngay cả khi đã chết đi rồi”.
Có ai thấy nước mắt đại bàng?
Chia sẻ về câu chuyện hiện tại của tập đoàn Trung Nguyên và của vợ chồng vua café Đặng Lê Nguyên Vũ, nhạc sĩ Nguyễn Cường nói: “Đó là chuyện riêng của họ, tôi không muốn bàn luận vì dù sao mình cũng là người ngoài cuộc.
Những gì chúng ta biết chỉ là bề nổi, trong khi những uẩn khúc của nó đến chính người trong cuộc cũng chắc gì thấu hết? Nhưng chắc chắn một điều, bất cứ ai từng biết về Trung Nguyên cũng đều trăn trở và lo lắng cho tương lai của thương hiệu này. Để xây dựng một tên tuổi được cả thế giới biết đến như vậy thì ở Việt Nam đâu có nhiều.
Còn về những biến động trong đời sống cá nhân của Vũ thì thực ra, ai mang trong mình khát vọng lớn lao đều cô đơn. Vũ có tầm nhìn, có những mong muốn vượt xa với người thường thì lẽ đương nhiên sẽ thấy mình cô độc trên hành trình ấy.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ: “Có ai nhìn thấy nước mắt của đại bàng bao giờ đâu và nó cũng không trắng như bình thường: “Nước mắt mặn thì trắng, nước mắt đắng thì đen”. Khi viết “Đại bàng và giọt đắng”, tôi đã cảm nhận được những ẩn hiện trong đôi mắt rất “lộ thiên” của Vũ.
Vũ sẽ bớt cô đơn hơn khi biết hạ sự sáng tạo hay hạ khát vọng lớn lao của mình xuống. Nhưng có lẽ, một khi người ta đã chọn đó là sứ mệnh của cuộc đời và được sứ mệnh chọn thì cũng phải chấp nhận cả sự đơn độc ấy. Tôi tin là Vũ hiểu được điều đó và đã biết cân bằng để tiếp tục sáng tạo và cống hiến.
Cũng có người nói những mục tiêu mà Vũ theo đuổi là vĩ cuồng, là quá xa vời, thiếu thực tế nhưng người có suy nghĩ lớn thường có góc nhìn khác biệt mà người thường khó có thể cảm hết được.
Chỉ biết rằng, dù thế nào thì tất cả những gì Vũ làm đều không phải chỉ cho riêng mình mà còn vì những mục tiêu cao cả hơn, đó là nghĩ cho tương lai của café Việt để làm lớn mạnh đất nước”.
Có thể Vũ là Đôn Kihôtê…
– Ông đã bao giờ tiếp xúc với Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch của cà phê Trung Nguyên chưa?
Không nhiều lắm. Hai ba chục lần gì đó thôi.
– Những lần gặp đó cho ông những ấn tượng gì về Đặng Lê Nguyên Vũ?
Đó là khát vọng lớn lao của con người này. Vũ đã truyền được cái lửa khát vọng của riêng mình cho cả tập đoàn để có được thương hiệu cà phê Trung Nguyên như hiện nay. Có thể trên con đường ấy, Vũ sẽ là Đôn Kihôtê nhưng kể cả anh ta có là Đôn Kihôtê thì tôi cũng rất yêu vì khát vọng là cái rất đáng trân trọng, đáng quý vô cùng.
– Theo ông, con người của Đặng Lê Nguyên Vũ là Đôn Kihôtê hay đường đi của ông ấy là hành động của Đôn Kihôtê?
Tôi không quan trọng Vũ là “sốt” hay “nóng”, mà vấn đề là anh ta thấy đó là nhiệm vụ mình phải làm, thấy cối xay gió vẫn đâm vào, dù cối xay gió đó có là con quỷ hay không.
– Ông có nhiều ca khúc viết do được các doanh nghiệp đặt hàng và nó khá nổi tiếng. Bài “Ly cà phê Ban Mê” có phải là “ngành ca” của cà phê Trung Nguyên?
Không phải. “Ly cà phê Ban Mê” tôi viết là do gợi ý của ông Quốc Cường, trưởng đoàn nghệ thuật Đắc Lăk. Đó là khoảng năm 1983, nay thì ông Cường đã mất rồi. Khi đó, Cường nói với tôi, ông hãy sáng tác một bài về cà phê đi, cà phê của Ban Mê Thuột hay lắm, không ở đâu có được đâu.
Nhưng rồi phải mấy năm sau, năm 1989 tôi mới thực hiện được sự gợi ý đó. Duyên phận đến rất nhanh khi tôi đang ngồi ở một quán cà phê ở Đắc Lăk. Thưởng thức hương vị của ly cà phê, câu chữ trào về như cà phê đang nói chứ không phải mình.
Còn bài do Trung Nguyên đặt hàng lại là bài khác. Khi Vũ đề nghị, tôi nghĩ đó phải là một bản hợp xướng giao hưởng chứ không thể là một ca khúc đơn thuần. Suốt 6 tháng trời, tôi và nhạc sĩ Minh Đạo đã làm việc ròng rã để viết nên tác phẩm “Đại bàng giọt nắng” gồm 3 chương.
– Tôi đã được ông cho nghe cả 3 chương của tác phẩm này khi đang ở dạng demo, nhưng thấy không có một câu từ nào nhắc đến cà phê, trái ngược hoàn toàn với bài được đặt hàng trước đó là “Ly cà phê Ban Mê”. Vậy thì có thể hiểu, “Đại bàng & giọt đắng” là ông viết về Đặng Lê Nguyên Vũ?
Đúng là toàn bộ tác phẩm không có một chữ nào là cà phê, nhưng nếu nghe kỹ thì sẽ hiểu tôi đang nói về cà phê. Chương 1 tôi bắt đầu bằng một câu chuyện: Từ trong núi bay ra một con đại bàng. Con đại bàng đó là người trí thức bay đi khắp nơi, thu thập về cho mình những gì tinh hoa nhất trong vũ trụ, sau đó nó tự đốt cháy mình. Thân xác của nó toả ra thành đất đỏ bazan. Tinh thần của nó, tình yêu của nó thì cô đọng lại thành một viên ngọc đen chảy ra, chạy dài trên dải đất cao nguyên và nở ra thành bông hoa trắng.
Chương 2 của tác phẩm có một câu như là đồng giao: “Nước mắt mặn thì trắng, nước mắt đắng thì đen”. Màu đen chính là những giọt cà phê tinh túy.
Tất nhiên, tác phẩm không chỉ nói về cà phê, mà cao hơn là khát vọng được dâng hiến, khát vọng được sáng tạo của những doanh nhân như Đặng Lê Nguyên Vũ.
Khát khao của Vũ là thương hiệu chứ không phải chỉ có cà phê
– Vậy hiểu theo nghĩa của cụm “Đại bàng & giọt đắng” thì Đặng Lê Nguyên Vũ là con đại bàng trong lĩnh vực cà phê?
Vũ chính là con đại bàng, sẽ đốt cháy mình để dâng hiến. Đó là những khát vọng mang tâm hồn đại bàng. Nếu chỉ là chuyện thương hiệu cà phê thì tôi đã không viết “Đại bàng & giọt đắng”. Người Việt Nam mình cần phải có nhiều cái khát khao như thế.
– Khi nhận lời đặt hàng của ai đó, ngoài vấn đề cát-sê, ông có quan tâm đến tính cách, nhân cách của “khách hàng”?
Có chứ. Và đó chính là lý do tôi chọn hình thức thể hiện cho cà phê Trung Nguyên là hợp xướng giao hưởng với 200 người hát, kinh phí dàn dựng chừng 2 tỉ đồng, chứ không phải là một ca khúc đơn thuần.
– Gần đây, việc Đặng Lê Nguyên Vũ được xếp chung với nhiều danh nhân trong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” gây không ít tranh cãi, cho rằng chủ tịch tập đoàn cà phê Trung Nguyên chưa xứng tầm. Ông thấy sao?
Tôi có biết cuốn sách này và biết cả những tranh cãi về sự lựa chọn đó. Cá nhân tôi thấy Vũ hoàn toàn xứng đáng. Tôi nghĩ đây không phải chuyện đáng tầm hay không đáng tầm mà là khát vọng bay cao. Đó là chuyện một người cả đời chỉ làm một việc khát khao đưa hạt cà phê của Việt Nam ra thế giới.
Cần phải thấy rằng, thời của Vũ, vấn đề cơm no áo ấm đang là nỗi lo thường trực thì Vũ đã có khát vọng phát triển cà phê từ hai bàn tay trắng, tất nhiên có nhiều doanh nhân từ bàn tay trắng làm lên sự nghiệp và họ thành công hơn cả Vũ. Nhưng cái mà Vũ làm được ở lúc chưa ai làm đó là người đầu tiên đặt ra vấn đề thương hiệu “made in Vietnam”.
Nhưng cà phê chỉ là một thế mạnh của Vũ và muốn phát triển thương hiệu hơn nữa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phụ thuộc vào cái hồn thiêng sông núi.
– Nhưng khát vọng thì ai cũng có, kể cả một người dân bình thường chứ không chỉ những tri thức như Đặng Lê Nguyên Vũ mới có…
Đó chỉ là mong muốn. Còn khát vọng chính là ở việc người ta có đạp được đôi cánh hay không. Có những con đại bàng có ước mơ, có khát khao nhưng không dám đạp cánh để khát vọng được bay lên.
– Ông vừa nói đến từ “hồn thiêng sông núi”. Đó là điều mà ông thấy còn thiếu ở ông chủ của cà phê Trung Nguyên?
Tài năng là một chuyện, vấn đề còn lại tưởng là trừu tượng nhưng nó phụ thuộc vào việc người đó có được lịch sử chọn hay không ? Nhưng biết đâu đấy, thời của Vũ sẽ tới nay mai…
– Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện!
Theo Giadinhnet, Giáo dục Việt Nam
Xem thêm bài liên quan
- Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Đặng Lê Nguyên Vũ mang trong mình đôi cánh của đại bàng, tinh anh nhưng nhiều nỗi niềm
- Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ răn dạy người trẻ: “Vốn không phải là tiền bạc, vốn là khát vọng, là ước mơ”
- Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ ngẫm lại cái “nghèo tận cùng” của ngày xưa: “Mẹ tôi nghĩ nghèo khổ là số mệnh ở trời”