“Khi Đặng Lê Nguyên Vũ gặp sóng gió, tôi càng quý trọng hơn bởi vì sóng gió như thế nhưng anh vẫn kiên tâm điều hành con thuyền khát vọng Trung Nguyên” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.
Từ nhiều năm trước Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhận biết và ứng dụng logictics vào kinh doanh
Trương Thu Hường: Bà vừa nhắc đến chuỗi G7 Mart. Xin bà chia sẻ góc nhìn về mô hình này của Trung Nguyên?
Bà Phạm Chi Lan: G7 Mart lại là câu chuyện khác. Lúc đó, Vũ lập ra những cửa hàng tiện ích nho nhỏ thôi chứ không phải hình thức siêu thị lớn như Vinmart và chuỗi Vinmart+ bây giờ.
Mô hình Vinmart của Tập đoàn Vigroup bài bản hơn, quy mô hơn rất nhiều và đó cũng là mảng đi liền với kinh doanh bất động sản của Tập đoàn này. Thời điểm ngày nay cũng thuận lợi hơn nhiều so với cách đây 2-3 thập kỷ.
Vũ đã nhảy vào lĩnh vực này quá sớm. Lúc đó chúng ta chưa gia nhập WTO và chưa mở cửa thị trường bán lẻ cho nước ngoài. Tuy nhiên, qua kênh FDI, Chính phủ đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mang hệ thống siêu thị lớn của họ vào nước ta, mở đầu bằng Metro và Big C, mà không hạn chế số cửa hàng của họ.
Trong khi đó, ta chưa hề quan tâm tăng cường năng lực cho các siêu thị và chuỗi bán lẻ nhỏ và vừa của doanh nghiệp trong nước, thậm chí chưa hiểu vai trò của hệ thống phân phối và các dịch vụ thương mại nói chung.
Bản thân Vũ lúc đó đã tính trước được tình huống chợ truyền thống của Việt Nam sẽ ngày càng thu nhỏ lại, hệ thống cửa hàng tạp hóa cũng không thể cạnh tranh được với chuỗi siêu thị của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, Vũ đã chọn một số cửa hàng tạp hóa diện tích tương đối, có thể kinh doanh được và đầu tư thêm cho mỗi cửa hàng khoảng 30 triệu đồng (khá to vào lúc đó) để họ nâng cấp cơ sở vật chất, bán thêm nhiều mặt hàng và cùng mang thương hiệu chung là G7 Mart.
Theo cách tiếp cận chuỗi như vậy thì sẽ có sự bổ sung cho nhau rất mạnh. Thay vì những cửa hàng tạp hóa không có tên, chỉ có số nhà, Vũ đã biến khoảng 500 cửa hàng trở thành G7 Mart, làm thay đổi diện mạo và dần hình thành một hình thức tổ chức kinh doanh mới.
Tham vọng ban đầu của Vũ là sẽ xây dựng 5.000 cửa hàng rồi 10.000 cửa hàng mang thương hiệu G7 Mart. Các cửa hàng này sẽ bày bán đa dạng các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, sản phẩm đưa vào đó thì phải đạt chuẩn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Công ty G7 của Vũ sẽ xúc tiến việc đàm phán mua buôn với các nhà sản xuất rồi phân phối lại cho các cửa hàng. Cách làm này giúp các cửa hàng bớt đi sức ép giá cả, khan hiếm hàng hóa.
G7 cũng là cầu nối giúp nhà sản xuất nắm được thông tin thị trường, biết cái gì đang được tiêu thụ mạnh, yếu và yêu cầu của người tiêu dùng để điều chỉnh sản xuất. Đồng thời G7 giúp đầu tư vào các khâu logistics rất cần thiết cho cả chuỗi cung ứng.
Tôi nghĩ ý tưởng G7 rất hay, rất tốt và giúp được rất nhiều người. Đầu tiên là giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt hơn, tin cậy hơn bởi lúc đó các cửa hàng tạp hóa chủ yếu bày bán đồ không nhãn mác hoặc không ai đảm bảo được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Thứ 2 là giúp cho người bán hàng có cơ hội nâng cao chất lượng, khả năng bán hàng của mình, trở thành người kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Thứ 3 là giúp cho các nhà sản xuất có nhiều cửa hàng tiêu thụ sản phẩm với khối lượng ổn định hơn. Tất nhiên họ sẽ còn tiêu thụ ở nhiều nơi khác nữa nhưng G7 rõ ràng có tiềm năng trở thành nơi tiêu thụ ổn định và đóng vai trò quan trọng.
Thứ tư là phát triển hệ thống logistics sử dụng chung cho cả chuỗi mà từng nhà sản xuất hay phân phối riêng lẻ không thể có được.
Nếu G7 thành công thì đó sẽ là hệ thống phân phối lớn và hiệu quả cao trên thị trường bán lẻ. Cho đến bây giờ chúng ta mới nói nhiều về vai trò của logictics trong kinh tế cũng như khái niệm kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, ở thời điểm cách đây nhiều năm, Vũ đã nhận biết và ứng dụng nó vào kinh doanh rồi.
Khi khởi đầu như vậy, thời gian ban đầu G7 phát triển rất tốt. Tuy nhiên chỉ một vài năm sau khi các chuỗi nước ngoài ập vào do Việt Nam mở cửa rộng ngành bán lẻ thì G7 vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ.
Về mở cửa thị trường bán lẻ, khi mới gia nhập WTO, Việt Nam giữ một bảo lưu rằng các nhà bán lẻ nước ngoài khi tham gia vào thị trường Việt Nam chỉ được mở một siêu thị ban đầu. Nếu mở cái thứ 2 thì phải theo nhu cầu kinh tế được xem xét và chấp thuận từ phía chính phủ Việt Nam. Nhưng Metro và Big C vào trước khi ta gia nhập WTO thì không bị ràng buộc đó, nên họ đã kịp mở hàng chục siêu thị lớn trên cả nước.
Mặt khác, chúng ta cũng có chính sách khá sai lầm, là đối với các chuỗi cửa hàng nhỏ lẻ, chỉ quy định diện tích tối thiểu 50m2, chứ không giới hạn số cửa hàng. Diện tích này rất dễ đạt được đối với các nhà đầu tư nước ngoài nên họ ồ ạt nhảy vào mở các chuỗi cửa hàng tiện ích, khiến chuỗi G7 cùng đông đảo cửa hàng nhỏ và chợ truyền thống của Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt.
Các nhà sản xuất nông, công nghiệp cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn trên thị trường nội địa khi Việt Nam giảm thuế và rỡ bỏ các rào cản nhập khẩu theo cam kết WTO và các FTA khác trong khu vực.
Mặt khác, thị trường đất đai bùng nổ đẩy giá thuê mặt bằng lên cao chót vót, chi phí vốn và các chi phí đầu vào cho hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng tăng nhanh tới mức nhiều doanh nghiệp không chịu nổi.
Nhìn sang Israel trong cuốn Quốc Gia Khởi Nghiệp, chúng ta sẽ nhận ra ngay vai trò của Chính phủ quan trọng thế nào với các dự án khởi nghiệp và đó cũng là lý do vì sao đất nước này lại có tỷ lệ startup thành công cao tới như vậy.
Thật đáng mừng là ngày nay chúng ta đang hướng tới một Chính phủ kiến tạo, nên tôi tin sẽ ngày càng nhiều startup tâm huyết được hỗ trợ tốt hơn thời của Vũ.
Các thế hệ doanh nhân Việt trong mắt chuyên gia Phạm Chi Lan
Trương Thu Hường: Nhân nói về Israel, theo bà vì sao nền nông nghiệp quốc gia này, một người nuôi được cả trăm người trong khi đó ở Việt Nam, nhiều năm qua chúng ta vẫn đau đầu vì bài toán được mùa rớt giá, bị thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường? Có cách nào để Việt Nam học Israel hay không?
Bà Phạm Chi Lan: Phải nói Israel có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt hơn chúng ta rất nhiều lần. Quả thực, dù đi nhiều nước nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với quốc gia này bởi có những thứ mình không thể tin nổi là con người có thể làm được thì người dân nước này đã làm thành công.
Nói về phát triển nông nghiệp, người Israel luôn khiêm tốn bảo rằng vì họ không còn cách nào khác nên phải cố, vì sống trên sa mạc nhưng vẫn cần ăn, uống nên phải tìm cách làm ra nông sản. Họ phải đào sâu tới 1.000 mét mới có nước, lấy nước lên rồi dùng vào khâu dân sinh trước khi lọc lại và đưa vào hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng.
Còn ở Việt Nam, phải chăng vì điều kiện thiên nhiên quá trù phú nên chúng ta không nghĩ đến việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các tài nguyên như đất, nước, rừng, biển…?
Sự phát triển vượt bậc ở “Quốc gia khởi nghiệp” này cũng nhờ lãnh đạo đất nước có tầm nhìn rất xa, có tinh thần dân tộc, tự chủ rất mạnh. Người dân thì có lòng yêu nước sâu đậm, ý chí tự cường cao, khả năng học tập, sáng tạo lớn và quyết tâm sắt đá. Khi đã định làm điều gì, họ kiên trì làm bằng được.
Ví như việc lọc nước biển thành nước ngọt, một ý tưởng tưởng như điên rồ nhưng họ vẫn quyết tâm làm, tin tưởng và nỗ lực cho đến thành công. Hoặc như việc họ làm máy bay vào giữa những năm 1950 trong bối cảnh đất nước còn rất nghèo, không ai nghĩ họ làm được nhưng họ đã làm được.
Bài học ở đây là phải có chọn lựa đúng, chọn lựa ấy phải xuất phát từ việc đặt lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước lên trên hết chứ không phải lợi ích của bất cứ nhóm nào.
Trong nông nghiệp, họ xác định được sản phẩm cần và có thể đầu tư, sau đó là tìm kiếm và triển khai các giải pháp công nghệ, nghĩ cách tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả nhất. Hiệu quả ở đây bao gồm cả đáp ứng được yêu cầu các mặt của thị trường, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, có được thị trường tốt nhất, mang lại lợi ích lớn nhất cho nông dân. Trong thực hiện, thì phải có sự phân công, phối hợp giữa Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông- Nhà kinh doanh, với vai trò và trách nhiệm rất minh bạch của mỗi bên.
Rõ ràng, từ định hướng, chính sách của Nhà nước đến các phát minh khoa học, công nghệ và đưa vào ứng dụng đều có sự kết hợp nhuần nhuyễn. Các ý tưởng, nghiên cứu táo bạo của người dân nước này đều có tính ứng dụng rất cao, phần nhiều xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, chứ không phải là nghiên cứu rồi để đó. Các chính sách cũng cụ thể, thiết thực, nhiều khi được đưa ra cho từng trường hợp cần thiết, được thực hiện và giám sát đến nơi đến chốn.
Vì vậy ít khi họ bị thất bại về chính sách, còn khi có thất bại trong nghiên cứu, sáng tạo thì cũng giải trình được và có hướng giải quyết đi tiếp hay dừng lại như thế nào. Đây là điều chúng ta rất đáng suy ngẫm và học hỏi.
Một ví dụ nhỏ nữa tôi cũng muốn nêu ra. Đó là khi đến Israel, ở công viên hay bất cứ khoảng đất trống nào trên đường phố, thứ họ trồng không phải cây cảnh, hoa lá hay cỏ dại mà là trồng rau, trái cây. Đây là cách làm rất thiết thực, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường nhưng cũng góp phần quảng bá nông nghiệp và hình ảnh đất nước phồn thịnh.
Trương Thu Hường: Xin hỏi bà trong buổi hôm nay câu hỏi cuối: Đất nước đi qua 33 năm đổi mới đã có sự xuất hiện của nhiều doanh nhân giỏi, lập ra những doanh nghiệp tư nhân quy mô nhiều nghìn tỷ đồng, nhiều tỷ đô. Vậy trong số nhiều người tài giỏi ấy, những doanh nhân nào khiến cá nhân bà bà thật sự ấn tượng?
Bà Phạm Chi Lan: Thật ra 33 năm là quá trình rất dài, sau này có nhiều gương mặt mới nổi lên. Tuy nhiên, ấn tượng và tình cảm của cá nhân tôi vẫn dành trước hết cho lứa doanh nhân đầu của Việt Nam. Họ đã trải qua quá nhiều gian nan, “khóc cười theo vận nước nổi trôi”, mà vẫn trụ được. Tôi nghĩ họ giống như tấm gương hay người mở đường cho những người khác noi theo.
Đối với tôi, Đặng Lê Nguyên Vũ luôn luôn là một trong những doanh nhân tôi quý nhất qua các thời kỳ khác nhau, kể cả khi có việc gì đó tôi không đồng tình với anh.
Sau này Vũ gặp sóng gió, tôi càng quý trọng hơn bởi vì sóng gió như thế nhưng anh vẫn kiên tâm điều hành con thuyền khát vọng Trung Nguyên, vẫn vững tấm lòng chia sẻ với xã hội, dù có bị xã hội “ném đá” nhưng luôn trung thành với khát khao phụng sự. Đó là tinh thần rất đáng quý.
Tôi cũng hết sức quý trọng ông Lý Ngọc Minh của công ty Sứ Minh Long. Đó là con người có tâm vô cùng tốt với đất nước, với thế hệ trẻ, có sự đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ để đưa ra những sản phẩm tuyệt vời.
Ông cũng đã đóng góp liên tục rất nhiều cho các chương trình, hoạt động xã hội, đã đầu tư vào chương trình “Chiếc thìa vàng”, mỗi năm hàng chục tỷ để cổ vũ phát triển ẩm thực Việt. Tôi cũng rất mến mộ cách ông đào tạo, đối xử với nhân viên và con cái trong gia đình. Ông thực sự là người rất đáng nể, đáng quý trọng.
Thế hệ đầu cũng có anh Võ Quốc Thắng của Gạch Đồng Tâm, anh Thái Tuấn Chí của Dệt Thái Tuấn, anh Cổ Gia Thọ của Bút bi Thiên Long, anh Trương Gia Bình của FPT, anh Nguyễn Lâm Viên của Vinamit, anh Đỗ Duy Thái của Thép Việt vv…
Đó là những người đầy ý chí vượt khó, hăng say và sáng tạo trong sự nghiệp kinh doanh, tận tâm và cống hiến trong các hoạt động vì cộng đồng, xã hội. Ở họ cũng toát lên tinh thần dân tộc, ý chí tự cường rất cao và mối quan tâm chia sẻ, hỗ trợ những lứa doanh nhân trẻ đi sau rất đáng quý.
Trong nữ doanh nhân, thì tôi vô cùng yêu quý ba chị Ba – chị Ba Thi gan góc của Công ty lương thực Sài gòn thời trước đổi mới, chị Ba Sương, người nữ anh hùng của Nông trường Sông Hậu xưa lận đận với bao oan trái, và chị Ba Huân của công ty Trứng Ba Huân lừng danh ngày nay.
Ý chí vĩ đại tạo nên dân tộc vĩ đại!
KHI CÙNG NHAU, KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ!
Theo Tiền Phong
Xem thêm bài liên quan
- Câu chuyện để đời của vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ và điều đúc kết từ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
- Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ răn dạy người trẻ: “Vốn không phải là tiền bạc, vốn là khát vọng, là ước mơ”
- Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ ngẫm lại cái “nghèo tận cùng” của ngày xưa: “Mẹ tôi nghĩ nghèo khổ là số mệnh ở trời”