Thương vụ Him Lam của đại gia Dương Công Minh chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào SASG cũng đánh dấu sự thoái lui của ông Lưu Quang Lãm và IMP Corp sau gần 10 năm nắm giữ cổ phần công ty dịch vụ hàng không này.
CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam – doanh nghiệp của đại gia Dương Công Minh – vừa cho biết đã mua vào gần 2,56 triệu cổ phiếu SGN của Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SASG). Giao dịch này nâng tỷ lệ sở hữu của Him Lam tại SASG từ 0% lên 7,6% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn tại đây.
Tạm tính theo giá đóng cửa cổ phiếu SGN trong phiên 1/6 ở 74.000 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phần mà Him Lam mua vào có giá trị khoảng 192 tỷ đồng.
Theo cơ cấu cổ đông của SASG cuối quý I, cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) với hơn 16,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 48,1% vốn. 3 cổ đông lớn còn lại bao gồm Công ty CP Chứng khoán SSI nắm gần 5,9 triệu cổ phiếu (17,6%); Vietjet Air nắm 3,06 triệu cổ phiếu (9,1%) và CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMP Corp) với gần 2,56 triệu cổ phiếu (7,6%).
Đáng chú ý, khối lượng cổ phiếu SGN mà Him Lam mua vào đúng bằng khối lượng mà IMP Corp sở hữu tại đơn vị này. Do đó, nhiều khả năng đây là thương vụ mua bán sang tay giữa Him Lam và doanh nghiệp của ông Lưu Quang Lãm.
Thương vụ này cũng đánh dấu quá trình thoái hết vốn khỏi SGN sau gần 10 năm nắm giữ cổ phần của IMP Corp.
IMP Corp – doanh nghiệp của ông Lưu Quang Lãm – tham gia vào SASG từ cuối năm 2014 và từng mua thoả thuận 13% cổ phần công ty hạ tầng hàng không này với giá theo hợp đồng là 14.100 đồng/cổ phiếu, thời hạn nắm giữ cổ phần là 5 năm. So với mức giá 74.000 đồng/cổ phiếu nói trên, đây có thể xem là một khoản đầu tư thành công của IMP Corp.
Về hoạt động kinh doanh của SASG, trong quý đầu năm nay, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 329 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế theo đó tăng 98%, lên hơn 56 tỷ đồng.
Lý giải về kết quả kinh doanh này, SASG cho biết tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới những tháng đầu năm tiếp tục được kiểm soát tốt, giúp sản lượng khai thác của các hãng hàng không, đặc biệt là các chuyến bay quốc nội, tăng cao trong tháng 1 và đầu tháng 2, sau đó giảm dần và ổn định.
SASG hoạt động chính tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh, cung cấp các dịch vụ hàng không bao gồm thủ tục hàng không, hành lý, kỹ thuật sân đỗ máy bay.
Ngoài ra, đơn vị này còn các dịch vụ phi hàng không như huấn luyện, đào tạo chuyên ngành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị chuyên ngành, công nghệ thông tin chuyên ngành…
Thương vụ nói trên cũng đánh dấu bước đi tiếp theo của Him Lam và đại gia Dương Công Minh trong lĩnh vực hàng không.
Trước đó, theo nguồn tin của Tri Thức Trực Tuyến, ông Dương Công Minh chính là chủ đầu tư mới của Bamboo Airways. Vị đại gia Bắc Ninh đã thể hiện rất rõ sự hiện diện tại hãng hàng không này dù chưa trực tiếp đứng tên trong cơ cấu sở hữu.
Cụ thể, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 9/5, ông Lê Thái Sâm, Thành viên HĐQT Bamboo Airways, cho biết tổng số tiền nợ gốc và lãi mà Bamboo Airways đang nợ cá nhân ông tính đến ngày 10/4 là 7.727 tỷ đồng. Theo đó, ông Sâm đã ký nhiều hợp đồng cho Bamboo Airways vay tiền mặt (không lãi suất, lãi thấp và không tài sản đảm bảo) để giúp hãng vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính.
Số tiền mà cá nhân ông Sâm cho Bamboo Airways vay tương đương với con số mà Công ty CP Him Lam đã cho hãng bay này vay là xấp xỉ 8.000 tỷ đồng. Cá nhân ông Dương Công Minh và ông Lê Thái Sâm cũng có nhiều mối liên hệ trên thương trường.
Việc nắm thêm cổ phần tại một công ty phục vụ mặt đất như SASG cho thấy tham vọng của ông Dương Công Minh trong việc giúp Bamboo Airways có thêm ưu thế trong các dịch vụ thủ tục, sân đỗ, thang nối.
Bamboo Airways đang nằm trong tay ai?
Hơn 7.700 tỷ đồng mà ông Lê Thái Sâm cho Bamboo Airways vay có giá trị gần bằng với khoản tiền gần 8.000 tỷ đồng mà Công ty CP Him Lam đã cho hãng bay này vay.
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 9/5, ông Lê Thái Sâm, Thành viên HĐQT Bamboo Airways cho biết tổng số tiền nợ gốc và lãi mà Bamboo Airways đang nợ cá nhân ông tính đến ngày 10/4 là 7.727 tỷ đồng. Theo đó, ông Sâm đã ký nhiều hợp đồng cho Bamboo Airways vay tiền mặt (không lãi suất, lãi thấp và không tài sản đảm bảo) để giúp hãng vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính.
Số tiền cho vay rất lớn khiến ông Lê Thái Sâm nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của thị trường và các nhà đầu tư.
Trở lại với hơn 7.700 tỷ đồng mà ông Lê Thái Sâm cho Bamboo Airway vay.
Trả lời Zing hồi tháng 3, đại diện Bamboo Airways tiết lộ thêm sau đại dịch Covid-19, những biến cố lớn liên quan đến nhân sự cấp cao đã khiến hãng hàng không đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng. Lúc này, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng.
Điển hình như Công ty CP Him Lam đã cho Bamboo Airways vay gần 8.000 tỷ đồng. Nhờ đó hãng đã vượt qua khó khăn, dần ổn định.
Có thể thấy, số tiền mà ông Lê Thái Sâm cho Bamboo Airways vay có sự tương đồng với con số mà Công ty CP Him Lam đã cho hãng bay này vay.
Đáng nói, Công ty CP Him Lam chính là doanh nghiệp của đại gia Bắc Ninh – ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank – người đang giữ vai trò cố vấn cấp cao của Bamboo Airways từ tháng 8/2022.
Ông Minh được biết tới là một doanh nhân kỳ cựu có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản.
Trước khi chính thức hiện diện tại Bamboo Airways, ông Dương Công Minh đã là nhân vật có nhiều liên quan tới các giao dịch, cá nhân tại hãng hàng không này và Tập đoàn FLC.
Cụ thể, Sacombank – nơi ông Dương Công Minh làm Chủ tịch – chính là một trong những chủ nợ lớn nhất của FLC và Bamboo Airways.
Cá nhân ông Dương Công Minh và ông Lê Thái Sâm cũng có nhiều mối liên hệ trên thương trường.
Trong đó, ông Sâm từng là Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC (DIC) – công ty liên kết của DIC Corp (DIG) – giai đoạn 2009-2012. Trong đó, Him Lam của ông Dương Công Minh từng hiện diện tại DIG với vai trò cổ đông lớn giai đoạn 2020-2022.
Ngoài ra, ông Sâm từng là Thành viên HĐQT Công ty CP Khu công nghiệp Suối Dầu (Sudazi) giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Sudazi là doanh nghiệp phát triển dự án Khu công nghiệp Suối Dầu quy mô 133,95 ha tại tỉnh Khánh Hoà. Dự án này do Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hoà (TIC) – doanh nghiệp có nhiều giao dịch tài chính với Công ty Chứng khoán Liên Việt và LienVietPostBank – làm chủ đầu tư.
Trước đó, ông Lê Thái Sâm cũng từng dùng 125.000 cổ phần BAV thế chấp tại LienVietPostBank để đảm bảo cho một khoản vay cá nhân tại ngân hàng.
Trên thị trường, bên cạnh Him Lam, Chứng khoán Liên Việt cùng LienVietPostBank đều là những doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh.
Cũng trong lần chia sẻ hồi tháng 3, đại diện Bamboo Airways xác nhận hãng đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ (là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan FLC). Danh tính nhà đầu tư vẫn được giữ kín cho đến khi người này sở hữu trên 50% cổ phần tại Bamboo Airways.
Theo nguồn tin của Zing, nhà đầu tư này chính là ông Dương Công Minh.
Nhờ sự trợ giúp của vị đại gia Bắc Ninh cùng với kế hoạch phát hành 1,15 tỷ cổ phần mới, Bamboo Airways dự kiến nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Bamboo Airways sẽ vượt qua Vietnam Airlines (22.144 tỷ đồng) để trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Nguồn vốn mới sẽ giúp Bamboo Airways giảm dư nợ cũ, tiếp tục đẩy nhanh và mạnh kế hoạch gia tăng số lượng đội tàu bay, mở rộng mạng bay quốc tế, bổ sung lựa chọn dịch vụ hàng không chất lượng.
Theo Zingnews