Hãng hàng không Bamboo Airways xác nhận hãng đang trong giai đoạn đàm phán, hoàn thành một phần thủ tục với nhà đầu tư mới.
Chia sẻ với Zing, đại diện Bamboo Airways xác nhận hãng đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan Tập đoàn FLC.
Vị đại diện cho biết với vai trò là tổ chức phát hành, Bamboo Airways đã tích cực hỗ trợ thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông cũ cho nhà đầu tư mới.
Việc chuyển nhượng được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng.
Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án.
Vị đại diện này cũng cho biết thêm sau đại dịch Covid-19, những biến cố lớn liên quan đến nhân sự cấp cao đã khiến hãng hàng không đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng.
Lúc này, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như Công ty CP Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng. Nhờ đó hãng đã vượt qua khó khăn, dần ổn định.
Được biết, Công ty CP Him Lam chính là doanh nghiệp của đại gia Dương Công Minh, người giữ vai trò cố vấn cấp cao của Bamboo Airways từ tháng 8/2022. Vị này đồng thời là một doanh nhân kỳ cựu có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản.
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra sáng 4/3 của Tập đoàn FLC, Ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT FLC, cũng cho biết công ty đã có kế hoạch chuyển nhượng cổ phần sở hữu tại Bamboo Airways.
Theo vị lãnh đạo FLC, hiện tại, khoản đầu tư của tập đoàn vào hãng bay này là 4.015 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của Bamboo Airways.
Trong năm 2021, hãng bay này hoạt động kinh doanh không có lãi, nên FLC phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư trên 373 tỷ đồng. Số trích lập này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 lên 3.642 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư khiến FLC phải trích lập dự phòng nhiều nhất tính đến cuối năm 2022.
Bamboo Airways được FLC thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này nắm 100%. Qua các đợt tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways dần giảm xuống.
Đến tháng 4/2022, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết FLC là cổ đông lớn nhất góp hơn 3.580 tỷ đồng vào Bamboo Airways và nắm 51,24% vốn hãng bay. Bên cạnh đó, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng góp hơn 2.800 tỷ đồng, tương đương 40,03% vốn và các cổ đông khác góp hơn 610 tỷ đồng, nắm 8,73%.
Đến báo cáo tài chính quý gần nhất, tỷ lệ sở hữu của FLC tại hãng bay này đã giảm về 21,7% trên tổng vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng, tương ứng khoản đầu tư 4.015 tỷ đồng.
Về hoạt động của Bamboo Airways, trong hai năm đầu hoạt động 2019-2020, FLC cho biết hãng bay này đều có lãi. Tuy nhiên đến năm 2021-2022, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động hàng không đã khiến Bamboo Airways thua lỗ liên tục và FLC phải trích lập hàng nghìn tỷ đồng cho khoản đầu tư vào đây.
Nhân sự được ông Trịnh Văn Quyết ủy quyền cổ đông sắp trở lại FLC tham gia hội đồng quản trị tập đoàn
Sáng 4/3, Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 sau khi phiên họp bất thường lần 1 ngày 5/2 không thể diễn ra do không đủ số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Theo quy định, trong lần tổ chức họp cổ đông bất thường lần 2, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện có trên 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Đến thời điểm tổ chức, FLC ghi nhận 279 cổ đông, đại diện cho trên 313,1 triệu cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, chiếm tỷ lệ 44% vốn điều lệ FLC.
Theo chương trình, nội dung chính của phiên họp bất thường lần này vẫn là để các cổ đông FLC thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Đặng Tất Thắng và bà Bùi Hải Huyền. Đồng thời, các cổ đông doanh nghiệp này sẽ bầu ra hai nhân sự mới cho HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026.
Danh sách ứng viên dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT FLC bao gồm bà Vũ Đặng Hải Yến và bà Trần Thị Hương.
Đáng chú ý, bà Hải Yến chính là nhân sự được cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ủy quyền toàn bộ quyền cổ đông tại FLC, Bamboo Airways và quyền liên quan đến các tài sản thuộc sở hữu của ông từ tháng 3 năm ngoái.
Tại thời điểm được ông Quyết ủy quyền, bà Yến là Phó tổng giám đốc FLC, nhưng sau đó đã xin thôi giữ chức vụ này từ tháng 7/2022.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hương là người vừa được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc thường trực FLC đầu tuần này. Theo giới thiệu, bà Hương sinh năm 1983, có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Northumbria (Anh).
Bà là nhân sự có nhiều năm công tác trong hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan FLC và từng giữ vai trò Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes; Giám đốc nhân sự Công ty Phát triển và Đầu tư Đô thị Việt Hưng; Trưởng ban nhân sự Tập đoàn FLC…
Trước khi được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc thường trực FLC bà cũng là Phó tổng giám đốc tại tập đoàn này.
Bên cạnh nội dung về nhân sự, tại phiên họp bất thường sáng nay, HĐQT FLC cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho tổng giám đốc ký bản kiến nghị cơ quan quản lý cho phép cổ phiếu FLC được đăng ký giao dịch trên UPCoM và thông qua chủ trương tái cơ cấu toàn diện, xử lý các vấn đề tài chính tồn đọng từ năm 2015 đến nay.
Ngoài ra, các cổ đông FLC cũng sẽ thống nhất thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Quy chế nội bộ về quản trị công ty, Quy chế hoạt động của HĐQT.
Liên quan tới cổ phiếu FLC, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo tiếp nhận đăng ký giao dịch cổ phiếu này từ ngày 24/2. Theo đó, HNX chấp thuận đăng ký giao dịch cho gần 710 triệu cổ phiếu của FLC trên UPCoM. Tuy nhiên, Sở cũng đồng thời ban hành quyết định đình chỉ giao dịch với mã chứng khoán này.
HNX cho biết sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy niêm yết bắt buộc, FLC vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng nên cổ phiếu FLC đã được HNX chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Tuy nhiên, theo quy định, cổ phiếu đăng ký giao dịch ở UPCoM sẽ bị đình chỉ nếu tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, hoặc công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do cơ quan quản lý xét thấy cần thiết phải hủy bỏ niêm yết nhằm đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, HNX đã ban hành quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn FLC và quyết định đưa cổ phiếu này vào diện đình chỉ giao dịch.
Theo Zingnews