Báo cáo tài chính đã qua kiểm toán năm 2022 của Samsung ghi nhận hoạt động của các nhà máy tại Việt Nam đóng góp đến 30% tổng doanh thu của tập đoàn Hàn Quốc này.
Cụ thể, trong năm 2022, Samsung đạt doanh thu hơn 234 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 39%, đạt trên 43 tỷ USD.
Trong đó, 4 nhà máy tại Việt Nam đóng góp khoảng 30% vào tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, lợi nhuận của các cơ sở này chỉ khoảng 4,6 tỷ USD, tương đương hơn 10% lợi nhuận cả năm của tập đoàn.
Năm qua, Samsung Thái Nguyên (SEVT) tiếp tục là nhà máy có doanh thu cao nhất ở Việt Nam của ông lớn Hàn Quốc với gần 28 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021. Lợi nhuận đồng thời tăng 18% lên gần 2,1 tỷ USD.
Đến nay, đây vẫn là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới của Samsung, với tổng số vốn đăng ký đầu tư lên đến hơn 7,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Samsung Display (SDV) tại Bắc Ninh từng gây chú ý khi vượt mặt SEVT trong quý IV/2022, nhưng tính chung doanh thu cả năm 2022 vẫn chỉ đạt chưa đầy 20 tỷ USD. Lợi nhuận đem về khoảng 1 tỷ USD.
Nhà máy còn lại cũng ở Bắc Ninh là Samsung Electronics (SEV) ghi nhận hơn 18,5 tỷ USD doanh thu và hơn 1,2 tỷ USD lợi nhuận.
Còn với cơ sở ở TP.HCM – Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC), tập đoàn thu về gần 5 tỷ USD doanh thu. Lãi giảm nhẹ, còn khoảng 300 triệu USD.
Theo ông Park Hark Kyu – Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Samsung Electronics, giá trị xuất khẩu của tập đoàn năm vừa qua đạt 65 tỷ USD, góp gần 9% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trị giá 700 tỷ USD.
Đầu tháng 12/2022, Phó chủ tịch Samsung Han Jong-hee cho biết có kế hoạch nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD, từ mức 18 tỷ USD hiện tại, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Đồng thời, tập đoàn dự định sản xuất các sản phẩm công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam.
Cũng trong khoảng thời gian này, Samsung khai trương Trung tâm nghiên cứu và Phát triển (R&D) ở Hà Nội với sự góp mặt của Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong.
Với quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD, đây là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á, tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, dữ liệu lớn, các sản phẩm di động như smartphone và tablet.
Không chỉ Samsung, các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc khác như LG, Deawoo, Hyundai Motor và GS E&C cũng cam kết tăng cường đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, ông Kwon Bong Seok – Phó chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn LG – bày tỏ mong muốn đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại của LG trong tương lai.
Hay Tập đoàn Lotte cũng đã đầu tư gần 5 tỷ USD vào Việt Nam và coi đây là thị trường lớn thứ 3 chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đế chế Samsung khổng lồ như thế nào: Chiếm 20% GDP toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc, sản xuất tất tần tật từ điện thoại đến máy bay
Tập đoàn Samsung chiếm 20% GDP toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc. Người Hàn Quốc thường sống trong các tòa chung cư của Samsung, có thể được điều trị từ các trung tâm y tế do Samsung sở hữu, đến các trường đại học của Samsung và thậm chí kết thúc tại nhà tang lễ của Samsung khi qua đời…
Samsung là một trong những tập đoàn góp công tạo nên kỳ tích sông Hán, đưa Hàn Quốc giàu lên nhanh chóng. Công ty cũng đã bước qua nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế lớn, và ngày một mạnh mẽ hơn.
Hàn Quốc thiếu tài nguyên thiên nhiên, bị kẹp giữa hai đất nước hùng mạnh là Trung Quốc và Nhật Bản, thường trực nguy cơ chiến tranh với Hàn Quốc. Vậy nên đáng lẽ Hàn Quốc phải là một đất nước nghèo.
Bất chấp những khó khăn trên, Hàn Quốc hiện đang có nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Một động lực lớn dẫn tới sự thành công của Hàn Quốc là một doanh nghiệp: Samsung.
Trong tiếng Hàn, cụm từ chaebol được dùng để chỉ những tập đoàn gia đình lớn như Samsung, LG, Hyundai. Sức ảnh hưởng của các chaebol đến kinh tế, chính trị và đời sống người dân Hàn Quốc là vô cùng lớn.
Theo Statista, vào năm 2021, doanh thu của 10 tập đoàn chaebol lớn nhất tại Hàn Quốc gần tương đương với 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Và chỉ riêng tập đoàn Samsung đã chiếm hơn 1/3 tổng doanh thu của top 10 chaebol.
Tại Hàn Quốc, có hai loại chaebol: Samsung và các chaebol còn lại. Học sinh Hàn Quốc chuẩn bị cả đời để có cơ hội được tham gia cùng khoảng 100.000 người khác trong kỳ thi Đánh giá Năng lực Samsung (SAT). Khi trượt kỳ thi của Samsung, các ứng viên sẽ phải tìm đến các chaebol khác như Hyundai hay LG.
Ngày nay, Samsung là một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới. Samsung Electronics, mảng kinh doanh chủ lực của tập đoàn, sản xuất một loạt mặt hàng điện tử tiêu dùng và công nghiệp, bao gồm thiết bị gia dụng, thiết bị kỹ thuật số, chip bán dẫn, chip nhớ và hệ thống tích hợp.
Không chỉ thống trị lĩnh vực thiết bị điện tử, Samsung còn có chỗ đứng trong ngành công nghiệp đóng tàu với Samsung Heavy Industries; ngành xây dựng với Samsung Engineering và Samsung C&T; ngành quảng cáo với Chiel Worldwide.
Tòa tháp cao nhất thế giới, công viên chủ đề, pháo tự hành hay máy bay chiến đấu, đều đã được Samsung sản xuất, xây dựng (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Getty Images, Shutterstock).
Trong quá khứ, Samsung còn sở hữu Samsung Aerospace Industries và Samsung Techwin (hiện đã bán cho tập đoàn Hanwha), hai công ty từng tham gia chế tạo máy bay chiến đấu KF-16 và pháo tự hành K9 Thunder, cũng như nhiều loại vũ khí khác. Tòa tháp cao nhất thế giới, Burj Khalifa, có nhà thầu chính là công ty xây dựng Samsung C&T.
Samsung đã trở thành một trong những cái tên dễ nhận biết nhất trong lĩnh vực công nghệ và chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Theo Companymarketcap.com, vốn hóa của riêng Samsung Electronics là 299,7 tỷ USD vào ngày 7/12.
Trong khi đó, toàn thị trường chứng khoán Hàn Quốc mới có vốn hóa vào khoảng 1.500 tỷ USD. Hay nói cách khác, 20% vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán Hàn Quốc nằm trong tay một công ty con của Samsung.
Samsung không chỉ có sức ảnh hưởng tới nền kinh tế Hàn Quốc. Ở Việt Nam, một trong những trung tâm sản xuất chính của Samsung, công ty mang về doanh thu 74,2 tỷ USD vào năm 2021.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP của Việt Nam vào năm 2021 là 362,6 tỷ USD. Như vậy, doanh thu của Samsung tại Việt Nam tương đương với 20,5% GDP.
Theo Zingnews, Tổng hợp