Lợi nhuận của LG trong quý I cao gần gấp 3 lần Samsung, bất chấp những lo ngại liên quan đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo The Korea Herald, LG Electronics mới đây đã công bố những số liệu tài chính quý I. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên tập đoàn này có kết quả kinh doanh vượt qua đối thủ Samsung Electronics sau hơn một thập kỷ.
Báo cáo tài chính của LG cho biết lợi nhuận từ hoạt động trong quý I đạt 1.500 tỷ won (tương đương 1,12 tỷ USD), giảm 22,9% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức 467 triệu USD của Samsung Electronics trong cùng kỳ.
Tuy nhiên, doanh thu quý I của LG Electronics đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 20.420 tỷ won. Lãi ròng giảm đến 61%, về mức 546,5 tỷ won.
Điểm sáng của LG đến từ đơn vị giải pháp không khí và thiết bị gia dụng, với mức lợi nhuận kỷ lục lên tới 1.190 tỷ won. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tập đoàn, một bộ phận kinh doanh ghi nhận lợi nhuận hàng quý vượt qua mốc 1.000 tỷ won.
LG cho biết thành tích trên đạt được nhờ sự ổn định trong chi phí nguyên vật liệu và doanh số bán hàng tốt của các thiết bị gia dụng cao cấp.
Tập đoàn cũng cho biết nhu cầu về TV đang ngày càng tăng ở thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho cũng đã giảm. Điều này góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh TV của LG phục hồi trở lại và tạo ra bước ngoặt mới sau khi hãng bị lỗ trong ba quý liên tiếp.
Mảng linh kiện xe hơi của LG bất ngờ đạt được kết quả khả quan nhất trong các hạng mục kinh doanh của tập đoàn. Doanh thu trong ba tháng đầu năm của hãng đạt 2.390 tỷ won và lợi nhuận thu về ở mức 54 tỷ won.
Các nhà phân tích dự báo LG có thể ghi nhận mức lợi nhuận lên tới 4.700 tỷ won (khoảng 3,5 tỷ USD) trong năm nay, cao hơn khoảng 32% so với năm trước.
“LG sẽ tăng cường khả năng sinh lời bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh của mình. Chúng tôi đã lên kế hoạch để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh về nội dung và dịch vụ”, báo cáo của LG cho biết.
Các “ông lớn công nghệ” Intel, Samsung, LG cân nhắc mở rộng đầu tư vào Việt Nam
Sáng 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Phát biểu tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho biết nền kinh tế toàn cầu đã trải qua thời kỳ đầy bất ổn gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp châu Âu và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) đã biến động trong 12 tháng qua, giảm từ 73 điểm trong quý I/2022 xuống chỉ còn 48 điểm trong quý IV/2022 và quý I/2023.
“Các số liệu trong báo cáo quý I cho thấy có dấu hiệu hy vọng, khi chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp châu Âu về nền kinh tế Việt Nam đã tăng 8 điểm, mặc dù chỉ số BCI vẫn ở mức 48 điểm”, ông nói.
Quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam giảm
Chia sẻ về tình hình đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong quý I chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống còn 344 dự án, đưa Hàn Quốc – nhà đầu tư số một tại Việt Nam – xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
“Hiện nay, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước năm ngoái đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỷ USD”, ông thông tin.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sử dụng khoảng 700.000 lao động và đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế, ông Hong Sun và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc biết rằng Chính phủ Việt Nam cũng rất lo ngại về việc các công ty Hàn Quốc sẽ cắt giảm đầu tư.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.
“Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam như Công ty Điện tử Samsung. Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ôtô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng”, ông Hong Sun nói.
Ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam đánh giá năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với thế giới.
Kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng chủ yếu từ 3 nguyên nhân bao gồm căng thẳng địa chính trị, chiến tranh Ukraine và lạm phát toàn cầu tác động đến kinh tế vĩ mô.
“Những vấn đề trên đã và đang ảnh hưởng đến Việt Nam, bằng chứng là GDP quý I của Việt Nam tăng trưởng thấp”, ông nói.
Với Intel, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết khoản đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên 1,5 tỷ USD và doanh nghiệp mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam.
Xem thêm bài liên quan
- “Ông vua văn phòng phẩm” bút bi Thiên Long lãi gần 1,5 tỷ đồng/ngày: 5 tháng hoàn thành 38% chỉ tiêu doanh thu và 43% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm
- “Gã khổng lồ” công nghệ Samsung thu gần 16 tỷ USD tại thị trường Việt Nam trong quý I năm 2023
- Hàng loạt “gã khổng lồ” gồm Samsung, Hyundai, LG và hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc sắp sang thăm Việt Nam