Tỷ phú Elon Musk đã rất tức giận khi ChatGPT thành công và trở thành hiện tượng toàn cầu. Trước đó, ông từng là nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI nhưng rút vốn vì mâu thuẫn.
Ít ai biết rằng người đàn ông giàu nhất hành tinh từng là một trong những nhà đầu tư kỳ cựu tại startup OpenAI, cha đẻ của ChatGPT.
Những nguồn tin nội bộ gần đây cho biết trước khi OpenAi trở thành hiện tượng toàn cầu với chatbot toàn năng, năm 2018, Elon Musk đã đề nghị mua lại và nắm quyền điều hành toàn bộ phòng nghiên cứu phi lợi nhuận nhưng không được chấp nhận.
Elon Musk muốn thâu tóm OpenAI
Vào thời điểm đó, ông là vị tỷ phú nổi tiếng vì thường xuyên hỗ trợ vốn cho các startup công nghệ.
Năm 2015, OpenAI ra mắt nhận được nguồn tài trợ trị giá hơn 1 tỷ USD từ CEO Tesla Elon Musk, đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và một số nhà đầu tư khác. Musk từng giữ chức đồng chủ tịch của nhóm nghiên cứu AI và tham gia quyết định dự án huấn luyện hệ thống bằng những bài viết trên Reddit.
Đến đầu năm 2018, nói với nhà đồng sáng lập Sam Altman, Elon Musk cho rằng OpenAI đang bị thua kém so với Google. Do đó, Musk đề xuất giải pháp rằng ông sẽ nắm quyền lãnh đạo tại OpenAI và tự bỏ vốn vận hành công ty.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo OpenAI, bao gồm cả nhà đồng sáng lập Greg Brockman và Sam Altman không chấp nhận yêu cầu mua lại của Elon Musk. Đây chính là lý do khiến vị tỷ phú rời khỏi ban quản trị OpenAI vào năm 2018, đồng thời rút khoản đầu tư khổng lồ đã định trước.
Nói với báo giới, Elon Musk và OpenAI cho biết ông rút lui để “loại bỏ xung đột tiềm ẩn trong tương lai” khi Tesla tập trung vào AI. Dù rời đi nhưng OpenAI nói rằng tỷ phú Elon Musk vẫn tiếp tục quyên góp cho tổ chức phi lợi nhuận này. Song, nhân viên của OpenAI không tin vào lý do thoái thác này.
Trên thực tế, CEO Tesla cắt mọi khoản hỗ trợ tài chính sau khi rời khỏi công ty, gây ra một lỗ hổng lớn trong ngân sách OpenAI. Musk từng cam kết sẽ quyên góp 1 tỷ USD cho OpenAI nhưng khoản tiền này đã ngừng lại ngay sau khi ông rời khỏi.
Điều này khiến OpenAI không thể trả khoản phí không tưởng cho quy trình huấn luyện mô hình AI với các siêu máy tính. “Mâu thuẫn giữa Elon Musk và Sam Altman chính là khởi nguồn cho tranh cãi gần đây giữa hai gã khổng lồ hàng đầu trong giới công nghệ”, Semafor nhận định.
Elon Musk rút vốn vì bất mãn
Vào thời điểm đó, các nhân viên tại OpenAI cảm nhận rõ sự thay đổi này. Chi phí để trở thành công ty đi đầu trong lĩnh vực AI tiêu tốn của họ rất nhiều.
Trong đó, Google Brain là một dự án hứa hẹn bởi AI này có thể tự cải thiện theo vòng lặp vĩnh viễn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải cung cấp lượng dữ liệu vô hạn để rèn luyện nó, tương đương với một khoản phí không tưởng.
Do đó, startup AI đã quyết định chia thành 2 phần bao gồm phòng nghiên cứu phi lợi nhuận như trước đây và doanh nghiệp OpenAI Limited Partnership thành lập vào năm 2019.
Động thái này một phần là vì Elon Musk rút vốn, một phần là OpenAI muốn gom đủ vốn vận hành hệ thống siêu máy tính cho mô hình máy học đắt tiền như Google Brain, nguồn tin nội bộ cho biết.
“Chúng tôi muốn vừa đảm bảo nguồn vốn, vừa giữ được sứ mệnh ban đầu”, đại diện OpenAI cho biết. Startup cho biết lợi nhuận từ kinh doanh sẽ chảy về túi các nhà đầu tư, phần còn dư sẽ dành cho phòng nghiên cứu phi lợi nhuận.
CEO Sam Altman cũng đưa ra quyết định không ai ngờ tới: không giữ bất kỳ vốn cổ phần nào trong doanh nghiệp mới thành lập. Nguồn tin nội bộ cho biết ông đã đủ dư dả và giàu có nhờ đầu tư vào các startup công nghệ thành công khác.
Ông cho rằng OpenAI cần chuyển sang kinh doanh để tiếp tục vận hành bình thường nhưng dự án của họ sẽ không phải vì lợi nhuận. Việc không giữ cổ phần nào trong công ty giúp ông giữ vững sứ mệnh ban đầu của mình.
Chưa đầy 6 tháng sau, OpenAI nhận 1 tỷ USD đầu tiên từ Microsoft, trao cho Microsoft quyền thương mại hóa công nghệ của mình. Hai bên đã hợp tác xây dựng siêu máy tính rèn luyện những mô hình ngôn ngữ khổng lồ, tiền thân của ChatGPT hay DALL-E.
Mãi đến khi ChatGPT chính thức ra mắt vào tháng 11/2022, OpenAI trở thành một cái tên nổi bật trong giới startup công nghệ, khiến hàng loạt ông lớn sửng sốt. Lúc đó, Elon Musk đã rất giận dữ, nguồn tin nội bộ cho biết.
Một tháng sau khi ChatGPT xuất hiện, Elon Musk tuyên bố tạm dừng quyền truy cập của OpenAI vào cơ sở dữ liệu Twitter sau khi biết công ty này đang sử dụng nền tảng mạng xã hội này để đào tạo chatbot thông minh.
“OpenAI vốn là một mã nguồn mở, là công ty phi lợi nhuận muốn cạnh tranh với Google nhưng giờ nó đã trở thành một dự án mã nguồn đóng, hoạt động vì lợi nhuận dưới sự kiểm soát của Microsoft”, Elon Musk viết trên Twitter cá nhân.
“Tôi vẫn không hiểu tại sao một dự án phi lợi nhuận mà tôi đã đầu tư 100 triệu USD giờ lại trở thành một doanh nghiệp vì lợi nhuận có vốn hóa hơn 30 tỷ USD”, trích bài đăng của vị tỷ phú ngày 15/3.
Đầu tư vào OpenAI nhưng Elon Musk cảnh báo: “AI là mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai nhân loại”
Elon Musk là đồng sáng lập và từng có chân trong hội đồng quản trị của OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT. Tuy nhiên, ông không hào hứng khi chatbot AI này gây sốt trên toàn cầu, qua đó kích hoạt cuộc đua mới với sự tham gia của hàng loạt ông lớn công nghệ.
Hôm 15/2, trong bài phát biểu qua video tại sự kiện World Government Summit, diễn ra ở Dubai, tỷ phú Elon Musk cảnh báo rằng AI là “một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của nền văn minh”.
ChatGPT, một chatbot AI đang được bàn tán xôn xao trên toàn cầu, làm dấy lên tranh luận về tương lai của AI và cách công nghệ này sẽ tác động đến con người.
“Nó có cả mặt tích cực hoặc tiêu cực, có những hứa hẹn, khả năng tuyệt vời. Điều đó đi kèm với mối nguy hiểm lớn”, Elon Musk cảnh báo.
Theo tỷ phú, cơn sốt ChatGPT là minh chứng rõ ràng cho nhân loại về sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. “AI đã phát triển được một thời gian, chỉ là nó không có giao diện để mọi người đều truy cập được”, ông nói thêm.
Các nhà lập pháp và giới lãnh đạo ngành công nghệ thường xuyên thảo luận về tầm quan trọng của việc điều chỉnh AI, hạn chế sự phân biệt đối xử và ngăn công cụ này đưa ra những quyết định sai lầm.
Ngay cả CEO OpenAI, Sam Altman, cũng từng cho rằng khả năng của ChatGPT và các công nghệ AI khác có thể là dấu chấm hết cho loài người.
“Tôi lo lắng hơn về trường hợp vô tình sử dụng sai mục đích trong thời gian ngắn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng bảo đảm an toàn và định hướng đúng đắn cho AI là việc thật sự quan trọng”, ông cho biết.
Đồng quan điểm, Elon Musk cũng cho rằng nên bảo đảm an toàn khi phát triển trí tuệ nhân tạo. “Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng chúng ta cần điều chỉnh sự an toàn của AI. Tôi nghĩ đó thực sự là một rủi ro đối với xã hội, lớn hơn cả ôtô, máy bay hay thuốc men”, ông nói hôm 15/2.
CEO Tesla cho rằng việc đưa ra các quy định chặt chẽ có thể khiến cho tiến bộ trong lĩnh vực phát triển AI chậm lại một chút nhưng đó là điều tốt.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- CEO OpenAI Sam Altman xác nhận tạm dừng phát triển ChatGPT do lo ngại các nguy cơ có thể xảy ra cho xã hội và nhân loại
- Đầu tư vào OpenAI nhưng Elon Musk cảnh báo: “AI là mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai nhân loại”
- Sam Altman, Founder kiêm CEO của OpenAI, “Cha đẻ” siêu AI ChatGPT chính thức bị ban điều hành đuổi việc