Ngày 05/01/2023, Vietnam Report đã chính thức tổ chức Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500).
Đây là danh sách thường niên được Vietnam Report công bố nhằm vinh danh các doanh nghiệp có quy mô lớn, thành tích kinh doanh hiệu quả, ổn định và uy tín.
Cũng tại sự kiện này, Ban tổ chức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Dược – Logistics – Du lịch- Vận tải hành khách – Thức ăn chăn nuôi năm 2022.
Theo đánh giá của Vietnam Report, thế giới đang dần chuyển sang một trạng thái mới, một chu kỳ kinh tế mới sau gần ba năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường, nền kinh tế Việt Nam dù không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng nhưng đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, dần vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch và lấy lại đà tăng trưởng vốn có.
Năm 2022 được coi là một thành công lớn khi nền kinh tế nước ta là điểm sáng trong khu vực, với nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, tăng trưởng GDP đạt 8,02% – mức cao nhất trong 12 năm qua.
Đóng góp không nhỏ vào thành tựu kể trên không thể không nhắc tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo khảo sát các doanh nghiệp VNR500 được Vietnam Report thực hiện trong tháng 10-11/2022, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể khi phần lớn các chỉ tiêu kinh tế như doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động, số lượng nhân viên, số lượng khách hàng đều tăng lên so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm nay đối với 108 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, 59,3% số doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong suốt giai đoạn 2019-2021 và 9 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, 23,1% số doanh nghiệp đang trên đà phục hồi, trong đó tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Dược và Thực phẩm – Đồ uống. Nếu so với thời điểm cách đây một năm, tình hình đã được cải thiện rất nhiều.
Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp VNR500 và Top 10 Công ty uy tín các ngành trọng điểm vẫn giữ vững được vị thế và vai trò là đầu tàu của nền kinh tế nước nhà, với chiến lược hiệu quả, tiến bước trong số hoá và đổi mới tư duy quản trị, thể hiện bản lĩnh và sức chống chịu mạnh mẽ để từng bước vượt qua đại dịch, khôi phục vững chắc hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trải qua 16 năm hoàn thiện và phát triển, thương hiệu VNR500 đã trở thành bệ phóng hỗ trợ doanh nghiệp tạo dựng uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, quảng bá hình ảnh tới đông đảo khách hàng, đối tác và nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ sự kiện, Vietnam Report đã giới thiệu Báo cáo song ngữ Sách trắng Kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề “Tái thiết để tăng trưởng”. Bên cạnh những tổng kết về thành quả đã đạt được trong năm 2022, Báo cáo còn tập hợp quan điểm của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp về chính sách kinh tế cũng như bài học kinh nghiệm để vượt qua khó khăn trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, đồng thời đề cập đến một số dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2023.
Top 10 trong Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022 gồm: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Vingroup – Công ty CP, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Trong đó, Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam không có nhiều thay đổi khi 9 trong 10 vị trí vẫn được chiếm lĩnh bởi các đại diện của năm 2021 nhưng thay đổi về thứ hạng, đặc biệt là các vị trí trong Top 5.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát được đánh giá là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022, tăng 3 bậc so với vị trí thứ 4 vào năm ngoái. Hòa Phát cũng đồng thời chiếm ngôi đầu bảng của Vingroup, đẩy doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuống vị trí thứ 2.
Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng này, tụt 1 bậc so với năm 2021. Masan được nâng lên một hạng, đứng ngay sau Thế Giới Di Động.
Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji ghi nhận bước lùi từ vị trí thứ 3 (vào năm 2021) xuống vị trí thứ 5.
Các thứ hạng còn lại thuộc về những đại diện quen thuộc, lần lượt là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty CP Tập đoàn Thành Công. Cuối cùng là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Trong khi đó, xét theo ngành, C.P. Việt Nam đứng đầu trong Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2022.
Theo sau lần lượt là Công ty TNHH De Heus, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty CP Greenfeed Việt Nam, Công ty CP Việt-Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Mavin, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH Sunjin Vina, Công ty CP Dinh dưỡng Hồng Hà.
Với ngành dược, Công ty CP Dược Hậu Giang đứng đầu danh sách Top 10 doanh nghiệp sản xuất dược uy tín năm 2022.
Công ty CP Vacxin Việt Nam được đánh giá là uy tín hàng đầu trong nhóm Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế. Ngoài ra, chuỗi Pharmacity (Công ty CP Dược phẩm Pharmacity) cũng được xếp vào danh sách này.
Với ngành du lịch, những doanh nghiệp quen thuộc cũng lọt Top 10 uy tín như Vietravel, Saigontourist.,…
Ngành Logistics, nhóm ngành Giao nhận vận tải quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4 ghi nhận Top 10 doanh nghiệp uy tín bao gồm: Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần, Công ty CP Gemadept, Công ty CP Giao nhận Toàn cầu DHL (Việt Nam), Công ty CP Transimex, Công ty TNHH Expeditors Việt Nam, Công ty CP Giao nhận Vận tải Con Ong (Bee Logistics), Công ty TNHH Kuehne+Nagel, Công ty CP Kho vận Miền Nam, Công ty CP Vinafreight, Công ty CP Dịch vụ Hàng hải Hàng không Con Cá Heo.
Nhóm ngành Vận tải hàng hóa bao gồm: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí, Công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận, Công ty CP Vận tải Thủy Tân Cảng, Công ty CP Vận tải Nhật Việt, Công ty CP Vận tải Sản phẩm Khí Quốc Tế, Công ty CP Vinafco, Công ty CP Giang Nam Logistics, Công ty CP Vinh Vân Minh Vân.
Ngoài ra, sự kiện cũng vinh danh Top 50 Doanh nghiệp đạt doanh thu xuất sắc nhất Việt Nam, đồng thời duy trì được hiệu quả kinh doanh ổn định và bền vững trong suốt giai đoạn 2021-2022.
Trong đó, Top 5 bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Vingroup.
Tại sự kiện, đại diện ban tổ chức, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report ghi nhận, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp VNR500 và Top 10 công ty uy tín các ngành trọng điểm đã giữ vững được vị thế và vai trò là đầu tàu của nền kinh tế đất nước, với những chiến lược hiệu quả và tiến bước trong số hoá và đổi mới tư duy quản trị; thể hiện bản lĩnh và sức chống chịu mạnh mẽ để từng bước vượt qua đại dịch, khôi phục vững chắc hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trải qua 16 năm hoàn thiện và phát triển, thương hiệu VNR500 đã trở thành bệ phóng hỗ trợ doanh nghiệp tạo dựng uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, quảng bá hình ảnh tới đông đảo khách hàng, đối tác và nhà đầu tư.
Tổng hợp, theo VR500
Xem thêm bài liên quan
- Bức tranh tổng thể về chiến lược kinh doanh Đa ngành từ chuyện của bà bán bún bò: Lợi hại ra sao mà đến các tập đoàn lớn cũng phải áp dụng?
- Học hỏi chiến lược “đa ngành” của bà bán bún bò: Lợi hại ra sao mà đến các tập đoàn lớn cũng phải áp dụng?
- Bức tranh tổng thể (big picture) về chiến lược đa ngành của bà bán bún bò: Lợi hại sao mà các tập đoàn lớn cũng áp dụng?