Theo bà Lê Thị Thu Thủy, chủ tịch VinFast thì con số 8,8 tỷ USD và 4,7 tỷ USD không phản ánh đúng số lỗ thực tế của VinFast, “Chúng tôi tự tin về tài chính khi ra thế giới”.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Vingroup cho biết công ty tự tin về tài chính và IPO là cơ hội lớn để tập đoàn nâng quy mô, đẳng cấp thành hãng xe điện toàn cầu.
Ngày 7/12, VinFast nộp hồ sơ lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. Bà Lê Thị Thu Thuỷ – Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ thêm với VnExpress về sự kiện này.
– Vì sao VinFast quyết định IPO giữa thời điểm thị trường thế giới đang ảm đạm, thưa bà?
– Thị trường thế giới được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2023. Do đó, IPO thời điểm này là thích hợp để đón đầu làn sóng hồi phục và bứt phá. Về phía VinFast, việc IPO càng sớm càng nhanh tạo động lực để phát triển lên quy mô toàn cầu như mục tiêu đã định.
– Là một tân binh VinFast dựa vào đâu để tự tin vươn ra thế giới?
– VinFast là một công ty có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Dù chỉ mới gia nhập thị trường 5 năm, chúng tôi đã xây dựng thành công một hãng xe hiện đại, hoàn toàn làm chủ quy trình phát triển sản phẩm, chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất, cho ra thị trường các dòng xe đứng đầu phân khúc tham gia.
Đối tác của VinFast đều là những tên tuổi hàng đầu của công nghiệp ôtô thế giới như như ZF, Durr, Bosch, ABB, Pininfarina….
Mới đây nhất, VinFast đã xuất cảng lô xe điện đầu tiên sang Mỹ, sau chưa đầy một năm công bố chiến lược thuần điện khẳng định năng lực triển khai mạnh mẽ của doanh nghiệp.
– Vậy bà kỳ vọng gì về đợt IPO sắp tới?
– Mục tiêu của VinFast là niêm yết thành công tại Mỹ để hướng tới các cơ hội lớn hơn, tạo đà đưa VinFast phát triển ở tầm vóc toàn cầu.
– Trong cáo bạch VinFast nộp lên SEC có khoản lỗ lũy kế lên tới gần 4,7 tỷ USD tính đến ngày 30/9. Bà lý giải ra sao về khoản lỗ này?
– Không phải toàn bộ con số 4,7 tỷ USD là phản ánh đúng số lỗ thực tế của VinFast. Sự khác biệt về nguyên tắc hạch toán giữa Mỹ và Việt Nam dẫn đến các kết quả khác nhau. Đơn cử, khoản bị cho là lỗ – 1,879 tỷ USD – thực chất là chi phí nghiên cứu, phát triển (R&D) cho các mẫu xe VinFast.
Theo chuẩn kế toán Việt Nam, hầu hết các chi phí này được tính là khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp và sẽ được khấu hao dần trong suốt vòng đời sản phẩm.
Tuy nhiên, khi áp dụng chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP), các khoản này lại được hạch toán là chi phí ngay khi phát sinh dẫn đến lỗ luỹ kế bị đội lên.
Ngoài ra, trong tổng lỗ còn lại có khoảng 690 triệu USD là chi phí khấu hao. Đối với doanh nghiệp thì đây không được coi là lỗ, mà là một phần của khoản đầu tư ban đầu.
– Công ty còn khoản nợ lên tới 8,8 tỷ USD, trong đó nợ ngắn hạn là 5,3 tỷ USD và dài hạn là 3,5 tỷ USD. Điều này ảnh hưởng gì đến kế hoạch niêm yết tới?
– Về mặt bản chất, không phải toàn bộ 8,8 tỷ USD này là nợ, cụ thể thì có một số khoản phải trả không mang tính chất nợ. Ví dụ như có 2,092 tỷ USD là khoản phải trả phát sinh do giao dịch tái cấu trúc sở hữu nội bộ để VinFast Singapore có thể niêm yết tại Mỹ.
Sau khi IPO thành công, khoản phải trả này sẽ được tất toán giữa các công ty trong nhóm và VinFast sẽ không còn phải chịu nghĩa vụ này nữa. Nói cách khác, 2,092 tỷ USD này không phải nợ mà chỉ là một cơ cấu nội bộ cho mục đích tái cấu trúc phục vụ IPO.
Một ví dụ nữa, trong tổng “nợ” này còn có 603 triệu USD là nghĩa vụ phải trả cho giao dịch chuyển nhượng phần nhà xưởng (không bao gồm máy móc thiết bị) cho Công ty Đầu tư Bất động sản Công nghiệp Vinhomes (VHIZ).
Việc chuyển nhượng này nhằm tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để phù hợp với quy hoạch chung về cấu trúc ngành nghề giữa các công ty thành viên trong Tập đoàn Vingroup.
Theo đó, VHIZ là công ty duy nhất hoạt động trong lĩnh vực phát triển và khai thác bất động sản công nghiệp. Với khoản này, thực tế VinFast đã nhận được tiền thanh toán chuyển nhượng nhà xưởng từ VHIZ và đang thực hiện trả tiền thuê định kì cho VHIZ theo hợp đồng thuê dài hạn.
Theo đó, khoản tiền nhận từ VHIZ từ giao dịch chuyển nhượng nhà xưởng được hạch toán là khoản phải trả trong tương lai theo hình thức thuê dài hạn nhiều năm.
Như vậy, nếu loại bỏ 2 khoản phải trả không có yếu tố nợ nêu trên, tổng phải trả của VinFast còn lại là 6,1 tỷ USD; trong đó nợ vay các tổ chức tín dụng là 3,077 tỷ USD, vay nội bộ là 1,313 tỷ USD, còn lại là các khoản phải trả phát sinh trong quá trình hoạt động và được cân đối với các khoản phải thu khác.
Chúng tôi hoàn toàn tự tin đủ sức khỏe tài chính để tiến ra thế giới. Đây sẽ là cơ hội lớn để VinFast nâng quy mô và đẳng cấp lên thành hãng xe điện toàn cầu, góp phần thúc đẩy tương lai của di chuyển.
Theo Vnexpress
Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy: “IPO thành công là cơ hội để VinFast mở rộng quy mô trên thị trường quốc tế”
Ngày 7/12, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO).
Số lượng cổ phần chào bán và khoảng giá dự kiến vẫn chưa được xác định. VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS.
VinFast vừa có động thái khiến dư luận rất quan tâm khi công bố đã nộp hồ sơ đăng ký chính thức theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. Cụ thể VinFast đang đi tới bước nào trong quá trình IPO tại Mỹ?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Việc nộp hồ sơ đăng ký chính thức này là bước tiếp theo sau khi VF nộp dự thảo hồ sơ niêm yết sơ bộ theo mẫu F-1 lên SEC hồi tháng 4, theo quy trình chuẩn mực để thực hiện IPO tại Mỹ. VinFast dự định tiến hành IPO sau khi SEC tuyên bố đăng ký có hiệu lực, và điều kiện thị trường cho phép.
Cụ thể nếu được SEC tuyên bố đăng ký có hiệu lực, VinFast sẽ tiến hành các bước tiếp theo ra sao?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Các bước tiếp theo là chào bán và phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch cổ phiếu NASDAQ, khi điều kiện thị trường cho phép.
Nếu có 2 mục tiêu quan trọng nhất khi IPO là huy động được nguồn vốn lớn và được định giá cao, thì mục tiêu nào quan trọng hơn đối với VinFast, thưa bà?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Lần này VinFast nhắm tới mục tiêu là niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ. Chúng tôi hiểu rằng, định giá cũng như quy mô của đợt IPO này phụ thuộc vào các điều kiện thị trường.
Một khi VinFast đã thành công niêm yết, công ty có thể tiếp tục huy động vốn từ thị trường chứng khoán quốc tế trong tương lai, và việc niêm yết cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô của VinFast trên thị trường quốc tế.
Chúng tôi tin rằng việc đạt được các mục tiêu ngắn hạn này sẽ giúp chúng tôi tiếp tục các kế hoạch mở rộng toàn cầu và mang lại giá trị cho các bên liên quan trong dài hạn.
Ở thời điểm này, thị trường thế giới đang có xu hướng không thuận lợi. Vốn hoá của các hãng xe điện lớn như Tesla hay Rivian đều đã giảm tới hàng chục phần trăm trong năm qua. Như vậy, rất nhiều khả năng việc định giá VinFast qua đợt IPO này sẽ không đạt kỳ vọng như giới phân tích từng đưa ra trước đây. Bà nghĩ sao về việc này?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi hiểu rõ sự khó khăn thực tế hiện nay trên thị trường toàn cầu, nhưng mục tiêu về sự phát triển đột phá của VinFast là không thay đổi.
Khó khăn trên thế giới dự báo vẫn kéo dài trong khi những bước tiến của VinFast như mọi người thấy, đang rất đúng hướng.
VinFast đã bước ra thế giới, có mặt ở Bắc Mỹ, châu Âu và những chiếc ô tô điện đầu tiên sắp tới tay người dùng. Đây là thời điểm VinFast không chỉ cần huy động thêm nguồn vốn mà còn cần khẳng định niềm tin với người dùng thế giới.
Việc niêm yết sẽ giúp VinFast nâng cao vị thế, và giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin hơn về công ty, qua đó chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng thêm tính cạnh tranh cho các sản phẩm VinFast trên thị trường quốc tế.
Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch tiếp theo của VinFast nếu việc IPO thành công?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Như đã đề cập ở trên, việc IPO thành công sẽ đưa thương hiệu và tầm vóc VinFast lên một mốc mới trên thị trường quốc tế, và mang lại cho công ty thêm một kênh huy động vốn chủ sở hữu trong tương lai.
Qua đó, VinFast sẽ tiếp tục chọn thời điểm thuận lợi để huy động vốn chủ sở hữu, khi thị trường đã quen thuộc hơn với thương hiệu và câu chuyện của VinFast.
Một cách tổng thể, với đợt phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng này, khả năng thành công của VinFast ra sao, thưa bà?
Bà Lê Thị Thu Thủy: Chúng tôi tự tin với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng của mình trong quá trình chuẩn bị cho IPO này.
Với những bước đi này, VinFast tiến được một bước nữa đến cột mốc lịch sử là được niêm yết trên sàn Nasdaq Global Select Market. Đó sẽ là một dấu mốc đáng nhớ tiếp theo của VinFast trên hành trình chinh phục thế giới.
Xin cảm ơn bà!
Theo TheLeader
Xem thêm bài liên quan
- Thấy gì từ việc Vinfast sẽ IPO niêm yết tại Mỹ, định giá hơn 23 tỷ USD, gấp 3 lần vốn hóa của VinGroup
- Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy: “IPO thành công là cơ hội để VinFast mở rộng quy mô trên thị trường quốc tế”
- Hãng xe Việt VinFast dự kiến lên sàn chứng khoán Mỹ từ tháng 8/2023 với định giá 27 tỷ USD