Thù lao gần 3 tỷ năm ngoái, bầu Đức giờ nhận lương 20 triệu đồng/tháng. Mức lương này của Bầu Đức cao hơn hẳn nhiều tỷ phú khác.
Theo Nghị quyết mới được Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – HoSE: HAG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua thù lao và ban hành các quy chế.
Theo đó, HĐQT HAGL thông qua mức thù lao năm 2023 với mức 20 triệu đồng/tháng đối với Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức; 15 triệu đồng/tháng với vị trí Thành viên HĐQT. Bên cạnh đó, Trưởng Ban kiểm soát nhận lương 12 triệu đồng/tháng và thành viên là 10 triệu đồng/tháng.
Trước đó, theo báo cáo thu nhập năm 2022, HAGL chi ra tổng số tiền hơn 10,6 tỷ đồng để trả cho các thành viên HĐQT, Ban kiểm toán và Ban Tổng Giám đốc, tăng nhẹ so với năm 2021.
Riêng bầu Đức nhận được thù lao cao nhất hơn 2,57 tỷ đồng (tương đương gần 215 triệu đồng/tháng), giảm 3% so với năm 2021. Ngoài ra, vị này còn nhận thù lao 58,5 triệu đồng trong năm qua từ các công ty con.
Về tình hình kinh doanh của công ty, quý I/2023 doanh thu thuần của HAGL tăng 111%, chạm mốc 1.697 tỷ đồng.
Cụ thể, mảng cây trái đóng góp lớn nhất với 41,8% cơ cấu doanh thu với 710 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mảng bán heo lại ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất với 190%, chạm mốc 563 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán trong quý của HAGL ghi nhận đạt 1.285, tăng 150% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, giá vốn bán heo ở mức 561 tỷ đồng, gần bằng so với doanh thu ghi nhận. Điều này dẫn đến biên lợi nhuận gộp của mảng này tụt dốc từ 33% xuống còn xấp xỉ 0%.
Trong thư gửi cổ đông về tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm, HAGL cho biết, giá thịt heo trong nước hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp, trong khi giá chuối lại duy trì ở mức cao nhất trong năm nên toàn bộ lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm chủ yếu đến từ chuối.
Về các khoản chi trong quý I/2023, chi phí bán hàng đạt 69 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận đạt 37 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm 5 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp của bầu Đức báo lãi 303 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, HAGL đặt ra kế hoạch doanh thu đạt 5.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.130 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu tiên, HAGL đã hoàn thành 33% mục tiêu doanh thu và 27% lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Bầu Đức: Nếu giá heo xuống thì Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn chuối, xác định 2023 là năm phòng thủ
Trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, cổ đông Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) thông qua kế hoạch thận trọng với doanh thu thuần 5.120 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái.
Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở thực hiện chủ trương tập trung duy trì quy mô sản xuất kinh doanh không thấp hơn năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế diễn biến phức tạp, chờ nắm bắt cơ hội thị trường hồi phục.
Nuôi heo chưa có lãi
Doanh nghiệp phố núi sẽ duy trì ngành cây ăn trái với quy mô 7.000 ha chuối, ngành chăn nuôi cũng tiếp tục hoạt động với 10 cụm chuồng trại, công suất 600.000 con heo thịt/năm (mỗi cụm nuôi 2.400 heo nái, một heo nái sinh khoảng 25 heo thịt/năm).
Sự thận trọng trong chiến lược kinh doanh còn thể hiện ở đề xuất không thực hiện chia cổ tức năm nay. Đối với thù lao cho lãnh đạo nòng cốt, HĐQT muốn được ủy quyền việc trích thù lao và báo cáo lại vào kỳ đại hội năm 2024.
Hiện nay HAGL đã chuyển hướng sang lĩnh vực chủ lực là nông nghiệp với sản phẩm chủ lực là con heo và cây chuối. Cổ đông tập trung chất vấn đề hiệu quả nuôi heo và lợi thế của dùng chuối nuôi heo.
Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức nhắc lại mảng nuôi heo năm nay dự kiến không có lãi và thực tế kết quả kinh doanh quý I đã không có lãi. Hiện giá heo đang nhích lên nên công ty cũng mạnh dạn lên kịch bản cố gắng có lợi nhuận.
“Nếu giá heo được 55.000 đồng/kg thì sẽ có lãi. Để nhận định thị trường heo là rất khó nên chúng ta cứ làm nhẹ nhàng ở đó”, bầu Đức bày tỏ.
Đối với chuối, HAGL chia thành 2 loại là xuất khẩu và sử dụng nội bộ để nuôi heo. Chuối có lợi thế là tiêu thụ được 100% sản lượng, chuối bán cho nội bộ thường ở mức giá thấp nhất, thậm chí là 0 đồng do là chuối thải, để mảng nuôi heo cố gắng có lãi.
Trên thị trường, giá chuối tăng 20% so với năm trước và lãnh đạo HAGL nói làm chuối không đủ để bán. Công ty dự định trồng thêm chuối nhưng do huy động vốn riêng lẻ thất bại nên không có nguồn đầu tư.
Bầu Đức nói thêm làm nông nghiệp không phải đơn giản. HAGL cách đây 2 năm không có nguồn thu nền tảng nào nhưng giờ chúng ta đã có 10 cụm chuồng trại heo, 7.000 ha chuối, 1.000 ha sầu riêng và chưa kể 2.000 ha trái cây khác.
Cây sầu riêng cũng được cổ đông quan tâm, do đó người đứng đầu doanh nghiệp chia sẻ đã trồng cách đây 4-5 năm và sầu riêng bên Trung Quốc là hàng đắt đỏ, cũng như có thể cấp đông 6-12 tháng.
Bầu Đức tiết lộ giá vốn sầu riêng của công ty chưa tới 10.000 đồng/kg, do đó sầu riêng bán giá nào cũng được và muốn làm phải xuất đi Trung Quốc. 1 ha sầu riêng nếu làm tốt có thể lãi 2 tỷ và dự kiến đóng góp không nhỏ vào năm 2025.
Xác định năm phòng thủ
Tại đại hội, HĐQT trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với khối lượng 20 triệu cổ phiếu. Giá phát hành 7.500 đồng/cổ phiếu để huy động tối đa 150 tỷ đồng.
Bầu Đức cho rằng việc phát hành ESOP không thiệt hại cho cổ đông mà giúp nhân viên gắn bó hơn. Nếu nhân viên quyết tâm làm nâng cao năng suất sản lượng thì giá cổ phiếu sẽ tăng, cổ đông là người có lợi.
Việc chuyển hướng sang huy động vốn từ nhân viên diễn ra sau khi công ty thông báo phương án chào bán riêng lẻ gần 162 triệu cổ phiếu bất thành, do giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp nên nhà đầu tư từ chối mua.
Lãnh đạo HAGL thông tin sẽ chưa có ý định huy động riêng lẻ trở lại vì thị trường không thuận lợi. Do đó, công ty tạm dừng mở rộng trại heo và vùng trồng chuối, các vùng trồng cũ giờ phải “tự chúng nuôi lấy chúng” bởi việc vay tín dụng để đầu tư hiện rất rủi ro.
“Theo dõi HAGL rất đơn giản. Giá heo lên thì công ty lên, nếu heo xuống thì HAGL chỉ còn chuối thôi”, ông Đức ví von.
Vị này nhấn mạnh với cổ đông năm 2023 xác định là phòng thủ, cố gắng “trụ hạng chứ không dám vươn ra”. Bởi vì HAGL chưa khoẻ lắm, đụng chuyện là trở tay không kịp.
Với khó khăn về tài chính, lãnh đạo HAGL cho biết sẽ đẩy mạnh thanh lý các tài sản không sinh lời để đủ tiền trả nợ. Công ty trong năm nay phải trả 1.000 tỷ đồng cho BIDV, trong đó đã có nguồn thu hồi nợ 500 tỷ đồng từ HNG.
Đối với lo lắng về khoản đầu tư vào HAGL Agrico (HNG), Tổng giám đốc Võ Trường Sơn khẳng định chỉ còn nắm giữ khoảng 9% vốn. Trong trường hợp xấu nhất cổ phiếu HNG bị hủy niêm yết, công ty có thể bán thỏa thuận với đối tác.
Đối với công ty liên kết Bapi, chuyên về phân phối thịt heo, bầu Đức thông tin công ty này vẫn chưa đi đúng hướng nên đang trong quá trình tái cấu trúc từ tháng 2 đến nay. HAGL đang sở hữu 35% vốn Bapi và không có ý định nắm chi phối.
Theo Người đưa tin, Zingnews