Kết quả kinh doanh tháng 4 của Hoàng Anh Gia Lai chủ yếu đến từ mảng chuối, đúng như tuyên bố của bầu Đức nếu giá heo xuống thì HAGL chỉ còn chuối thôi.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã chứng khoán: HAG) vừa cập nhật tình hình kinh doanh tháng 4 với doanh thu thuần đạt 563 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 32 tỷ đồng.
Các con số này lần lượt giảm 14% và 68% so với tháng liền trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ doanh nghiệp của bầu Đức công bố báo cáo theo tháng, tương đương chỉ còn lãi hơn 1 tỷ đồng/ngày.
Lãnh đạo HAGL cho biết kết quả tháng 4 chủ yếu nhờ doanh thu chuối mang lại. Kết quả không mấy khả quan này do giá thịt heo trong nước vẫn duy trì ở mức thấp làm ảnh hưởng đến kết quả chung.
Theo cơ cấu, ngành cây ăn trái đem về doanh thu lớn nhất với 248 tỷ đồng. Tổng sản lượng cây ăn trái đạt 17.522 tấn, trong đó chuối xuất khẩu là 15.151 tấn và chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc là 2.371 tấn.
Mảng chăn nuôi đứng tiếp theo với mức đóng góp doanh thu 166 tỷ đồng, nhờ đạt sản lượng 35.133 con heo thịt. Phần doanh thu còn lại đến từ mảng phụ trợ đạt 149 tỷ đồng.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, tập đoàn nông nghiệp của bầu Đức ghi nhận doanh thu đạt 2.389 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 339 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đề ra cho năm 2023, cổ đông HAGL thống nhất mục tiêu 5.120 tỷ đồng doanh thu và 1.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, doanh nghiệp phố núi đã hoàn thành 47% mục tiêu doanh thu và 30% lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Lãnh đạo HAGL cũng nhận định xây dựng kế hoạch kinh doanh trên cơ sở thực hiện chủ trương tập trung duy trì quy mô sản xuất kinh doanh không thấp hơn năm 2022, xác định phòng thủ chứ không vươn ra.
Doanh nghiệp sẽ duy trì ngành cây ăn trái với quy mô 7.000 ha chuối, ngành chăn nuôi cũng tiếp tục hoạt động với 10 cụm chuồng trại, công suất 600.000 con heo thịt/năm (mỗi cụm nuôi 2.400 heo nái, một heo nái sinh khoảng 25 heo thịt/năm).
Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức từng nói mảng nuôi heo năm nay dự kiến không có lãi và thực tế kết quả kinh doanh đã không có lãi. Hiện giá heo đang nhích lên nên công ty cũng mạnh dạn lên kịch bản cố gắng có lợi nhuận.
Người đứng đầu tập đoàn ví von việc theo dõi hoạt động của HAGL rất đơn giản “Giá heo lên thì công ty lên, nếu heo xuống thì HAGL chỉ còn chuối thôi”.
Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức thu 18 tỷ mỗi ngày, lãi 303 tỷ trong quý I, biên lợi nhuận mảng heo giảm về 0%
CTCP Hoàng Anh Gia Lai của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) mới công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với lãi ròng đạt 303 tỷ đồng, tăng 18% quý I/2022.
Trong quý I, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng heo đạt 563 tỷ đồng, tăng 190%; mảng trái cây đạt 710 tỷ đồng, tăng trưởng 81%.
Kỳ này, giá vốn tăng 150%, lên 1.285 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 412 tỷ đồng, tăng 42%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai giảm từ 36% xuống còn 24% do biên lợi nhuận gộp mảng heo giảm từ 33% về 0%.
Doanh thu tài chính quý I/2023 Công ty giảm 27%, xuống còn 141 tỷ đồng do giảm lãi thanh lý khoản đầu tư vào nhóm Công ty HNG. Trong khi đó, chi bán bán hàng tăng 13%, lên 69 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ âm 5 tỷ đồng lên 37 tỷ đồng, do trong quý I/2022, HAG đã hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu.
Kết quả, Công ty lãi sau thuế 303 tỷ đồng, tăng 18% so với quý I/2022. Công ty mẹ mang về 291 tỷ đồng, tăng 16%.
Ngày 28/04, HAG đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và thông qua mục tiêu doanh thu 5.120 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.130 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, HAG đã hoàn thành 33% chỉ tiêu doanh thu và 27% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trong báo cáo tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm, HAG đã nhiều lần cho biết, giá thịt heo trong nước hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp, trong khi giá chuối lại duy trì ở mức cao nhất trong năm nên toàn bộ lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm chủ yếu đến từ chuối.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 20.580 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn tăng 12%, lên 7.609 tỷ đồng, chiếm gần 37% tổng tài sản; hàng tồn kho giảm 15%, còn 981 tỷ đồng.
Mặt khác, nợ phải trả còn 15.253 tỷ đồng, tăng hơn 4% và gấp 2,86 lần vốn chủ sở hữu. Lỗ lũy kế cuối quý I còn hơn 3,050 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 4, cổ phiếu HAG tăng 1,6%, lên 7.620 đồng/CP và tăng gần 4% trong cả tháng 4.
Nuôi heo chưa có lãi
Doanh nghiệp phố núi sẽ duy trì ngành cây ăn trái với quy mô 7.000 ha chuối, ngành chăn nuôi cũng tiếp tục hoạt động với 10 cụm chuồng trại, công suất 600.000 con heo thịt/năm (mỗi cụm nuôi 2.400 heo nái, một heo nái sinh khoảng 25 heo thịt/năm).
Sự thận trọng trong chiến lược kinh doanh còn thể hiện ở đề xuất không thực hiện chia cổ tức năm nay. Đối với thù lao cho lãnh đạo nòng cốt, HĐQT muốn được ủy quyền việc trích thù lao và báo cáo lại vào kỳ đại hội năm 2024.
Hiện nay HAGL đã chuyển hướng sang lĩnh vực chủ lực là nông nghiệp với sản phẩm chủ lực là con heo và cây chuối. Cổ đông tập trung chất vấn đề hiệu quả nuôi heo và lợi thế của dùng chuối nuôi heo.
Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức nhắc lại mảng nuôi heo năm nay dự kiến không có lãi và thực tế kết quả kinh doanh quý I đã không có lãi. Hiện giá heo đang nhích lên nên công ty cũng mạnh dạn lên kịch bản cố gắng có lợi nhuận.
“Nếu giá heo được 55.000 đồng/kg thì sẽ có lãi. Để nhận định thị trường heo là rất khó nên chúng ta cứ làm nhẹ nhàng ở đó”, bầu Đức bày tỏ.
Đối với chuối, HAGL chia thành 2 loại là xuất khẩu và sử dụng nội bộ để nuôi heo. Chuối có lợi thế là tiêu thụ được 100% sản lượng, chuối bán cho nội bộ thường ở mức giá thấp nhất, thậm chí là 0 đồng do là chuối thải, để mảng nuôi heo cố gắng có lãi.
Trên thị trường, giá chuối tăng 20% so với năm trước và lãnh đạo HAGL nói làm chuối không đủ để bán. Công ty dự định trồng thêm chuối nhưng do huy động vốn riêng lẻ thất bại nên không có nguồn đầu tư.
Bầu Đức nói thêm làm nông nghiệp không phải đơn giản. HAGL cách đây 2 năm không có nguồn thu nền tảng nào nhưng giờ chúng ta đã có 10 cụm chuồng trại heo, 7.000 ha chuối, 1.000 ha sầu riêng và chưa kể 2.000 ha trái cây khác.
Cây sầu riêng cũng được cổ đông quan tâm, do đó người đứng đầu doanh nghiệp chia sẻ đã trồng cách đây 4-5 năm và sầu riêng bên Trung Quốc là hàng đắt đỏ, cũng như có thể cấp đông 6-12 tháng.
Bầu Đức tiết lộ giá vốn sầu riêng của công ty chưa tới 10.000 đồng/kg, do đó sầu riêng bán giá nào cũng được và muốn làm phải xuất đi Trung Quốc. 1 ha sầu riêng nếu làm tốt có thể lãi 2 tỷ và dự kiến đóng góp không nhỏ vào năm 2025.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức thu 18 tỷ mỗi ngày, lãi 303 tỷ trong quý I, biên lợi nhuận mảng heo giảm về 0%
- Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đạt đạt gần 100 tỷ lợi nhuận trong tháng 1/2023: Sẽ trồng thêm rau củ để bù đắp sự sụt giảm giá heo
- Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức sau 11 tháng đã lãi xấp xỉ kế hoạch năm nhờ “heo ăn chuối” và cây ăn trái