Sự thành công và giàu có của người Do Thái đã khẳng định rằng, bất kể quá khứ của một dân tộc ra sao, với sự sáng tạo, cầu tiến của mình, họ đều có thể viết nên tương lai mới.
Israel – quốc gia nhỏ bé chỉ gồm hơn 7 triệu dân và toàn bộ lãnh thổ bao phủ bởi sỏi đá, chỉ gần 1% là nước. Mỗi ngày trôi qua là một ngày đất nước này đối diện với hàng trăm thế lực thù địch xung quanh.
Nhưng họ vẫn vươn mình phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, nông nghiệp, kinh tế, khoa học… Như một tất yếu, người dân Israel rất giàu, GDP đầu người năm 2013 vào khoảng 34.900 USD – xếp thứ 40 thế giới.
Người Do Thái là một trong những dân tộc thông minh nhất và giàu có hàng đầu thế giới. Trong mắt họ, tiền bạc không phân chia tốt – xấu, mà tốt – xấu thực sự đều nằm ở lòng người.
Người Do Thái chỉ chiếm khoảng 0,3% dân số thế giới nhưng lại là những người nắm giữ huyết mạch kinh tế thế giới. Họ có những tư duy kinh doanh vô cùng sáng suốt và quan điểm rõ ràng đối với tiền bạc. Điều này khiến cho những người Do Thái thường đạt được thành công, trở nên giàu có.

Đặc biệt, trong mắt người Do Thái, tiền bạc không có phân chia tốt – xấu. Họ luôn trân trọng từng đồng tiền, dù ít hay nhiều, dù là nửa xu hay một đồng vì mỗi đồng tiền được kiếm ra nhờ trí tuệ đều vô cùng đáng quý.
Đó là lý do có một câu chuyện về người Do Thái như sau. Hai người đàn ông trẻ tuổi cùng nhau đi tìm việc việc. Trong khi đang đi trên đường, họ nhìn thấy một đồng xu đánh rơi. Người đàn ông đầu tiên bước qua nó và đi tiếp như một quý ông, còn người Do Thái lại cúi xuống, cẩn trọng nhặt lấy đồng xu và nhét vào ví.
Người bạn chứng kiến cảnh tượng ấy và lấy làm lạ, bèn hỏi: “Chỉ có một đồng thôi mà, cậu nhặt làm gì?”
Người Do Thái không bận tâm thái độ của bạn, chỉ bình thản đáp rằng: “Một đồng cũng là tiền, nửa xu cũng là tiền.”
Người bạn không thể hiểu được suy nghĩ của đối phương, nhưng cũng không nói gì thêm. Họ tiếp tục đồng hành tới công ty để phỏng vấn. Sau quá trình phỏng vấn, người bạn thấy công ty này có quy mô nhỏ, việc nhiều, nhưng lương lại thấp.
Do đó, anh ta không chút do dự đã quyết định rời đi, cố gắng tìm một công ty lớn hơn. Trong khi đó, người Do Thái lại đồng ý ở lại với công ty nhỏ này.
3 năm sau, họ gặp lại nhau. Người bạn vẫn đang miệt mài với quá trình “nhảy việc” mà không thể làm cố định được lâu. Trong khi đó, người Do Thái đã trở thành quản lý, sự nghiệp thăng tiến.
Nhờ gắn bó với công ty từ sớm nên anh rất được các sếp trọng dụng, giao cho nhiều cơ hội phát triển, tích lũy kinh nghiệm cũng như mạng lưới quan hệ. Hiện tại, người Do Thái hoàn toàn có đủ bản lĩnh để bắt đầu xây dựng “vùng trời riêng”.
Người bạn rất ngạc nhiên nên hỏi thẳng rằng: “Làm những việc không đáng như anh sao lại có thể phát đạt như vậy?”
Người Do Thái trả lời: “Anh như một quý ông, không cần tới một đồng xu. Nhưng với tôi, dù nhiều hay ít, đó đều là giá trị cần tích lũy. Khi đã tích lũy thì bao nhiêu cũng là không đủ, càng tích lũy thì càng có nhiều cơ hội hơn.”
Với người Do Thái, ngay cả một đồng xu nhỏ bé cũng là tiền bạc, mà đã là tiền bạc thì không bao giờ được bỏ lỡ. Cũng giống như vậy, họ luôn trân trọng từng cơ hội chứ không bao giờ xét nét “đáng” hay “không đáng”. Qua mỗi một cơ hội, họ lại tìm thấy những giá trị quan trọng, dần dần tích lũy thành cả gia tài.
Đặc biệt, khi nhắc đến tích lũy, người Do Thái cũng nổi tiếng với quy tắc 91 của mình. Vì họ từng phải trải qua biết bao nhiêu năm tháng đói khổ, nguy hiểm và gian khó nên họ luôn coi bất cứ thứ gì mình có được cũng đều rất đáng quý.
Họ luôn tâm tâm niệm niệm tính tiết kiệm và trân trọng mọi thứ đang có, nhưng không quên chuẩn bị sẵn cho tương lai.
Từ đó, họ đã nghĩ ra quy tắc 91 đắt giá như sau: Dù bạn kiếm được bao nhiêu tiền mỗi ngày, bạn cũng chỉ được tiêu xài tối đa 9 phần, bắt buộc phải tiết kiệm ít nhất 1 phần của khoản tiền đó.
Một doanh nhân Do Thái khi trò chuyện với người đàn ông bán trứng ngoài chợ, anh ta được hỏi rằng, tại sao mình làm việc chăm chỉ mà vẫn mãi chưa giàu. Vị doanh nhân mới hỏi ngược lại: “Nếu anh lấy 10 quả trứng mỗi sáng và cho chúng vào một cái giỏ, và mỗi đêm lấy ra 9 quả trứng từ trong giỏ, sau một thời gian điều gì sẽ xảy ra?”
Người bán trứng đáp lại: “Tôi sẽ có càng nhiều trứng. Theo thời gian, trứng sẽ đầy chặt giỏ”.
Doanh nhân giàu có hỏi tiếp: “Anh có biết nguyên nhân diễn ra điều đó không?”
Người kia đáp lại: “Chuyện này có gì mà hỏi, đương nhiên quá mà. Nếu mỗi ngày trong giỏ lại tăng thêm một quả trứng, ngày qua ngày, số trứng đương nhiên phải đầy lên chứ không thể bớt đi được.”
Doanh nhân Do Thái: “Anh hiểu rõ như vậy thì anh đã làm điều đấy chưa?”
Nghe vậy, người bán trứng mới bần thần.

Vị doanh nhân tiếp tục: “Bí quyết giàu có của tôi rất đơn giản, đó chính là mỗi ngày hãy để lại ít nhất 1 quả trứng. Dù anh kiếm được bao nhiêu tiền mỗi ngày, anh cũng phải tiết kiệm 1/10 số tiền bạn kiếm được. Đừng vì những điều tôi nói đơn giản mà cười nhạo tôi, khi anh làm được như vậy thì anh cũng sẽ hiểu.”
Rõ ràng, chỉ khi chúng ta trân trọng từng đồng tiền mình có thể làm ra thì mới có thể chi tiêu đúng cách và thích hợp. Từ đó, ta cũng biết cách tiết kiệm từng xu lẻ mà không bao giờ lãng phí. Đó chính là dấu hiệu cho thấy ta bắt đầu làm giàu.
Quy tắc 91 đã chỉ ra, nếu chúng ta không chi tiêu quá 90% tổng thu nhập, như vậy qua thời gian, ta sẽ có một khoản tiết kiệm kha khá.
Chẳng hạn, nếu bạn kiếm được 10 đồng thì hãy tiết kiệm ít nhất 1 đồng. Nếu bạn kiếm được 1 triệu đồng thì hãy tiết kiệm ít nhất một trăm nghìn đồng. Khi ta bắt đầu làm điều này, ta đã bắt đầu đặt chân trên con đường trở nên giàu có.
Đừng bao giờ coi thường khái niệm tích lũy. Một đồng của ngày hôm nay có thể trở thành một gia tài cho tương lai. Chính vì sự giàu có không phải tự nhiên đến sau một đêm, đó luôn là thành quả của nhiều năm cống hiến, chăm chỉ và phấn đấu.
Dù là tiền bạc hay kinh nghiệm sống cũng cần tích lũy từng chút, có như vậy qua thời gian ta mới có cả một gia tài. Giàu có hay không là do ta quyết định, hãy biết chuẩn bị, chăm chỉ làm việc và tiết kiệm những gì mình có.

Lối sống và văn hóa của dân tộc Do Thái ở đất nước này là điều đáng để các doanh nhân học hỏi và áp dụng:
1. Vượt lên nghịch cảnh để thành công
Khi cuộc đời cho bạn một quả chanh, hãy nghĩ cách pha một ly nước chanh. Một người tài giỏi sẽ làm điều đó, nhưng kẻ ngu ngốc thì làm điều ngược lại.
Nếu cuộc đời trao cho kẻ thất bại một quả chanh, anh ta bỏ cuộc và cay đắng chấp nhận: “Tôi thất bại rồi. Đó là số phận. Tôi chẳng có cơ hội nào nữa”. Nhưng đối với người sáng suốt, khi nhận được “quả chanh của cuộc đời”, anh ta sẽ tự tìm cách: “Tôi sẽ học được gì từ nỗi bất hạnh này? Làm cách nào để cải thiện tình huống? Làm thế nào để pha được nước chanh với quả chanh này?”.

Câu chuyện về sự ra đời của Israel chính là câu chuyện từ quả chanh đến ly nước chanh. Sau khi bị lưu đầy từ chính quê hương mình, người Do Thái phải chịu đựng hơn 2.000 năm bị xua đuổi và luôn khao khát trở về quê hương. Trong thế kỷ qua, khao khát của cả dân tộc Do Thái đã khai sinh ra phòng trào tái sinh nhà nước Israel từ năm 1948.
Sự thành công của quốc gia này đã khẳng định rằng, bất kể quá khứ của một dân tộc ra sao, với sự sáng tạo, cầu tiến của mình, họ đều có thể viết nên tương lai mới.
Vượt qua điều kiện khắc nghiệt, mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng, người Israel đã học cách đổi mới. Người Do Thái luôn có lối suy nghĩ khác biệt, vượt ra ngoài lối mòn.
Họ làm việc trong điều kiện khó khăn và thường xuyên đối mặt với các tình huống sống – chết. Nhưng nghịch cảnh nuôi dưỡng sức mạnh và khả năng bứt phá. Tại đất nước của người Do Thái, chính môi trường sống là nền tảng của văn hóa kinh doanh.
“Người Do Thái đã quen với việc mọi thứ diễn ra không như dự kiến. Thực tế, họ còn mong đợi những điều bất ngờ, ngẫu hứng và quay vòng với tốc độ nhanh”, CEO Ari Nahmani của Tập đoàn Kahena Digital Marketing ở Jerusalem khẳng định.

2. Hãy thẳng thắn và minh bạch nếu muốn đi một hành trình dài
Người Do Thái rất thẳng thắn theo đúng quan điểm của họ. Vì thế, họ có khuynh hướng phân định rạch ròi giữa giao dịch kinh doanh và đời sống cá nhân. Quan điểm của họ là: Những gì bạn nhìn thấy là những điều bạn nhận được.
Thẳng thắn và minh bạch rất có lợi trong kinh doanh. Miễn là bạn lịch thiệp, thẳng thắn và rõ ràng với nhân viên, nhà cung ứng và khách hàng, bạn sẽ nhận được sự tin tưởng từ họ.
Sự tin tưởng khiến các đối tác cảm thấy an toàn khi làm việc cùng bạn và tất yếu dẫn tới kết quả thành công. Tuy nhiên sự thẳng thắn quá đà đôi khi phản tác dụng, vì vậy bạn cần điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh.

3. Cộng đồng là mọi thứ
Ở hầu hết các quốc gia, như Mỹ, sự phát triển kinh doanh thường hướng về lợi ích cá nhân. Nhưng ở Israel, giá trị xã hội là một mục tiêu quan trọng và cũng là lợi thế cho doanh nhân. Văn hóa của quốc gia này có tính xã hội hóa cao. Những người Do Thái cảm thấy họ có trách nhiệm đối với toàn xã hội và luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
Khi bạn sẵn sàng giúp đỡ người khác, cũng rất nhiều người thiện chí khác tìm đến bạn. Mô hình khởi nghiệp ở Israel thiên về cộng đồng, các doanh nhân hỗ trợ lẫn nhau theo chu kỳ.
Những người thành công giúp đỡ thế hệ trẻ, để họ lại tiếp tục giúp đỡ những người đi sau. Đó là cách người Do Thái giúp đỡ nhau bằng những bài học kinh doanh không có trong bất cứ sách vở nào.

4. Không có gì là không thể
Người Do Thái ở Israel đã vượt qua rất nhiều thử thách để có thể tồn tại. Với họ, không có mục tiêu nào là không thể đạt được nếu bạn chăm chỉ và đủ can đảm. Có can đảm để theo đuổi ước mơ, không sợ hãi bất cứ điều gì là yếu tố quan trọng để thành công trong kinh doanh. Các doanh nhân thành công là những người nghĩ lớn và dám làm mọi thứ họ muốn.
Tổng hợp, Trí thức trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Tư duy giúp người Do Thái “không thể nghèo được”: Vượt lên nghịch cảnh là bài học kinh doanh thành công của dân tộc này
- 15 lời khuyên từ tỷ phú Lý Gia Thành giúp thoát nghèo trước tuổi 40: “Đây là xã hội thực dụng, tình cảm không thể biến thành Cơm”
- Tỷ phú Lý Gia Thành khuyên những ai muốn thoát nghèo: Trí làm nên Tầm, Tầm làm nên Tiền – Khi Tầm tới thì Tiền sẽ tới!