Hết “nằm yên mặc kệ sự đời”, giới trẻ Trung Quốc chán làm ở công ty tư nhân hay tự kinh doanh, 9 triệu người đổ xô đến cơ quan nhà nước tìm việc “công chức” được coi là ổn định hơn và có nhiều phúc lợi.
Cô Zhang Qijing rời Trung Quốc đến Anh vào tháng 10/2020 để học thạc sĩ. Cô hy vọng tấm bằng này sẽ mang lại lợi thế trong thị trường lao động và giúp kiếm được việc làm ổn định như giáo viên trường công.
Nhưng khi trở lại nước nhà một năm sau cùng tấm bằng mới cứng, cô phát hiện mình đang ở trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Những tài năng hàng đầu – sinh viên mới ra trường và nhân viên bị sa thải – đã từ bỏ ý định chen chân vào các công ty tư nhân từng được thèm muốn và theo đuổi triển vọng ổn định hơn là làm công chức.
Cô Zhang nhận xét: “Giờ mọi người đều muốn an toàn. Số lượng ứng viên xuất sắc tăng lên càng nâng tiêu chuẩn lên cao hơn. Người xin việc ở các trường công lập đều có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu như Thanh Hoa hay Bắc Kinh”.
Vào tháng 7, chính phủ Trung Quốc siết chặt ngành gia sư trực tuyến, khiến hàng chục nghìn người mất việc và hàng chục triệu khác với tương lai bất định. Lao động trẻ là người chịu tác động lớn nhất. Hơn 70% người kiếm việc trong ngành giáo dục có độ tuổi dưới 30, theo dữ liệu từ nền tảng tìm kiếm việc làm Zhaopin.
Cuộc chấn động trên thị trường lao động Trung Quốc không chỉ gói gọn trong ngành giáo dục. Năm vừa qua, Trung Quốc đã ra liên hoàn chính sách thắt chặt kiểm soát khu vực tư nhân, đặc biệt là công nghệ.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin nền tảng stream video iQiyi có thể sa thải 20-40% nhân viên, trong khi đó Kuaishou sẽ giảm 30% đơn vị kinh doanh toàn cầu. Nền tảng thương mại điện tử Mogujie dự kiến cắt giảm 80% bộ phận công nghệ.
Các công ty bất động sản cũng đang tinh giản biên chế khi thị trường tiếp tục sụt giảm và tăng trưởng đầu tư giảm tốc.
Trong khi đó, số đơn ứng tuyển kỳ thi công chức của Trung Quốc đã vượt quá 2,12 triệu người trong 2021, cao hơn khoảng 30% so với năm trước đó. Theo khảo sát khác của nền tảng Zhaopin, số lượng tìm kiếm công việc chính phủ và khu vực công như sự lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Ông Bo Zhung, nhà kinh tế về Trung Quốc tại công ty đầu tư Loomis, Sayles & Co cho biết một số người tìm việc đang ưu tiên ổn định dài lâu hơn ích lợi ngắn hạn. Những người này không muốn một công việc lương cao tại công ty công nghệ để rồi sau đó lại bị sa thải.
Ông Zhung cảnh báo: “Xu hướng này có thể đả thương kinh tế Trung Quốc. Như cách nói của một số người phương Tây, chính trường là nơi đầy rẫy nhân viên tầm thường. Nhân công chất lượng cao vào làm ở khu vực công thực sự gây lãng phí năng suất lao động, vì khi bị mắc kẹt trong một hệ thống cứng nhắc và quan liêu thì họ sẽ trở nên kém sáng tạo hơn”.
“Tuy khu vực tư đòi hỏi làm nhiều giờ, nhưng những công ty này cũng ứng dụng nhiều ý tưởng và tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội”.
Khi cạnh tranh về việc làm gia tăng, số người hy vọng dựa vào bằng cấp để có ưu thế cũng nhảy vọt. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, có đến 4,6 triệu người ứng tuyển đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2021, nhiều hơn năm trước đó 800.000 người.
Áp lực lên thị trường lao động sẽ càng tăng với 10,8 triệu cử nhân tốt nghiệp trong năm 2021, cao hơn năm ngoái 1,7 triệu người.
Trong khi có quá nhiều sinh viên ra trường muốn chen chân vào văn phòng thì các nhà máy lại thiếu người.
Ông Li Qiang, Phó Giám đốc công ty dịch vụ tuyển dụng Zhaopin nói: “Cạnh tranh cho công việc thư ký hoặc hành chính rất khốc liệt, nhưng mức lương khởi điểm có thể chỉ từ 3.000 đến 4.000 nhân dân tệ (627 USD) mỗi tháng”.
“Nhưng nếu nhìn vào thị trường cổ cồn xanh, người ta có thể dễ dàng trở thành nhân viên kiểm tra chất lượng hoặc người lắp ráp tại một nhà sản xuất chất bán dẫn sau ba tuần đào tạo cơ bản và có thể được trả 8.000 đến 9.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Nhưng nhiều người vẫn thích làm việc tại bàn lễ tân hơn là trong nhà máy”.
“Một phần vấn đề có thể được giải quyết khi xã hội nhìn nhận mọi công việc đều bình đẳng, và khi giáo dục nghề nghiệp được khuyến khích. Như vậy nhiều người sẽ có thể lựa chọn con đường khác, một ngành nghề mà không cần bằng đại học. Thị trường lao động không thiếu việc làm, nhưng mấu chốt là mọi người cần điều chỉnh kỳ vọng”.
Phân biệt đối xử
Phân biệt tuổi tác với phụ nữ và người trên 35 tuổi là yếu tố khác khiến chất xám bị chảy ra ngoài khu vực tư nhân.
Cô Zhang Jiuqing, một phụ nữ 26 tuổi mất việc làm giáo viên tiếng Đức sau khi chính phủ siết chặt ngành gia sư trực tuyến, giãi bày với South China Morning Post (SCMP): “Tôi không muốn thành triệu phú, tôi chỉ muốn một cuộc sống bình thường và bảo đảm, để có thể cảm thấy thoải mái khi sinh con”.
Cô đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp nữ nghỉ việc sau khi có con vì họ không thể làm thêm giờ hay cạnh tranh với những người trẻ hơn hoặc nam giới.
“Tôi sợ sẽ bị thay thế bởi người trẻ sau khi 30 tuổi, hay Trung Quốc sẽ dẹp luôn toàn bộ ngành này”.
Hiện cô Zhang hiện chưa có việc làm và đang chuẩn bị cho kỳ thi công chức. Cô định sẽ cố gắng thi cho đến khi đậu hoặc 35 tuổi, giới hạn tuổi tác của người đăng ký.
Phó Giám đốc Li Qiang cho biết tình cảnh này là có thật: “Tại Trung Quốc, ai cũng biết lập trình viên rất dễ bị đào thải sau 30 hay 35 tuổi. Những người này thực chất là lao động cổ cồn xanh làm việc cổ cồn trắng, họ dễ bị thay thể bởi những người trẻ hơn và chấp nhận lương thấp hơn”.
Tình trạng phân biệt đối xử tuổi tác tại thị trường lao động Trung Quốc gần đây đã thu hút được nhiều sự chú ý. Các nhà kinh tế nói rằng vấn nạn này có thể gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng trong bối cảnh dân số đang già đi nhanh chóng và lực lượng lao động co hẹp.
Theo Doanh nghiệp niêm yết
Xem thêm bài liên quan
- Ông chủ Alibaba Jack Ma bất ngờ trở về Trung Quốc sau hơn 1 năm “mai danh ẩn tích”: Thảo luận về các vấn đề giáo dục và công nghệ AI
- Bức ảnh “Bữa cơm nghìn tỷ” tề tựu những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Bóc trần sự thật về mối quan hệ của những người xuất chúng trong xã hội
- Ngày càng nhiều người giàu muốn rời bỏ Trung Quốc để di cư ra nước ngoài