Trong những chính sách kinh tế của triều đại mình, Quang Trung hoàng đế đã chú ý giải quyết những yêu cầu bắt buộc như phục hồi nông nghiệp, phát triển công thương nghiệp, mở rộng kinh tế hàng hoá là những yêu cầu cấp thiết của xã hội vào cuối thế kỉ XVIII.
Tình hình Bắc Hà những năm 1788 – 1789 hết sức khó khăn. Vì vậy, một trong những việc làm đầu tiên của triều vua Quang Trung là nhanh chóng hồi phục sản xuất nông nghiệp. Năm 1789, Ngài ban “Chiếu khuyến nông”, lệnh cho dân phiêu tán trở về quê cũ khôi phục ruộng đồng bỏ hoang.
Những xã nào chứa chấp kẻ trốn tránh đều bị trừng phạt. Sau một thời gian mà ruộng công còn bỏ hoang thì phải nộp thuế gấp đôi, ruộng tư thì bị sung công…
Do đó, chỉ trong vòng 3 năm sau, nông nghiệp được phục hồi. Năm 1791, “mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình”.
Đối với công thương nghiệp, Quang Trung khuyến khích đẩy mạng sự phát triển thủ công nghiệp, mở rộng ngoại thương trên cơ sở phục hồi và phát triển.
Xuất phát từ nhận thức đúng đắn đó, ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền mới, Quang Trung chủ trương phát triển mọi ngành sản xuất nhằm xây dựng một nề kinh tế phồn thịnh, độc lập, tự chủ trong đó có công thương nghiệp.
Chủ trương khuyến khính phát triển công thương nghiệp của Quang Trung được thể hiện ở những sắc lệnh “khoan thư” sức dân.
Năm 1789, Ngài bãi bỏ thuế điền cho nhân dân từ sông Gianh ra Bắc, động viên các tầng lớp nhân dân lao động phấn khởi sản xuất.
Để thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa thuận lợi, Quang Trung cho đúc tiền đồng mới (Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo).
Đối với nước ngoài, Quang Trung chủ trương mở rộng trao đổi buôn bán, đấu tranh buộc nhà Thanh phải mở cửa biên giới để buôn bán với nước ta như ải Bình Nhi, Thủy Khẩu (Cao Bằng), Hoa Sơn (Lạng Sơn)…
Đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, Quang Trung tỏ ra rộng rãi, mong muốn họ tăng cường quan hệ ngoại thương với Việt Nam, nhờ vậy, tình hình thương nghiệp (nội thương và ngoại thương) nước ta thời Quang Trung được phục hưng và phát triển.
Do chính sách nâng đỡ của Quang Trung, tình hình công thương nghiệp bị đình trệ hàng thế kỉ đã được phục hồi và dần dần đã có những biểu hiện phát triển rõ rệt.
Kinh tế công thương nghiệp càng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhất là trung tâm kinh tế Thăng Long.
Mô tả Thăng Long bấy giờ, có nhà nho thời Tây Sơn viết:
“Lò Thạch Khối khói tuôn nghi nghút
Thôi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm
Lửa đóm nhen năm xã gây lò”
Nguyễn Huy Lượng ghi lại trong bài phú Tụng Tây Hồ như sau:
“Ở đây cảnh hoang tàn của những năm cuối thời Lê mạt, buổi ấy cũng góp phần tan hải, sáu thu trời bao xiết nỗi hoang khổ đã biến mất, để nhường chỗ những hoạt động công thương nghiệp nhộn nhịp”, “Khách Ngô Sở chợ tây ngồi san sát…, rập rền cuối bãi Đuôi nheo, thuyền thương khách chen buồm như bươm bướm…”
Đã thế lần đầu tiên sau thời Lê Trung Hưng, thương nhân Đại Việt được phép hoạt động trở lại, nhiều thuyền buồm buôn được đóng ở Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình để trở hàng hoá với thương nhân.
—
Bắc Hà vốn là trung tâm kinh tế – chính trị – văn hoá của cả nước hàng ngàn năm. Vậy mà đến thời Nguyễn thì Bắc Hà mất mùa, đói kém, giặc giã như ong, nông – thương đình đốn đến nỗi mà Pháp và Cờ Đen tranh giành Bắc Hà như trốn không người.
Quang Trung Hoàng đế (sinh năm 1753 – mất ngày 16 tháng 9 năm 1792), miếu hiệu Tây Sơn Thái Tổ (西山太祖; được dùng để phân biệt với Nguyễn Thái Tổ nhà Nguyễn), danh xưng khác là Bắc Bình Vương, tên khai sinh là Hồ Thơm, quê gốc Nghệ An sau đổi tên thành Nguyễn Huệ (阮惠), Nguyễn Quang Bình (阮光平), là một nhà chính trị, nhà quân sự người Việt Nam, vị hoàng đế thứ 2 của Nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông.
Nguyễn Huệ và 2 người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Tây Sơn tam kiệt, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía bắc và Nguyễn ở phía nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng Nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng Trong – Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ.
Ngoài ra, Quang Trung còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía nam, của Đại Thanh từ phía bắc. Bản thân ông đã cầm quân chiến đấu từ năm 18 tuổi, trong 20 năm liền đã trải qua hàng chục trận đánh lớn, và chưa thua một trận nào.
Nhà sử học Phan Huy Lê đã đánh giá “Quang Trung không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc mà còn là một nhà chính trị có biệt tài” Với nhãn quan tiến bộ, chỉ trong 3 năm, ông đã liên tiếp đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự,… nhằm xây dựng đất nước và tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại từ phương Tây.
Về nhân sự, ông đã xuống chiếu cầu hiền và trọng dụng nhiều nhân tài như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiệp, Nguyễn Huy Lượng,…
Về quân sự, ông cho xây dựng quân đội trang bị hiện đại. Về kinh tế, ông cải cách chế độ đinh điền và ruộng đất, khuyến khích thủ công nghiệp, mở rộng ngoại thương với phương Tây.
Về giáo dục, ông cải tiến thi cử theo hướng thiết thực và ban hành chính sách khuyến học, khuyến khích dùng chữ Nôm thuần Việt thay cho chữ Hán, sắp xếp lại chùa chiền dư thừa và bài trừ mê tín dị đoan.
Giới sử học đánh giá rất cao những cải cách này bởi chúng mang xu hướng rất tiến bộ và vượt trên các nước châu Á đương thời, có thể đưa đất nước thoát khỏi sự trì trệ đã kéo dài trên 100 năm của chế độ phong kiến thời Trịnh – Nguyễn.
Đến tận mãi sau này (năm 1822), Hoa kiều từng sống ở Huế dưới thời Tây Sơn vẫn còn hoài niệm về sự cai trị của Nguyễn Huệ, họ nhận xét với thương gia người Anh cho rằng Quang Trung cai trị ôn hòa và công bằng hơn các vua nhà Nguyễn (Gia Long và Minh Mạng).
Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Huệ đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn Sau 20 năm liên tục chinh chiến và 3 năm trị nước, khi tình hình đất nước bắt đầu có chuyển biến tốt thì Quang Trung đột ngột qua đời ở tuổi 39.
Sau cái chết của ông, Nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Người kế vị ông là Quang Toản vẫn còn quá nhỏ (9 tuổi) nên không đủ khả năng để lãnh đạo Đại Việt, triều đình lâm vào mâu thuẫn nội bộ và đã thất bại trong việc tiếp tục chống lại Nguyễn Ánh.
Nguyễn Huệ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liệt kê vào danh sách 14 vị Anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam. Nhiều trường học và đường phố ở các địa phương được đặt các tên Quang Trung và Nguyễn Huệ.
Nguồn: Đại Việt Sử Quán.