Phục hồi nông nghiệp, phát triển công thương nghiệp, mở rộng kinh tế hàng hoá là những yêu cầu cấp thiết của xã hội vào cuối thế kỉ XVIII. Những yêu cầu đó đã được Quang Trung chú ý giải quyết trong những chính sách kinh tế của triều đại mình.
Tình hình Bắc Hà những năm 1788 – 1789 hết sức khó khăn. Vì vậy, một trong những việc làm đầu tiên của triều vua Quang Trung là nhanh chóng hồi phục sản xuất nông nghiệp. Năm 1789, Ngài ban “Chiếu khuyến nông”, lệnh cho dân phiêu tán trở về quê cũ khôi phục ruộng đồng bỏ hoang.
Những xã nào chứa chấp kẻ trốn tránh đều bị trừng phạt. Sau một thời gian mà ruộng công còn bỏ hoang thì phải nộp thuế gấp đôi, ruộng tư thì bị sung công… Do đó, chỉ trong vòng 3 năm sau, nông nghiệp được phục hồi. Năm 1791, “mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình”.
Đối với công thương nghiệp, Quang Trung khuyến khích đẩy mạng sự phát triển thủ công nghiệp, mở rộng ngoại thương trên cơ sở phục hồi và phát triển. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn đó, ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền mới, Quang Trung chủ trương phát triển mọi ngành sản xuất nhằm xây dựng một nề kinh tế phồn thịnh, độc lập, tự chủ trong đó có công thương nghiệp.
Chủ trương khuyến khính phát triển công thương nghiệp của Quang Trung được thể hiện ở những sắc lệnh “khoan thư” sức dân. Năm 1789, Ngài bãi bỏ thuế điền cho nhân dân từ sông Gianh ra Bắc, động viên các tầng lớp nhân dân lao động phấn khởi sản xuất.
Để thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa thuận lợi, Quang Trung cho đúc tiền đồng mới (Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo). Đối với nước ngoài, Quang Trung chủ trương mở rộng trao đổi buôn bán, đấu tranh buộc nhà Thanh phải mở cửa biên giới để buôn bán với nước ta như ải Bình Nhi, Thủy Khẩu (Cao Bằng), Hoa Sơn (Lạng Sơn)…
Đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, Quang Trung tỏ ra rộng rãi, mong muốn họ tăng cường quan hệ ngoại thương với Việt Nam, nhờ vậy, tình hình thương nghiệp (nội thương và ngoại thương) nước ta thời Quang Trung được phục hưng và phát triển.
Do chính sách nâng đỡ của Quang Trung, tình hình công thương nghiệp bị đình trệ hàng thế kỉ đã được phục hồi và dần dần đã có những biểu hiện phát triển rõ rệt. Kinh tế công thương nghiệp càng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhất là trung tâm kinh tế Thăng Long.
Mô tả Thăng Long bấy giờ, có nhà nho thời Tây Sơn viết:
“Lò Thạch Khối khói tuôn nghi nghút
Thôi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm
Lửa đóm nhen năm xã gây lò”
Nguyễn Huy Lượng ghi lại trong bài phú Tụng Tây Hồ như sau:
“Ở đây cảnh hoang tàn của những năm cuối thời Lê mạt, buổi ấy cũng góp phần tan hải, sáu thu trời bao xiết nỗi hoang khổ đã biến mất, để nhường chỗ những hoạt động công thương nghiệp nhộn nhịp”, “Khách Ngô Sở chợ tây ngồi san sát…, rập rền cuối bãi Đuôi nheo, thuyền thương khách chen buồm như bươm bướm…”
Đã thế lần đầu tiên sau thời Lê Trung Hưng, thương nhân Đại Việt được phép hoạt động trở lại, nhiều thuyền buồm buôn được đóng ở Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình để trở hàng hoá với thương nhân.
—
Bắc Hà vốn là trung tâm kinh tế – chính trị – văn hoá của cả nước hàng ngàn năm. Vậy mà đến thời Nguyễn thì Bắc Hà mất mùa, đói kém, giặc giã như ong, nông – thương đình đốn đến nỗi mà Pháp và Cờ Đen tranh giành Bắc Hà như trốn không người.
Nguồn: Đại Việt Sử Quán.