Lý thuyết về chi phí cơ hội và bình quân gia quyền sẽ giải thích tại sao các hoa hậu, người đẹp, “chân dài” thường yêu đương và kết hôn với doanh nhân, đại gia.
“Kinh tế” là từ Hán Việt, rút gọn của “kinh bang tế thế”, có nghĩa “trị nước giúp đời”, chỉ công việc của vua, quan trọng cai trị đất nước: chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần của dân. Nhưng từ kinh tế này được dùng để chỉ kinh tế học kiểu thị trường của phương Tây.
Với nhiều người kinh tế là khái niệm mơ hồ và xa xôi. Tuy nhiên hiểu biết về kinh tế giúp bạn cải thiện cuộc sống, tiêu dùng tốt hơn, khôn ngoan hơn. Tại sao lại có lạm phát? Tại sao một số người lại quá giàu, số khác quá nghèo? Những câu hỏi kinh tế này liên quan đến xã hội, hành vi con người, đời sống của bạn.
Nhờ hiểu biết kinh tế mà bạn có khả năng kiếm tiền, làm giàu. Ví dụ giá xăng tăng, người dân sẽ chuyển sang dùng xe đạp điện, để tiết kiệm nhiên liệu. Những người nhanh nhạy với tình hình sẽ nhập xe đạp điện về bán. Hay khi Chính phủ ra quy định dùng mũ bảo hiểm, những người này sẽ mua và bán mũ bảo hiểm ngay từ lúc quy định đó chưa được ban hành.
Thời gian gần đây, những câu chuyện về các người đẹp có xích mích trong chuyện hôn nhân rộ lên trong giới truyền thông. Từ việc ca sĩ – người mẫu Diệp Lâm Anh bị đồn “cơm không lành” với người chồng doanh nhân, cho đến chuyện Hoa hậu Đại dương Đặng Thu Thảo ly hôn, bị chồng cũ dọa kiện.
Bỏ qua những câu chuyện drama về tình tiết vụ việc, nhiều người đặt câu hỏi tại sao những người đẹp chân dài lại thường cưới đại gia, nhưng rồi không phải ai cũng có cái kết viên mãn.
Trên thực tế, những mối quan hệ xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tình cảm nhưng chúng cũng không tránh khỏi các quy luật kinh tế. Trong xã hội ngày nay, mối liên hệ giữa tài sản và sự hấp dẫn cá nhân khá chặt chẽ, tạo nên những cuộc tình đại gia-chân dài.
Hãy tưởng tượng tất cả mọi người đều muốn sống trong một căn nhà khang trang, gần trường học tốt, đi xe xịn và một cuộc sống không phải lo nghĩ về tài chính. Những người có thu nhập thấp khó lòng đạt được những điều như vậy và không có gì khó hiểu khi phụ nữ đẹp xếp khả năng kiếm tiền lên đầu danh sách các điểm họ thấy hấp dẫn ở đàn ông.
Tất nhiên, các nhà kinh tế học không khẳng định rằng tình yêu không có vai trò gì trong việc chọn bạn đời, nhưng tình yêu không là tất cả. Tác giả F.Scott Fitzgerald của tác phẩm “Gatsby vĩ đại” luôn có quan điểm rằng điều kiện vật chất rất quan trọng trong quá trình tìm kiếm bạn đời. Thế nhưng chính bản thân ông cũng khuyên bạn bè rằng: “Hãy kiếm tiền trước rồi sau đó kết hôn vì tình”.
Cách Bill Gates, Jeff Bezos chọn vợ
Tuy mỗi cá nhân trong số 7 tỷ người trên hành tinh này khác nhau về nhiều mặt nhưng chắc chắn ai cũng có những tiêu chuẩn tìm bạn đời cho riêng mình cho dù họ có nhận thức được hay không. Những tiêu chuẩn này thay đổi tuỳ theo truyền thống văn hoá, nơi sinh sống và môi trường phát triển.
Ví dụ, nhiều người muốn có bạn đời tử tế, chung thuỷ, khoẻ mạnh hơn là phải giàu có. Một số người thì lại hướng đến hình thức ưa nhìn, khéo ăn nói, biết quan tâm, trong khi số khác thì lại coi trọng khả năng tài chính của đối phương.
Trong xã hội ngày nay, thường những phụ nữ đẹp, có sức hút với cánh đàn ông sẽ bị hấp dẫn bởi những người thành đạt về mặt tài chính. Sức hút này không chỉ nằm ở năng lực kiếm tiền mà còn ở sự tư duy, khả năng giáo dục con cái, danh vọng xã hội…
Thậm chí ngay cả với cánh đàn ông, dù trước đây không để ý đến khả năng kiếm tiền của phụ nữ nhưng gần đây họ cũng đã bắt đầu chú ý. Việc cưới một cô gái có trình độ, đủ sức kiếm tiền đáng suy xét hơn so với một đối tượng chưa đủ sức nuôi nổi bản thân.
Hãy nhìn những tỷ phú như Bill Gates hay Jeff Bezos chọn vợ. Bà Melinda Gates hay Mackenzie Scott đều là những người có trình độ giáo dục và tri thức, thậm chí tài năng trong lĩnh vực sự nghiệp của mình trước khi lấy chồng.
Theo lý thuyết kinh tế, mọi người sẽ có mức bình quân gia quyền về các đặc điểm mà họ sở hữu, đại diện cho mức độ quan trọng cho tính cách. Những người tìm bạn đời sẽ dựa trên thang điểm này để tìm kiếm đối tượng thích hợp.
Ví dụ những đại gia chú trọng về ngoại hình khi kiếm bạn đời sẽ đặt thang điểm này cao hơn so với các tính cách khác như sự chung thuỷ, độ thông minh…Những cô gái đẹp coi trọng điều kiện tài chính cũng sẽ đặt yếu tố này có thang điểm cao hơn so với hình thức, tuổi tác.
Kết quả là những người 10 điểm trong mắt đại gia sẽ cưới người 10 điểm trong mắt các phụ nữ đẹp, rồi 9 điểm đi với 9 điểm.
Điều này lý giải tại sao phụ nữ đẹp thường lấy đại gia hoặc những nam giới có ngoại hình đẹp, giỏi ăn nói hay chí ít có một yếu tố nào đó đạt 10 điểm trong mắt họ. Ngược lại, các đại gia cũng thường lấy vợ đẹp hoặc chí ít có một mặt nào đó đạt tiêu chuẩn trong mắt chọn bạn đời.
Tất nhiên đây là cách ngớ ngẩn khi mô tả chuyện yêu đương hẹn hò nhưng nó phần nào mô tả được về bản chất kinh tế khi tìm hiểu lẫn nhau trong xã hội trọng vật chất ngày nay.
Chi phí cơ hội trong hôn nhân
Nói về chuyện kết hôn, yêu đương, một vấn đề nữa mà lý thuyết kinh tế có thể giải thích được phần nào là tình trạng kết hôn muộn ngày nay.
Tại Anh, độ tuổi kết hôn lần đầu bình quân là 26 với nam và 23 với nữ vào năm 1960. Thế nhưng hiện nay độ tuổi này đã tăng lên hơn 30 với cả 2 giới. Thậm chí tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều bạn trẻ còn cổ xuý lối sống độc thân, không hết hôn.
Vậy tại sao mọi người lại hờ hững với tờ giấy hôn thú đến vậy? Dù có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những lý do chính là chi phí cơ hội khi kết hôn.
Đối với cả 2 giới, việc kết hôn sớm khiến họ phải từ bỏ nhiều thứ, nhất là khi có con. Họ sẽ không thể xây dựng sự nghiệp, hưởng thụ cuộc sống hay làm những điều mình thích khi đã có gia đình. Nói đơn giản là chi phí cơ hội cho việc kết hôn sớm ngày nay cao hơn trước rất nhiều.
Nếu trước đây, các cặp đôi thường xác định đối tượng sớm để kết hôn với những ứng viên sáng giá trước khi bị ế thì ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, kinh tế, con người có thể mở rộng mối quan hệ xã hội hơn. Nhờ đó, họ sẽ chẳng lo hết ứng cử viên và chi phí cơ hội của việc không kết hôn sớm hiện nay nhỏ hơn rất nhiều.
Nói đơn giản, ngày nay dù có lớn tuổi cũng không lo sợ ế như ngày trước.
Một chi phí cơ hội nữa khi không kết hôn sớm là sức khoẻ. Trước đây việc cưới sớm giúp các cặp đôi nuôi con khi còn khoẻ mạnh nhưng lợi ích này dần mất đi khi chăm sóc y tế và tuổi thọ con người được cải thiện cùng chất lượng sống tăng cao.
Rõ ràng, chi phí cơ hội của việc kết hôn sớm ngày càng tăng trong khi lợi ích ngày một giảm thì tại sao các bạn trẻ lại phải quan tâm đến những tờ giấy hôn thú cơ chứ.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị
Xem thêm bài liên quan
- Cô bé phục vụ quán cháo đêm và bài học kinh doanh cho bất kể ai đang làm ăn: “Tạo ra sự khác biệt từ những điều nhỏ nhất”
- 7 bài học kinh doanh thực chiến trường đại học Harvard đang dạy sinh viên: Thực tế và cực hữu ích để trở thành doanh nhân thành công
- Tài làm kinh tế của vua Quang Trung Nguyễn Huệ: Chấn hưng nền kinh tế Bắc Hà công thương nghiệp nhộn nhịp