Là một người cha có hai con trai đang ở ngưỡng tuổi quan trọng của cuộc đời, Shark Phú có cách giáo dục con cái rất hay đáng để các bậc cha mẹ học hỏi.
Buổi tối đi làm về, ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch Tập đoàn SUNHOUSE thấy vợ vẫn chờ cơm. Hai cậu con trai, khi ấy một 20 tuổi và một 18 tuổi đi vắng. Cả tuần nay ông chưa nhìn thấy các con.

Một cảm giác hụt hẫng dâng lên. Ông giật mình nhận ra dường như ông rất ít khi về nhà ăn cơm và có một bữa cơm đúng nghĩa bên mọi người. Đã đến lúc, ông phải nhìn lại cách sinh hoạt của gia đình trước khi quá muộn.
Trước đó, cộng đồng mạng xã hội từng xôn xao hình ảnh Shark Phú đeo tạp dề đứng bếp nấu ăn. Mọi người cho rằng, một người bận rộn và thành công như ông Phú, lý nào lại phải làm công việc nội trợ. Song, với ông Phú, đó là bước đi đầu tiên trong “chiến lược” tạo lập thói quen và giáo dục các con của mình.
Từng có tuổi thơ cơ cực, Shark Phú kể bố mẹ ông phải chật vật kiếm sống mỗi ngày nhưng dù bận rộn đến đâu, cả gia đình vẫn quây quần bên mâm cơm.
Trong miền ký ức về tuổi thơ, điều ông nhớ nhất không phải sự nghèo khó mà là những bữa cơm đầm ấm và tràn ngập tiếng cười. Cha mẹ trao đổi với nhau những câu chuyện trong nhà, bảo ban, khích lệ các con; còn anh em thì trêu đùa tếu táo.

Sau này, khi lập gia đình, ông cũng hay đứng bếp cùng vợ để chia sẻ những món ăn mà ba mẹ thích, giúp con dâu lấy lòng mẹ chồng. Có điều, thói quen ấy dần bị lãng quên khi công việc kinh doanh bắt đầu bận rộn cho đến khi những bữa cơm vắng mặt ông trở nên quen thuộc…
“Nhiều khi tôi cảm thấy một khoảng cách tồn tại giữa tôi và con. Con tôi thấy thành công của tôi là vô nghĩa bởi lúc nào bố cũng bận rộn công việc, không có nhiều thời gian dành cho con”, vị Shark sinh năm 1971 chia sẻ trên báo VnExpress.
Người Việt Nam thường có câu, “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Còn với Shark Phú, tài sản thặng dư của cuộc đời mỗi người chính là con cái. “Cha tôi từng dạy tôi như vậy và tôi cũng muốn truyền lại cho con cái mình, thông qua bữa cơm gia đình”, ông nói.
Để thay đổi, Shark Phú đặt mục tiêu về nhà ăn cơm 2-3 lần mỗi tuần dù ông thừa nhận: “Đây là quyết định không hề dễ dàng”.
Không chỉ cố gắng sắp xếp thời gian ăn cơm, ông Phú còn giúp vợ vào bếp nấu nướng. Qua đó, dạy hai cậu con trai những bài học về cuộc sống và đạo lý đối nhân xử thế.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phú cũng chỉ ra sai lầm trong cách giáo dục con cái của rất nhiều cha mẹ Việt như áp đặt, bắt con phải nghe theo lời mình. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ khiến các con trở nên xa cách bởi giới trẻ luôn có tư tưởng phản kháng khi bị ép buộc làm điều gì đó.
Hơn nữa, con cái không phải cấp dưới mà cũng giống như những người bạn, có quyền đưa ra ý kiến riêng và tự nhận thức được điều gì đúng, điều gì sai…
Mọi việc ông làm, những điều ông chia sẻ cho con cái đều ở thế ôn hòa, chia sẻ và góp ý, đồng thời ông cũng tích cực lắng nghe bởi “thú thật, nhiều lúc mình không biết tụi trẻ đang nghĩ gì, làm gì”.
“Tôi không áp đặt hay bắt con phải nghe theo lời mình mà thông qua câu chuyện kinh doanh, xã hội thường nhật trong mỗi bữa cơm để con hiểu về cuộc sống. Từ đó, tự định hình lý tưởng sống cho riêng mình”, Shark Phú cho hay.
Sống nửa đời người, “vị cá mập” Xuân Phú càng thấm thía giá trị của sự sum họp chứ không phải những bữa ăn nhanh ngoài đường.
Với cương vị một người cha, ông Phú cũng nhắn nhủ những bạn trẻ đang ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi như các con ông đừng lặp lại sai lầm một thời của mình khi quá coi trọng sự nghiệp mà không dành thời gian cho gia đình.
Shark Phú: Tôi nghĩ mỗi gia đình có 100 tỷ thôi là đủ, tiền nhiều chỉ có ý nghĩa cho người có tham vọng
– Shark Phú là một người truyền cảm hứng rất giỏi, chắc hẳn con cái ông sẽ rất hạnh phúc?
– Tôi nghĩ là bất hạnh hơn hạnh phúc. Khi có một người có cái bóng quá lớn, dù những đứa trẻ rất giỏi, rất thành công, thiên hạ luôn nghĩ sự thành công đó nhờ cha mẹ.
Tôi nghĩ rằng những đứa trẻ đó, sinh ra ở những gia đình có bố mẹ, ông bà thành công, là bất hạnh hơn những đứa trẻ sinh ra ở gia đình khổ sở.
Tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ sinh ra ở các gia đình có điều kiện, nhưng họ cảm thấy tiêu cực, họ làm ra được nhưng thiên hạ không công nhận.
Tôi chỉ mong muốn rạch ròi việc đó, để con cái mình tự tạo ra giá trị của bản thân, của riêng nó. Mình cũng không cố gắng dùng các uy tín, lợi thế của mình để giúp đỡ các bạn ấy.
Chỉ cố gắng khuyến khích các bạn ấy tự lập, làm sao đi theo con đường riêng của mình. Khi nào thực sự trải nghiệm rồi, quay lại tham gia công ty. Tôi không gò ép theo nghiệp gia đình, mà do các bạn tự quyết định.

– Vợ có bao giờ phàn nàn về một người chồng doanh nhân quá bận rộn hay không?
– Chắc chắn. Người phụ nào cũng mong muốn chồng dành nhiều thời gian cho gia đình. Tôi vẫn chia sẻ với vợ rằng cuộc đời cái gì cũng có giá của nó. Cạnh hòn núi cao bao giờ cũng có vực sâu.
Ở cạnh người thành đạt ở lĩnh vực này thì bao giờ cũng thua thiệt ở lĩnh vực khác. Rất khó để hài hòa, mà hài hòa thì mọi thứ lại bình bình.
Mọi người phải đứng ở góc nhìn của người khác, để hiểu và chia sẻ được, rồi chấp nhận. Mong muốn một cái gì đó hoàn hảo thì rất khó. Muốn một người đàn ông thành đạt thì phải chấp nhận việc có ít thời gian họ trao cho mình.
Tôi nghĩ đó là cái giá của sự đánh đổi. Rất may bà xã tôi rất hiểu việc đó nên chỉ phàn nàn cho vui thôi.
– Tiền với ông bao nhiêu là đủ? Ông sẽ còn kiếm tiền đến bao giờ?
– Thực ra nếu nói về tài sản cá nhân, tôi cho rằng chỉ cần tiền đủ để trang trải nhu cầu tối thiểu như ăn uống, đi lại, nhà cửa. Nếu lớn hơn số đó không có nhiều giá trị cho cá nhân. Tôi nghĩ một gia đình có khoảng 100 tỷ thôi là đầy đủ phục vụ. Lớn hơn 100 tỷ để phục vụ cá nhân thì không còn nhiều giá trị.
Tuy nhiên, tiền là vật ngang giá, là phương tiện để ta đạt được mục đích. Nếu ai đó có tham vọng làm thay đổi thế giới, tạo cái gì đó cho thế giới thì lại phải cần rất rất nhiều tiền.
Vậy thì tôi nghĩ tiền nhiều chỉ có ý nghĩa cho người có tham vọng, muốn làm gì đó cho nhân loại. Nếu cá nhân nào không có tham vọng đó, không nhất thiết phải nhiều tiền làm gì.
Bởi nhiều tiền có khi là khổ, chứ không hạnh phúc đâu.
Xem thêm bài liên quan
- Cả kho tàng bài học từ bữa cơm gia đình của tỷ phú Lý Gia Thành: Mỗi tiểu tiết đều thể hiện tính cách con người, tỷ phú dạy con bài học nhẹ nhàng mà cực sâu sắc
- 23 quy tắc dạy con khi dùng bữa của tỷ phú Lý Gia Thành: Thành hay bại, giàu hay nghèo của đời người đều từ đây mà ra!
- Ly kỳ chuyện dạy con nối nghiệp như phim của tỷ phú Lý Gia Thành: Từ bỏ “ngai vàng” nhưng vẫn thành vua!